Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức lãnh thổ cây công nghiệp tỉnh tây ninh (Trang 54 - 63)

Tỉnh Tây Ninh là tỉnh có dân số trung bình trong cả nước. Đến năm 2015, dân số trung bình toàn tỉnh là 1,11 triệu người (đứng thứ 4 trong vùng ĐNB và đứng thứ 36 cả nước), trong đó dân số thành thị có 246.628 người chiếm 22,19%, dân cư nông thôn 864.875 người chiếm 77,81%. Mật độ dân số toàn tỉnh là: 275,04 người/km2 (Cục thống kê, 2005-2015). Với quy mô dân số đó, Tây Ninh không những có nguồn lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất mà còn có thị trường nội địa mạnh mẽ tiêu thụ những sản phẩm được sản xuất và chế biến từ cây công nghiệp của tỉnh.

Cơ cấu dân số của tỉnh đang có xu hướng già hóa. Theo số liệu thống kê, nhóm dân số 15 - 60 tuổi chiếm 57 - 59% (tương đương 633 - 655 nghìn người), nhóm dân số dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi chiếm 41 - 43% (tương đương khoảng 455 - 465 nghìn người), chỉ số phụ thuộc là 71 - 73%. Tây Ninh đã qua khỏi thời kỳ “Dân số vàng” (Cục thống kê, 2005-2015). Đây là một trong những điểm yếu đối với đầu tư tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Nguồn lao động trên địa bàn tỉnh đang có xu thế giảm. Nếu năm 2011 là 59,25% thì đến năm 2015 chỉ còn 57,09%; tốc độ tăng nguồn lao động ở mức khá thấp (0,68%/năm). Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế giảm 0,84%/năm. Riêng lao động nông nghiệp giảm nhanh (giảm 2,94%/năm): nếu năm 2012 tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 43,92% trong tổng lao động xã hội thì đến năm 2015 tỷ lệ này chỉ 37,42%, đây là một xu thế tốt nhằm phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới với tỷ lệ lao động nông, lâm, ngư nghiệp < 20% (Cục thống kê, 2005-2015).

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là những lao động giảm trong nông nghiệp thường là lao động trẻ, khỏe và có năng lực nên lao động còn lại trong nông nghiệp đã ít lại đang có xu thế “già hóa”, trong khi đó ngành trồng cây công nghiệp đòi hỏi những lao động không chỉ có thể lực mà còn cả năng lực từ khâu trồng trọt, chăm sóc đến khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản… Vì thế, quan tâm đến trình độ lao động là một vấn đề rất quan trọng trong quá trình TCLT cây công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các cây công nghiệp đòi hỏi có kỹ thuật từ khá đến giỏi và mang lại giá trị kinh tế cao.

Mặt khác, về chất lượng lao động trong nông nghiệp ở Tây Ninh luôn được xếp ở mức khá so với các tỉnh phía Nam, song mâu thuẩn là trong số lao động trực tiếp

làm nông nghiệp lại có rất ít người được qua trường lớp đào tạo dù chỉ là kỹ thuật cơ bản về trồng trọt và chăn nuôi mà phần lớn là sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống. Trong khi đó quan điểm, mục tiêu phát triển nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh lại đòi hỏi người lao động không chỉ có kiến thức về kỹ thuật đơn thuần mà cần nhiều hơn nữa những kiến thức về công nghệ mới, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về hợp tác quản lý và về kinh tế thị trường.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu dẫn đến thiếu ý tưởng và chưa đủ khả năng thực hiện việc tổ chức xây dựng cũng như quản lý phát triển bền vững, trong khi đó quá trình TCLTCCN đòi hỏi người lao động phải có trình độ kỹ thuật nhất định để có thể đảm bảo thực hiện tốt các mối liên kết nông – công – thương nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, hướng đến nền sản xuất hàng hóa đúng nghĩa.

Quá trình phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp làm cho dân số của tỉnh Tây Ninh đang có xu thế dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị, tốc độ tăng dân số thành thị giai đoạn 2010 - 2015 là 8,0%/năm; trong khi đó dân cư nông thôn giảm 0,93%/năm, làm cho dân số nông thôn có xu thế giảm nhanh. Đây cũng được xem là một thách thức lớn đối với nông nghiệp tỉnh trong vấn đề lao động nông nghiệp.

* Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ nông nghiệp

- Hệ thống thủy lợi: Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có các công trình thủy lợi như sau:

+ Hồ Dầu Tiếng với tổng diện tích mặt hồ 270km2, dung tích chứa hữu ích 1,1 tỷ m3. Tổng chiều dài hệ thống kênh mương gồm: 3 kênh chính dài 135 km; kênh cấp I (64 tuyến), 273 km; kênh cấp II (có 448 tuyến) 535 km, kênh cấp III và IV (671 tuyến) 340 km; kênh tiêu (129 tuyến) 298,2 km; tổng số kênh mương đã được kiên cố hóa 135 km, chiếm 8,77% (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2017). Dưới sự điều phối và quản lý của công ty TNHH MTV Khai Thác Thủy Lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, hệ thống các kênh chính, nhánh đều được hiện đại hóa đồng bộ, cung cấp nước ổn định cho cả 3 vụ sản xuất trong năm góp phần đáng kể tăng năng suất cây trồng của Tây Ninh nói riêng và các lân cận nói chung.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng đang triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt qua sông Vàm Cỏ Đông để về phục vụ sản xuất cho các cánh đồng ở bờ phía Tây sông Vàm Cỏ Đông nhằm phát huy lợi thế đa mục tiêu của công trình thủy nông quan trọng này.

+ Hồ Tân Châu: được xây dựng trên nhánh thượng nguồn của công trình Dầu Tiếng (tại vị trí cầu Tha La), dung tích mực nước ứng gia cường 27,5 triệu m3; công trình có 1 đập đất, 1 đập cao su dâng nước, 1 cống thông với hồ Dầu Tiếng, 1 cống lấy nước tưới và hệ thống kênh các cấp, tổng công suất tưới cho 3.670 ha cây hàng năm.

+ Hồ Nước Trong: nằm trên suối Nước Trong, được xây dựng năm 1987, nâng cấp năm 1991 với nhiệm vụ cấp nước cho nhà máy đường Nước Trong.

+ Đập dâng Suối Đục được xây dựng năm 1987, nâng cấp năm 2000 với nhiệm vụ dâng nước tưới cho 249 ha cây hàng năm.

+ Hệ thống tưới tự chảy vùng nguyên liệu mía đường Tân Châu: kênh chính Tân Châu dài 15,792 km, trong đó đã được kiên cố 7,792 km, diện tích tưới thiết kế là 3.670 ha, diện tích tưới thực tế 1.863 ha.

- Hệ thống trạm bơm:

Hiện có 8 trạm bơm: xã Phan (Dương Minh Châu); Phước Chỉ (Trảng Bàng); Long Hưng, Long Khánh, Long Thuận, Bến Đình, Long Phước A (Bến Cầu), Hòa Thạnh (Châu Thành) với tổng diện tích tưới thiết kế là 5.253 ha.

- Hệ thống kênh tưới tiêu:

+ Kênh tưới: gồm 1.568 tuyến kênh tổng chiều dài 1.447,219 km, đã bê tông hóa 911,789 km, đạt 63%.

+ Kênh tiêu: 271 tuyến kênh tổng chiều dài 586,823km, trong đó: có 222 tuyến kênh diện tích thiết kế tiêu từ hơn 50 ha trở lên với tổng chiều dài 549,761 km. Có 49 tuyến kênh có diện tích thiết kế tiêu nhỏ hơn 50ha với tổng chiều dài 37,062 km.

- Mô hình quản lý:

+ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, quản lý kênh tưới, tiêu có diện tích lớn hơn hoặc bằng 50ha.

+ Công ty TNHH một thành viên mía đường Tây Ninh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, quản lý hồ chứa Nước Trong 1 và 2.

+ Tổ chức hợp tác dùng nước (gồm 26 hợp tác xã, 286 tổ thủy nông) trực thuộc Ủy ban nhân dân xã và Ủy ban nhân dân huyện, quản lý kênh tưới, tiêu có diện tích nhỏ hơn 50ha.

