* Khái quát về TCLTCCN vùng Đông Nam Bộ và cả nước
Việt Nam có thế mạnh về trồng cây công nghiệp do đất đai, khí hậu và hệ sinh thái cây trồng rất đa dạng, lực lượng lao động dồi dào. Phát triển cây công nghiệp là
chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta xuyên suốt trong các thời kỳ, nhất là trong những năm đổi mới và đã đạt được những kết quả nhất định.
Về đại thể, cây công nghiệp nước ta chia thành 02 nhóm:
+ Nhóm cây công nghiệp hàng năm gồm nhiều loại. Về mặt diện tích, nhiều hơn cả là mía, lạc, đậu tương; kế đến là thuốc lá, bông, đay, dâu tằm…
+ Nhóm cây công nghiệp lâu năm gồm các cây công nghiệp chủ yếu và có giá trị như cao su, cà phê, chè và một số loại cây khác như dừa, hồi, sơn quế…
Bảng 1.1. Diện tích cây công nghiệp nước ta, giai đoạn 2005-2015 Diện tích (1000 ha) 2005 2008 2010 2013 2015 Tổng số 2.495,1 2.691,9 2.808,1 2.841,8 2.830,1 CCN hàng năm 861,5 806,1 797,6 730,9 676,6 CCN lâu năm 1.633,6 1.885,8 2.010,5 2.110,9 2.154,5 Nguồn: (Tổng cục thống kê, 2005-2015) Ở nước ta, cây công nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm có lịch sử phát triển hàng trăm năm, song trước đây, việc trồng cây công nghiệp phát triển chậm, quy mô nhỏ hẹp, manh mún. Sau này, nhất là khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới, cây công nghiệp được đẩy mạnh và đầu tư nhiều. So với cây công nghiệp lâu năm, cây công nghiệp hàng năm phát triển thất thường, thiếu vững chắc, trong khi đó sự tăng trưởng cây công nghiệp lâu năm là nhanh và ổn định. Do đó, việc nhận diện rõ những thế mạnh, tồn tại, khó khăn và thách thức của ngành trồng cây công nghiệp để từ đó đề ra các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cây công nghiệp trong thời gian tới là vấn đề rất cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xác định hệ cây, con chủ lực và thực hiện quy hoạch các vùng trồng cây công nghiệp dựa trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh từng vùng, từng địa phương để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm là những giải pháp được Đảng và nhà nước chủ trương, triển khai thực hiện một cách sâu rộng. Chính vì vậy, ở nước ta nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung với quy mô
lớn được hình thành; nhiều trang trại, hợp tác xã, nông trường trồng và sản xuất cây công nghiệp đã ra đời.
Trong các hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất nông nghiệp nói chung và cây công nghiệp nói riêng, kinh tế hộ gia đình là vẫn một hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp điển hình ở nước ta cũng như vùng Đông Nam Bộ. Hiện nay, trên cả nước đã xuất hiện ngày càng nhiều nông hộ sản xuất hàng hóa, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có và sử dụng lao động địa phương để sản xuất. Đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình cánh đồng lớn đạt giá trị cao, hộ nông dân có thu nhập cao, mô hình hộ gia đình sản xuất rau, hoa, cây thực phẩm, cây công nghiệp… đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha canh tác/năm.
Về quy mô, quy mô canh tác của các hộ trồng cây công nghiệp ở nước ta thường nhỏ và trung bình.Các mô hình kinh tế hộ gia đình trong sản xuất cây công nghiệp gồm:
+ Mô hình sản xuất chuyên canh các sản phẩm như chè, cao su, cà phê. Điển hình ở Trung du Miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; đây là mô hình các hộ kinh tế làm vệ tinh nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến.
