Nhân tố tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh bến tre (Trang 57 - 62)

Đất đai

Bến Tre có 4 nhóm đất chính, cụ thể là: nhóm đất cát, nhóm đất phù sa, nhóm đất phèn và nhóm đất mặn.

-Nhóm đất phù sa: chiếm diện tích khoảng 26,9% diện tích toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở các huyện Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành và rải rác ở Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, thành phố Bến Tre; do các con sông lớn bồi đắp từ nhiều đời nay. Đất thường hơi chua ở tầng mặt, càng về phía biển tầng đất sâu càng có phản ứng trung tính hơn. Nhóm đất phù sa này có độ phì vào loại thấp, nguồn đạm tốt, nhưng nguồn dự trữ lân không đủ; chủ yếu để trồng lúa và trồng hoa màu. Tuy nhiên, ở một số khu vực, đất đang có biểu hiện suy thoái, trong quá trình canh tác cần được lưu ý bảo vệ và bồi dưỡng.

-Nhóm đất mặn chiếm diện tích lớn nhất trong các loại đất của tỉnh (43,11%), phân bố chủ yếu ở các huyện ven biển như Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Đất mặn được chia thành 4 loại nhỏ là: đất mặn ít, mặn từng thời kỳ; đất mặn trung bình, mặn từng thời kỳ; đất mặn nhiều, mặn từng thời kỳ; đất mặn nhiều thường xuyên dưới rừng ngập mặn. Các loại đất mặn này không thuận lợi cho các loại cây trồng nông nghiệp, chủ yếu để phát triển nuôi trồng thủy sản.

- Nhóm đất cát chủ yếu là loại đất giồng chiếm diện tích thấp nhất 6,4% diện tích toàn tỉnh. Đây là loại đất hình thành bởi tác động của dòng sông và sóng biển trong suốt quá trình lấn biển của vùng cửa sông. Trong thành phần hoá học của đất cát giồng, tỉ lệ sắt khá cao so với các loại đất khác.

- Nhóm đất phèn: chiếm khoảng 6,74% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, phân bố rải rác trên toàn địa bàn tỉnh từ vùng ngọt đến vùng mặn. Hầu hết đất phèn ở Bến Tre đều thuộc loại phèn hoạt động, phát sinh từ các nguồn gốc bưng, trũng hay sông cổ. Tuy nhiên, tầng phèn thường sâu trên 50 cm, do đó chưa phải là loại đất hạn chế hoàn toàn đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa. Ngoài ra, một số nơi ở vùng lợ và vùng mặn (Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú) sự xâm nhập mặn vào đất phèn trong mùa khô làm cho đất vừa mặn, vừa phèn, cây trồng càng khó sinh trưởng (Thạch Phương và Đoàn Tứ, 2001).

Nhìn chung, tỉnh Bến Tre có nguồn tài nguyên đất phong phú, trong quá trình canh tác đã tiến hành nhiều công trình thau chua rửa mặn, cải tạo đất đai nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn, phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp.

Khí hậu

Bến Tre nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, khí hậu có sự phân hóa theo hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Bến Tre quanh năm tiếp nhận được lượng bức xạ mặt trời rất dồi dào (số giờ nắng đạt trên 2.200 giờ/năm) và có nền nhiệt độ cao. Lượng bức xạ tổng cộng trung bình hàng năm khoảng 160 kcal/cm2 và nhiệt độ không khí trung bình hàng năm ở mức 270C. Do chịu ảnh hưởng của biển, Bến Tre còn có lượng ẩm và lượng mưa khá lớn, quanh năm không có tháng nào độ ẩm tương đối của không khí xuống dưới 74%, độ ẩm tương đối trung bình hàng năm là trên 81%.

Lượng mưa trung bình năm khoảng 1.300 – 2.000 mm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây lượng mưa giảm dần, do Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên diễn biến thời tiết bất thường, đặc biệt năm 2015, tình trạng nắng nóng kéo dài nên lượng mưa giảm mạnh chỉ đạt 995 mm.

Bảng 2.1. Bảng lượng mưa qua các năm ở Bến Tre, giai đoạn 2010 – 2017

Đơn vị: mm

Năm 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017

Lượng mưa

(mm) 2.005 1.488 1.486 1.307 1.461 995 1.674 1.444

“Nguồn: Cục Thống kêtỉnh Bến Tre, 2013, 2017”.

Nhìn chung, khí hậu Bến Tre khá ôn hoà, ít chịu ảnh hưởng của bão lũ, có nguồn nhiệt, ẩm, ánh sáng lớn. Đây là điều kiện khí hậu thích hợp cho cây trồng, vật nuôi có thể sinh trưởng và phát triển rất nhanh, có khả năng đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, tăng hệ số sử dụng đất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, ngoài thuận lợi trên, Bến Tre cũng gặp những khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết, khí hậu bất thường, vào mùa khô, nắng hạn kéo dài,… làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi.

Vì vậy, Bến Tre cần chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng UDCNC để giảm phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, tránh được các rủi ro thời tiết và sâu bệnh, giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất, nâng cao năng xuất cây trồng vật nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Nguồn nước

Nước mặt

Chảy trên địa bàn tỉnh Bến Tre có bốn con sông lớn là sông Mỹ Tho (sông Tiền), sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên. Ngoài bốn con sông chính, Bến Tre còn có hệ thống kênh rạch chằng chịt, đáng chú ý các sông rạch, kênh quan trọng như: sông Bến Tre, rạch Cái Mơn, rạch Mỏ Cày, kênh Mỏ Cày – Thơm, rạch Băng Cung, rạch Ba Tri, kênh Đồng Xuân, kênh Chẹt Sậy - An Hóa,...

