Về hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản trong tố tụng hình sự

Một phần của tài liệu Kê biên tài sản theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 65 - 67)

Theo quy định tại Điều 130 BLTTHS năm 2015 thì biện pháp KBTS đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: (i) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; (ii) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; (iii) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội; (iv) Bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 130 BLTTHS 2015 cũng quy định trong quá trình áp dụng, nếu thấy biện pháp này không còn cần thiết thì CQĐT, VKS, Tòa án hủy bỏ biện pháp KBTS. Nếu hủy bỏ biện pháp kê biên trong giai đoạn điều tra, truy tố thì phải thông báo cho VKS trước khi quyết định.

Về mặt quy định của pháp luật, khoản 2 Điều 130 BLTTHS năm 2015 quy định về việc CQĐT, VKS, Tòa án hủy bỏ biện pháp KBTS khi thấy không còn cần thiết. Đây là một quy định mang tính tùy nghi, cho phép các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cân nhắc giữa việc tiếp tục áp dụng hay hủy bỏ biện pháp KBTS. Ví dụ: Trở lại với vụ án công ty Địa ốc An Khang bị đề nghị khởi tố về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ngày 21/03/2019, Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra Quyết định số 01/QĐ-TAT về việc hủy bỏ biện pháp KBTS đối với Công ty Cổ phần Địa ốc An Khang và các thành viên liên quan với lý do là: Việc KBTS đến nay là không còn cần thiết, do đó đã quyết định huỷ bỏ biện pháp

KBTS theo các Lệnh KBTS số 05, 06, 07, 08, 09, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16/C48-P3 đối với hàng loạt các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị kê biên trước đó54

. Như vậy, với căn cứ tại khoản 2 Điều 130 BLTTHS năm 2015: “Tòa án hủy bỏ biện pháp KBTS khi thấy không còn cần thiết” đã giúp doanh nghiệp được “cởi trói” bởi lệnh KBTS từ năm 2011. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, việc tham gia vào quá trình tố tụng kéo dài và sự chần chừ của cơ quan tiến hành tố tụng đã gây ra thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh. Quy định này cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các quy định của pháp luật một cách linh hoạt nhưng cũng dẫn đến những điểm bất cập trong quá trình giải quyết vụ án. Có thể có cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cho rằng cần phải hủy bỏ biện pháp này nhưng các chủ thể khác thì cho rằng biện pháp này vẫn cần được áp dụng. Hoặc có sự khác nhau giữa các địa phương khi quyết định áp dụng hoặc hủy bỏ biện pháp KBTS đối với các vụ việc có tính chất tương tự nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo và những người khác có liên quan đến tài sản bị kê biên. Tuy nhiên, theo quan điểm tác giả quy định như trên là hợp lý vì thực tiễn có muôn hình vạn trạng tình huống mà các nhà làm luật không thể lường trước được chính vì vậy quy định này sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền có thể linh hoạt áp dụng để bảo vệ lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Bên cạnh đó, cũng tại khoản 2 Điều 130 BLTTHS năm 2015 quy định đối với biện pháp KBTS trong giai đoạn điều tra, truy tố thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải thông báo cho VKS trước khi quyết định. Trong giai đoạn điều tra, chủ thể tiến hành biện pháp KBTS là CQĐT thì trước khi quyết định hủy bỏ phải thông báo cho VKS. Nhưng trong giai đoạn truy tố, có thể VKS quyết định hủy bỏ biện pháp KBTS. Vậy theo quy định của luật thì VKS phải thông báo và đồng thời VKS cũng là cơ quan tiếp nhận thông báo. Đây là một điểm chưa rõ trong quy định của BLTTHS nếu áp dụng trên thực tế sẽ gây khó khăn cho các cơ quan ra quyết định hủy bỏ biện pháp KBTS.

Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục hủy bỏ biện pháp KBTS như: Khi ra quyết định hủy bỏ biện pháp KBTS thì gửi quyết định đó cho những chủ thể nào, trong thời hạn bao lâu kể từ khi ra quyết định, cơ quan nào tổ chức thực hiện quyết định hủy quyết định KBTS...

54

Ngọc Bùi, https://www.moitruongvadothi.vn/do-thi/bat-dong-san/br-vt-huy-bo-ke-bien-tai-san-doi-voi-cong - ty-an-khang-a44263.html, ngày 25/03/2020, truy cập ngày 19/06/2021, lúc: 11:27.

Một phần của tài liệu Kê biên tài sản theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 65 - 67)