Không gian và thời gian hư ảo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 73 - 79)

6. Nội dung nghiên cứu

3.2.1. Không gian và thời gian hư ảo

Điều Freud và Jung quan tâm khi nghiên cứu về tâm lý người chủ yếu là vấn đề vô thức. Đó là khám phá đầu tiên để chạm đến những vùng nhạy cảm khác trong sâu thẳm tâm hồn người. Từ trong cõi vô thức và tâm linh, nhân vật khắc khoải giữa những khoảng sâu hun hút của không gian và thời gian. Chính vì thế, không gian và thời gian trong tác phẩm cũng mang đậm yếu tố vô thức, tâm linh như một dụng ý nghệ thuật. Trước hết, không gian được xây dựng trong văn xuôi Việt Nam đương đại chủ yếu là không gian ảo - không gian từ trong giấc mơ, không gian kỳ ảo, và không gian cõi tâm linh.

Nhân vật trong văn xuôi đương đại thường sống trong giấc mơ, và tắm mình trong cõi vô thức. Đó là nơi con người được thỏa sức sống với chính mình, không cần giấu mình trong vỏ bọc của đạo đức. Trong cõi mộng ấy, không gian mộng tưởng thể hiện được ước mơ của con người.

Trong Giấc mơ trên đỉnh Ngựa Trắng của Trần Thùy Mai, không, thời gian

giấc mơ thể hiện đậm đặc. Từ đầu chí cuối tác phẩm là sự đan xen liên hoàn kỳ lạ giữa không, thời gian thực và không, thời gian giấc mơ, giữa quá khứ và thực tại. Quá khứ

gắn với câu chuyện tình cảm động giữa nàng Ly Ly - vợ của viên đại úy Pháp với người phiên dịch và thực tại của Ngọc với Tuấn Anh, chàng hướng dẫn viên, nhân viên kiểm lâm, tác giả của những trang tiểu thuyết còn dang dở về núi Ngựa Trắng. Ấn tượng về câu chuyện người đàn bà mất tích trong rừng sâu mà Tuấn Anh đã kể cho Ngọc nghe hằng đêm lại hiện về trong giấc ngủ đầy mộng mị của cô. Câu chuyện đã chuyển từ không, thời gian hiện thực sang không, thời gian giấc mơ: “Giấc mơ khủng khiếp. Ban đầu, tôi nghe tiếng chó sủa dữ dội. Tôi không nhìn thấy con chó, nhưng tiếng gầm gừ của nó rất rõ, rõ đến mức giờ đây tôi còn hình dung được âm thanh sắc và chát chúa như ở bên tai… lẫn trong tiếng chó tru, tôi nghe người thét lên, tiếng thét rất dài thê thảm. Rồi tôi thấy rừng… rồi thấp thoáng tiếng chân người bước nhẹ ngoài hành lang… Nhưng chợt ngoài kia chim hót… rất rõ ràng làm tôi tỉnh hẳn và nhận ra tiếng bước chân kia là những âm thanh ảo. Và hình như đấy là dư vang của giấc mơ” [104, tr.79-80]. Tại sao giấc mơ của Ngọc lại trùng khít với câu chuyện về người đàn bà mất tích trong đêm? Vì sao những trang tiểu thuyết của Tuấn Anh và giấc mơ của Ngọc lại có sự gặp gỡ? Trần Thùy Mai không giải thích bởi dường như chị ý thức được một điều: “Truyện ngắn hiện đại luôn tìm cách hình thành cái bí ẩn và ít có khả năng lý giải điều đó” và để vén bức màn bí mật trên, ta phải viện đến lý thuyết phân tâm học. Theo Freud, giấc mơ luôn có hình thức trá ngụy và thường là sự biến dạng của ham muốn tính dục. Nhưng trong tác phẩm văn học, mở rộng ra có thể hiểu giấc mơ như là sự thỏa mãn những ẩn ức trong đời sống tinh thần. Như vậy, giấc mơ của Ngọc là sự ánh chiếu những ham muốn vô thức: biết tường tận về câu chuyện bí ẩn trên đỉnh Ngựa Trắng đêm nào, ham muốn ấy được Ngọc đem vào cả giấc mơ và nhờ giấc mơ giải tỏa.

Bên cạnh kiểu không gian giấc mộng, trong văn xuôi Việt Nam đương đại, các nhà văn còn sử dụng không gian huyền ảo - không gian có sự đan xen giữa cõi thực và cõi mộng, đời thường và thần thánh, ma quỷ. Trong không gian đó, con người và ma quái hòa vào nhau không thể phân biệt. Hầu hết các nhà tiểu thuyết đương đại như Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú đều chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa huyền ảo, tác phẩm của họ luôn lồng ghép yếu tố ảo, xây dựng những không gian ảo như mặt trái của hiện thực, thể hiện chiều sâu trong khám phá hiện thực và con người. Một thế giới đầy trăn trở, nhuốm màu sắc của sự hoài nghi.

