Nghĩa vụ người bào chữa theo luật tố tụng hình sự Việt Nam lần đầu quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988. Việc quy định nghĩa vụ người bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 là bước ngoặc quan trọng đối với người bào chữa, nâng cao địa vị pháp lý tố tụng của người bào chữa trong tố tụng hình sự, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của người bào chữa.
Qúa trình thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, hoạt động người bào chữa góp phần làm cho tố tụng hình sự nước ta đạt được những kết quả đạt được. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng một số nghĩa vụ không còn phù hợp gây hạn chế hiệu quả hoạt động của người bào chữa trong tố tụng hình sự. Do đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã điều chỉnh, bổ sung một số quy định về nghĩa vụ của người bào chữa cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới.
Tổng kết sau hơn 10 năm thực thi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về nghĩa vụ của người bào chữa, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tiễn hoạt động về nghĩa vụ người bào chữa vẫn còn nhiều hạn chế, người bào chữa chưa thực hiện tốt việc bào chữa cho người bị buộc tội, còn thiếu cơ chế pháp lý về nghĩa vụ người bào chữa cho hoạt động. Vì vậy, trên sơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định chi tiết, cụ thể hơn, bổ sung một số quy định mới về nghĩa vụ của người bào chữa.
Trải qua hơn 30 năm kinh nghiệm lập pháp Việt Nam về nghĩa vụ người bào chữa, cho chúng ta thấy rằng Bộ luật tố tụng hình sự qua các năm luôn có sự sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với mục tiêu cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới, nâng cao trách nhiệm và vai trò của người bào chữa trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo đảm quyền và lợi ích người bị buộc tội.
- Kinh nghiệm lập pháp về nghĩa vụ người bào chữa không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội:
Nghĩa vụ này lần đầu quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, theo đó “người bào chữa không được từ chối bào chữa cho bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận, nếu không có lý do chính đáng”. Đến Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nghĩa vụ này được kế thừa phát triển tại điểm c khoản 3 Điều 58
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 “không được từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận bào chữa, nếu không có lý do chính đáng”. Nghiên cứu lập pháp cho ta thấy nghĩa vụ này được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 bổ sung thêm đối tượng người bị tạm giữ so với trước đó là bị can và bị cáo là người bào chữa không được từ chối bào chữa mà mình đã đảm nhận, nội dung còn lại của nghĩa vụ vẫn giữ nguyên.
Thực tiễn áp dụng nghĩa vụ này có nhiều rào cản đối với người bào chữa vì nhà lập pháp chưa đưa ra được khái niệm “nếu không có lý do chính đáng”. Thế nào là nếu không có lý do chính đáng để người bào chữa được từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận bào chữa, ví dụ đau ốm, thiên tai, hỏa hoạn có phải là lý do chính đáng hay không ?. Nhưng pháp luật tố tụng hình sự cũng như pháp luật hình sự chưa đưa ra được khái niệm này. Việc áp dụng phải căn cứ vào pháp luật dân sự, pháp luật lao động nhưng quy định này mang tính chất chung chung, rất khó áp dụng trong thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự.
Giải quyết vấn đề này Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã làm rõ khái niệm
“lý do chính đáng” người bào chữa được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận. Cụ thể theo quy định điểm c khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định “không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan”.
Theo khoản 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBVXH ngày 21/12/2018 giải thích: Lý do bất khả kháng ở đây được hiểu là những việc, tình huống, sự kiện diễn ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.
Việc nhà lập pháp đã điều chỉnh bổ sung, giải thích khái niệm “lý do chính đáng” đóng vai trò rất quan trọng trong bảo đảm quyền và lợi ích của người buộc tội, nâng cao trách nhiệm của người bào chữa.
