1.3.2.1. Đối với ngân hàng
Ngân hàng điện tử mang lại lợi ích cho ngân hàng là rõ ràng và không thể phủ nhận. Tuy nhiên, loại hình này cũng đem lại không ít những bất cập và khókhăn cho ngân hàng.
- Vốn đầu tư lớn: Để xây dựng một hệ thống NHĐT đòi hỏi phải một lượng vốn đầu tư ban đầu khá lớn để lựa chọn được một công nghệ hiện đại, đúng định hướng, chưa kể tới các chi phí cho hệ thống dự phòng, chi phí bảo trì và phát triển hệ thống, đổi mới công nghệ sau này. Đồng thời cần có một đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có trình độ để quản trị, vận hành hệ thống... đòi hỏi một lượng chi phí mà không phải NHTM nào cũng sẵn sàng bỏ ra đầu tư. Chưa kể việc đầu tư ấy có phát huy hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng truyền thông đất nước, hay nói khác đi còn phụ thuộc vào những nỗ lực chung của cả một quốc gia chứ không riêng gì một NHTM nào.
- Rủi ro cao: Một số rủi ro thường gặp ở các ngân hàng khi kinh doanh dịch vụ NHĐT bao gồm:
+Rủi ro hoạt động.
Rủi ro hoạt động phát sinh từ khả năng thất thoát tiềm tàng do sự thiếu hoàn chỉnh và độ tin cậy của hệ thống. Các ngân hàng có thể bị tấn công từ bên ngoài cũng như từ bên trong đối với hệ thống và các sản phẩm điện tử của mình. Rủi ro hoạt động cũng có thể phát sinh từ việc nhầm lẫn của khách hàng, từ hệ thống ngân hàng và tiền điện tử được thiết kế hoặc lắp đặt không chính xác. Rất nhiều tác động của các rủi ro này ảnh hưởng tới cả hoạt động NHĐT lẫn hoạt động tiền điện tử.
+Rủi ro danh tiếng.
Khi nào ngân hàng bị người ta chê chách là một “ngân hàng bất tiện” thì lúc đó là lúc cần phải xem lại vấn đề về danh tiếng của ngân hàng. Rủi ro danh tiếng là rủi ro phát sinh những quan điểm tiêu cực của công chúng về ngân hàng dẫn đến tình trạng thiệt hại về nguồn huy động vốn hoặc mất khách hàng. Rủi ro danh tiếng có thể kéo theo những hành động gây nên tình trạng kéo dài quan niệm không tốt trong dân chúng về hoạt động chung của ngân hàng, và như vậy khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ khách hàng sẽ trở nên khó khăn. Rủi ro danh tiếng có thể phát sinh khi hệ thống hoặc sản phẩm không hoạt động đúng theo mong muốn và tạo ra những phản ứng tiêu cực của công chúng. Sự vi phạm trầm trọng hệ thống an toàn bảo mật do sự tấn công từ bên ngoài hay ngay từ bên trong vào hệ thống điện tử của ngân hàng đều có thể làm “xói mòn” lòng tin của công chúng vào ngân hàng. Rủi ro danh tiếng cũng có thể phát sinh khi các khách hàng gặp phải trở ngại đối với các loại dịch vụ mới nhưng do không được cung cấp thông tin đầy đủ về việc sử dụng và thủ tục giải quyết những khó khăn.
+Rủi ro luật pháp.
Rủi ro có thể phát sinh từ các vi phạm hay sự không tuân thủ các luật, các quy chế, các quy định hoặc các thông lệ, hoặc khi các quyền lợi cũng như nghĩa vụ hợp pháp của các bên trong một giao dịch đã được thiết lập. Hệ thống tiền điện tử có thể là phương tiện đối với những kẻ rửa tiền nếu như hệ thống không có quy định về hạn mức giao dịch và bảo đảm khả năng kiểm soát giao dịch. Các ngân hàng tham gia vào hợp đồng ngân hàng và tiền điện tử có thể gặp phải những rủi ro luật pháp liên quan đến việc tiết lộ thông tin khách hàng và việc bảo mật cá nhân. Các ngân hàng chọn phương thức tăng cường các dịch vụ cho khách hàng bằng cách nối mạng Internet của mình với các mạng khác cũng có thể đối mặt với rủi ro luật pháp. Một kẻ xâm nhập trái phép có thể sử dụng mạng được kết nối này để lừa gạt một khách hàng của ngân hàng, và ngân hàng khi đó có thể là đối tượng khiếu kiện của khách hàng này.
Ngoài ra, ngân hàng có thể gặp các rủi ro truyền thống khác như là rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường cũng có thể phát sinh từ hoạt động kinh doanh tiền và NHĐT mặc dù hậu quả thực tế của những rủi ro này có ảnh hưởng khác xa so với rủi ro luật pháp, rủi ro danh tiếng và rủi ro hoạt động.
1.3.2.2. Đối với khách hàng
- Ngân hàng điện tử mà cụ thể hơn là Internet banking đã làm tăng sự lệ thuộc của con người vào máy tính và mạng Internet. Khách hàng cần có máy vi tính, modem, tài khoản Internet. Đây là một khoản chi phí đầu tư ban đầu không nhỏ. Thêm nữa, người sử dụng cũng phải nắm được những thao tác và kiến thức cơ bản nhất để sử dụng máy tính. Điều này hoàn toàn khác biệt so với quá trình giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, bất cứ khách hàng nào cũng có thể đến thẳng ngân hàng tiến hành giao dịch trực tiếp và có thể được nhân viên ngân hàng hướng dẫn.
- Vấn đề bí mật, an toàn là lý do chủ yếu mà một số lượng không nhỏ các khách hàng còn tỏ ra ngần ngại và lưỡng lự khi quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Khách hàng vẫn cảm thấy yên tâm hơn nếu được cầm trong tay những chứng từ giao dịch bằng giấy tờ cụ thể để làm bằng chứng. Thí dụ, với một giao dịch để thanh toán thẻ tín dụng, khách hàng cần phải tiết lộ số thẻ cho ngân hàng.Với giao dịch điện tử, khách hàng trên thực tế có thể phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn so với giao dịch chứng từ vì trường hợp xảy ra tranh chấp, chứng từ sẽ là bằng chứng đáng tin cậy hơn.
- Nhiều khi khách hàng muốn được giao dịch trực tiếp với cán bộ ngân hàng để có thể diễn giải hoặc được giải quyết các vấn đề phức tạp một cách cụ thể hơn, đồng thời khách hàng cần khai thác những thông tin mà ngân hàng điện tử hoặc Internet banking không thể cung cấp đầy đủ như một cán bộ chuyên trách có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ của ngân hàng.
1.4. Dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng thương mại1.4.1. Các dịch vụ ngân hàng điện tử