Phê bình phân tâm học người đọc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 27)

6. Nội dung nghiên cứu

1.3. Phê bình phân tâm học người đọc

Từ giữa thế kỷ XX, con người thất vọng về hiện thực và nhận ra khoa học và tư duy duy lý không khiến cuộc sống hạnh phúc như họ mong đợi. Tất nhiên, người ta không quay lưng lại với tư duy tiền hiện đại là xác lập niềm tin đối với tôn giáo hay quy luật nhân quả, mà chuyển sang tư duy mới – tư duy hậu hiện đại: con người kiếm tìm ý nghĩa của riêng mình. Chính vì vậy, văn học nghệ thuật cũng chuyển sang chú trọng đến người đọc như một yếu tố không thể thiếu trong quá trình lý giải. Phê bình phân tâm học lúc này cũng coi sự tiếp nhận của người đọc như một đối tượng ưu tiên trong quá trình nghiên cứu và tìm kiếm ý nghĩa của văn bản. Phê bình phân tâm học người đọc là phương pháp ứng dụng lý thuyết phân tâm học để phê bình văn học nhưng chủ yếu trên phương diện tiếp nhận. Phương pháp này chỉ ra vô thức người đọc có vai trò như thế nào trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học.

Norman Holland sinh năm 1927 tại New York là nhà phê bình hàng đầu về tâm lý học của Mỹ. Ông cũng là một trong những nhà phê bình phân tâm học đầu tiên quan tâm đến vấn đề người đọc và sự tiếp nhận. Theo quan niệm truyền thống phương Đông

thì người đọc lý tưởng là người đồng cảm chia sẻ với tác giả về tác phẩm. Ở phương Tây, việc nghiên cứu về người đọc phát triển mạnh vào những năm giữa thế kỷ XX bởi

nhà nghiên cứu Roman Ingarden (công trình Tác phẩm văn học, 1931). Roman

Ingarden cho rằng tác phẩm văn học chịu sự tác động có ý thức của người đọc và chính người đọc sẽ lấp đầy những “khoảng trống” của văn bản để tạo thành tác phẩm. Theo quan điểm của mỹ học tiếp nhận, người đọc giữ vai trò tích cực và chủ động trong quá trình tạo nghĩa cho văn bản, vì vậy nó đóng trò quan trọng trong các hoạt động văn học. Hans Robert Jauss và W.Iser đại diện tiêu biểu cho mỹ học tiếp nhận cũng khẳng định người đọc và văn bản có mối quan hệ mật thiết với nhau. Iser đưa ra khái niệm “người đọc tiềm ẩn” hay “độc giả - đồng tác giả” đánh giá vai trò cực kì quan trọng của đối tượng tiếp nhận. Manfred Maumann thì cho rằng có hai loại người đọc là người nhận và người đọc giả định. M.Maumann đặt người nhận trong các phạm trù xã hội học, tâm lý học và thẩm mỹ. Khái niệm người đọc giả định được ông nhắc tới thuộc về nhóm người đọc có trong ý thức, tiềm thức của tác giả, được tác giả hướng tới.

Như vậy, đã có rất nhiều những quan điểm cho rằng người đọc có vai trò rất quan trọng trong hoạt động văn học. Tuy nhiên, trào lưu Phê bình mới chủ trương cho rằng phê bình mà căn cứ quá nhiều vào người đọc là hoàn toàn sai lầm, nó sẽ lẫn lộn giữa nguyên nhân và kết quả trong hoạt động văn học. Quan điểm đó của Phê bình mới bị nhiều nhà phê bình theo thuyết người đọc (reader theory) chống lại, trong đó có lý thuyết của Norman Holland. Holland cho rằng việc tiếp nhận là quá trình cái tôi đem nội dung vô thức chuyển thành ý thức.

Holland đã có hàng loạt công trình về bình bình phân tâm học người đọc thể

hiện quan điểm của mình. Trong bài viết Phân tâm học văn học, Holland đã khái quát

qua các hướng phê bình phân tâm, trong đó nêu rõ cả những thành công và sự chỉ trích đối với phân tâm học. Ông chỉ ra rằng, trước đó các nhà phê bình chủ yếu quan tâm đến hai cách: một là phê bình văn bản trong mối quan hệ với các chi tiết về tiểu sử của nhà văn và hai là loại diễn giải văn bản dựa trên văn bản và cách xây dựng nhân vật. Đối với Holland, ông quan tâm nhiều hơn đến sự tiếp nhận của độc giả và coi đó là phần thú vị nhất của phê bình phân tâm học hiện nay. Ông cho rằng trong công việc giảng dạy hoặc phê bình, quan trọng là làm thế nào để người đọc hiểu được những gì

mà văn học đem đến cho họ, làm cách nào để người đọc xâm nhập được vào thế giới của nhà văn để thu nhận những tinh hoa của tác phẩm.