Đánh giá chung về kết quả công trình thủy lợi đối với hoạt động sản xuất cây công nghiệp trên địa bàn: về đại thể, hệ thống công trình đã phục vụ tưới, tiêu an toàn 3 vụ/năm, chất lượng và diện tích tưới đều được nâng lên với diện tích hưởng lợi bằng các hình thức tưới trên 132.000 ha, tiêu trên 110.000 ha hàng năm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2017).

- Hệ thống giao thông:

Trong mấy năm gần đây hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển các ngành kinh tế; đối với nông nghiệp có thể xem là một thuận lợi không nhỏ bởi các loại vật tư nông nghiệp hàng hóa nông sản có thể được vận chuyển một cách nhanh chóng, đáp ứng tốt yêu cầu về thời vụ và chất lượng sản phẩm; tuy nhiên, giao thông nội đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều bất cập.

- Hệ thống điện:

Điện ở Tây Ninh được cung cấp bởi các nguồn: nhà máy điện Thác Mơ, nhà máy điện Cần Đơn, trạm biến áp Trảng Bàng và trong mùa ép mía, một phần được cung cấp bởi công ty đường.

Lưới phân phối điện đã đến 100% xã phường, thị trấn trên địa bàn. Về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện; riêng khu vực nông thôn, có khoảng 98,5% số hộ được dùng điện (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2017). Điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mặc dù vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ, song trong mấy năm gần đây đang có xu thế tăng nhanh; các khâu trong sản xuất nông nghiệp đang sử dụng nhiều điện gồm: bơm nước tưới, chế biến mía, mì, lạc, điều; sơ chế cao su….

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nông dân ở nhiều địa phương đang rất cần đầu tư hệ thống đường dây và trạm để cung cấp điện ra các ruộng mía, ruộng lạc và đến tận nơi sản xuất, trong khi việc làm trên là quá sức đối với từng

hộ dân; do vậy cần có sự đầu tư thích đáng đối với các công trình điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất

Trong lĩnh vực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất NN cũng như ngành trồng CCN, Tây Ninh đã đạt được một số thành tựu quan trọng; riêng đối với 2 ngành hàng chủ lực, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác về giá trị đóng góp của ứng dụng công nghệ cao cho KV I, song việc sử dụng các giống mới và chất lượng cao, sử dụng máng chắn miệng cạo, chuyển chế độ cạo…, nhờ đó GTSX trồng,chăm sóc và thu hoạch cao su chiếm khoảng 12% GTSX cây CNLN ước khoảng 853,35 tỷ đồng; việc áp dụng những giống mía tốt, có năng suất cao, công nghệ tưới kiệm nước đã và đang được nhân rộng trên các ruộng mía, mì; kỹ thuật trồng và chăm sóc đã và đang thay đổi theo hướng ứng dụng NN công nghệ cao trong từng đơn vị sản xuất…, nhờ đó, GTSX trồng mía, mì chiếm khoảng 12% GTSX cây CNHN, ước khoảng 224,16 tỷ đồng… (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2017).

Dù vậy, trên thực tế ngoại trừ một số cây như khoai mì, mãng cầu, rau, một số cơ sở chăn nuôi… những công nghệ mới được áp dụng khá phổ biến, các lĩnh vực khác mới chỉ dừng lại như những mô hình điểm, việc nhân ra diện rộng còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là các công nghệ mới về sản xuất giống, tưới tiết kiệm nước, công nghệ về vật liệu mới…

- Dịch vụ nông nghiệp

Nhìn chung, dịch vụ nông nghiệp ở Tây Ninh chưa phát triển tương xứng với các ngành sản xuất, trong đó có phân ngành trồng trọt. Hiện tại, dịch vụ nông nghiệp ở Tây Ninh mới chỉ dừng lại ở các dịch vụ buôn bán vật tư nông nghiệp; các loại hình dịch vụ khác như làm đất, tưới nước, thu hoạch, vận chuyển vật tư sản phẩm…Các loại hình dịch vụ mới, hiệu quả như: bảo hiểm cây trồng, dịch vụ tài chính, tư vấn kỹ thuật, thị trường đầu ra… chưa được phổ biến rộng rãi.

