Tình huống tâm trạng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 87 - 103)

6. Nội dung nghiên cứu

3.3.2. Tình huống tâm trạng

Tình huống tâm trạng xuất hiện trong những truyện có tổ chức cốt truyện tâm trạng, thường được các nhà văn triển khai theo phương pháp dòng ý thức. Đặc điểm cơ bản của phương pháp này là thiên về tả tâm lý, lấy đó làm cơ sở cho tác phẩm. Các sự kiện miêu tả một cách dàn trải, không điểm nhấn, nhân vật ít hành động.

Con người hiện đại không chỉ có nhu cầu nhận thức về thế giới xung quanh mà còn có một nhu cầu rất bức thiết khác là được tự nhận thức, được giãi bày những tâm tư, tình cảm của mình. Chính vì vậy, việc đi sâu vào thế giới tâm hồn nhân vật, sẽ giúp văn học đương đại không những mở rộng được nội dung phản ánh mà còn làm tăng chiều sâu của tư tưởng. Điều này cũng dẫn đến việc ngày càng khá phổ biến kiểu cốt truyện tâm lý. Nhà nghiên cứu Bích Thu nhận xét: “Truyện ngắn hôm nay ngày càng tăng cường cốt truyện bên trong, bộc lộ trạng thái tâm tưởng của nhân vật chính, giảm bớt cốt truyện miêu tả hành động bên ngoài. Cốt truyện đầy đủ chi tiết, sự kiện không còn chiếm giữ vai trò cơ bản mà lùi xuống hàng thứ yếu sau tính cách” [156].

Tình huống tâm trạng được tái hiện trong sự hồi tưởng của nhân vật, có thể bắt đầu bằng sự hồi tưởng từ nhân vật, song cũng có thể bắt đầu bằng sự trăn trở trong nội tâm nhân vật. Bắt đầu, kết thúc tác phẩm đều là những dòng tâm trạng, những suy tư, trải nghiệm sâu sắc về con người, cuộc sống, bản thân. Tiêu biểu cho loại tình huống

này là truyện ngắn Bóng đè, Vu quy, Dòng sông hủi, Những sợi tóc màu tang lễ,… của

Đỗ Hoàng Diệu; Kiêm ái, Thuế biển, Chín bỏ làm mười,… của Phạm Thị Hoài; Cánh

đồng bất tận, Một mối tình, Dòng nhớ, Tình lơ… của Nguyễn Ngọc Tư; Dưới cơn gió thoảng, Người đàn bà và những con rối… của Võ Thị Xuân Hà…

Trong truyện Dưới cơn gió thoảng của Võ Thị Xuân Hà, nhà văn chủ yếu đi

vào khai thác tâm trạng của nhân vật nữ chính. Những tình tiết, chi tiết trong tác phẩm không được chú ý nhiều mà tác giả chăm chút hơn vào các tình huống để cho nhân vật bộc lộ suy nghĩ. Chính tình huống người phụ nữ nhìn bầu trời xanh tuyệt đẹp khi mùa thu về rồi quyết định đi nghỉ một mình, những câu chuyện với chú bé đeo mặt nạ

Đường Tăng, với người bảo vệ ở khu du lịch và đặc biệt là cảnh cô ngồi câu, nướng cá một mình trong đêm bên hồ đều có mục đích làm nền cho sự bộc lộ tâm trạng, sự thay đổi trong suy nghĩ, quan niệm của nhân vật về cuộc sống của mình: “Giá như bên ta là những người thân. Và người đàn ông đàng hoàng sẽ dạy ta cách nướng cá thật ngon. Ta quả thật vẫn luôn là một sinh linh yếu ớt, vẫn luôn là người vô chừng một bếp lửa ấm cúng” [58, tr.62]. Và đây cũng chính là tư tưởng mà tác phẩm muốn hướng tới người đọc, đó là sự khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của mái ấm gia đình với con

người nói chung và với người phụ nữ nói riêng. Tương tự truyện Dưới cơn gió thoảng

Người đàn bà và những con rối. Trừ phần cuối tác phẩm với sự xuất hiện của người đàn ông trong mộng của nữ nhân vật thì hầu như không có sự kiện nào nổi bật. Hầu hết câu chuyện là thể hiện sự mâu thuẫn ghê gớm trong tâm lý “Người đàn bà tốt nhất thế gian này”. Đây là một niềm khát khao về một sự phá phách hay nổi loạn nhất thời để thoát khỏi cảm giác nhàm chán với cuộc sống hiện tại cùng người chồng mà thực ra nàng rất yêu thương. Có thể nói sự triển khai cốt truyện theo dòng ý thức của nhân vật sẽ khiến cho mối liên kết giữa các sự kiện không thật chặt chẽ và câu chuyện khiến cho người đọc hấp dẫn bởi bị cuốn vào dòng tâm trạng của nhân vật nhiều hơn là sự phát triển cao trào của tình huống.

