Biểu tượng lửa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 68 - 73)

6. Nội dung nghiên cứu

3.1.2. Biểu tượng lửa

Cùng với “nước”, “lửa” trở thành một biểu tượng kép trong đời sống tôn giáo

tín ngưỡng nhiều dân tộc trên thế giới. Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của

Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, biểu tượng Lửa được giải thích với những ý nghĩa chính như sau: “Lửa - bản thể; Lửa - thần thánh; Lửa - tẩy uế và tái sinh; Lửa - hủy diệt; Lửa- giác ngộ; Lửa - phương tiện vận chuyển; Lửa - giới tính” [47, tr.132]. Như vậy, lửa là biểu tượng đa nghĩa. Nó biểu trưng cho những ý nghĩa tích cực và cả tiêu

cực. Trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Đức

Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái, lửa là biểu tượng trở đi trở lại trong tác phẩm với dụng ý chuyển tải những thông điệp sâu sắc của nhà văn và được quy về chủ yếu với các ý nghĩa: Lửa - thiêu đốt, hủy diệt; Lửa – tham vọng, ý chí; Lửa - tình yêu, niềm tin.

Trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi (Hồ Anh Thái), ngọn lửa với ý nghĩa thiêu

đốt - hủy diệt là một biểu tượng ám ảnh với người đọc. Giàn thiêu được dựng lên để những người vợ góa thể hiện lòng chung thủy với chồng. Họ buộc phải lên giàn thiêu để chết theo chồng, “chết như thế là đức hạnh là chung thủy là hạnh phúc lứa đôi đời đời”. Ngọn lửa sẽ hỏa táng xác người chết và thiêu đốt buộc những người sống phải chết. Nếu người chết là vua thì giàn hỏa thiêu lên tới chục tấn gỗ trầm. Các bà hoàng hậu “khóc chồng thì ít, khóc cho mình thì nhiều” [142, tr.141]. Giả như có bà hoàng hậu nào không chịu được lửa đốt mà nhảy ra thì sẽ bị hất trở lại giàn lửa.

Lửa trong Giàn thiêu là một điểm nhấn quan trọng tạo nên không khí chủ đạo

của câu chuyện về cuộc đời hai nhân vật chính là Từ Lộ và Nhuệ Anh. Trong tác phẩm lửa xuất hiện với ý nghĩa tự thân và với những biến thể khác nhau như đèn, đèn lồng, giàn thiêu, nến, đèn nến, ngọn bấc, hỏa lò, đuốc… Khắp thiên truyện chỗ

nào cũng thấy sự xuất hiện của lửa. Ngay đầu tác phẩm là cảnh tượng rùng rợn, hãi hùng của giàn thiêu, đó là giàn thiêu để thiêu sống bốn mươi chín cung nữ, tiễn họ tới nơi Niết Bàn để hầu hạ Hoàng đế Lý Nhân Tông. Cảnh hỏa thiêu man rợ này gợi nhớ đến tục Sati ở đất nước Ấn Độ cổ đại. Sati là một tục lệ được thực hiện bởi các tín

đồ theo đạo Hindu. Theo đó, khi người chồng qua đời và được đem đi hỏa táng, góa

phụ phải tự nhảy vào giàn thiêu theo chồng. Giàn thiêu trong tác phẩm của Võ Thị Hảo để thiêu sống bốn chín cung nữ được hình dung như một con quái vật khổng lồ khát máu điên cuồng: “Lửa lập tức bùng lên. Những lưỡi đỏ khổng lồ thèm khát rần rật liếm giàn thiêu. Sạn đạo cũng bùng cháy như một con giao long khổng lồ quằn quại há cái miệng ngùn ngụt lửa đỏ mà nuốt trọn Âm Hồn” [66, tr.37]. Trong tác phẩm có tới hơn hai mươi lần trực tiếp hoặc gián tiếp, Võ Thị Hảo nhắc tới giàn thiêu. Đó là hình ảnh gợi sự thiêu đốt, sự hủy diệt tàn độc. Ngạn La và bốn mươi tám cung nữ khác sẽ

làm cho Giàn thiêu đầy thêm những oan hồn: “Đảo nhỏ biến thành đảo lửa. Trên cái

nền đỏ ấy, nổi bật những bóng đàn bà nhảy dựng lên trên những phiến gỗ thông ngùn ngụt cháy, chới với hai cánh tay lên trời rồi đảo gục xuống, bùng lên như những bó đuốc. Mùi tanh lợm của thịt người, của lông chim cháy cuồn cuộn bốc lên phủ khắp vùng” [66, tr.37]. Lửa “bùng lên”, “ngùn ngụt lửa đỏ”, “ngùn ngụt lửa cháy”, cái ngùn ngụt ấy là sức mạnh ghê gớm của cái ác, của sự hủy diệt đang nhấn chìm những phận người bé nhỏ, vô tội như Lê Thị Đoan, Dương Thái hậu, cung nữ Ngạn La và bao nhiêu cung nữ khác đã phải nhận lấy cái chết oan uổng.

