chuyển đổi, chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi
Thứ nhất, hạn chế quyền của tổ chức phát hành bằng cách giới hạn các điều kiện, điều khoản của trái phiếu chuyển đổi nhằm bảo vệ nhà đầu tư
Trong quan hệ phát hành TPCĐ, nhà đầu tư là đối tượng có thể chịu ảnh hưởng nhanh nhất và lớn nhất nếu rủi ro xảy ra. Mặc dù quyền quyết định sở hữu TPCĐ thuộc về nhà đầu tư. Tuy nhiên, có thể những điều kiện, điều khoản đặt ra của TPCĐ hoặc các thông tin mà TCPH công bố không đúng sự thật gây hiểu nhầm về chất lượng dẫn đến quan hệ vay vốn phát sinh. Do đó, pháp luật cần đặt ra cơ chế kiểm duyệt thông tin cũng như giới hạn điều kiện của trái phiếu chuyển đổi để tổ chức phát hành cân nhắc, đối chiếu trước khi phát hành. Các điều kiện, điều khoản này tập trung vào các vấn đề như:
(i) Lãi suất: giới hạn trần lãi suất của TPCĐ nên được giới hạn căn cứ theo báo cáo về các chỉ số tài chính của TCPH.
(ii) Thời hạn đáo hạn: cần đặt ra thời hạn tối thiểu và thời hạn tối đa để tổ chức phát hành lựa chọn trong phạm vi đó.
(iii) Quyền chuyển đổi: tác giải cho rằng pháp luật nên trao quyền quyết định chuyển đổi cho nhà đầu tư để thể hiện đúng sự đặc thù về quyền quyết định của người sở hữu TPCĐ.
(iv) Tài sản bảo đảm: Pháp luật nên đặt ra các quy định trong những trường hợp nào cần phải có tài sản bảo đảm. Đồng thời đặt thêm trách nhiệm của tổ chức bảo lãnh phát hành đồng thời làm bảo lãnh thanh toán, buộc TCPH chuẩn bị nguồn
tài chính dự phòng hoặc phương án trả nợ trong thời hạn 60 ngày trước khi thời hạn đáo hạn của TPCĐ.
(v) Mua lại TPCĐ trước hạn: pháp luật cần quy định hạn chế tối đa quyền mua lại TPCĐ trong trường hợp TCPH đang kinh doanh tốt và giá trị cổ phiếu đang lưu hành của TCPH đang cao trên thị trường trừ khi nhà đầu tư muốn bán lại TPCĐ trước hạn.
Thứ hai, cần phải kiểm soát về năng lực tài chính của tổ chức phát hành và tăng cường công tác xếp hạng tín nhiệm nhằm thanh lọc những tổ chức phát hành, trái phiếu chuyển đổi có chất lượng yếu kém
Bên cạnh quy định về điều kiện TCPH kinh doanh có lãi trong năm liền kề trước năm phát hành và không lỗ lũy kế, tác giả đề xuất cần phải đặt ra giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu ở một mức cụ thể nào đó để làm cơ sở cho phép hoặc từ chối để TCPH phát hành TPCĐ. Quy định này sẽ dẫn đến:
(i) Quy định chặt chẽ, đặt ra yêu cầu cao hơn về trình độ, năng lực, trách nhiệm của các tổ chức kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho TCPH. (ii) Cần phải có một bộ phận thẩm định lại trực thuộc UBCKNN để thẩm định, xem
xét tính minh bạch của báo cáo tài chính và đánh giá tính trung thực trong các chỉ số tài chính do TCPH công bố.
Trường hợp đối với TCPH là CTCPCĐC, pháp luật cần quy định một cơ quan có thẩm quyền và năng lực để xem xét, đánh giá hồ sơ phát hành TPCĐ của TCPH này nhằm đưa ra điều chỉnh kịp thời, ngăn chặn hành vi lạm dụng phát hành cũng như những giao dịch mập mờ giữa TCPH với nhà đầu tư. Tác giả đề xuất nên thành lập một Ban Nghiệp vụ về thủ tục phát hành TPCĐ trực thuộc UBCKNN với chức năng, nhiệm vụ chuyên trách để tiếp nhận, xem xét, đánh giá, phê duyệt đối với hồ sơ phát hành TCPĐ của CTCPCĐC.