Holland cho rằng, mục đích quan trọng nhất đối với phân tâm học là những kiến thức về tâm thần, nhận thức, trí tuệ, còn đối với một nhà phê bình phân tâm học là trong cách sử dụng ngôn ngữ. Việc tích hợp những lý thuyết của phân tâm học vào phê bình văn học là cách tìm hiểu về não bộ và cơ chế sử dụng ngôn ngữ của não bộ. Ông cũng cho rằng nó không đơn giản như cách Lacan đã làm, mà thay vào đó nó có một ý nghĩa rộng lớn phía sau. Hay nói đúng hơn, khi sử dụng một từ, não phải sử dụng một loạt các tính năng riêng biệt, âm thanh, vai trò ngữ pháp như một khu biệt riêng cho từ đó. Và để đi đến nghĩa của từ, não bộ lại lắp rắp với các thông tin khác. Việc của nhà

phê bình là chỉ ra ý nghĩa, thông tin và cảm xúc đằng sau mỗi từ đó. Công trình Văn

học và bộ não đã cho biết chức năng của bộ não hoạt động theo những cách rất riêng biệt đối với tác phẩm văn học nghệ thuật. Cuốn sách đã giải quyết một số vấn đề cơ bản về văn học và tâm lý: điều gì làm cho chúng ta cảm nhận được một ngôn ngữ như là văn học? Có nghĩa gì khi chúng ta cảm nhận được một tác phẩm văn học là tuyệt vời hay kinh khủng? Những tình trạng nào của bộ não giải thích cho sự sáng tạo văn học? Tại sao có tất cả các nền văn hóa trong mọi thời đại nhưng lại có một hình thái nghệ thuật ngôn ngữ?...

Holland đưa ra thuật ngữ những vấn đề bản tính (indentity themes) của người

đọc. Ông cho rằng, chủ đề của một tác phẩm văn học là sự phóng chiếu những tưởng tượng, nó được tạo ra do sự mâu thuẫn giữa ham muốn vô thức và sự tự vệ có tính chất ý thức của nhà văn. Còn người đọc tác phẩm thực chất là quá trình tái tạo chính bản thân mình. Sự tái tạo đó phụ thuộc vào kết quả sự gặp gỡ giữa những tưởng tượng được phóng chiếu bởi tác giả và sự tưởng tượng của người đọc. Theo Holland, tác phẩm văn học không có một ý nghĩa tổng thể xác định mà nó phụ thuộc vào kinh nghiệm tâm lý của người đọc. Những người đọc có sự diễn giải tác phẩm giống nhau nhưng cũng chỉ ở một mức độ nào đó và điều đó cũng phụ thuộc vào những kinh nghiệm tâm lý giống nhau.

Holland chỉ ra trong cách tiếp nhận văn bản của người đọc, chúng ta cần chú ý nhiều hơn vào những người đọc đã phản ứng với tác phẩm trong một thời gian dài, nghĩa là những đánh giá đã được thẩm định bởi thời gian, đặc biệt là người đọc lý

tưởng – đó là các nhà phê bình. Đối với các bạn đọc thông thường, cách để họ tiếp cận và hiểu được tác phẩm nào đó phải thông qua một tâm trí – là chính bạn hoặc bởi một nhà phê bình. Nếu bị ảnh hưởng bởi nhà phê bình, người đọc sự chịu sự chi phối những yếu tố tâm lý nhất định bởi nhà phê bình đó. Mặc khác, độc giả phản ứng lại với tác phẩm bằng cách sử dụng nó để tái tạo quá trình tâm lý của riêng mình. Ông cho rằng mỗi người đọc sẽ tạo ra cho mình một phong thái riêng, như cách ăn uống, đi lại, nói cười, ngủ nghỉ... Và việc tiếp nhận văn học cũng như vậy, mỗi “tạng” người sẽ cảm thấy phù hợp với một kiểu văn học khác nhau. Holland đã tổng kết bốn nguyên tắc mô tả những phản ứng của người đọc đối với tác phẩm văn học. Ở nguyên tắc đầu tiên, mỗi người đọc sẽ liên kết lại những hình ảnh, nhân vật, ngôn ngữ... trong tác phẩm để tạo ra ý nghĩa mà mình mong muốn. Nguyên tắc thứ hai, khi người đọc tổng hợp được những yếu tố trong tác phẩm văn học sẽ tạo ra ý nghĩa mà mình mong muốn. Lúc này, người đọc sẽ phải giải quyết những xung lực bên trong bản thân, mong muốn của bản thân với ý nghĩa thực tế của tác phẩm văn học. Nguyên tắc thứ ba, sau khi người đọc vượt qua những xung lực của bản thân để hòa hợp với các dữ liệu trong tác phẩm văn học, lúc này người đọc sẽ tái tạo ý nghĩa của tác phẩm đó để phù hợp với những gì mà mình mong muốn khi đọc tác phẩm. Và cuối cùng, những dấu ấn trong tuổi thơ có ảnh hưởng lớn trong việc tiếp nhận văn học và tái tạo ý nghĩa của tác phẩm văn học. Ông đã nghiên cứu các tác phẩm của các nhà văn như Jonson, Dickens, Gogol, Balzac và giải thích những tác phẩm có liên quan đến tuổi ấu thơ.