Tình huống tâm trạng chiếm số lượng khá lớn trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Nhà văn thường đặt nhân vật của mình vào những va chạm mang tính chất đời thường, những xung đột tình cảm mang tính chất riêng tư nhiều hơn là những xung đột mang tầm vóc xã hội. Loại tình huống này thường gặp trong những truyện tưởng như không có cốt truyện của chị, nghĩa là những truyện không thu hút người đọc bởi cốt truyện mà chính ở sự phân tích tâm lý sâu sắc, ở giọng văn tâm tình gần như không có khoảng cách giữa nhân vật và người đọc, bởi nó phù hợp với chất giọng trong văn

của tác giả. Tiêu biểu nhất là truyện ngắn Cánh đồng bất tận, chỉ dài gần 60 trang, mà

số lần nhân vật Nương, xưng “tôi” đã tái hiện lại những tâm tư của mình lên tới 15 lần, mỗi lần một suy nghĩ, một trạng thái cảm xúc khác nhau. Trong dòng suy nghĩ triền miên của nhân vật “tôi”, nỗi nhớ chính là những lớp sóng tâm trạng miên man, cồn cào và giằng xé trong tâm hồn “tôi”. Mỗi lần nhớ, mỗi lần thương, mỗi lần đau, “tôi”

thường bộc bạch, mổ xẻ suy nghĩ của chính mình. Một mối tình cũng là truyện có kiểu

mùa lưu diễn bắt đầu khi nhớ về thời thơ ấu lúc mới biết yêu Trọng. Một chuyện hẹn

là truyện được trữ tình hóa bởi toàn bộ câu chuyện hầu như là những đoạn đối

thoại, độc thoại nội tâm của nhân vật Cốc và những diễn biến tâm trạng thay đổi nhanh như bão táp của người đàn bà. Độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư là ở chỗ nắm bắt tâm lý nhân vật một cách tài tình, gần như đạt đến độ thấu cảm nhưng giọng kể vẫn đạt đến độ tỉnh táo và lạnh lùng cần thiết.

Tình huống trong truyện Thuế biển, Kiêm ái, Chín bỏ làm mười của Phạm Thị

Hoài cũng được xây dựng trên cái sườn diễn biến tâm trạng của nhân vật “tôi” và

“em”. Cô gái trong Thuế biển sống trong mối tình mới nhưng luôn hoài niệm về mối

tình đã qua. Còn “em” trong Kiêm ái luôn sống trong ký ức về mối tình của mẹ, để rồi

nó quá tải với tuổi mười sáu của em. Cứ thế, câu chuyện trôi theo dòng suy tư miên man của nhân vật, để qua dòng chảy đó người đọc chứng kiến cả bi kịch cuộc đời của

“em” và của “mẹ”. Trong Chín bỏ làm mười, câu chuyện cũng được xây dựng qua

dòng hồi tưởng kèm với những lời nhận xét của nhân vật “tôi” về “người đàn ông thứ nhất” đến “người đàn ông thứ chín” đã trải qua trong cuộc đời đầy bất hạnh của mình, để cuối cùng “tôi” vẫn không tìm được người đàn ông mình mong muốn. Cuộc hành trình tìm kiếm này có vẻ là một cuộc hành trình dài vô tận. Mỗi tác phẩm của Phạm Thị Hoài lúc nào cũng có những câu chuyện về người đàn bà, thường là một cô gái, ngồi một mình quan sát, triền miên trong suy ngẫm, khát khao được sống cuộc sống đích thực của con người.

Tiêu biểu cho loại tình huống tâm trạng, trong truyện của Trần Thùy Mai có:

Thị trấn hoa quỳ vàng, Thập tự hoa, Giông mùa xuân, Bài thơ về biển khơi… Đây là kiểu tình huống chiếm số lượng lớn trong truyện của nhà văn bởi nó phù hợp với cái chất giọng thủ thỉ tâm tình, trữ tình, giàu chất thơ trong văn của chị. Kiểu tình huống ấy phù hợp với cái tạng của chị - rất nhạy cảm, tinh tế trong việc khám phá con người