Trong SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái, ta bắt gặp kiểu không gian kỳ ảo. Ở đó, thế giới chuột và người lồng ghép vào nhau trong hành trình tìm kiếm những giá trị. Khi con người bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống, họ cũng chẳng khác gì cái giống chuột ngày đêm rỉa xác người trong nhà xác, thậm chí họ còn rỉa xác người sống! Hồ Anh Thái đã có dụng ý khi đan cài hai không gian, một không gian thực với những bon chen, sa đọa của con người, một không gian ảo với thế giới chuột thành tinh. Thế giới người đang tan rã, rệu rạo trong vòng xoáy của đồng tiền, địa vị và tham vọng, cuốn phăng những giá trị đạo đức, lương tri, chuẩn mực. Không gian huyền ảo là phương diện nghệ thuật của văn chương kỳ ảo, thể hiện một cõi người vừa nắm bắt, vừa không thể nắm bắt, thể hiện thế giới đa chiều trong cõi tâm linh con người. Con người muôn đời vẫn khát vọng khám phá những bí ẩn của vũ trụ, khám phá cái hiện thực bất khả lý giải quanh mình nên cõi huyền ảo là thế giới trong tưởng tượng, trong nhận thức mờ ảo của con người.

Trong tiểu thuyết Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh, không gian ngập tràn yếu

tố hoang đường kỳ ảo. Làng Thổ Ô trở nên huyền ảo bởi sự xuất hiện của hồn ma lão ăn mày cùng với những câu chuyện hoang đường không thể lý giải về cái chết và lời nguyền. “Người dân ở làng Thổ Ô đang vô cùng hoảng loạn khi phải chứng kiến những sự kiện lạ lùng xảy ra liên tiếp trong vòng có vài tuần lễ” [3, tr.15]. Cả không gian làng Thổ Ô giờ hư hư thực thực ngập tràn trong những ma quái, lời nguyền, chết chóc, phơi bày một hiện thực trần trụi về con người như một bóng tối bao phủ lên mọi kiếp người..

Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, không gian trở nên huyền ảo với sứ mệnh thanh trừng cái ác của Mai Trừng. Ranh giới giữa Thiện và Ác vốn mong manh, khi cái Thiện thanh trừng cái Ác thì vô tình bản thân nó cũng chạm phải ranh giới của cái Ác rồi. Những cái chết tựa hồ không lý giải của ba chàng trai, những giấc mơ tìm mộ, rồi câu chuyện về cái chuông chùa bỗng dưng biến mất... tất cả đều bàng bạc lên thế giới nghệ thuật của tác phẩm màu sắc của huyền ảo, ly kỳ. Không

gian kỳ ảo xuất hiện nhiều trong sáng tác của Nguyễn Đình Tú như Nháp, tiểu thuyết

Nguyễn Bình Phương như Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Những đứa trẻ chết già... Dường như

trong văn xuôi đương đại, các nhà văn đều có ý thức xây dựng kiểu không gian kỳ ảo như một thủ pháp nghệ thuật nhằm mở rộng hiện thực phán ánh. Đó là hiện thực bên

trong hiện thực với rất nhiều vấn đề xã hội, là thế giới tâm hồn đầy phức tạp và bí ẩn. Ở đó, không chỉ tồn tại thế giới người, một thế giới hỗn độn, lẫn lộn thần thánh, ma quỷ. Càng về phía hiện đại, con người càng bám víu mình vào một thế giới hư ảo. Sự xuất hiện không gian kỳ ảo trong văn xuôi hiện đại là tất yếu!

Ngoài ra, kiểu không gian tâm linh cũng xuất hiện khá nhiều. Văn học đương đại vốn quan tâm đến con người tâm linh, nhất là khi bản thân con người cũng muốn tìm về cõi tâm linh như điểm tựa, để xoa dịu những hoang mang, ngờ vực. Thế giới tâm linh bao giờ cũng gắn bó với không gian thiêng nhuốm sắc màu tôn giáo và đức tin. Đó là không gian thực ghi dấu yếu tố tâm linh như chùa chiền, nhà thờ, đền miếu... nơi con người gửi gắm một đức tin tuyệt đối về tôn giáo, tín ngưỡng. Trong hầu hết các tác phẩm, không gian chùa chiền, đền miếu và cả khoảng không gian ảo trong tâm linh của con người cũng được tác giả tái hiện với tần số cao.