Đồng thời với việc đặt ra giới hạn năng lực tài chính của TCPH, tác giả thiết nghĩ sẽ rất cần thiết trong việc đặt ra tiêu chuẩn về xếp hạng tín nhiệm đối với tất cả các TCPH và TPCĐ được phát hành không phân biệt phương án phát hành và TCPH. Khi TCPH và TPCĐ được xếp hạng tín nhiệm, việc này sẽ làm tăng tính minh bạch và độ an toàn theo thang điểm đánh giá của tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Kết quả xếp hạng tín nhiệm giúp nhà đầu tư có thể yên tâm hơn với sự lựa chọn đầu tư, giúp UBCKNN kiểm soát được hoạt động TPCĐ được phát hành và đó cũng là cách để đẩy mạnh vai trò của tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước. Khi
hoạt động tín nhiệm được tăng cường, nghiệp vụ chuyên môn và các tổ chức mới thành lập sẽ cạnh tranh hơn khiến chất lượng xếp hạng tín nhiệm nâng cao. Nó góp phần rất lớn cho hoạt động của TPCĐ nói riêng mà thị trường vốn nợ, thị trường chứng khoán trở nên năng động, minh bạch, an toàn hơn.
Thứ ba, cần bổ sung quy định về thủ tục chuyển đổi thay vì trao cho tổ chức phát hành tự ý quyết định thủ tục này
Đối với thủ tục chuyển đổi, vì pháp luật chứng khoán và doanh nghiệp không quy định chi tiết cách thực hiện, tác giả đề xuất nên luật hóa chi tiết về thủ tục này và buộc TCPH sau khi xem xét phải đưa thủ tục này vào phương án phát hành để nhà đầu tư nhận diện được đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình. Theo đó, pháp luật chứng khoán và doanh nghiệp cần xác định và bổ sung các vấn đề sau:
(i) Thẩm quyền quyết định, thời hạn để TCPH thông báo cho nhà đầu tư về thời điểm chuyển đổi.
(ii) Thủ tục nhà đầu tư cần cần phải thực hiện trước khi chuyển đổi, (iii) Phòng/ban trực tiếp giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư.
(iv) Thời hạn, cách thức công bố thông báo thời điểm thực hiện chuyển đổi và các lưu ý cho nhà đầu tư
(v) Các trường hợp không thể đăng ký chuyển đổi và ngoại lệ (nếu có). (vi) Trách nhiệm của TCPH và nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục chuyển đổi.
Về trình tự chuyển đổi, tác giả đề xuất các bước sau:
Bước 1: Đến thời điểm quy định về việc chuyển đổi ghi trong phương án phát hành, TCPH phải ban hành thông báo về thời điể chuyển đổi với các thông tin về giá chuyển đổi, tỷ lệ chuyển đổi, các thủ tục dành cho nhà đầu tư đã được quy định tại phương án phát hành trước đó. TCPH đăng tải trên website của TCPH, gửi công bố cho UBCKNN, SGDCC, TTLKCK. Trường hợp TCPH là CTCPCĐC vẫn thực hiện gửi công bố thông tin trên TTLKCK, đăng tải trên cổng thông tin doanh nghiệp và đăng tải website của TCPH đó.
Bước 2: Trong thời hạn 02 ngày sau khi kết thúc thời hạn đăng ký chuyển đổi, TCPH lập danh sách nhà đầu tư và công bố thông tin về danh sách nhà đầu tư đăng ký chuyển đổi TPCĐ tương tự như thủ tục công bố thông tin tại Bước 1.
Bước 3: Trong thời hạn 02 ngày tiếp theo kể từ ngày công bố thông tin về danh sách nhà đầu tư đăng ký chuyển đổi TPCĐ, TCPH giải quyết các trường hợp đăng ký sai, thiếu hoặc giải quyết trường hợp ngoại lệ, trường hợp không được chuyển đổi.
Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày tiếp theo kể từ ngày kết thúc giải quyết yêu cầu, thắc mắc của nhà đầu tư, TCPH thực hiện chốt danh sách nhà đầu tư đủ điều kiện chuyển đổi. Căn cứ theo tỷ lệ sở hữu TPCĐ, giá chuyển đổi và tỷ lệ chuyển đổi, TCPH thực hiện quy đổi số lượng TPCĐ thành lượng cổ phiếu tương ứng. Đồng thời ghi chú phương án xử lý phần bù sau khi chuyển đổi.
