An Dương là một khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ quan trọng của Hải Phòng. An Dương có khu công nghiệp Nomura, cụm công nghiệp Bến Kiền, khu công nghiệp Hải Phòng – Sài Gòn, khu công nghiệp Đặng Cương, Khu công nghiệp Tràng Duệ.
Hiện nay, huyện An Dương đang triển khai xây dựng khu đô thị PG An Đồng nằm trên địa bàn xã An Đồng. Các tuyến đường tỉnh lộ nối liền hệ thống đường trục xã tạo thành mạng lưới đường bộ phân bố hợp lý thuận lợi cho giao thông trong và ngoài huyện.
Trong những năm qua kinh tế - xã hội của huyện phát triển khá toàn diện, có nhiều khởi sắc:
Trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, mưa lớn kéo dài. Song, các cấp, các ngành, các hộ nông dân đã chủ động khắc phục với nhiều biện pháp tích cực, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống lúa và cây trồng hợp lý, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Triển khai mở rộng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức công nghiệp, quy mô gia trại, trang trại phát triển, nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không phát sinh ổ dịch trên địa bàn; diện tích nuôi trồng thủy hải sản cũng tăng theo từng năm.
Giá trị sản xuất Công nghiệp - TTCN do huyện quản lý cũng tăng đáng kể. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần khuyến mại, tháng khuyến mại, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động
người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường được quan tâm, có chuyển biến. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai.
Công tác giáo dục toàn diện ở các ngành học, bậc học được quan tâm, chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên. Thi học sinh giỏi bậc các trường các môn văn hóa đạt 79 giải cấp thành phố, 04 giải cấp quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được quan tâm đầu tư, bổ sung; mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công tác quản lý trong các nhà trường, từng bước hoàn thiện theo hướng chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu.
Phong trào xây dựng làng văn hoá, khu dân cư văn hoá, tổ dân phố văn hoá, gia đình văn hoá tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá được tăng cường; đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra tại các điểm hoạt động văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá, cơ sở tổ chức tín ngưỡng và lễ hội; phát hiện, chấn chỉnh, xử lý một số trường hợp vi phạm. Tổ chức tốt các hoạt động văn nghệ quần chúng; tổ chức và tham gia các cuộc thi, hội diễn theo kế hoạch.
Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, kiến thức về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm được duy trì, đẩy mạnh. Chủ động kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh. Quản lý và thực hiện hiệu quả các chương trình y tế quốc gia.
Tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình; thực hiện có hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép, đáp ứng dịch vụ dân số - kế hoạch hoá gia đình.