Ở nước ta cà phê được trồng trong các hộ gia đình quy mô vườn từ 0,5-1 ha, tập trung thành các vùng chuyên canh lớn ở các tỉnh vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Trong những năm trở lại đây, nhiều mô hình sản xuất quy mô trang trại gia đình hình thành và phát triển đang trở thành các cơ sở sản xuất cà phê hàng hóa gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu như các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng…
Đối với cây cao su, ngoài 2 vùng sản xuất tập trung là Đông Nam Bộ (3 tỉnh trọng điểm là Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh), Tây Nguyên và đã mở rộng ra các tỉnh khác như Bình Thuận, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… ; cao su tiểu điền đang là mô hình khá phổ biến tại các địa phương này, mô hình nông lâm kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng, khơi dậy tiềm năng nhiều vùng nông thôn xa xôi, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Dù vậy, quy mô hộ gia đình, trang trại còn nhỏ, công nghệ chế biến cao su mới dừng lại ở khâu sơ chế để xuất khẩu.
+ Mô hình sản xuất cây giống (cây trồng nông,lâm nghiệp), đây là mô hình phát triển sản xuất giống cây trồng ở Trung du Miền núi như giống cà phê, cao su, chè, cây ăn quả các loại. Mô hình này rất hấp dẫn về các loại giống mới, đặc sản, giống sạch có chất lượng và sản lượng cao có giá trị trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
+ Mô hình nông – lâm kết hợp: mô hình này phát triển rộng rãi ở vùng trung du và miền núi.
Các mô hình kinh tế hộ gia đình sản xuất cây công nghiệp ở nước ta nhìn chung khá phổ biến, đây cũng là hình thức tổ chức sản xuất cơ sở của sản xuất nông nghiệp, nông thôn và là cơ sở để hướng tới mô hình kinh tế cao hơn – mô hình trang trại sản xuất cây công nghiệp quy mô lớn.
Ngoài các mô hình sản xuất hộ gia đình, ở nước ta các trang trại trồng cây hàng năm, cây lâu năm cũng khá phổ biến, đã và đang phát triển theo mô hình trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tính đến cuối năm 2015, Tây Nguyên có 3.275 trang trại, trong số đó khảng 2/3 trang trại trồng cây lâu năm, chủ yếu là cà phê; tập trung ở các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đắc Nông. Các hộ chú trọng đầu tư thâm canh, chăm sóc, bảo vệ tốt vườn cây và thực hiện tốt chế độ tưới trong mùa khô, nhờ đó năng suất tăng lên, đạt 23,5-25 tạ/ha trở lên.
Các trang trại trồng cây lâu năm sử dụng khoảng 79,5 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp trong 187 nghìn héc-ta diện tích đất sản xuất nông, lâm, thủy sản cả nước (Nguyễn Sinh Cúc, 2009). Do có sự thay đổi về chính sách, Nhà nước cho phép chuyển đổi diện tích cây trồng nên nhiều hộ và chủ trang trại đã mạnh dạn chuyển sang trồng các cây cho giá trị cao như cà phê, cao su, điều, cây ăn quả và một số cây ngắn ngày khác, điển hình như lạc, mía… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các trang trại cây lâu năm phần lớn chủ trang trại vẫn còn thiếu thông tin về thị trường, khoa học kỹ thuật; số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế nên giá trị các nông sản chưa cao.
Ở nước ta, hiện có nhiều vùng trồng cây công nghiệp (gọi là vùng chuyên canh cây công nghiệp) gắn liền với công nghiệp chế biến tạo thành một tổ hợp nông - công
nghiệp giống của Liên Xô (cũ) vào những năm 1980. Đây là hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp đã đang tồn tại ở nước ta và phát triển có hiệu quả.
Đông Nam Bộ nổi lên là một trong những vùng chuyên canh cây công nghiệp của cả nước. So với Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng hội tụ nhiều tiềm năng to lớn để phát triển các cây công nghiệp lâu năm (cao su, cà phê, điều, hồ tiêu), cây ăn quả và cả cây công nghiệp ngắn ngày (đậu tương, mía, thuốc lá…) trên quy mô lớn và thực sự trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Trong nhóm cây công nghiệp, cây CNLN là thế mạnh của vùng, chiếm hơn 90% diện tích các cây công nghiệp toàn vùng và hơn 60% so với toàn quốc; trong đó, cây cao su đã thực sự trở thành sản phẩm chuyên môn hóa chính của Đông Nam Bộ, tập trung ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh (Lê Thông, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Minh Tuệ, & Lê Mỹ Dung, 2013) với nhiều hình thức tổ chức sản xuất từ hộ gia đình quy mô nhỏ đến quy mô lớn, các nông trường cao su quy mô đất đai rộng lớn, các vùng sản xuất tập trung.