Bước 5: Trong thời hạn 02 ngày tiếp theo, TCPH công bố thông cổ phiếu dự kiến phát hành để thực hiện chuyển đổi TPCĐ và đăng thông tin kèm theo danh sách nhà đầu tư tương ứng số lượng cổ phiếu đó và phần bù sau chuyển đổi.
Bước 6: Trong thời hạn 02 ngày tiếp theo, Hội đồng Quản trị theo sự ủy quyền từ ban đầu của ĐHĐCĐ của TCPH phải ban hành Nghị quyết thông qua phương án phát hành cổ phiếu mới để chuyển đổi TPCĐ.
Bước 7: Trong thời hạn 01 ngày tiếp theo kể từ ngày HĐQT ban hành Nghị quyết, TCPH phải công bố thông tin về thời điểm chuyển giao cổ phiếu cho nhà đầu tư kèm theo Nghị quyết của HĐQT.
Bước 8: Trong thời hạn 02 ngày tiếp theo, TCPH phải thực hiện thủ tục công nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư, chuyển giao cổ phiếu cho nhà đầu tư và hoàn trả phần bù sau chuyển đổi (nếu có).
Bước 9: Trong thời hạn 01 ngày tiếp theo, TCPH phải công bố kết quả thực hiện chuyển đổi TPCĐ thành cổ phiếu.
Bước 10: Trong thời hạn 07 ngày tiếp theo, TCPH thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hoặc pháp luật ngân hàng trong trường hợp TCPH là tổ chức tín dụng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Qua phân tích và đánh giá từ thực tiễn áp dụng pháp luật về trái phiếu chuyển đổi cho thấy tồn tại những bất cập và vướng mắt mà pháp luật cần phải hoàn thiện để tạo nên khung pháp lý chuẩn chỉnh nhằm giúp hoạt động phát hành trái phiếu chuyển đổi trở nên minh bạc, an toàn và đảm bảo quyền lợi của các bên tốt hơn.
Từ những bất cập và vướng mắt này, tác giả đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động phát hành trái phiếu chuyển đổi như sau:
Thứ nhất, về chủ thể phát hành: pháp luật phải làm rõ mối quan hệ công ty mẹ con trong giao dịch phát hành trái phiếu chuyển đổi bởi hệ quả của việc chuyển đổi dẫn đến trường hợp nhà đầu tư được nhận sở hữu cổ phần của pháp nhân mẹ hoặc con của pháp nhân phát hành.
Thứ hai, về đối tượng sở hữu, pháp luật cần quy định chi tiết hơn hoặc có hướng dẫn về các tiêu chí lựa chọn cụ thể đối với nhà đầu tư chiến lược để tổ chức phát hành căn cứ lựa chọn phù hợp với điều kiện nội tại của họ. Thêm vào đó, trong hoạt động phát hành trái phiếu chuyển đổi, giao dịch chiến lược với giao dịch vay mượn bằng trái phiếu chuyển đổi cần làm rõ để tránh trường hợp nhập nhằng về quyền và nghĩa vụ của đôi bên.
Thứ ba, về điều kiện phát hành,pháp luật cần phải đặt nặng hơn các vấn đề về năng lực tài chính của tổ chức phát hành, thiết lập cơ chế đánh giá xếp hạng tín nhiệm cho mọi tổ chức phát hành để sàn lọc chất lượng của trái phiếu chuyển đổi. Đồng thời, hạn chế quyền quyết định đối với điều kiện, điều khoản của tổ chức phát hành nhằm bảo vệ nhà đầu tư nhiều hơn.
Thứ tư, về thủ tục phát hành, cần đặt ra cơ chế và cơ quan trực tiếp xem xét, đánh giá và phê duyệt đối với hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi của công ty cổ phần chưa đại chúng. Bên cạnh đó, quy định chi tiết và thống nhất thủ tục thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư.