ở khía cạnh tâm linh, vô thức. Thị trấn hoa quỳ vàng là một trong những truyện tiêu

biểu cho kiểu tình huống tâm lý. Tình huống của truyện ngắn này là tâm trạng của Ng đứng trước thị trấn xơ xác - nơi Ng và người đàn ông của nàng chọn làm nơi gặp gỡ. Cứ thế câu chuyện trôi theo dòng suy tư miên man của nhân vật. Quá khứ và hiện tại cứ đan xen, ẩn hiện trong tâm thức, khiến Ng như sống trong một thế giới ảo ảnh, man mác buồn. Câu chuyện không có mâu thuẫn, xung đột, không có nhiều hành động bên

ngoài, Trần Thùy Mai dành nhiều khoảng lặng cho việc miêu tả nội tâm của nhân vật. Tác phẩm là hoài niệm tình yêu đẹp trong quá khứ để lại trong lòng người đọc những

nuối tiếc, bâng khuâng. Trong Thập tự hoa,câu chuyện có kết cấu đồng hiện điện ảnh:

hiện tại - quá khứ đan xen, bàng bạc trong những hoài niệm về quá khứ của người thiếu phụ không tên được gợi ra từ giai điệu của bản đàn Aventura. Chính qua tình huống tâm trạng đó, chủ đề tư tưởng của tác phẩm được bộc lộ: kiếp người vất vả nhọc nhằn, bất hạnh, đớn đau, kết thúc là cái chết. Tình yêu và những kỷ niệm đẹp về tình yêu chính là cái cứu chuộc cho sự nhọc nhằn, bất hạnh, hữu hạn của kiếp người, như những bông hoa mọc trên cây thập tự của đời người.

Qua kiểu tình huống tâm trạng, các nhà văn Việt Nam đương đại đã thể hiện nét nổi bật cái sâu thẳm bên trong tâm hồn con người, đặc biệt khi viết về các nhân vật nữ. Với kiểu tình huống này, mỗi câu chuyện của các tác giả là một thế giới tâm hồn bí ẩn và phức tạp của người phụ nữ hôm nay.

* * *

Thành tựu nghệ thuật về ngôn ngữ, tình huống truyện, không gian - thời gian hay biểu tượng đã mang đến cho văn xuôi Việt Nam đương đại những sáng tạo mới. Để khắc họa ẩn ức sâu kín trong vô thức nhân vật, các nhà văn đã sử dụng các biểu tượng, hệ thống ngôn ngữ đậm sắc màu tính dục cũng như mang tính ký hiệu. Ngôn ngữ là chất liệu góp phần dệt nên tác phẩm nghệ thuật. Bản thân ngôn ngữ mang hơi hướng phân tâm học cũng đã thể hiện được thế giới nghệ thuật độc đáo, mới lạ, phù hợp với dụng ý của nhà văn. Đọc văn xuôi Việt Nam đương đại, người đọc như bị cuốn hút bởi ngôn từ nghệ thuật cũng như cách xây dựng các kiểu không gian, thời gian. Con người bao giờ cũng bị chi phối bởi hoàn cảnh. Từ góc nhìn phân tâm học, con người trong tác phẩm hiện lên đầy ám ảnh bởi vô thức, bản năng. Chính việc sử dụng những phương thức nghệ thuật đặc sắc, các nhà văn đương đại đã thể hiện nổi bật cõi sâu tâm trạng, góp phần làm nên thành tựu đáng kể của mảng văn xuôi Việt Nam đương đại.

KẾT LUẬN

Phân tâm học ở Việt Nam, từ sau đổi mới năm 1986 đến nay có những bước tiến đáng kể với số lượng tương đối lớn các tác phẩm học thuyết phân tâm học của S.Freud, C.G.Jung… đã bổ cứu một cách thiết thực cho sự thưa thớt ở thời kỳ trước. Có thể nói, đây là giai đoạn nở rộ của các công trình phân tâm học trên nhiều bình diện nghiên cứu, cùng với đó là sự xuất hiện của những gương mặt tài năng tên tuổi. Tất cả đan quyện vào nhau dệt nên tấm thảm phân tâm học đầy màu sắc sặc sỡ hơn lúc nào hết. Từ đây, phân tâm học sẽ tạo nên một cuộc lột xác thực sự trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật.