Lực lượng lao động tham gia các hoạt động dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất mỏng và chưa hội tụ đủ các điều kiện như trình độ chuyên môn sâu rộng, nguồn thông tin đa dạng, đa chiều, được cập nhật thường xuyên, vốn đầu tư, phương tiện hoạt động và đặc biệt là cơ chế hoạt động…

* Thị trường tiêu thụ

Với dân số 1,11 triệu người (năm 2015) nhu cầu về lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh tương đối lớn. Sự phát triển của ngành công nghiệp trong những năm gần đây đặt ra những nhu cầu nguyên liệu với khối lượng lớn đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông sản cây công nghiệp như cao su, mía, đậu phộng…

Hoạt động thương mại trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua – tiêu thụ chưa theo kịp yêu cầu bởi trên thực tế đảm nhận khâu thu mua chủ yếu là thương lái quy mô nhỏ, kinh doanh thiếu tính chuyên nghiệp, ít vốn và thiếu thông tin thị trường được cập nhật. Các hộ nông dân vẫn còn khá lúng túng, e ngại và thiếu thông tin về tìm nguồn ra cho nông sản; trên thực tế có nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã được hình thành nhưng nông sản vẫn còn “lòng vòng” bên ngoài các chợ nông thôn, chợ tỉnh mà vẫn chưa “xâm nhập”, gắn nhãn mác trong các trung tâm thương mại. Tính liên kết giữa doanh nghiệp – nhà đầu tư – nông dân còn rời rạc, công tác tiếp thị sản phẩm còn hạn chế...

Nhìn chung, thị trường nông sản cây công nghiệp của tỉnh vẫn còn hạn chế và chú trọng vào thị trường xuất khẩu; chưa gắn liền với công nghiệp chế biến, chưa tạo được thương hiệu để trao đổi, cạnh tranh với nông sản các địa phương khác, mặc dù Tây Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh của vùng Đông Nam Bộ và cả nước có nhiều thế mạnh về cây công nghiệp.

* Đường lối chính sách

Để phát triển nông nghiệp tương xứng với tiềm năng, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chương trình, chủ trương hành động cụ thể đối với nông nghiệp nói chung và ngành trồng cây công nghiệp nói riêng.

Trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức của từng ngành hàng nông nghiệp, trong đó tỉnh xác định cao su và mía là nhóm hàng có giá trị và lợi thế cạnh tranh nhất của tỉnh trong nhóm hàng cây công nghiệp. Cũng trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh đã đề ra những mục

tiêu cụ thể như quy hoạch các vùng sản xuất để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 800 ha (đến năm 2020) và 1.800 ha (đến năm 2030); tỉnh khẩn trương triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; kêu gọi tín dụng đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao…. Tất cả những chủ trương, chính sách này đã có những tác động tích cực đến môi trường sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung và cây công nghiệp nói riêng, mở ra nhiều hướng đi mới cho nông nghiệp tỉnh nhà.

Tóm lại, khi đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố đến quá trình TCLTCCN của tỉnh Tây Ninh, có thể rút ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất, vị trí địa lý - kinh tế tỉnh Tây Ninh là một điều kiện thuận lợi đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng.

Tây Ninh nằm trong vùng KTTĐPN với các điểm mạnh đáng kể về thị trường (lớn và đa dạng), tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ và hệ thống cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc có 240 km đường biên giới Việt Nam - Campuchia với 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát và các cửa khẩu tiểu ngạch cũng là một điểm mạnh trong việc giao thương kinh tế giữa các tỉnh và 2 quốc gia. Với vị trí địa lí như vậy, Tây Ninh hoàn toàn có điều kiện thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nền NN SXHH và đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất cây công nghiệp – một trong những thế mạnh của tỉnh.

Ở khía cạnh khác, vị thế đó đặt tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng KTTĐPN, nơi có tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa khá nhanh; điều kiện này làm cho các nguồn lực phát triển nông nghiệp có xu thế giảm; đặc biệt là đất và lao động nông nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức lãnh thổ cây công nghiệp tỉnh tây ninh (Trang 54 - 63)