Bên cạnh những kết quả đạt được của người bào chữa khi tham gia tố tụng hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị buộc tội. Tình trạng một số người bào chữa đã không tuân thủ, vi phạm nghĩa vụ vẫn còn nhiều trên thực tế, điều này gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người buộc tội cũng như ảnh hưởng đến sự thật khách quan vụ án.
Người bào chữa giúp người buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, đây là nghĩa vụ đương nhiên của người bào chữa đối với người buộc tội. Tuy nhiên, một số người bào chữa sau khi nhận thù lao đã không tuân thủ nghĩa vụ này, đã có hành vi như trốn tránh, đặc biệt có trường hợp còn bỏ trốn, việc làm này gây mất niềm tin và gây ảnh hưởng lớn đối với người bị buộc tội.
Có nhiều trường hợp người bào chữa từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mình đã đảm nhận, mà không vì lí do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Để đối phó với người bị buộc tội và cơ quan tiến hành tố tụng, người bào chữa viện ra những lí do rất khó để chấp nhận như đau ốm, bận việc riêng gia đình (cưới, hỏi, ma chay) nhưng không có chứng cứ để chứng minh, trong khi đó người bào chữa tự ý thức được trường hợp này họ có thể tiếp tục bào chữa cho người bị buộc tội mà không cần phải từ chối bào chữa.
Khi tham gia tố tụng hình sự người bào chữa có nhiệm vụ, mục đích là sử dụng mọi biện pháp theo quy định của pháp luật để làm sáng tỏ các tình tiết xác định người buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do ý thức còn hạn chế nên một số người bào chữa đã bất chấp quy định pháp luật đã sử dụng các biện pháp trái pháp luật như tạo chứng cứ giả, mua chuộc, xúi giục người tham gia tố tụng, cung cấp tài liệu sai sự thật làm sai lệch sự thật khách quan vụ án. Đây là hành vi cần lên án đối với đạo đức hành nghề cũng như trách nhiệm của người bào chữa.
Trong một số phiên tòa hình sự một số người bào chữa xin vắng mặt và gửi bài bào chữa đến Tòa án, có trường hợp do người bào chữa không theo dõi lịch làm việc của Tòa án nên không biết thời gian đưa vụ án ra xét xử, trong khi đó theo quy định của pháp luật tố tụng người bào chữa phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.
Hiện nay một số người bào chữa sử dụng mạng xã hội để đưa ra quan điểm cá nhân với lời lẽ xúc phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, kích động cộng đồng mạng lên án hành vi vi phạm cơ quan tiến hành tố tụng, việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh người bào chữa mà còn ảnh hưởng đến an ninh xã hội.
Bộ luật tố tụng hình sự quy định người bào chữa không tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa. Tuy nhiên, thực tiễn một số người bào chữa chưa ý thức được nghĩa vụ của mình đã vi phạm nghĩa vụ này bằng cách đăng bài có nội dung về vụ án, về các thông tin nhân thân của người bị buộc tội trên các trang mạng xã hội, mà chưa được sự đồng ý bằng văn bản của người bị buộc tội.
Vì nặng về vật chất hoặc vì một lí do nào đó người bào chữa đã không tuân thủ pháp luật vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hứa hẹn kết quả nhưng đã không làm được, lừa dối, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Việc người bào chữa bị Tòa án kết tội về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ và các tội danh khác theo quy định Bộ luật hình sự hiện nay là không ít.
Từ những cơ sở trên cho thấy thực tiễn có một số người bào chữa tham gia tố tụng hình sự đã không tuân thủ nghĩa vụ của mình gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị buộc tội, ảnh hưởng đến bảo đảm công lý và bảo đảm hoạt động tố tụng hình sự. Đây là vấn đề cần lên án và cần có các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người bào chữa trong tố tụng hình sự.