Không gian và thời gian hiện thực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 79 - 82)

6. Nội dung nghiên cứu

3.2.2. Không gian và thời gian hiện thực

Bên cạnh kiểu không gian, thời gian phi thực, các nhà văn Việt Nam đương đại cũng sử dụng kiểu không gian, thời gian hiện thực. Đó là không gian thực và thời gian vật lý, có tác động đến tâm trạng nhân vật. Các kiểu không gian nghệ thuật được sử dụng trong văn xuôi đương đại là không gian bóng đêm, không gian trăng, không gian mưa, không gian buồng phòng, còn thời gian nghệ thuật có thể kể đến là thời gian đêm... Không gian, thời gian này sẽ tác động đến tâm trạng của nhân vật, đẩy họ vào vòng luẩn quẩn của tâm trạng.

Không, thời gian đêm trong văn xuôi Việt Nam đương đại đa số là những đêm

tinh khiết với màu đen bao trùm lên vạn vật như: Chuyện ở phố Hoa Xoan, Lửa của

khoảnh khắc (Trần Thùy Mai), Năm ngày, Hành trình của những con số (Phạm Thị Hoài), Cầu thang, Dĩ vãng, Người đi tìm giấc mơ, Ám ảnh, Của để dành, Phù thủy

(Nguyễn Thị Thu Huệ)… Trong đó, Năm ngày của Phạm Thị Hoài và Phù thủy của

Nguyễn Thị Thu Huệ là hai tác phẩm có sự đồng điệu trong việc xây dựng không, thời gian nghệ thuật. Có thể nói chính kết cấu đối lập giữa không, thời gian ngày và đêm với những cảm xúc hoàn toàn trái ngược nhau đã tạo nên hơi thở mới mẻ cho truyện ngắn của họ. Nếu như ban ngày của đôi vợ chồng trong hai truyện này chỉ là dửng dưng hoặc ồn ào trong tiếng chửi bới thì đêm đến lại là không, thời gian của những

ham muốn cuồng nhiệt. Yếu tố bi kịch trong truyện ngắn Phù thủy mạnh mẽ hơn bởi

Nguyễn Thị Thu Huệ để cho đứa con nhỏ hằng đêm phải chứng kiến nỗi say mê xác thịt của cha mẹ nó và cuối cùng phải chết trong ý muốn trở thành phù thủy. Còn trong

Chuyện ở phố Hoa Xoan của Trần Thùy Mai, tình cảm của Hưng đối với Vi cũng có sự khác biệt giữa ngày và đêm. Ngày, anh chăm sóc Vi như chăm sóc một đứa trẻ lên sáu, một đứa trẻ còn non dại: “Anh tắm cho Vi trong gian bếp nhỏ, anh kỳ cọ và chải mớ tóc ướt cho nàng. Còn nàng thì cứ vọc nước trong thau và anh phải dỗ dành mãi mới lau khô được người nàng với tấm khăn bông” [106, tr.109]. Vậy mà đêm đến, anh không cưỡng lại được tiếng nói của bản năng: “Tối hôm ấy, anh nằm quay về phía

nàng. Nàng ôm lấy cổ anh và thỏ thẻ: “Vuốt ve em đi”… Anh mở cúc áo nàng… anh gắng hết sức nhẹ nhàng, nhưng rồi Vy vẫn đau. Hóa ra với nàng là lần đầu… đêm lặng lẽ và yên tĩnh, chỉ còn ánh đèn leo lét trong góc, Hưng nhìn quanh và thấy căn hộ nghèo nàn của mình dường như tràn ngập những ảo ảnh chập chờn miên man, đấy là những ảo ảnh mà ngày xưa Adam đã nhìn thấy trong vườn địa đàng” [106, tr.115-116].

Hay nhân vật Miên và Lượng trong Đêm dài của Võ Thị Xuân Hà, thời gian hai người

bên nhau trôi qua thật nhanh, chủ yếu nhấn mạnh bằng những đêm hạnh phúc ngắn ngủi. Cuộc sống của Miên chỉ là những chuỗi ngày đau khổ chờ đợi, mong ngóng trong vô vọng: “Ngày nào Miên cũng ngồi ở tảng đá nhìn ra xa như chờ đợi ai. Cô ngồi hết ngày này sang ngày khác. Đêm đến với cô thật dài” [58, tr.118]. Không, thời gian đêm dường như nặng nề, chậm chạp gây cảm giác lâu hơn, dài hơn so với thời gian khách quan vì nó gắn liền với tâm trạng đau buồn và bi kịch của nhân vật. Còn Nguyễn Ngọc Tư, đêm cũng có lúc gắn liền với sự thỏa mãn dục vọng: những người đàn bà đến trong đêm và sáng hôm sau “đem theo mớ tiền công ít ỏi suốt một ngày làm việc quần quật của đám đàn ông” [182, tr.161]; hay trong chớp mắt, ba thằng con trai: “quần áo vẫn đẫm bùn, mặt mũi sưng sỉa” [182, tr.210] đã biến nhân vật “tôi” thành “món hàng bị ghì ngửa trên mặt ruộng bì bõm nước” [182, tr.210].

Trong văn xuôi Việt Nam đương đại, không gian buồng phòng cũng là kiểu không gian thực thường gặp để bộc lộ phần sâu thẳm con người. Kiểu không gian buồng - phòng thường gợi khoảng không gian nhỏ hẹp, con người thường đối diện với khoảng không chật chội, đối diện với mình trong con đường thăm thẳm của tâm trạng. Điều quan trọng trong khoảng không gian khép kín ấy, con người thường rạo rực những khao khát dục tính. Nhà văn thường đặt mối quan hệ tình cảm trong không gian êm ấm như thế.