Theo sau Đông Nam Bộ, Tây Nguyên là vùng chuyên cây công nghiệp lớn thứ hai cả nước, tại đây đã hình thành một số nông trường và một số hộ gia đình trồng cây công nghiệp dài ngày (cao su, chè, cà phê), tuy nhiên công nghiệp chế biến phát triển còn chậm; trong khi đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc chuyên môn hóa về cây công nghiệp dài ngày của miền ôn đới và cận nhiệt như chè, hồi, sở… và một số cây công nghiệp ngắn ngày như đậu tương, lạc, thuốc lá..
Nếu so sánh với 2 vùng chuyên canh cây công nghiệp còn lại thì vùng Đông Nam Bộ có một số điểm mạnh sau: có cơ cấu cây trồng tương đối ổn định, trình độ thâm canh khá cao, quy mô sản xuất lớn, đầu tư theo chiều sâu, sử dụng nhiều máy móc, vật tư nông nghiệp, đặc biệt hệ thống cơ sở chế biến phát triển mạnh.. tất cả nhằm sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên nông nghiệp của vùng.
Nhìn chung, các vùng chuyên canh ở nước ta tồn tại phổ biến ở các địa bàn sản xuất cây công nghiệp tiêu biểu như cà phê, tiêu, điều, cao su, chè, mía thuộc các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc và một số địa phương khác. Tại các vùng này người ta ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật canh tác tiên tiến,
đồng thời gắn với nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao đem lại giá trị lớn.
Trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện vẫn còn tồn tại và phát triển các hợp tác xã trồng cây công nghiệp hàng năm, cây công nghiệp lâu năm, nhân và chăm sóc giống cây và các dịch vụ kèm theo; các nông trường sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả… song để tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa, hội nhập thị trường, chúng có sự thay đổi về hình thức và chức năng. Các HTX kiểu cũ dần được thay thế bằng các mô hình HTX kiểu mới như HTX cà phê kiểu mới (Lâm Đồng), HTX sản xuất cà phê bền vững theo mô hình thương mại công bằng (Đăk Lăk), HTX cao su (Tây Ninh)…; nhiều nông trường đã giao khoán đất đai, vườn tược, đồi rừng cho các hộ gia đình; phần lớn các nông trường đang hoạt động của nước ta là những nông trường tổng hợp hoặc là các nông trường trồng cây công nghiệp, chủ yếu trồng cây công nghiệp lâu năm (cà phê, cao su, tiêu), trồng cây ăn quả…. gồm hộ dân cùng hợp tác cùng sản xuất.
Tóm lại, trong quá trình tổ chức lãnh thổ sản xuất cây công nghiệp ở nước ta có các hình thức tổ chức sản xuất sau: hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, nông trường (cây ăn quả, cây lâu năm), các vùng sản xuất chuyên môn hóa (vùng chuyên canh) cây công nghiệp, các mô hình sản xuất cánh đồng lớn. Trong đó, các mô hình sản xuất hộ gia đình quy mô nhỏ còn phổ biến; nhiều hộ gia đình, chủ trang trại đã và đang phát triển theo hướng trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn; các vùng chuyên canh cây công nghiệp quy mô lớn ngày càng phát triển và gắn với công nghiệp chế biến, điển hình như vùng chuyên canh cà phê Tây Nguyên, vùng chuyên canh cao su Đông Nam Bộ, vùng chuyên canh chè Trung du Miền núi phía Bắc…..
Riêng Đông Nam Bộ, các hình thức sản xuất hộ gia đình, trang trại và sản xuất chuyên canh cây công nghiệp là những hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu; các mô hình sản xuất cánh đồng lớn đang ngày càng mở rộng; hệ thống cơ sở chế biến và cơ giới hóa trong sản xuất so với các vùng khác phát triển hơn.