Quan điểm về phân tâm học người đọc của Holland giúp người đọc định hình được những kinh nghiệm của bản thân bằng cách hiểu được kinh nghiệm tâm lý của nhà văn hoặc nhân vật trong tác phẩm, qua đó hiểu hơn về thế giới xung quanh mình và tạo ra cách ứng xử hợp lý với thế giới. Bằng cách đó, tác phẩm văn học mới thật sự có giá trị phổ quát và mang lại ý nghĩa nhân văn.

* * *

Mỗi phương pháp phê bình phân tâm học sẽ đưa lại hiệu quả nhất định trong quá trình tìm kiếm giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Việc khéo léo kết hợp cả ba khuynh hướng phê bình sẽ tạo nên một kết quả thuyết phục hơn. Tuy nhiên có thể thấy, khuynh hướng phê bình phân tâm học tiểu sử và phê bình phân tâm học văn bản được

các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều hơn hết. Có thể xuất phát từ việc phê bình phân tâm học người đọc còn rất mới, đồng thời việc truy tìm vô thức của người đọc cần một quá trình làm việc rất dài và tốn nhiều công sức nên gây khó khăn cho nhà nghiên cứu. Chính vì vậy, với đối tượng nghiên cứu là văn xuôi Việt Nam đương đại, chúng tôi tập trung sử dụng kết hợp phê bình phân tâm học tiểu sử và phê bình phân tâm học văn bản để lý giải những giá trị thẩm mỹ trong thế giới nhân vật cũng như phương thức biểu hiện trong các tác phẩm.

Chương 2. THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC 2.1. Nhân vật với đời sống vô thức, tâm linh

2.1.1. Nhân vật sống trong vô thức

2.1.1.1. Vô thức

Khái niệm “vô thức” chiếm vị trí quan trọng nhất và là đối tượng nghiên cứu của phân tâm học. Freud cho rằng: phân tâm học là lý thuyết về vô thức: “Phân tâm học là một phương pháp kinh nghiệm có mục đích phát hiện những vô thức được che giấu đằng sau những hành vi có vẻ hợp lý, phải đạo của mỗi cá nhân” [137, tr.131]. Freud đã làm nhân loại choáng váng khi đề cao vị trí của vô thức trong hoạt động của con người. Theo Freud, hành vi của con người do vô thức mà thành. Sự phủ nhận vai trò của ý thức trong hoạt động người là một tuyên bố tưởng chừng vô lý, trái ngược với quan niệm thường thấy. Vô thức là nơi ẩn chứa ham muốn bị kìm nén, nơi tồn tại xung năng libido, nơi hữu thức bị dồn nén trở thành vô thức. Đó là cõi mênh mông vô định trong sâu thẳm tâm lý người, ẩn chứa bản năng dục vọng của con người. Các nhà phân tâm học xem vô thức như một hầm trú ẩn cá nhân chứa đầy những ước muốn chính đáng hoặc không chính đáng không được thoả mãn. Vô thức càng bị dồn nén thì càng có khuynh hướng tìm cách thoát ra để được giải toả, bộc lộ mình giữa trời đất, cỏ cây.