Kinh hoàng hơn nữa là buổi lễ hiến tế có cả “các vị sư” được Lý Trác mời đến để đọc kinh, niệm Phật đưa tiễn “những kẻ tội nghiệp đang buộc phải đi tắt lên Niết Bàn” [66, tr.33]. Ngọn lửa đang cuồn cuộn bốc lên ngùn ngụt kia còn là biểu tượng cho sự mê muội, cuồng tín, cho bạo quyền, cho đố kị, ghen ghét. Tác phẩm mở đầu bằng cảnh tượng giàn thiêu và kết thúc tác phẩm vẫn là cảnh tượng hãi hùng đó. Những tiếng rú, tiếng than van, mùi tanh của máu, mùi khét của thịt người cháy... dưới ngọn lửa mang tên lửa nghi lễ vật linh - hiến tế được hun đúc từ chính sự đố kị, ghen tuông, ích kỉ, trở thành cái ác man rợ, mà ở đây đại diện là Lý Trác trở nên khủng khiếp, đáng sợ hơn bao giờ hết.

Cũng với sức mạnh hủy diệt, “lưỡi lửa hung dữ” đã bùng cháy dữ dội, thiêu hủy toàn bộ dinh cơ lầu gác bên bờ sông Tô Lịch và đám cưới không thành của đại

công tử con quan Diên Thành hầu. Nguyên do dẫn đến sự hủy diệt khủng khiếp đó là vì công tử Lý Câu đã nuôi ngọn lửa dục thấp hèn. Mỗi khi nghĩ đến Nhuệ Anh, trong lòng Lý Câu lại ngùn ngụt “cháy rực một nỗi khát thèm điên cuồng” được “vò nát giầy xéo lên cái thân thể đồng trinh đó”… vừa để thỏa mãn lửa dục trong hắn vùa “để trả thù lại bao nỗi uất ức mà sự cao ngạo của nàng đã gây ra cho một người như hắn”. Lý Câu đã dùng mọi cách, mọi thủ đoạn để chiếm được Nhuệ Anh nhưng không bao giờ Lý Câu có được tình yêu của nàng. Ngọn lửa dục thấp hèn cùng những hành động, ý nghĩ tăm tối, cuồng nộ của Lý Câu trong đêm động phòng với Nhuệ Anh đã thiêu rụi tất cả thành một đống tro tàn.

Từ Lộ nuôi trong lòng một ngọn lửa thù hận và rồi chính ngọn lửa đó đã thiêu đốt bản thân chàng. Sau khi Từ Vinh, cha chàng bị giết, rồi mẹ chàng cũng chết vì đau buồn, Từ Lộ đã nuôi ngọn lửa thù hận. Ngọn lửa thù hận lúc nào cũng rừng rực cháy trong lòng chàng, biến chàng trở thành một con người hoàn toàn khác. Cũng chính ngọn lửa ấy đã thiêu đốt ngọn lửa tình yêu trong tim chàng: “không còn dấu vết gì của chàng trai hào hoa phong nhã nồng nàn. Gương mặt tuấn tú yêu dấu ngày nào nay xanh tái. Đôi mắt dịu dàng tình tứ trước đây nay như bốc lửa dưới đôi mày rậm (…). Trong con ngươi của đôi mắt rừng rực ấy lóe lên ngọn lửa man dại” [66, tr.111]. Thực ra trong sâu thẳm trái tim Từ Lộ, ngọn lửa tình yêu chàng dành cho Nhuệ Anh chưa khi nào tắt nhưng chàng đã để cho ngọn lửa hận thù lấn át. Ngọn lửa đó không những thiêu đốt cuộc đời Từ mà còn thiêu đốt cả tình yêu và cuộc đời Nhuệ Anh, người con gái mà chàng hết mực yêu thương.

Ở một phương diện khác, ngọn lửa thù hận trong con người Từ Lộ lại có ý nghĩa tích cực nhất định. Nó đã tạo thành động cơ để biến Từ Lộ từ một chàng công tử thư sinh trở thành con người cứng rắn, mạnh mẽ, thổi lên ở Từ ý chí hành động. Có điều khi báo oán xong, Từ lại cảm thấy mình trống rỗng, thấy tất cả trở nên vô nghĩa. Sự tái sinh của Từ Lộ vào Thần Tông cũng không đem lại cho chàng hạnh phúc. Lửa hận thù đã hủy diệt, đã thiêu đốt cả ý nghĩa sự sống của con người.

