Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức lãnh thổ cây công nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức lãnh thổ cây công nghiệp tỉnh tây ninh (Trang 29 - 34)

Các nhân tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, kĩ thuật, lịch sử đều có những tác động đến TCLTCCN, tạo nên sự phân hóa sản xuất cây công nghiệp theo lãnh thổ. Sự phân hóa sản xuất cây công nghiệp theo lãnh thổ lại là cơ sở để TCLTCCN. Có nhiều nhân

tố tác động đến việc TCLTCCN, tựu chung lại có thể xếp các nhân tố này thành các nhóm cơ bản: Vị trí địa lí và quy mô lãnh thổ; nhóm các nhân tố tự nhiên (Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên ) và nhóm các nhân tố kinh tế - xã hội (Dân cư – nguồn lao động, thị trường, tiến bộ khoa học kĩ thuật, các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển nông nghiệp…)

* Vị trí địa lí và quy mô lãnh thổ

Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ có vai trò rất quan trọng và quy định tới sự hình thành và phát triển của các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp cũng như tổ chức lãnh thổ cây công nghiệp. Vị trí sẽ tác động thuận lợi hay khó khăn cho việc thu mua, vận chuyển giống, trang thiết bị nông sản, vật tư nông nghiệp. Vị trí thuận lợi còn làm giảm bớt hư hao nông sản, làm tăng giá trị nông sản hàng hóa; tạo ra nhiều cơ hội mở rộng các quan hệ kinh tế với các tỉnh thành trong cả nước và quốc tế.

Quy mô lãnh thổ cũng mang tính chất quyết định tới sự hình thành và phân bố của các hình thức tổ chức lãnh thổ cây công nghiệp. Với mỗi hình thức sản xuất nông nghiệp khác nhau đều cần những diện tích sản xuất nhất định. Chẳng hạn, ở những vùng diện tích lớn có thể hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cánh đồng mẫu.. Với hình thức hộ gia đình, quy mô sản xuất không đòi hỏi lớn nhưng để phát triển kinh tế trang trại hay HTX nông nghiệp, nông trường quốc doanh lại đòi hỏi một diện tích khá lớn để sản xuất nhiều nông sản, vượt qua ngưỡng tự cung, tự cấp của gia đình. Tuy nhiên, diện tích lớn cũng đòi hỏi người chủ sản xuất phải có khả năng quản lí tốt để không bị lãng phí tài nguyên, sức lao động, đồng thời đòi hỏi phải có sự trang bị về máy móc, phương tiện sản xuất lớn.

* Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

- Đất đai

Đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt của nông nghiệp, để sản xuất và TCLTCCN không thể thiếu tư liệu đặc biệt quan trọng này.

Đất đai quyết định quy mô sản xuất, kinh doanh của mỗi hình thức tổ chức và ảnh hưởng tới sản phẩm chuyên môn hóa, năng suất, chất lượng sản phẩm. Mỗi loại đất thích hợp để trồng và phát triển hiệu quả nhất một hay một vài loại cây công

nghiệp nào đó, do vậy, việc nghiên cứu tính chất của đất có ý nghĩa to lớn trong quá trình TCLTCCN.

- Địa hình

Đặc điểm địa hình có tác động không nhỏ tới các hình thức TCLTCCN. Các dạng địa hình quy định loại hình và phương hướng sản xuất của các nhóm cây, loại cây công nghiệp. Chẳng hạn, đối với những vùng trung du sẽ phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, TT trồng cây lâu năm, theo hình thức nông - lâm kết hợp; tại các vùng đồng bằng sẽ phát triển sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả… Địa hình cong ảnh hưởng đến chất lượng đất theo độ cao.

- Khí hậu

Điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi làm cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm cao, tiết kiệm được chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Điều kiện khí hậu cũng ảnh hưởng tới việc lựa chọn cơ cấu cây công nghiệp và cơ cấu mùa vụ. Mỗi loại cây công nghiệp thích ứng tốt nhất với một điều kiện tự nhiên nhất định.

Hiện nay trong nhiều hộ gia đình, TT, HTX đã có nhiều biện pháp tạo môi trường thuận lợi cho các cây trồng phát triển. Việc tạo khí hậu nhân tạo không những giúp cây trồng phát triển tốt mà còn phòng chống được nhiều dịch bệnh, tuy nhiên điều này đòi hỏi các chủ sản xuất có vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, những thay đổi lớn về nhiệt độ, độ ẩm, các hiện tượng tự nhiên như gió, bão, lũ lụt.. đều có ảnh hưởng tới quá trình sản xuất cây công nghiệp.

- Thủy văn

Nước ảnh hưởng tới quy mô, loại hình, cơ cấu sản xuất và phương hướng phát triển của các hình thức TCLTCCN.

Nguồn nước cung cấp cho mô hình có thể là từ các sông suối xung quanh, từ các nguồn nước ngầm hay nước mưa theo mùa. Đối với những nơi sử dụng sông ngòi làm làm nước tưới tiêu người nông dân cần nắm rõ chế độ nước của sông ngòi để sử dụng thích hợp.

Như vậy điều kiện tư nhiên là tiền đề tất yếu cho việc hình thành và phát triển của các hình thức TCLTCCN cả hiện tại và tương lai.

* Điều kiện kinh tế - xã hội

- Dân cư và nguồn lao động

Dân cư là tập hợp người sinh sống trên một lãnh thổ được đặc trưng bởi mối quan hệ qua lại với nhau về mặt kinh tế - xã hội, bởi tính chất của việc phân công lao động và đặc điểm cư trú. Mặt khác, dân cư còn khâu trung tâm của quá trình tái sản xuất xã hội, trong hệ thống tự nhiên – dân cư – kinh tế thì dân cư là thành phần năng động gắn bó tự nhiên với kinh tế nhờ thuộc tính sẵn có của mình. Dân cư – lao động trở thành nguồn lực vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mọi hình thức TCLTCCN.