Chạm vào cõi vô thức của nhân vật, nhà văn đã thể hiện được mọi ngóc ngách

trong thế giới tâm hồn thẳm sâu. Nhân vật Mai trong Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh

Phượng) đã bước đi trong sự dẫn dắt của vô thức. Sự hoang mang của Mai cũng chính là sự ngỡ ngàng của hữu thức trước vô thức khi cô cảm nhận sự bất lực của chính mình. Ai đã mang hành lý cho tôi? Tôi đã làm gì? Tôi đã ngủ khi nào?... Tất cả như cõi mộng du mà Mai không thể hiểu, chỉ tồn tại trong cô cảm giác buồn, sợ và trống rỗng. Có một con người khác trong Mai đã điều khiển mọi hành động của Mai, buộc Mai phải lên đường tìm cha, tìm cái quá khứ chôn vùi, cái tuổi thơ đầy mặc cảm. Ngay cả việc Mai đến Muôn Hoa cũng là một quyết định rất mong manh, sờ sợ... như một nụ cười khó hiểu của Chi. Nụ cười không tượng hình chỉ thoáng qua trong linh cảm, trong cõi vô thức mơ hồ. Đứa con gái hư ảo với bóng đen và mái tóc dài hay cõi vô thức

trong Mai đã dẫn dắt cô tìm đến với cha giữa những nghịch cảnh trớ trêu, vùng vẫy, đáng sợ? Với Freud, đằng sau ý thức là sự điều khiển của vô thức, có khả năng chỉ huy mọi hành động của con người. Trong cõi ảo giác ấy, Mai cứ thấy chập chờn hình ảnh Chi, tiếng nói Chi, về cái chết đầy ám ảnh, về tình yêu hay một nỗi oán hận đã thành ẩn ức?! “Tôi thức giấc đầy sợ hãi. Tôi sợ những giấc mơ, không dám ngủ lại. Tôi không dám thức, sợ Chi sẽ đến ngồi nơi đầu bên kia của tấm phản, buông mái tóc ma lỵ xuống hai vai, u uất nhìn tôi bằng cặp mắt của chính tôi” [135, tr.207]. Nỗi ám ánh vô thức và sự sợ hãi chập chờn đã khiến con người nhiều lúc như chạy vụt ra khỏi thực

tại, quấn chặt mình giữa hư vô. Đọc Mưa ở kiếp sau, người đọc đôi khi cũng chìm

trong vô thức hơn là cõi thực. Dường như có một thế lực vô hình trong ta, điều khiển chính ta, mà ta không hề hay biết?!

Các nhà văn đương đại luôn có ý thức nới rộng diện tích phản ánh của mình sang thế giới uẩn khúc sương khói của tâm linh. Tác phẩm của Nguyễn Đình Tú thực sự đưa người đọc vào cõi vô thức, với ám ảnh của tâm linh. Đó là thế giới thực sự thuộc về ta, đã xảy ra những sự kiện không thể giải thích được. Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú thường được đặt giữa hun hút tâm trạng. Thực ảo không còn

đường biên rõ nét. Ở Nháp, Đại hiện về trong nhân vật Tôi như một bóng ma, chập

chờn trong nhật ký, trong blog... Những linh hồn vất vưởng kia nối tiếp với nhân vật “Tôi” bằng mối tâm linh đặc biệt. Đại ám ảnh đôi mắt nâu, chiếc váy trắng, tất trắng... của Thảo như một kẻ mộng du giữa cuộc đời, đến nỗi người ta xem Đại như một thằng Điên, thằng hâm, kẻ tâm thần, hoang tưởng và chập mạch, khác người. Đại cũng không thể lý giải chính mình. Giống như hành vi sai lệch được chi phối bởi một sai khiến vô hình trong vô thức, lấn át cả phần ý thức mong manh trong Đại. Cuộc sống

Đại bị bủa vây bởi những sai lạc, ảo giác... Diệu trong Phiên bản cũng chập chờn

trong khoảng tâm linh, chìm sâu vào vô thức trong cảm giác của nỗi cô đơn, sợ hãi, hoảng loạn. Từ trong nỗi cô đơn của một tâm hồn bị lưu lạc, Diệu ám ảnh bởi những con giao long, bởi một tuổi thơ kinh hoàng trong quá khứ... Tất cả đã đi vào vô thức cô như nỗi chập chờn. Bóng trăng xuất hiện như miền vô thức thẳm sâu trong Diệu. Cô đối diện với mình, dằn vặt mình, đau đớn với chính mình. Lời của bóng trăng hay lời cõi vô thức, tâm linh? Tiếng nói tự đáy sâu mà tựa hồ như miền vô thức đang réo gọi chính mình...

2.1.1.2. Giấc mơ

Giấc mơ cũng là dạng biểu hiện khác của vô thức, là địa hạt của thế giới kỳ ảo, nơi mọi khát khao như vỡ ra. Soi chiếu lý thuyết phân tâm học về khái niệm “giấc mơ” trong việc xây dựng thế giới nghệ thuật của các cây bút văn xuôi Việt Nam đương đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 27)