Biểu tượng bến nước, dòng sông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 64 - 68)

6. Nội dung nghiên cứu

3.1.1. Biểu tượng bến nước, dòng sông

Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant giải thích biểu tượng sông với những ý nghĩa chính như sau: “Biểu tượng sông hay

dòng nước chảy đồng thời là biểu tượng của khả năng của vạn vật, của tính luân

chuyển của mọi dạng thể (F.Schoun) của sự phong nhiêu, của cái chết và sự đổi mới”. Dòng chảy là dòng của sự sống và sự chết. Ta có thể xem xét kĩ hoặc là sự chảy xuôi dòng ra đại dương, sự ngược dòng hay là sự vượt qua dòng từ bờ này sang bờ khác.

Sự chảy xuôi dòng về đại dương là sự tụ hợp của nước, là sự trở về với trạng

thái bất phân, là lối vào Nirvana (Niết Bàn); sự ngược dòng hiển nhiên là sự trở về Cội Nguồn thần thánh, với bản thể; sự vượt qua một chướng ngại ngăn cách hai lĩnh vực, hai trạng thái: “thế giới hiện tượng và trạng thái không thể chế định, thế giới của cảm tính và trạng thái siêu thoát” [47, tr.829].

Như vậy, sông được coi là một trong những cổ mẫu của văn hóa nhân loại. Một mặt sông mang ý nghĩa biểu trưng của nước, mặt khác sông có ý nghĩa biểu trưng riêng gắn liền với đặc điểm bản thể của nó. Trong văn xuôi Việt Nam đương đại, bến nước, dòng sông là biểu tượng có sức gợi lớn.

Trong tâm thức của mỗi người, nơi sinh ra và lớn lên bao giờ cũng là nơi thiêng

liêng nhất. Với chàng Cá Bơn trong Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Thác Oán bên dòng

sông Gâm chính là cội nguồn, là nơi anh được sinh ra, được bao bọc, che chở. Thế nên “Thác Oán này đối với người khác thì thật dữ dội. Nhưng với tôi thì thật hiền. Mẹ tôi là cá. Đây là nhà của mẹ tôi”.

Dòng sông là nơi nhân vật “tôi” - anh Ba (Tấm ván phóng dao) sinh ra và lớn

lên. “Tôi nghĩ dù cho mọi người không thể chọn trước cho mình một cánh cửa để chào đời (một gia đình hoặc một xứ sở) song khi đã đứng bên một dòng sông nào, uống ngụm nước ngọt của dòng sông đó, yên bình trên mảnh đất hiền hòa nuôi mình lớn lên như tôi, hay với những lữ khách khắp bốn phương trời, thì đất dước chân mình chính

là quê hương của mình, nên cúi xuống tạ ơn đất nước đó” [24, tr.11]. Dòng sông là cội nguồn thiêng liêng với anh Ba không phải chỉ vì nó nuôi anh Ba lớn lên mà nó còn chứng kiến biết bao buồn vui, nó còn như người bạn thân thiết với anh Ba. Bao nỗi niềm, bao tâm sự u uẩn trong lòng anh Ba có lẽ chỉ dòng sông là thấu hiểu.

Với mỗi người dân làng Đông (Bến không chồng) của Dương Hướng cũng vậy,

dòng sông là biểu tượng cho quê hương yêu dấu, nơi họ sinh ra và lớn lên. Sông Đình đã đi vào lời ru câu hát, vào tâm thức của người dân làng Đông từ thuở còn trong nôi: “À ơi… chẳng to cũng gọi đình Đông - Có cầu Đá Bạc bắc qua sông Đình - Chàng ơi có nhớ đến mình - Nhớ cầu Đá Bạc nhớ đình làng Đông”. Lại có câu ca rằng: “Sông làng Đông vừa trong vừa mát - Đồng làng Đông ngan ngát hương thơm”. Các cụ bảo: “Đất làng Đông nằm trên mình con rồng. Con rồng đó chính là dòng sông Đình bắt nguồn từ cống Linh chảy qua làng Đông uốn lượn như một con rồng. Nước sông như dòng sữa mẹ làm tươi tốt đất và người làng Đông” [85, tr.10]. Dòng sông Đình bao đời nay như người mẹ hiền dịu đem lại sự sống, sự sinh sôi tươi tốt. Đó là không gian yên bình, hiền hòa của làng quê, gắn với mọi sinh hoạt của con người nơi đây: “Dân làng Đông vẫn kéo nhau ra sông tắm”. “Dòng sông quê hương ngày nào Vạn còn lặn ngụp nay bỗng xao động reo vui”. Bến nước phẳng lặng, “mặt nước khẽ xao động lăn tăn”. Con sông yên bình trải rộng, là nơi gắn bó tuổi thơ, là niềm tự hào giản dị của dân làng Đông.

