Thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản trong tố tụng hình sự

Một phần của tài liệu Kê biên tài sản theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 34 - 36)

Những người có thẩm quyền ra lệnh KBTS được quy định tại khoản 2 Điều 128 BLTTHS năm 2015 là những người có thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTHS năm 2015 và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Vì hoạt động KBTS làm hạn chế quyền sở hữu tài sản của bị can, bị cáo nên người có thẩm quyền ra lệnh KBTS cũng là cấp trưởng, phó của các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc Hội đồng xét xử. Như vậy, những người có quyền ra lệnh KBTS bao gồm:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp. Lệnh KBTS do chủ thể này ban hành phải được thông báo ngay cho VKS cùng cấp trước khi thi hành.

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS quân sự các cấp.

- Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Với các chủ thể được quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTHS năm 2015 cũng cho thấy hoạt động KBTS được phép tiến hành ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Chính vì vậy, để đảm bảo cho việc KBTS được áp dụng kịp thời, chính xác thì ở mỗi giai đoạn tiến hành tố tụng lại có những chủ thể có thẩm quyền tương ứng với giai đoạn đó để ra quyết định áp dụng biện pháp KBTS. Tài sản kê biên chỉ phục vụ cho việc điều tra, xét xử các vụ án và để đảm bảo cho việc thi hành án đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, đối với quyết định KBTS do Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp ban hành thì phải được thông báo ngay cho VKS cùng cấp trước khi thi hành còn các chủ thể khác như: VKS và Tòa án thì không cần vì: Xuất phát từ chức năng của cơ quan VKS là kiểm sát hoạt động tư pháp nên VKS cần có mặt khi hoạt động kê biên được tiến hành nhằm đảm bảo việc KBTS sẽ trình tự, thủ tục luật định và đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Tuy nhiên, sự

có mặt của VKS khi KBTS có ý nghĩa ở giai đoạn điều tra còn đến giai đoạn truy tố thì lệnh kê biên do VKS ra quyết định nên VKS tự chịu trách nhiệm.

So với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 vừa mở rộng vừa hạn chế những người có thẩm quyền ra lệnh KBTS.

Thứ nhất, ngoài những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của BLTTHS năm 2015 gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử BLTTHS năm 2015 còn bổ sung thêm một chủ thể có thẩm quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trong đó có biện pháp KBTS là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Quy định này nhằm đáp ứng thực tiễn có những vụ án hình sự đang được tiến hành xét xử thì Chủ tọa phiên tòa nhận thấy cần áp dụng biện pháp KBTS nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, trốn tránh trách nhiệm dân sự gây khó khăn cho thủ tục thi hành án hình sự sau này. Chính vì vậy, việc mở rộng chủ thể có thẩm quyền là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ bảo đảm hơn sự linh hoạt, độc lập và hiệu quả giải quyết vụ án hình sự, đặc biệt ở giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Thứ hai, BLTTHS năm 2015 đã lược bỏ thẩm quyền ra lệnh KBTS đối với Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa án phúc thẩm nhân dân tối cao mà quy định chung là Chánh án, Phó Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp.

Qua nghiên cứu trên có thể thấy những đặc điểm nổi bật về thẩm quyền áp dụng biện pháp KBTS trong tố tụng hình sự:

Một là, thẩm quyền áp dụng biện pháp KBTS thuộc về CQĐT, VKS và Tòa án gắn với các giai đoạn tiến hành tố tụng: giai đoạn khởi tố vụ án, điều tra, truy tố, xét xử22… Việc quy định thẩm quyền như trên giúp việc biện pháp KBTS có thể được áp dụng ở bất kỳ giai đoạn nào trong tố tụng hình sự nhằm áp dụng đúng, chính xác quy định của pháp luật và kịp thời ngăn cản các hành vi tẩu tán tài sản của các chủ thể bị KBTS. Mặt khác, gắn với mỗi giai đoạn tố tụng thì những người này là những người hiểu rõ nhất về tình tiết, nội dung vụ án từ đó quyết định áp dụng biện pháp KBTS sẽ chính xác, hợp lý.

22

Hai là, mỗi một cơ quan (CQĐT, VKS, Tòa án) sẽ chỉ có một số chức danh quản lý có thẩm quyền KBTS và thẩm quyền này thuộc về người có chức vụ trong cơ quan đó. KBTS có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người bị cưỡng chế nên đòi hỏi người có thẩm quyền ra quyết định phải có “tầm” và “danh phận” nhất định để đảm bảo mỗi quyết định cưỡng chế được ban hành có được tính hợp pháp, hợp lý, hạn chế khiếu nại, khởi kiện. Một lý do khác mà các chức danh có thẩm quyền cưỡng chế KBTS là những chức danh được “chọn lọc” cao vì tính trách nhiệm của mỗi quyết định cưỡng chế buộc người có thẩm quyền cưỡng chế phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định. Đồng thời, trong quá trình áp dụng các biện pháp cưỡng chế, đặc biệt là biện pháp KBTS thường cần đến sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát nhân dân hoặc cá nhân, cơ quan, tổ khác khác, do vậy để có thể yêu cầu sự hỗ trợ của các chủ thể này đòi hỏi người có thẩm quyền cưỡng chế phải có những địa vị pháp lý nhất định.

Một phần của tài liệu Kê biên tài sản theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 34 - 36)