Tái sinh, thanh tẩy là một biểu hiện khác của ngọn lửa trong Giàn thiêu khơi

gợi cho con người những ý nghĩa tốt đẹp về cuộc sống. Đó chính là ngọn lửa chàng Cá Bơn đã đốt lên để sưởi ấm, để nấu thuốc cứu sống Nhuệ Anh khi nàng vì chuyện tình bất thành với Từ Lộ mà muốn quên đi sự sống. Sự ấm áp của ngọn lửa đã đem

lại sự sống, sự hồi sinh, soi sáng sự u mê của Nhuệ Anh, giúp nàng tự thức tỉnh: “Biết những gì mình đang quên thân vì chúng thật hão huyền. Nàng xuống tóc. Căn tu run rủi thành sư bà” [66, tr.329]. Lúc này, Nhuệ Anh đã tái sinh thành một hình hài khác, nàng đã trở thành Sư bà.

Ngọn lửa tái sinh chính còn là ngọn lửa được thắp lên trên con đường học đạo của Từ Lộ: “Một ngọn lửa được đốt lên từ những bánh rêu khô. Hơi nóng rực lan tỏa khắp ngôi đền” [66, tr.353]. Đó còn là ngọn lửa được Từ Lộ thắp lên trong sự nung nấu diệt trừ cái ác: “Tay phải Từ Lộ ném bột nhang. Tay trái chàng cầm bình đựng lửa.(…). Chàng đang làm lễ lửa để sám hối. Trước khi từ biệt Tây Trúc, chàng phải thực hiện lễ này để hoàn tất con đường tu học đạo pháp, chống lại và diệt trừ các tà thần hiểm ác (…)” [66, tr.354]. Ánh sáng của ngọn lửa dẫn dắt Từ Lộ, tiếp thêm cho chàng sức mạnh và ý chí để chàng có thể chiến thắng được chính mình.

Đó cũng là ngọn lửa chuyển kiếp “bừng lên rực rỡ bởi ánh đuốc và đèn nến” trong lễ phóng diệm khẩu mà Từ Lộ đã nhìn thấy ở Tây Trúc, “mỗi năm một lần, lũ ngạ quỷ được ra khỏi vạc dầu địa ngục để tái sinh trở lại thành người trong một kiếp khác hoặc bước vào những tịnh độ, nếu có người làm lễ phóng diệm khẩu” [66, tr.396]. Ngọn lửa tái sinh chuyển kiếp cho ngạ quỷ ấy làm bừng lên ở Từ Lộ “một

ngọn lửa rực cháy” khác đem lại cho chàng sức lực và niềm hăng hái. Đó là ngọn lửa

giác ngộ dẫn dắt Từ Lộ đi đến chân tâm, “đi tìm một chốn để rảnh tay lo việc tu hành và cứu nhân độ thế”. Ngọn lửa giác ngộ mang ý nghĩa tái sinh được thắp sáng lên đã đem đến niềm tin, hướng con người vào những lẽ sống cao đẹp, xua tan đi cái ác, cái xấu. Có thể thấy rằng, biểu tượng lửa mỗi lần xuất hiện lại đem đến một nét nghĩa mới gắn với những diễn biến phức tạp trong thế giới nội tâm nhân vật.

Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, biểu tượng lửa tuy

không xuất hiện dày đặc như trong Giàn thiêu song lửa là một ám ảnh nghệ thuật

đặc sắc của tác phẩm. Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương đều có chung một sở thích, đó là chơi với lửa. Lửa ở đây không đơn thuần là ngọn lửa mang ý nghĩa vật lí mà là ngọn lửa của ý chí, của khát vọng cuồng nộ của những con người muốn canh tân đất nước, đổi thay lịch sử.

Hồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử có tầm cỡ về tư tưởng, có thực tài, quyết đoán, dám đương đầu với mọi thế lực lớn nhỏ để làm nên một cuộc “đổi đời” trời