Dòng sông Châu Giang với Khuê, với Châu trong Dòng sông mía (Đào Thắng)

đều mang ý nghĩa rất thiêng liêng. Đó là quê hương, là một phần máu thịt của họ, là nơi để nhớ, để thương, để xót xa. Châu “vào bộ đội nhớ sông trốn về, thèm quá mang lưới bén ra đánh cá trộm, bị mấy ông quốc doanh rình phóng thuyền lớn đến để đè chìm thuyền nan, hất lộn cổ xuống sông” [144, tr.293]. Bao năm xa quê trở về, “Khuê đứng lặng bên bờ sông Châu rất lâu. Con sông diễm lệ chất chứa một phần đời lung linh, giúp người ta vượt qua trận mạc, giờ nhìn bé nhỏ và trần trụi khiến đau nhói lòng” [144, tr.289]. Với Khuê, dòng sông không chỉ mang ý nghĩa là biểu tượng cho quê hương yêu dấu mà dòng sông còn có số phận, có sinh mệnh như con người. Dường như dòng sông kia cũng đang quằn quại đau đớn trước những dâu bể của cuộc đời.

Cuộc sống con người cũng như vạn vật là vô thường. Dòng sông không chỉ gợi lên không gian thiêng liêng cất giữ, gói ghém những gì thân thương nhất về quê hương mà với đặc tính luôn luôn trôi chảy, dòng sông còn khơi gợi liên tưởng đến dòng đời,

đến số phận con người. Sông Gâm, Thác Oán trong Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), dòng

sông Đình trong Bến không chồng (Dương Hướng), khúc sông Vai Cày làng Giếng

Chùa trong Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), dòng Châu Giang

trong Dòng sông mía (Đào Thắng), dòng Linh Nham trong Người đi vắng (Nguyễn

Bình Phương)… đều mang ý nghĩa biểu trưng cho số phận, cho định mệnh của con người.

Sông trong Giàn thiêu (Võ Thị Hảo) là biểu tượng xuất hiện gắn liền với số

phận của hầu hết các nhân vật trong tác phẩm. Dòng sông Tô được Võ Thị Hảo miêu tả có lúc “nước đen kịt” [66, tr.365], có lúc “đỏ như máu [66, tr.374], có lúc “nước sông đập dữ dội vào bờ” [66, tr.380], có lúc “tiếng nước thở nghẹn ngào” [66, tr.384]… Nó gợi sự vô thường, sự biến chuyển liên tục của cuộc đời con người. Giống như số phận những người trong gia đình Từ Vinh, hôm qua còn bình yên là thế mà hôm nay tất cả đang diễn ra như một cơn ác mộng. Dòng Sông Gâm, Thác Oán cũng được xem như là chứng nhân cuộc đời của chàng Cá Bơn và Nhuệ Anh, Từ Lộ. Chính nơi này, Nhuệ Anh và Từ Lộ đều đã muốn gieo mình xuống để kết thúc mọi khổ đau của kiếp người nhưng cả hai đều không chết. Cuộc đời xoay vần cuốn con người vào sự trôi chảy với những được - mất, phúc - họa.

Dòng sông Đình (Bến không chồng) là nơi Hạnh, Nghĩa sinh ra và lớn lên.

Con sông ấy là nơi ghi dấu biết bao kỉ niệm tình yêu của hai người. Con sông nên thơ ấy “ngày xưa các cụ gọi đúng tên của bến sông này là bến “Không chồng”. Bây giờ người ta lại gọi là bến Tình” [85, tr.13]. Cái bến Tình, bến không chồng bên dòng sông Đình ấy đã chứng kiến số phận những cô gái làng Đông như Hạnh, Dâu, Thắm, Cúc. Từ bến Tình nơi dòng sông quê hương, các cô lần lượt tiễn người yêu vào chiến trường. Bến Tình bên sông là nơi chia li và cũng là nơi chờ đợi, mong ngóng, là điểm hẹn ngày trở về của những chàng trai làng Đông. Dòng sông vẫn mải miết, lặng lẽ trôi lúc dịu dàng, thơ mộng, lúc ầm ào giông bão. Cái tên của bến sông thôi đã gợi lên nỗi ám ảnh và bao nỗi xót xa cho bao số phận nơi bến sông này. Với họ, dòng sông là một phần tươi đẹp của cuộc đời nhưng cũng là nơi in dấu những nỗi đau, những bi kịch,

dòng sông là nơi hò hẹn, nơi bắt đầu cho những cuộc tình nhưng cũng là nơi ngăn cách, chia li.