Không gian tôn giáo xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm Nguyễn Đình Tú. Đó

là không gian chùa Áng Sơn trong Hồ sơ một tử tù - nơi Bạch Đàn bắt đầu hành trình

giác ngộ. “Hắn bỗng nghe thấy tiếng chuông. Ôi chao là cái tiếng chuông chùa. Sao mà nó ảo não, thê lương đến thế?” [175, tr.211]. Đó là không gian chùa Tử Tội - nơi đã khơi dậy phần Người trong Đại, giúp Đại trở về trong sự phục sinh, tìm được ý nghĩa của cuộc đời. Con người hiện đại thường nương mình vào cửa Phật, bởi đó là

nơi mà lòng họ thực sự thanh thản. Tân trong Phiên Bản sau những lần “thay trời hành

đạo”, sau những chém giết, ân oán giang hồ cũng đã tìm đến với Phật. Không phải ngẫu nhiên trong phòng Tân luôn có một tượng Phật. Đó là nơi hướng thiện của lòng

người. Ở Phiên bản, nhân vật Diệu, thằng Chín Tháng lại sống trong niềm tin mãnh

liệt về Chúa, về Kinh Thánh... Khai thác không gian tâm linh của nhân vật, Nguyễn

Đình Tú muốn đề cập đến con người sám hối trong họ. Con người không hẳn lúc nào cũng sống đúng, sống tốt dù trong ý thức mỗi người luôn có tính hướng thiện. Trên con đường hoàn thiện nhân cách, con người ta thường hướng lòng mình vào một cõi tâm linh nào đó. Vì sao Bạch Đàn dấy lên một tình thương với Nhung, phải chăng Đàn bắt gặp khoảnh khắc lòng Nhung đang hướng về Chúa, với vẻ thành kính, đẹp như một đức mẹ đồng trinh. Sự sám hối của Bạch Đàn phải chăng cũng bắt nguồn từ sự thức tỉnh trong cõi từ bi?

Từ không gian vô thức, nhà văn cũng đã lồng vào yếu tố thời gian. Không gian và thời gian vốn dĩ tạo nên một khoảng trời để nhân vật đi lại, sống đời sống của mình. Thời gian trong tác phẩm đa phần được soi từ giấc mơ, vô thức và tâm linh. Đó là kiểu thời gian tâm lý. Thời gian không thể đo bằng từng thời khắc, mà được cảm nhận qua tâm trạng của con người kiểu tâm trạng ngổn ngang, chứa đầy phức cảm. Yếu tố thời gian trong tác phẩm đứt gãy, đan cài, đồng hiện thậm chí được giãn ra đến mức tối đa như tâm trạng nhân vật. Thời gian nghệ thuật trong văn xuôi đương đại chủ yếu là thời gian cảm giác được tâm trạng hóa thể hiện những ẩn ức, dồn nén, trong tâm hồn con người.

Trong tiểu thuyết Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng, thời gian đan cài

theo dòng tâm trạng của nhân vật tôi từ ký ức cô bé 15 tuổi đến khi trải qua những hoang mang, xô đẩy của cuộc đời. Thời gian trở nên dồn nén. “Mẹ đi hai mươi hai năm tưởng đã ngút xa, ai ngờ chỉ chớp mắt một cái mẹ đã về chỗ cũ. Quê hương là một thứ gì rất lạ lùng” [135, tr.24]. Thời gian thu lại trong một khoảng khắc “một chớp mắt” trong sự chiêm nghiệm đời mình. “Trong một khoảnh khắc, hình như tôi biết hết tất cả” [135, tr.27], “Tôi đang ở một nơi không có ánh sáng hay tiếng động, và cũng không có thời gian” [135, tr.57]. Thời gian luôn lui về từ quá khứ, dồn về quá khứ bằng cái nhìn xuyên thấu đời mình. Lúc nào cũng “trong cùng một khắc đó” [135, tr.94], “trong cùng đêm đó” [135, tr.102], “Tôi nằm nhớ lại giấc chiêm bao tôi thấy vào đêm qua và vào đêm trước, đêm qua, và một đêm trước đó và vào muôn nghìn đêm trước nữa” [135, tr.124]. Thời gian lúc này không đong đếm theo thời khắc, mà theo tâm trạng của nhân vật. Nỗi đớn đau của nhân vật tôi đẩy tâm trạng lùi về, tìm về quá khứ, đắm mình vào quá khứ như một điệp khúc, dồn nén trong từng khoảnh khắc. Ở đó, ta ít gặp thời gian của tương lai, chỉ có hiện tại đớn đau hòa cùng quá khứ u buồn. Thời gian bây giờ thành thời gian của vô thức, của tâm trạng, nỗi buồn và sự bế tắc. “Tôi thấy sợ thời gian, mỗi lần nó nhích tới phía trước thì có chuyện gì đó vừa xảy ra thêm, thêm vào những chuyện trước đó, càng lúc càng đầy” [135, tr.224].

