Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác quản lý và xử lý nợ xấu của Agribank Thanh Hoá không thể tránh khỏi những sai sót, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, cụ thể:
Việc tuân thủ quy trình nghiệp vụ tín dụng ở một bộ phận cán bộ tín dụng, một số chi nhánh ngân hàng cơ sở chưa nghiêm túc: công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay còn sơ sài, quản lý khách hàng, quản lý vốn vay còn lỏng lẻo; việc đăng nhập thông tin khách hàng trên hệ thống quản lý khách hàng (RMS) chưa đầy đủ, không chính xác; việc chấm điểm xếp loại khách hàng chưa được quan tâm đúng mức, không cập nhật kịp thời, chính xác thông tin của khách hàng vào hệ thống theo quy định.
Thứ hai, chất lượng công tác thẩm định tín dụng còn hạn chế
Thẩm định có vai trò rất quan trọng trong việc ra quyết định cấp tín dụng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng của ngân hàng. Tuy vậy, một số cán bộ tín dụng và cán bộ lãnh đạo làm chức năng kiểm soát tín dụng vẫn xem nhẹ khâu này dẫn đến chất lượng thẩm định không cao; tình hình sao chép nguyên thông tin do khách hàng cung cấp vào báo cáo thẩm định mà không phân tích, đánh giá tính trung thực, chính xác của thông tin còn xảy ra ở nhiều nơi; Thẩm định cho vay doanh nghiệp còn sơ sài, chưa toàn diện, chưa đánh giá đầy đủ, sâu sắc các điều kiện cấp tín dụng, chưa quan tâm đúng mức đến lưu chuyển tiền tệ, phân tích dòng tiền, báo cáo tài chính, diễn biến nguồn vốn và sử dụng vốn... .việc đề xuất và ra quyết định cấp tín dụng chủ yếu dựa vào giá trị tài sản bảo đảm và mức vốn xin vay do khách hàng đề nghị. Tất cả những điều đó làm giảm chất lượng của công tác thẩm định.
Thứ ba, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa đạt hiệu quả cao
Phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc ngân hàng tỉnh, không phụ thuộc các chi nhánh huyện; công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất theo yêu cầu đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng tín dụng. Tuy vậy do địa bàn hoạt động rộng, số lượng cán bộ kiểm tra còn mỏng so với yêu cầu công việc, việc kiểm tra theo kế hoạch là kiểm tra toàn diện các mặt hoạt động của một
chi nhánh chứ không phải tập trung cho công tác tín dụng. Mặt khác trình độ một số cán bộ kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, nên trong kiểm tra tín dụng chỉ đi sâu kiểm tra việc thực hiện quy trình tín dụng, những sai sót trong việc thiết lập hồ sơ, vì thế mà chưa phải ảnh kịp thời, đầy đủ những dấu hiệu rủi ro tín dụng và chưa tư vấn được các giải pháp xử lý nợ cho ngân hàng cơ sở. Công tác tự kiểm tra chuyên đề của cán bộ tín dụng (kiểm tra sử dụng vốn, phân tích tài chính doanh nghiệp...) ở một số chi nhánh thực hiện chưa thường xuyên, chất lượng chưa cao.
Thứ tư, công tác xử lý thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro còn bất cập
Cơ chế hỗ trợ của Trụ sở chính trong công tác xử lý nợ xấu chưa thật sự phù hợp với đặc điểm địa bàn hoạt động, tính đa dạng khách hàng của Agribank. Quy trình xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn mang tính chất chung, trong khi đó kiến thức pháp luật của đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Agribank quy định tỷ lệ phí dịch vụ chi cho công tác tư vấn pháp luật quá thấp (100 triệu đồng/vụ), không quy định tỷ lệ phí chi cho các cơ quan chức năng hỗ trợ công tác xử lý nợ ở cơ sở.. .hạn chế hiệu quả xử lý thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro.
Thứ năm, việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu chưa thực sự đa dạng Biện pháp chủ yếu để xử lý nợ xấu được các chi nhánh của Agribank Thanh Hoá sử dụng hiện nay là đẩy mạnh thu hồi nợ trực tiếp, xử lý tài sản đảm bảo, dùng quỹ dự phòng rủi ro, dùng các biện pháp pháp lý. Nhiều chi nhánh chưa quan tâm nhiều đến các biện pháp tái cơ cấu các khoản nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp, miễn, giảm lãi tiền vay cho khách hàng để giúp khách hàng có thể hoạt động hiệu quả hơn, từ đó ngân hàng có thể đẩy mạnh công tác thu hồi nợ xấu.