Trong Mười lẻ một đêm, căn phòng nhỏ của hai mẹ con luôn trở thành chiến

trường của ta và địch, cái chiến trường ngổn ngang giữa gối mền, chăn chiếu, giữa thứ âm thanh hổn hển với những cuộc vật lộn không có hồi kết thúc. Thường, không gian nhỏ hẹp bao giờ cũng dồn nén cảm xúc, cảm giác của con người và con người dễ tìm đến nhau. Người đàn bà nông dân nhặt rác cũng buông tuồng mình trong cuộc tình với

bốn cha con từ căn phòng trọ. Trong không gian phòng của Thiên thần sám hối, cái

chồng. “Cái phòng sinh viên của anh mới khiếp chứ. Nó độ chín mét vuông chứ mấy”

[2, tr.54]. Chỉ là phòng trọ sinh viên như Duyên và Đại từng quấn nhau trong Nháp

của Nguyễn Đình Tú. Trong Đi tìm nhân vật, cô gái trao tấm huân chương trinh nữ

cũng đã trong không gian phòng của một căn nhà xa lạ. “Ngay lúc đó có một cánh tay

quàng qua lưng em, đưa em vào phòng. Ông ta khép cửa lại”[4, tr.298]. Căn phòng trở

thành nơi cứu rỗi hai linh hồn bơ vơ dạt vào nhau trong sự kiếm tìm. Đó còn là không

gian phòng của mụ chủ của “Cảm giác thiên đường” trong Đi tìm nhân vật, không gian

phòng ngủ chật chội của GS. N khiến ông luôn trói mình trong suy nghĩ và ẩn ức đến tuyệt vọng, hay không gian nhuốm màu sắc trai gái, khêu gợi ham muốn, đẩy con

người vào cõi đê mê của dục tính trong Giã biệt bóng tối. Không gian phòng trở thành

nơi vật vã của những cuộc làm tình.

Bằng việc sử dụng không gian buồng phòng, các nhà văn khắc họa những cảm giác, cảm xúc, những ham muốn bản năng, những trăn trở suy nghĩ của con người. Không gian đời thường nhuốm đầy màu sắc tâm trạng của con người. Từ góc nhìn phân tâm học, các nhà văn đã sử dụng không gian buồng phòng để khám phá thế giới bên trong con người, với cái nhìn chân thực và đầy nhân đạo.

Không gian Mưa là kiểu không gian thường xuất hiện trong văn xuôi Việt Nam

đương đại. Đó là kiểu không gian có khả năng gợi tâm trạng. Nhân vật trong Kín của

Nguyễn Đình Tú cũng không ít lần suy nghĩ trước mưa. Mưa thường gợi những ám ảnh, gợi suy nghĩ, thậm chí gợi nỗi sợ hãi. Đắm mình trong mưa, con người ta thường trở nên yếu đuối hẳn, tâm trạng hẳn, phải cuống cuồng tìm việc gì đó để quên. Kiên thấy mình mềm hẳn ra giữa cái lạnh của đất trời, thấy cô đơn như ùa về không duyên cớ. Kiếp sống bụi đời lăn lóc trước mưa, cũng thành đa mang, đa cảm. “Nói chung, bụi đời ghét mưa và sợ mùa đông” [178, tr.233]. Mưa cũng trở thành nỗi sợ hãi của ông nội Quỳnh. Như một phản xạ, cứ trời mưa, cứ nghe thấy tiếng sấm là ông chạy ra ngoài sân, kêu to lên, vui mừng như trẻ con chuẩn bị được xem tuồng. Rồi ông chờ cơn mưa. Ông cứ đội mưa mà đi, ngửa mặt mà đón những giọt mưa trời. Mưa tạnh thì ông lại trở về bình thường. “Và cũng chỉ khi có mưa ông mới biến thành một con

người khác, còn bình thường thì vẫn có thể yên tâm về ông” [178, tr.276]. Mưa trở

thành một ám ảnh không lý giải, biến con người bình thường thành bất thường. Sự hoảng loạn tâm thần của con người cũng là vấn đề của phân tâm học. Trong không

gian mưa, con người bỗng chốc không còn là chính mình - sự hoảng loạn khó hiểu. Mỗi người chịu những ảnh hưởng tâm lý khác nhau trước mưa, nhưng suy cho cùng, đó là không gian có khả năng khơi gợi cảm xúc. Với đứa trẻ không nhà, mưa là nỗi khổ trần trụi của những người nghèo khổ: “Bụi đời phơi thân ra ngoài sương gió, gặp mưa thì khác gì bánh mì nhúng nước” [178, tr.231].

Trong văn xuôi Việt Nam đương đại, không gian mưa được sử dụng khá nhiều làm phông nền cho tâm trạng. Con người dù thờ ơ đến đâu cũng bị chi phối bởi hoàn cảnh. Những không gian đêm, thời gian đêm, không gian mưa hay không gian buồng phòng... đều gợi nhiều tâm trạng, cảm xúc. Các kiểu không gian đời thường luôn có sức tác động đến tâm hồn. Nhân vật trở về với mặc cảm tính dục, ẩn ức và dồn nén. Biết bao phức cảm sẽ trào dâng trong ngổn ngang tâm trạng và nỗi niềm. Từ góc nhìn phân tâm học, những kiểu không thời gian này có sức chi phối không nhỏ. Con người mãi đào sâu chính mình, dằn vặt mình trong cõi riêng mình. Rõ ràng, đây là dụng ý nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi việt nam đương đại từ góc nhìn phân tâm học (Trang 79 - 82)