- Kinh nghiệm lập pháp về nghĩa vụ người bào chữa có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng:
Nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án lần đầu quy định tại khoản 3 Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Đây được xem vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người bào chữa khi tham gia tố tụng hình sự. Việc quy định nghĩa vụ này cho ta thấy khi Tòa án triệu tập thì người bào chữa có nghĩa vụ có mặt, vậy vấn đề đặt ra Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát triệu tập thì người bào chữa có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập hay không ?. Do điều luật không quy định nên trong thực tiễn tố tụng vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn trở ngại gây ảnh hưởng đến bảo đảm hoạt động tố tụng hình sự cũng như quyền và lợi ích cho người bị buộc tội.
Khắc phục nghĩa vụ này, kế thừa Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, điểm đ khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhà lập pháp đã bổ sung nghĩa vụ này “có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này thì phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát”. Như vậy, nghĩa vụ của người bào chữa là có mặt thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội mà theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 tội đó có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân, tử hình hoặc người buộc tội có nhược điểm về tâm thần hoặc người dưới 18 tuổi thì người bào chữa có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
Nhà lập pháp đã bổ sung quy định nghĩa vụ này hoàn toàn phù hợp với tính nhân đạo, bình đẳng đối với những trường hợp chỉ định trong tố tụng hình sự. Đó là những trường hợp đặc thù, những trường hợp này cần có sự bảo vệ, trợ giúp pháp lý trong toàn bộ quá trình tố tụng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội.
- Kinh nghiệm lập pháp về nghĩa vụ người bào chữa không tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội:
Trước Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, pháp luật tố tụng hình sự không quy định nghĩa vụ này đối với người bào chữa, mà chỉ quy định người bào chữa không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa.
Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, năm 2003 không quy định nhưng Luật luật sư quy định nghĩa vụ này, cụ thể tại điểm c khoản 1 Điều 9 Luật luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định các hành vi nghiêm cấm “tiết lộ thông tin về vụ, việc về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật quy định khác”. Điều
25 Luật luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định bí mật thông tin
“luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật quy định khác; luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, cũng như quy tắc 12 trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành ngày 20/07/2011 quy định về giữ bí mật thông tin “luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Đối chiếu Bộ luật tố tụng hình sự và Luật luật sư cũng như Bộ quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư việc quy định nghĩa vụ này chưa đồng bộ, thống nhất dẫn đến rất khó áp dụng trong thực tiễn. Nhận thấy vấn đề bật cập này nhà lập pháp bổ sung nghĩa vụ này tại điểm g khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản”.
Việc nhà lập pháp bổ sung quy định này phù hợp với tính chất đặc thù của nghề luật sư đặt “giữa bí mật thông tin” lên hàng đầu cũng như phù hợp với chuẩn mực, quy tắc ứng xử chung của luật sư nhiều nước trên thế giới.
- Kinh nghiệm lập pháp về nghĩa vụ giao nộp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án người bào chữa có trách nhiệm giao cho Cơ quan tiến hành tố tụng:
Nghĩa vụ này lần đầu quy định tại điểm a khoản 3 Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định “tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, thì người bào chữa có trách nhiệm giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án”.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng nghĩa vụ này nhà lập pháp nhận ra còn nhiều vướng mắc bật cập gây ảnh hưởng đến hoạt động bào chữa của người bào chữa. Khi tham gia tố tụng người bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội, Viện kiểm sát thực hiện chức năng buộc tội, hai chức năng đối trọng nhau, Tòa án thực hiện chức năng xét xử, cả ba chức năng này có quan hệ biện chứng với nhau. Viện kiểm
sát, người bào chữa, Tòa án có trách nhiệm đi tìm sự thật khách quan vụ án. Người bào chữa thu thập chứng cứ nhằm mục đích gỡ tội, khi thu thập người bào chữa phải có nghĩa vụ giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến chứng cứ thiếu khách quan. Hơn nữa Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ra đời ghi nhận nguyên tắc “suy đoán vô tội” nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, bổ sung quyền của người bào chữa “được thu thập chứng cứ”.
Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tách nghĩa vụ này thành một điều luật riêng quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về việc thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa.
Việc Nhà lập pháp tách nghĩa vụ này thành một điều luật là hoàn toàn hợp lý, nhằm bảo đảm hoạt động bào chữa của người bào chữa, và phù hợp nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử bảo đảm.