long đất lở. Từ thuở nhỏ, Quý Ly đã nuôi một ngọn lửa: “Riêng Quý Ly, cậu bé muốn một ngọn lửa không khi nào tắt. Có thể đó chỉ là một trò nghịch ngợm của tuổi ấu thơ; nhưng cũng có thể đó là một bản năng khát khao thầm kín của con người muốn giữ một ngọn lửa đời đời” [89, tr.564]. Với con người Hồ Quý Ly thì cả hai giả thiết đều đúng. Cái trò nghịch ngợm ấy chính là ý chí, khát vọng quyền lực đã sớm hình thành ở Quý Ly. Hồ Quý Ly từ thời thơ ấu “vẫn nuôi một ngọn lửa bí mật trong hốc đá”. Đó chính là ngọn lửa tượng trưng cho ý chí, khát vọng quyền lực của Quý Ly. Càng ngày khát vọng đó càng lớn và nó trở thành tham vọng thâu tóm mọi quyền lực, nó trở thành âm mưu triều chính, nó thôi thúc hành động “thoán ngôi đoạt vị” của Hồ Quý Ly. Trong thời gian nắm quyền chính và giữ vai trò làm chủ sân khấu chính trị nhà Trần, ban đầu Hồ Quý Ly “thực bụng chỉ muốn đơn thuần làm biến pháp giúp Nghệ Hoàng cứu đất nước thoát khỏi nghèo khổ yếu hèn” [89, tr.305]. Càng về sau ngọn lửa của ý chí cuồng nộ càng lớn, ông đã tìm mọi cách để lật đổ nhà Trần, giành lấy ngôi vua về tay họ Hồ.

Hồ Nguyên Trừng giống cha mình, từ nhỏ cũng nuôi một ngọn lửa. “Bà mẹ kế của tôi, bà công chúa Huy Ninh kể rằng, cha tôi thời thơ ấu vẫn nuôi một ngọn lửa bí mật trong hốc đá. Tôi lấy làm ngạc nhiên sao lại có sự trùng hợp như vậy. Tôi cũng đã nuôi một ngọn lửa bằng những que hương ở góc miếu, dưới gốc ngọc lan, và vẫn thường mơ thấy những điều kì lạ bí ẩn về cây hoa ngát hương nọ” [89, tr.673]. Cái sở thích đặc biệt của cha con Hồ Nguyên Trừng hé lộ cho ta thấy tính cách của những con người có chung dòng máu, chung chí hướng. Hồ Nguyên Trừng không tham vọng, không cuồng nộ như Hồ Quý Ly nhưng Hồ Nguyên Trừng là người tài giỏi, có hoài bão, có khát vọng làm nên những trang sử rạng rỡ cho dân tộc.

Với Hồ Hán Thương, em trai Hồ Nguyên Trừng, ngọn lửa tượng trưng cho tham vọng, cho khát khao quyền lực mãnh liệt không khác gì Hồ Quý Ly. Hồ Hán Thương rất say mê cuốn sách Minh Đạo, cuốn sách nói lên khát vọng đổi thay, canh tân đất nước của Hồ Quý Ly. Hán Thương nói với Hồ Nguyên Trừng: “- Anh ạ, đêm qua em thắp một trăm ngọn bạch lạp, ở khắp phòng, ở cả trên cao, ở cả dưới thấp, cả trên án thư, cả những xó xỉnh nơi cư ngụ của lũ gián, của bầy chuột bọ (…). Những ngọn bạch lạp nối nhau, nắm tay nhau chạy quanh phòng ở. Và em đi giữa ánh sao sa ấy để đọc cuốn sách Minh Đạo của cha. Đường sáng! Đạo sáng!” [89, tr.482]. Cả trăm

ngọn bạch lạp kia đã khiến Hồ Hán Thương cảm giác “căn phòng dát đầy ánh sao”. Nó mở ra trước mắt Hán Thương một con đường sáng rực, một bầu máu nóng mới mẻ, tràn đầy nhiệt huyết đang cuồn cuộn chảy trong con người Hán Thương. Nguyễn Xuân Khánh đã sử dụng biểu tượng lửa để soi rọi những xung động mãnh liệt bên trong tâm hồn nhân vật Hồ Hán Thương. Biểu tượng lửa trở thành phương tiện hữu hiệu giúp nhà văn khám phá, thể hiện con người ở chiều sâu nội tâm.

Các biểu tượng từ mẫu gốc cho đến sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn đã trở thành những biểu tượng để lại sự ám ảnh sâu sắc trong lòng người đọc. Bên cạnh sự ổn định về ngữ nghĩa của biểu tượng trong tâm thức cộng đồng, sự sáng tạo của các nhà văn đã sinh thành, bồi đắp cho biểu tượng những ý nghĩa mới, khơi gợi sự liên tưởng, sự “đồng sáng tạo” của người đọc. Việc đi vào khai thác đời sống nội tâm với những biểu hiện phong phú của biểu tượng là một cách nhìn mới, nhận thức mới trong sáng tác của các nhà văn đương đại, chỉ khi giải mã được các biểu tượng ta mới có thể chiếm lĩnh được trọn vẹn tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 68 - 73)