* Các hình thức tổ chức lãnh thổ một số cây công nghiệp
Cây CN Các hình thức tổ chức lãnh thổ chủ yếu
Cao su - Cao su tiểu điền (chiếm khoảng 20%) - Cao su quốc doanh (nông trường cao su) - Trang trại (trước kia gọi là đồn điền)
- Vùng chuyên canh cao su (lớn nhất là Đông Nam Bộ: Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh)
Hồ tiêu - Nông hộ (quy mô từ 0,5-3ha, cũng có hộ vài chục ha) - Trang trại (trước kia gọi là đồn điền)
- 2 vùng chuyên canh: Tây Nguyên và Đông Nam Bộ Điều - Nông hộ quy mô hỏ, trung bình <2ha
- Trang trại quy mô khá, BQ>10ha/trang trại
- 3 vùng trồng điều: Đông Nam Bộ (lớn nhất), Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Mía - Doanh nghiệp NN (là các nông trường mía thuộc quản lý của các công ty mía đường)
- 4 vùng nguyên liệu mía: đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (>70% diện tích và sản lượng mía cả nước).
- Cánh đồng mía mẫu lớn, liên kết nông dân với doanh nghiệp và các hợp tác xã là cầu nối. Lạc (Đậu phộng) - Hộ gia đình - Hợp tác xã - Cánh đồng mẫu lớn - Vùng chuyên canh
Nguồn: Tổng hợp và xử lý từ nhiều nguồn
Tiểu kết chương 1
Ở Việt Nam, tồn tại và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất cây công nghiệp sau: hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, nông trường, vùng chuyên canh cây công nghiệp, cánh đồng mẫu lớn.
Trong đó, vẫn phổ biến các hình thức sản xuất hộ gia đình, trang trại; các hợp tác xã và các nông trường sản xuất cây công nghiệp tồn tại và hoạt động song có sự
thay đổi về hình thức và chức năng. Các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp ngày càng phát triển và mở rộng, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Các hộ gia đình sản xuất ngày càng có xu hướng phát triển theo mô hình kinh tế trang trại gia đình quy mô lớn, sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lãnh thổ sản xuất cây công nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế, điều đó đã ảnh hưởng đến quy mô, hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản, hướng chuyên môn hóa sản xuất …..
Chương 2. TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG TỔ CHỨC LÃNH THỔ CÂY CÔNG NGHIỆP TỈNH TÂY NINH 2.1. Tiềm năng TCLT cây công nghiệp tỉnh Tây Ninh
2.1.1. Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ
Tây Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh tiếp giáp gồm Bình Dương, Bình Phước, Long An và thành phố Hồ Chí Minh, phía Tây và phía Bắc giáp Vương quốc Cam Pu Chia có đường biên giới dài 240 km. Tây Ninh còn nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Bộ và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long cùng với sự đa dạng và những nét đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, dân cư, KT-XH.
Với vị trí địa lý như vậy, tỉnh Tây Ninh có những thuận lợi về: thị trường (rộng lớn, đa dạng và năng động); có nhiều tiềm năng về khoa học - công nghệ; nhiều nhà đầu tư có tiềm năng lớn về vốn, năng lực kinh doanh, thương hiệu; có hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi (đặc biệt là hệ thống giao thông, cơ sở chế biến...).. Đây là những điều kiện thuận lợi hết sức quan trọng cho sự ra đời và phát triển của các hình thức TCLTCCN và các liên kết nông – công – thương nghiệp.
Tuy nhiên, vị trí đó cũng mang lại những khó khăn đáng kể như: các nguồn lực trong nông nghiệp giảm nhanh (đặc biệt là các huyện phía Nam của tỉnh), giá cả các yếu tố sản xuất tăng, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm; nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng cao...
2.1.2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên
* Đất đai
- Về quỹ đất nông nghiệp: Tính đến cuối năm 2015, quỹ đất nông nghiệp của Tây Ninh là 346.402,52ha, chiếm 85,71% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, đất trồng cây hàng năm là 115.750,54 ha (chiếm 33,41% quỹ đất nông nghiệp), đất trồng cây lâu năm 155.464,38 ha (44,88%).