Bến tre là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm cuối nguồn sông Cửu Long, trong phạm vi từ 9048’ đến 10020’ vĩ độ Bắc và từ 105057’ đến 106048’ kinh độ Đông. Bến Tre tiếp giáp với 3 tỉnh là Tiền Giang ở phía Bắc; Vĩnh Long ở phía Tây và Tây Nam; Trà Vinh ở phía Nam; phía Đông tiếp giáp với biển Đông với chiều dài đường biển khoảng 65 km.
Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 2.394,8 Km2 (2017), dân số trung bình năm 2017 là 1.266,726 người; chiếm 5,86% diện tích tự nhiên và 7,14% số dân vùng ĐBSCL (Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, 2017).
Bến Tre có hình dáng rẻ quạt, đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, với bốn con sông lớn chảy qua là sông Mỹ Tho (sông Tiền) 83km, sông Ba Lai 59km, sông Hàm Luông 71km, sông Cổ Chiên 82km, tựa như những nan quạt, xòe rộng về phía Đông; chia Bến Tre thành ba phần là cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh; được bồi tựu phù sa màu mỡ. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho nông nghiệp tỉnh Bến Tre thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng sinh thái và bền vững.
Bến Tre hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 8 huyện: 1 TP Bến Tre là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh; 8 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú (Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, 2017). Với địa giới hành chính như vậy đã đem lại cho Bến Tre một vùng sinh thái rộng lớn, mỗi huyện đều có thế mạnh riêng về cây trồng, vật nuôi. Đây là điều kiện thuận lợi giúp Bến Tre khai thác, xác định loại cây trồng và vật nuôi có lợi thế để ứng dụng CNC.