Nghiên cứu văn xuôi Việt Nam đương đại trên phương diện vô thức, tình dục của S.Freud, người đọc có cảm nhận chung về một thế giới nhân vật dồn nén giữa khát khao, ham muốn và mặc cảm. Đi sâu vào đời sống tâm lý nhân vật, hầu hết các nhà văn đã chú ý khai thác sự giằng xé giữa phần ý thức và vô thức. Freud đã có đóng góp đáng kể khi khám phá ra vô thức - nơi cốt lõi, tối thượng ẩn chứa bản chất đời sống nội tâm con người. Người ta cứ thích phô trương vẻ ngoài đạo mạo, cứ thích che đậy điều không thể nói, nhưng trong khoảnh khắc sống thật với mình, khi phần vô thức lên tiếng, ước muốn bị chế ngự sẽ được bộc bạch. Con người được khai thác ở phần sâu nhất, nói tiếng nói thật nhất. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, cuộc sống càng hiện đại, con người càng rơi vào cảm giác hoang mang, hoài nghi, và tìm đến cõi tâm linh như muốn cứu vãn niềm tin, tìm một chỗ dựa cho tinh thần. Đời sống tâm linh cũng được các nhà văn thể hiện khá nhiều trong tác phẩm. Tâm linh trở thành một đức tin không thể lý giải. Khi hiện thực không thể neo đậu lòng mình, con người chỉ biết vịn vào những điều không có thực. Con người trong văn xuôi đương đại này được khắc hoạ với sự quẫy đạp của vô thức cùng ám ảnh tâm linh tạo nên hiện thực phản ánh mới - hiện thực bất khả lý giải của con người bên trong con người. Mặt khác, xã hội đương đại phức hợp giữa vui - buồn, khổ đau - hạnh phúc, vấn đề số phận con người trở thành mối quan tâm khắc khoải của những người cầm bút. Nhà văn không chỉ cảm nhận, suy ngẫm mà con muốn phơi bày tận cùng đau thương mà con người đang phải nếm trải từng ngày. Hầu hết các nhà văn không dừng lại ở việc miêu tả hiện thực đời sống, mà hướng ngòi bút của mình vào tận sâu thế giới tâm hồn nhân vật. Hiện thực

bên trong con người với những phức cảm trở thành một đề tài thu hút nhiều cây bút. Phân tâm học đã phân tích nguyên nhân của bi kịch ấy từ sự mâu thuẫn trong chính con người cá nhân. Càng ý thức về thân phận, con người càng tự day dứt mình bởi phức cảm. Sự đấu tranh muôn thuở giữa khát khao hướng về cái đẹp, cái thiện và sự bủa vây trì trệ của hoàn cảnh, số phận đã gây ra những phức cảm Hoạn, phức cảm Oedipe. Con người phức cảm cũng là một kiểu nhân vật xuất hiện khá nhiều trong văn xuôi đương đại. Bên cạnh đó, văn xuôi đương đại đã mạnh dạn phá toang cửa ngõ bản năng để phơi bày trên trang viết. Các cây bút đã không còn e dè, ngần ngại khi đề cập yếu tố sắc dục, tình yêu nhục thể - vấn đề khá nhạy cảm, riêng tư của mỗi cá nhân. Từ sau thời kỳ đổi mới, con người tính dục cũng được nhắc đến khá nhiều trong văn học với nhiều góc nhìn khác nhau. Đó có thể là khát khao tính dục đầy nhân bản, là cảm xúc tính dục buông tuồng, cả nỗi cô đơn, ẩn ức. Thuyết tính dục được xem như lõi của phân tâm học. Chạm đến vấn đề tình dục, các nhà văn đã thể hiện một cái nhìn cảm thông và trân trọng. Những gì thuộc về con người phải đều không xa lạ đối với văn học. Nhà văn phải nói lên tiếng nói của khát khao và ẩn ức, phơi trần điều đằng sau lớp phông màn một thời giấu kín. Tuy nhiên, từ trong cô đơn bế tắc, con người hiện đại nhiều lúc cũng không giữ được mình. Lối sống hiện đại vượt rào đạo đức cũng được bóc trần trong nhiều tiểu thuyết. Sự sa đọa về nhân cách và lối sống trở thành tiếng kêu, hồi chuông thức tỉnh về cõi người tận thế. Giá trị của tác phẩm không chỉ dừng lại ở góc nhìn Đẹp về con người và cuộc sống, mà ngược lại, đó còn là sự lên án và hướng Thiện. Văn học hoán cải con người ngay trong cái Ác, cái Xấu, cái nhỏ nhen và sa đọa. Trong văn xuôi đương đại, các kiểu nhân vật được khắc họa một cách đa dạng như chính sự tồn tại của nó giữa cuộc đời. Con người được phản ánh từ góc nhìn vô thức, tâm linh, với những phức cảm và cả bản năng tính dục. Rõ ràng, văn xuôi Việt Nam đương đại đã chạm đến góc khuất sâu kín nhất, cái thế giới tiềm tàng mà mãnh liệt, da diết bên trong con người như một réo gọi của tổ tông, của uyên nguyên nguồn cội.

Từ sự vận động đổi mới phạm vi phản ánh, các nhà văn Việt Nam đương đại đã nỗ lực cách tân phương diện nghệ thuật. Đây được xem như một thành tựu lớn của văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 87 - 103)