Theo điểm d khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “người bào chữa có nghĩa vụ tôn trọng sự thật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật”.
Người bào chữa phải có nghĩa vụ tôn trọng sự thật. Sự thật trong vụ án hình sự được hiểu là có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm, ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi, lỗi do vô ý hay cố ý, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội có năng lực hay hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự hay không, động cơ, mục đích, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự người bị buộc tội, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội31.
31
Mục đích xác định sự thật trong vụ án hình sự nhằm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội và trừng trị thích đáng người có hành vi phạm tội.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, điều kiện để bảo đảm thực hiện có hiệu quả xác định sự thật khách quan của vụ án là phải có sự hợp tác từ phía người tham gia tố tụng. Người bào chữa với tư cách là người tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội. Là người có kiến thức sâu rộng về pháp luật, khi tham tố tụng người bào chữa có nhận thức rõ về xác định sự thật khách quan vụ án, tôn trọng sự thật cùng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tục xác định sự thật khách quan vụ án, như vậy sự thật khách quan vụ án mới được chứng minh làm rõ.
Theo khoản 3 Điều 5 Luật luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định về nguyên tắc hành nghề luật sư “độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan”, quy tắc 27.2 trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2019 quy định “trong luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, luật sư phải tôn trọng sự thật khách quan, đưa ra những tài liệu, chứng cứ pháp lý giúp cho việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật”. Khi tham gia tố tụng người bào chữa là luật sư thực hiện nghĩa vụ trên là thực hiện theo nguyên tắc và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.
Theo điểm b khoản 1 Điều 9 Luật luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định về các hành vi nghiêm cấm “cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật”.
Người bào chữa không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật. Các hành vi “mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật” đó là các hành vi của người bào chữa không được thực hiện trong quá trình tham gia tố tụng.
Việc người bào chữa thực hiện các hành vi mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật không chỉ gây trở ngại cho hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, mà còn gây ảnh hưởng đến bảo đảm quyền và lợi ích hợp của người bị buộc tội. Đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật tố tụng hình sự và đi ngược lại với đạo đức nghề
nghiệp. Tùy theo tính chất mức độ trong một số trường hợp có thể dẫn đến nguy cơ người bào chữa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nghĩa vụ này đối với người bào chữa, mục đích nhằm bảo đảm công lý, tránh trường hợp người bào chữa không tôn trọng sự thật, dẫn đến làm sai lệch sự thật, gây trở ngại cho hoạt động cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.