Quy mô và kết cấu dân số có ảnh hưởng trực tiếp nhất tới quy mô thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó có sản phẩm của hộ gia đình, HTX, TT, nông trường quốc doanh,…Nguồn lao động với trình độ khoa học kĩ thuật của họ vừa cung cấp lao động cho các ngành kinh tế khác như: Giao thông vận tải, thông tin liên lạc, thương mại, công nghiệp chế biến, từ đó gián tiếp thúc đẩy các hình thức TCLTCCN phát triển. - Cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật

Kết cấuhạ tầng, trước hết là hệ thống đường giao thông, hệ thống điện và thông tin liên lạc là điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất cây công nghiệp đòi hỏi yêu cầu cao hơn về cơ sở hạ tầng, kĩ thuật; cần có sự cung ứng kịp thời và đầy đủ cả vật tư, giống, phân bón đồng thời sơ chế nông sản, vận chuyển các sản phẩm tới nơi tiêu thụ. Trong TCLTCCN, hệ thống cơ sở chế biến nông sản là một trong những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả sản xuất của các hình thức TCLTCCN.

Ngược lại, những nơi có cơ sở hạ tầng kém phát triển, giao thông khó khăn, không tiếp cận được những tiến bộ khoa học kĩ thuật thì rất khó khăn cho sự hình thành và phát triển các hình thức TCLTCCN.

Trong TCLTCCN, hệ thống điện và thông tin liên lạc góp phần thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất và là cơ sở ra đời nhiều ngành kinh tế ở nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân gắn bó chặt chẽ sản xuất với thị trường

tiêu thụ từ đó hạn chế rủi ro trong phát triển nông nghiệp cũng như phát triển cây công nghiệp trong nền kinh tế thị trường.

Các công trình thủy lợi góp phần quan trọng giúp người sản xuất khắc phục những tiêu cực của tự nhiên, đáp ứng nhu cầu sinh học của các cây công nghiệp.

- Thị trường

Thị trường là nơi diễn các hoạt động trao đổi mua bán và tương tác giữa cung với cầu. Đối với mọi hình thức TCLTCCN thì yếu tố thị trường luôn đóng vai trò thúc đẩy sản xuất phát triển và ảnh hưởng tới cơ cấu cây cây công nghiệp cũng như định hướng phát triển lâu dài.

- Cách mạng khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp

Sự phát triển của KHKT có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển của các hình thức TCLTNN trong đó có TCLTCCN.

Dưới tác động của các cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật nền NN đã trải qua một bước ngoặt lịch sử, đã và đang trở thành một ngành sản xuất tiên tiến, một dạng sản xuất kiểu công nghiệp. Đặc biệt, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mới cho ngành NN.

Theo GS.TS Đỗ Kim Chung, nền nông nghiệp vận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 được gọi là “Nông nghiệp 4.0”. Đặc trưng cơ bản của nông nghiệp 4.0 là số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật, kết hợp các hệ thống điều hành và tác nghiệp tập trung, tự động hóa và thông minh giữa công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ điều hành đảm bảo cho quá trình sản xuất - doanh diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững (Đỗ Kim Chung, 2018).

Với những đặc trưng trên, nền nông nghiệp 4.0 đã, sẽ và đang tạo ra các nông sản chất lượng, năng suất cao ngay cả trong những điều kiện bất thuận; điều kiện làm việc của người lao động tốt hơn, thông qua kết nối internet, ngồi ở nhà mà nông dân vẫn có thể biết được diễn biến lô thửa cây trồng trên đồng ruộng và từng ô chuồng, từng con gia súc để ra các quyết định đúng, hiệu quả.

Như vậy, trước những điều kiện, đỏi hỏi đặc thù của ngành trồng cây công nghiệp thì một nền “nông nghiệp thông minh” được coi là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển và phân hóa sản xuất cây công nghiệp theo lãnh thổ.

- Đường lối, chính sách

Đường lối đổi mới của Đảng và các chính sách phát triển NN của nhà nước có ý nghĩa to lớn thúc đẩy ngành trồng cây công nghiệp phát triển. Các chính sách ruộng đất, đầu tư tín dụng, chính sách lao động, chính sách khoa học công nghệ, chính sách mở rộng thị trường…. có tác động rất lớn đến sự phát triển của các hình thức TCLTCCN, đó là những công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lí, điều tiết sự phát triển của TCLTCCN nhanh chóng và ổn định.

Như vậy, trong các nhân tố trên thì điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tạo nên nền tảng cho sự phân hóa lãnh thổ sản xuất cây công nghiệp, tuy nhiên sự phân hóa thực tế của lãnh thổ sản xuất cây công nghiệp lại do nhân tố kinh tế - xã hội quy định. Các nhân tố kinh tế - xã hội, kĩ thuật, lịch sử,…có tác động khác nhau, nó có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phân hóa trên thực tế sản xuất của các vùng. Trong điều kiện của nền kinh tế tự cấp, tự túc, sản xuất nhỏ thì sự phân hóa lãnh thổ sản xuất cây công nghiệp bị chi phối mạnh bởi các điều kiện tự nhiên. Song, khi đã trở thành nền NN hàng hóa, thì các nhân tố kinh tế- xã hội lại có tác động rất mạnh làm cho các hình thức TCLTCCN chuyển biến.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức lãnh thổ cây công nghiệp tỉnh tây ninh (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)