Thời gian trong Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh cũng đông đặc, dồn nén như

chính hiện thực vây hãm lên cuộc đời thằng Thượng. Sự xuất hiện liên tiếp các sự kiện khiến thời gian chật vật trong từng khoảnh khắc, giống như tâm trạng con người đang bị bủa vây trước hiện thực ngột ngạt không lối thoát. Thời gian dồn dập. Lúc thì “ngay

tối hôm ấy” [3, tr. 65], “đêm ấy may thay cho tôi là trời nổi cơn giông” [3, tr. 83], “buổi sáng hôm ấy, khi làng Thổ Ô thức dậy...” [3, tr. 89], “Đúng lúc ấy” [3, tr.106], “hôm sau, như mọi ngay, Nhưng đến chiều hôm ấy.” [3, tr.124], lúc thì “khi đó” [3, tr.125], “chỉ trong tích tắc” [3, tr.125]... Thời gian dồn nén trong quá khứ - một quá khứ vây hãm bởi bóng đêm mà mỗi khi nghĩ đến thằng Thượng cảm thấy trống không giữa khoảng tối mênh mang, vô định. Giã biệt bóng tối hay giã biệt cái quá khứ tối tăm của cuộc đời, giã biệt hiện thực vây hãm đẩy con người vào bế tắc. Cái khát vọng duy nhất suy cho cùng “Tôi đã chờ cái ngày này. Tôi chụm tay, hướng về phía mặt trời hét lên một tiếng thay cho lời giã biệt...” [3, tr.258]. Các tác giả đương đại đa phần sử ụng kiểu thời gian ký ức, hoài niệm. Không chỉ thế giới xô lệch mà thời gian cũng trở nên xô lệch đẩy con người vào vô thức, tâm linh. Thời gian trở nên phi thời gian theo dòng tâm trạng. Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú cũng đã sử dụng kiểu thời gian tâm thức như

thế. Ở Nháp, tâm trạng của Thạch, của Đại chủ yếu sống trong hồi ức. Thời gian được

gợi lại từ ký ức như ký ức buồn của Thạch, quá khứ đẹp đầy mất mát của Đại, nỗi đau của Duyên, hay nỗi niềm của những người “Suốt đời không tìm được cái mà mình cần tìm” [176, tr.51]?! Tâm trạng của mẹ Thạch cũng là nỗi niềm chung của kiếp người trong vòng xoáy đó. “Quá khứ của mẹ như thế thì mẹ làm gì còn đường trở về nữa. Mẹ chỉ có hiện tại thôi.” [176, tr.51]. Thời gian được tỉ mỉ trong từng khoảnh khắc “tối hôm ấy”, “đêm hôm ấy”, “hôm sau”, “mấy năm sau”, “mấy năm sau nữa” [176, tr. 50].

Ở tiểu thuyết Kín, thời gian chủ yếu là hồi ức về quá khứ, về tuổi thơ của Quỳnh, về

quãng đời cuả cô bé Lửa Cháy đầy bi kịch. Thời gian đối với Quỳnh là “Tất cả những cái gì diễn ra trong khoảnh khắc ấy được coi là hình thù thì cái chết có một hình thù không đến nỗi ghê rợn ...” , “Tự dưng Quỳnh nghĩ đến sự vô nghĩa của việc có mặt trên cõi đời này. Hai mươi năm cho một đời người thì cũng không phải là quá ngắn ngủi” [178, tr.344]. Thời gian trong cảm nhận của Quỳnh đã trôi qua một cách vô tình, vô định. Khi con người ta rơi vào trạng thái lênh đênh, trôi nổi, thời gian cũng trôi đi một cách chậm chạp, não nề, thời gian chảy qua dòng tâm trạng, nhuốm màu nỗi nhớ, kỷ niệm và cả những phức cảm dồn nén. Thời gian trở thành thời gian trong vô thức với những cảm xúc đan xen, phức tạp, không theo một trật tự nào cả. Nó trở nên đứt gãy tạo nên những khoảnh khắc đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại. Con người trong tác phẩm luôn trói mình vào quá khứ để day dứt, đau đớn và nuối tiếc...

Các nhà văn Việt Nam đương đại đã xây dựng kiểu thời gian tâm lý như một phương tiện nghệ thuật để đi sâu khám phá đời sống của con người. Sự kết hợp giữa thời gian tâm lý cùng với không gian tâm linh, không gian ảo đã tạo nên một thế giới tâm trạng chập chờn giữa những phức cảm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 73 - 79)