2.3.3.1. Nguyên nhân khách quan
Sự phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng phụ thuộc vào những yếu tố khách quan của nền kinh tế, của xã hội cũng như của các chủ thể tham gia vào việc sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đó là:
Thứ nhất, Môi trường pháp lý chưa thực sự phù hợp với tình hình hoạt động của ngân hàng hiện nay. Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ. Một số sản phẩm dịch vụ ngân hàng tuy đã có cơ sở pháp lý nhưng việc ban hành còn chậm trễ, chưa có hướng dẫn chi tiết và vẫn còn hạn chế đối với một số giao dịch. Các quy định về quản lý ngoại hối của NHNN cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc giao dịch thanh toán ngoại tệ. Bên cạnh đó, do cơ chế chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước liên tục được điều chỉnh, đổi mới phù hợp với định hướng phát triển của đất nước.
Thứ hai, Do sự biến động về tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Kinh tế trong nước suy thoái, thu nhập thực tế giảm làm cho chất lượng cuộc sống của đại bộ phận dân chúng bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh nên việc sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng hạn chế, doanh số thanh toán giảm sút đáng kể, đặc biệt là thanh toán xuất nhập khẩu.
Thứ ba, Khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng của các chủ thể trong nền kinh tế còn hạn chế. Họ vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt trong tiêu dùng, thanh toán. Mặt khác, nhu cầu đối với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại của nhiều bộ phận dân cư chưa thật sự cấp bách. Do đó dẫn đến số lượng khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ hiện đại còn chưa cao.
Thứ tư, Do đặc thù của Chi nhánh có mạng lưới hoạt động chủ yếu tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mặt bằng dân trí chưa cao, khách hàng nhỏ lẻ, địa bàn hoạt động xa, đối tượng khách hàng chủ yếu là nông dân, bà con dân tộc.. .Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ mới, hiện đại, cũng như khó khăn trong việc tiếp thị khách hàng.
2.3.3.2. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, Việc phát triển sản phẩm dịch vụ của chi nhánh chỉ mang tính chất "duy trì" với định hướng chung là "đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng " chứ chưa đa dạng hoá và chuyên sâu. Tuy nhiên, trong phạm vi quyền hạn của mình chi nhánh cũng chưa thực sự tích cực trong việc mở rộng đối tượng khách hàng, tìm ra các sản phẩm dịch vụ, tiện ích phục vụ cho các đối tượng khách hàng tại địa phương.
Thứ hai, Chưa khai thác tốt mối quan hệ tương hỗ, gắn kết giữa các sản phẩm dịch vụ trong quá trình triển khai phát triển. Nên không phát huy được hiệu quả của sản phẩm dịch vụ, làm hạn chế chất lượng phục vụ, cũng như không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Thứ ba, Danh mục sản phẩm tuy khá đa dạng nhưng chưa thu hút được sự chú ý của khách hàng. Vì vậy, Agribank Chi nhánh Tỉnh Điện Biên chưa xây dựng được hình ảnh khác biệt trong tâm trí khách hàng, chưa tạo được nét đặc thù và độc đáo trong các sản phẩm dịch vụ của mình.
Thứ tư, Cơ cấu tổ chức bộ máy của chi nhánh chưa tạo thuận lợi cho việc phát triển SPDV. Bên cạnh đó dịch vụ ngân hàng hiện đại được triển khai mạnh từ năm 2008 với số lượng khách hàng sử dụng tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng chưa thay đổi kịp làm cho việc sử dụng dịch vụ của khách hàng đôi khi bị gián đoạn dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa cao.
Thứ năm, Xuất phát từ nhận thức, nhiệm vụ quảng bá sản phẩm dịch vụ thuộc về bộ phận dịch vụ Marketing, nên việc quảng bá còn bó hẹp chưa phát huy được thế mạnh về mạng lưới và con người của Chi nhánh. Đồng thời chưa có chính sách khuyến khích nhằm tận dụng được nguồn nhân lực từ các cán bộ nhân viên tham gia việc quảng bá sản phẩm dịch vụ. Chưa có chiến dịch quảng bá SPDV theo quy mô lớn, bài bản mà chủ yếu làm theo tính chất mùa vụ, đơn lẻ nên hiệu quả chưa cao, chưa có sức lan tỏa rộng.
Thứ sáu, Trình độ cán bộ không đồng đều, hơn nữa trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế còn hạn chế. Nguồn nhân lực cho hoạt động phát triển dịch vụ còn thiếu và yếu, chưa có tính chuyên nghiệp. Là một ngân hàng lớn trên địa
bàn với số lượng cán bộ đông đảo, tuổi đời bình quân cao, trình độ cán bộ ở nhiều vùng còn thấp, kiến thức và hiểu biết về SPDV chưa sâu, đặc biệt là các SPDV dựa trên nền tảng công nghệ, do đó việc tiếp cận và tư vấn cho khách hàng còn nhiều hạn chế đồng thời dẫn đến nguy cơ rủi ro trong giao dịch. Nhiều cán bộ chưa thực sự nghiêm túc và chủ động trong việc tiếp thu những tư tưởng kinh doanh theo hướng sản phẩm dịch vụ đa năng. Nên khi triển khai sản phẩm dịch vụ mới còn ngại và thiếu sự năng động.
Tóm lại, có thể thấy rằng những nguyên nhân làm hạn chế phát triển dịch vụ chủ yếu thuộc về nguyên nhân chủ quan, từ việc hạn chế về chiến lược phát triển, trình độ đội ngũ cán bộ đến năng lực tổ chức thực hiện... Do đó, để có bước chuyển biến về phát triển dịch vụ, chi nhánh phải sớm có những giải pháp thích hợp để đạt được mục tiêu đã đề ra "phát triển, an toàn và hiệu quả" trong chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
•
Có thể nói, với kết quả đạt được trong những năm qua về quản lý, kinh doanh cũng như sự phát triển về công nghệ đã giúp cho Agribank Chi nhánh Tỉnh Điện Biên có những lợi thế về phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Chính vì vậy Agribank Chi nhánh Tỉnh Điện Biên đã đạt được những thành công đáng kể và là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc cung cấp một danh mục sản phẩm và dịch vụ khá đa dạng so với các NHTM trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, những thành công đã đạt được, cùng với những tác động bên trong cũng như bên ngoài ngân hàng, Agribank Chi nhánh Tỉnh Điện Biên vẫn gặp phải những khó khăn nhất định khi thực hiện, triển khai các sản phẩm dịch vụ này. Việc phân tích và làm rõ những hạn chế cũng như những nguyên nhân của nó sẽ là nền tảng cho việc tìm ra các giải pháp cụ thể và khả thi nhằm giúp Agribank Chi nhánh Tỉnh Điện Biên hoàn thiện và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại trong thời gian tới, chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần, tạo lợi thế cạnh tranh, hội nhập vào xu thế chung của thời đại.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DỊCH VỤ
NGÂN HÀNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH TỈNH ĐIỆN BIÊN