Câu chuyện tình của bà Son và ông Phúc trong Mảnh đất lắm người nhiều ma

(Nguyễn Khắc Trường) gắn với đoạn sông Vai Cày của làng Giếng Chùa. Dòng sông ấy là nơi cất giấu những kỉ niệm trong sâu thẳm cõi lòng ông Phúc: “Có một góc của cõi lòng đã cất kĩ, đã giấu kín cho quên đi, bây giờ bỗng bị khua dậy!” [173, tr.278]. Đó là khi ông Phúc nhìn thấy xác bà Son trên khúc sông Vai Cày. Chính khúc sông này ngày xưa đã từng là nơi bà Son rủ ông Phúc đi trốn và cũng chính trên khúc sông này bà Son đã nói với ông rằng “nếu em chết trước anh hãy cho em nằm trên tay anh một lần cuối” [173, tr.278]. Cuộc tình giữa bà Son và ông Phúc chỉ có khúc sông này biết, những lời gan ruột bà nói với ông Phúc cũng chỉ khúc sông này biết. Khúc sông ấy là nơi bắt đầu một cuộc tình và cũng là nơi kết thúc cuộc tình ấy, một kết thúc như đã được sắp đặt sẵn của định mệnh, lời nói gở hôm xưa của bà Son nay trở thành sự thật. Bà Son đã tìm đến dòng sông như tìm một sự giải thoát khỏi thực tại với bao nhiêu tủi cực, cay đắng.

Dòng Châu Giang trong Dòng sông mía (Đào Thắng) không ngọt ngào như

tên gọi của nó. Cuộc đời của lão Chép, bà Mến, bà Cả Thuần, cuộc đời của Bé, Lẹp, Khuê, cô Bê Lớn… tất cả đều bị cuốn vào dòng Châu Giang với sự nghiệt ngã của định mệnh. Sóng gió và những ngang trái, oan nghiệt của cuộc đời liên tiếp ập tới từng cuộc đời các nhân vật làm ta liên tưởng sự mênh mông, bất tận của dòng sông cũng chính là dòng đời, là bể khổ. Dòng sông là quê hương, dòng sông là dòng đời và dòng sông cũng là nơi con người trở về sau khi đã trải qua hết mọi đắng cay, ngọt bùi của cuộc đời. Bà Mến muốn nhấn chìm mọi đắng đót, đau khổ vào dòng xoáy Châu Giang: “Nước sông dâng lên sáng đỏ như rẽ đường ra cho bà đi xuống. Một ánh chớp chói lòa, tia sét như đánh thẳng vào bà, lời chấp nhận sự cứu chuộc vĩnh cửu của bà. Bà Mến mất hút trong dòng sông đang nổi sóng dữ giữa cơn bão vẫn đang hoành hành đi qua (…)”. Bà Cả Thuần cũng đi vào lòng sông như thể đó là nơi gột rửa mọi phiền muộn ở đời. “Mặt sông trải rộng mênh mông nối liền vào sông Cái. Từ đáy sông, nơi bến Diễm vọng lên tiếng hoan ca. Có thể đây chính là Niết bàn hay Thiên đường, đã dỗ dành bao con người. Bỗng dưng mặt sông rẽ sóng, ông bà cá thần nổi lên rẽ sông

bơi về phía bà Thuần” [144, tr.485]. Sau cùng, con người lại muốn trở về chết trên con sông quê như để rũ bỏ mọi khổ đau của kiếp người.

Như vậy, bến nước, dòng sông đã đi vào văn xuôi Việt Nam đương đại với những ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Có thể thấy rằng, bến nước, dòng sông đã trở thành biểu tượng đa nghĩa để các nhà văn khắc họa đời sống tinh thần con người, thể hiện những góc khuất, những bí ẩn tâm linh, những nỗi niềm trăn trở, suy tư, trong sâu thẳm tâm hồn con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 64 - 68)