Về thẩm quyền kê biên tài sản trong tố tụng hình sự

Một phần của tài liệu Kê biên tài sản theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 53 - 55)

BLTTHS năm 2015 quy định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh KBTS (khoản 2 Điều 128).

Tuy nhiên, Bộ luật này và các văn bản liên quan chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể, không quy định rõ thẩm quyền thi hành lệnh KBTS là do cơ quan đã ban hành lệnh KBTS hay phải chuyển cho CQĐT hoặc lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp để thi hành. Về vấn đề này, ngày 19/11/2018, VKSNDTC đã ban hành Công văn số 5024/VKSTC-V14 về việc giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS và nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân, hướng dẫn về vấn đề trên. Theo đó, người có thẩm quyền của cơ quan nào ra lệnh thì cơ quan đó có trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn như vậy là khó khả thi vì các lý do sau:

Thứ nhất, do việc KBTS đòi hỏi cơ quan thực hiện phải có kinh nghiệm, đầy đủ lực lượng và được trang bị các công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, qua thực tiễn cho thấy, lực lượng kê biên còn phải xây dựng các phương án và tình huống xảy ra khi chủ sở hữu tài sản hoặc người đang quản lý tài sản chống đối, cố tình không thực hiện việc giao tài sản bị kê biên. Cùng với đó, cơ quan, tổ chức nơi đang lưu giữ tài sản bị kê biên, tổ chức nơi đang lưu giữ tài sản bị kê biên, chính quyền địa phương không có nghĩa vụ phải phối hợp với cơ quan thực thi lệnh KBTS. Do đó, để thi hành lệnh KBTS, các cơ quan như VKS hay Tòa án khó có thể tự mình thực hiện.

Thứ hai, KBTS đòi hỏi phải được tiến hành một cách chặt chẽ về thời gian, địa điểm với sự có mặt của đương sự hoặc người đã thành niên trong gia đình, chính quyền, xã, phường, thị trấn và người chứng kiến. Việc KBTS phải lập thành biên bản kê biên, giao, bảo quản tài sản kê biên với nội dung mô tả rõ tình trạng tài sản, quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản, những khiếu nại, kiến nghị của đương sự và những người tham gia KBTS. Biên bản kê biên phải có đầy đủ chữ ký

của các thành phần tham gia theo quy định của pháp luật. Điều đó đồng nghĩa việc thực hiện KBTS phải được tiến hành tại nơi có tài sản và là nơi đương sự cư trú.

Thứ ba, HĐXX mặc dù được trao quyền ra quyết định KBTS tuy nhiên không thể thực thi quyết định KBTS. Điều này xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự: Việc xét xử phải được tiến hành liên tục nên Tòa án không thể tạm dừng, di chuyển đến nơi có tài sản để thực hiện lệnh kê biên rồi tiếp tục quay lại Tòa án để tiếp tục xét xử41.

Chính vì vậy, mặc dù VKSNDTC đã hướng dẫn như trên nhưng thực tế sau khi quyết định KBTS được cơ quan có thẩm quyền ban hành thì được chuyển đến giao cho CQĐT thực hiện. Việc CQĐT tiến hành KBTS phù hợp với thực tiễn khi BLTTHS năm 2015 quy định cho VKS, Tòa án, HĐXX có thẩm quyền ban hành quyết định KBTS nhưng lại không có lực lượng, phương tiện để thực hiện.

Điều này cũng phù hợp với quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 BLTTHS năm 2015 có quy định như sau: “Điều tra viên có nhiệm vụ thi hành các biện pháp ngăn chặn như: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng và KBTS”.

Qua khảo sát của tác giả được trình bày ở phụ lục II cho thấy: Việc kê biên tài sản hầu như đều được thực hiện ở giai đoạn điều tra vụ án hình sự vì thời điểm này CQĐT có đủ lực lượng, phương tiện để có thể xác minh được đầy đủ về tài sản của bị can, bị cáo.

Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã quy định thẩm quyền KBTS thuộc về: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh KBTS tuy nhiên chỉ có CQĐT là có đủ điều kiện thực thi lệnh kê biên này trên thực tế còn các cơ quan VKS, Tòa án hay ở phiên tòa là HĐXX đều có đủ điều kiện để thực thi quyền này. BLTTHS năm 2015 lại thiếu vắng quy định trực tiếp về cơ quan có thẩm quyền thực thi biện pháp cưỡng chế KBTS chính vì vậy đã gây nên sự lúng túng trong việc giải thích quy định này.

41

Một phần của tài liệu Kê biên tài sản theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 53 - 55)