KẾT LUẬN
Thị trường vốn nợ tại Việt Nam những năm gần đây chứng kiến nhiều hoạt động chào bán trái phiếu chuyển đổi với giá trị đợt phát hành rất lớn mà trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu. Điều này minh chứng cho sức hấp dẫn, sự phù hợp của công cụ nợ đặc thù trong thị trường vốn hiện đại. Hoạt động chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu trở thành một hoạt động quen thuộc của các doanh nghiệp nhằm thay đổi cơ cấu vốn khiến cho thị trường chứng khoán trở nên sôi nổi và linh hoạt hơn.
Trái phiếu chuyển đổi không phải là cụm từ quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng là vấn đề nghiên cứu tương đối mới trong số các đề tài nghiên cứu về pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Trong bối cảnh hoạt động chứng khoán sôi động và không ngừng đổi mới để tiệm cận các chuẩn mực của thế giới thì việc nghiên cứu để tìm hiểu bản chất, nội dung và đề xuất các nội dung, hàm ý để hoàn thiện quy định pháp luật là điều cần thiết và có ý nghĩa nhất định.
Theo đó, trong Luận văn này, tác giả đã diễn giải và làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, đi từ khái niệm trái phiếu chuyển đổi theo quy định của pháp luật, tác giả đã phân tích các vấn đề lý luận để chỉ ra đặc điểm pháp lý của loại trái phiếu doanh nghiệp này. Ở phần này, tác giả cũng nên được vai trò của nó đối với các bên chủ thể sử dụng công cụ và đối với thị trường chứng khoán nói chung.
Thứ hai, từ cơ sở lý luận, tác giả tiếp cận các quy định pháp luật về chào bán trái phiếu chuyển đổi - phương thức để thực hiện hoạt động chuyển đổi trái phiếu. Theo đó, các khía cạnh pháp lý của hoạt động chào bán trái phiếu chuyển đổi bao gồm: hình thức, điều kiện, trình tự, thủ tục cho đến các quy định về bảo vệ quyền lợi của cổ đông đã được tác giả phân tích và làm rõ. Song song đó, các quy định đúng nhưng chưa đủ, tồn tại nhưng không phù hợp, cùng quy định một nội dung nhưng không đảm bảo tính thống nhất đã được tác giả phân tích và làm rõ.
Thứ ba, trên cơ sở các phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật, tác giả dẫn chứng và bình luận các vụ việc thực tế, đồng thời đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện các quy định của pháp luật. Các kiến nghị này tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại trong các quy định pháp luật hiện hành về chào bán cũng như chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi. Từ đó, tác giả kỳ vọng hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động chào bán và chuyển đổi trái phiếu vừa hoàn thiện, vừa đảm đảm bảo tính minh bạch, tính thống nhất, tính khả thi và tính hợp lý.
Dưới bất kỳ góc độ nào, từ tổ chức phát hành, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hay các tổ chức có liên quan đến hoạt động chào bán trái phiếu chuyển đổi, việc định hình, áp dụng một nền tảng các văn bản quy phạm pháp luật chuẩn mực, hoàn thiện đều có ý nghĩa quan trọng. Việc sử dụng hiệu quả công cụ này lại mang đến cho thị trường chứng khoán một sự phát triển mạnh mẽ, sôi động./.
1. Bộ luật Dân sự (Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015;
2. Bộ luật Hình sự 2015 và Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. 3. Luật Doanh nghiệp (Luật số 60/2005/QH11) ngày 29/11/2005.
4. Luật Doanh nghiệp (Luật số 68/2014/QH13) ngày 26/11/2014. 5. Luật Doanh nghiệp (Luật số 59/2020/QH14) ngày 17/6/2020. 6. Luật Chứng khoán (Luật số 70/2006/QH11) ngày 29/6/2006.
7. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (Luật số 62/2010/QH12) ngày 24/11/2010.
8. Luật Chứng khoán (Luật số 54/2019/QH14) ngày 26/11/2019. 9. Luật Phá sản (Luật số 51/2014/QH13) ngày 19/6/2014.
10. Nghị định số 52/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19 tháng 5 năm 2006 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
11. Nghị định 90/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 10 năm 2011 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
12. Nghị định số 163/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 12 năm 2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
13. Nghị định 81/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 7 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
14. Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
15. Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. 16. Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31 tháng 12 năm 2020 của