Bốn con sông chính này giữ một vai trò quan trọng vì chúng gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre, còn là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, góp phần đáng kể bồi đắp phù sa, độ màu mỡ cho các vùng đất ven sông qua hệ thống tưới và các trạm bơm. Góp phần làm tươi đẹp cảnh quan, điều hòa khí hậu và tạo thành một lợi thế trong phát triển giao thông đường thủy, hệ thống thủy lợi, phát triển kinh tế biển, kinh tế vườn và trao đổi hàng hoá giữa tỉnh Bến Tre với các tỉnh lân cận.

Bên cạnh những giá trị mà các con sông, kênh, rạch đem lại, là những bất lợi nghiêm trọng cho tỉnh Bến Tre hiện nay, cụ thể là:

- Về mùa cạn, do lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về ít, bên cạnh đó, lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cùng với thủy triều từ biển Đông mang nước biển kèm theo độ mặn đi sâu vào nội đồng gây nên quá trình xâm nhập mặn ở vùng cửa sông ven biển của tỉnh Bến Tre trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân tỉnh Bến Tre.

- Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, còn xảy ra tình trạng gây ô nhiễm nước mặt, nguyên nhân chủ yếu là do nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, khu đô thị đều không được xử lý theo đúng quy định và chưa đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra các sông. Ngoài ra còn do công tác quản lí chưa tốt, một bộ phận người

dân còn thiếu ý thức, vứt rác, vật liệu xây dựng xuống sông. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp mà còn đến sức khỏe của người dân.

- Hiện nay, hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển của tỉnh, ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, gây mất đất, thiệt hại về tài sản của Nhà nước và gây ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đời sống của hàng nghìn hộ dân sinh sống ven sông, ven biển. Theo kết quả thống kê đến thời điểm hiện tại, tỉnh hiện có 104 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 118,2 km; sạt lở bờ biển 08 điểm với tổng chiều dài khoảng 19,4 km, sạt lở lấn sâu vào trong đất liền (trung bình hàng năm khoảng từ 10-15 m) làm mất trên 120 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ ven biển. (Sở NN&PTNT, 2018)

Từ những khó khăn được phân tích trên, Bến Tre cần phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp UDCNC, áp dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ mới để lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi có thể tồn tại và phát triển trong môi trường khô hạn, nước mặn và nước lợ, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Nước ngầm

Bến Tre có nguồn nước ngầm tương đối thấp và chất lượng không cao. Phân bố không đều, có các tầng nước ngầm như: nước ngầm ở giồng cát, nước ngầm tầng nông và nước ngầm tầng.

- Nước ngầm ở giồng cát: chứa nước ngọt chủ yếu do nước mưa ngấm xuống, nước ngầm ở giồng cát có tổng trữ lượng là 12 triệu m3, môđun khai thác khoảng 844 m3/ngày/km2. Chất lượng nước thay đổi theo mùa và tuỳ thuộc vào độ sâu của giếng. Nhiều nơi, nước giếng bị nhiễm mặn do khai thác quá mức cho phép. Có nơi nước bị nhiễm bẩn do người dân sản xuất muối, nuôi tôm, chăn nuôi súc vật, thải ra nhiều chất hữu cơ. Vì thế, được khai thác để tạm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt.

- Tầng nước ngầm nông (dưới 100 m) chỉ có nước ngọt ở một số khu vực phía bắc huyện Châu Thành, huyện Chợ Lách, một phần ở huyện Thạnh Phú và huyện Ba Tri; các khu vực khác bị mặn và nhiễm phèn.

- Tầng nước ngầm sâu (trên 100 m) chỉ có nước ngọt ở khu vực từ thành phố Bến Tre đến phía Bắc Châu Thành, các khu vực khác bị mặn và nhiễm phèn. Nguồn nước này đang được khai thác để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và cho các xí nghiệp chế biến của tỉnh.

Sinh vật

Bến Tre có tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng, là cơ sở để phát triển nông nghiệp UDCNC. Đến hết năm 2017, tỉnh Bến Tre có 6.914 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng sản xuất 684 ha, đất rừng phòng hộ 3.865 ha, đất rừng đặc dụng 2.364 ha. (Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, 2017)

Đất lâm nghiệp chiếm 2,89% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đây là tỷ lệ rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu về phòng hộ, bảo vệ môi trường đối với tỉnh Bến Tre; thực vật tự nhiên bao gồm các quần thể như: Quần thể rừng ngập mặn ven biển; quần thể thực vật ven sông rạch; quần thể thực vật trên các giồng cát. Trong đó, quan trọng nhất là quần thể rừng ngập mặn ven biển.

- Quần thể rừng ngập mặn ven biển, chiếm diện tích khoảng 4,2 nghìn ha (2017), trong đó rừng tự nhiên khoảng 1.000 ha, rừng trồng khoảng 3,2 nghìn ha, gồm các loại cây chủ yếu như đước, đưng, mắm, bần, phi lao,... phân bố chủ yếu ở ba huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Rừng ngập mặn có vai trò “lá chắn xanh” rất quan trọng trong việc phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng đất sản xuất, nhất là vùng ven biển của tỉnh; hạn chế tình hình xâm nhập mặn; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ổn định thông qua việc ngăn chặn gió biển, cải tạo môi trường, cung cấp thức ăn và là nơi cư trú cho các loài thủy sản… Với những lợi ích này của rừng ngập mặn, chủ trương của tỉnh Bến Tre, hàng năm trồng rừng mới khoảng 100 ha, nâng diện tích rừng lên 4.900 ha vào năm 2020. Đến nay, Bến Tre đã phát hiện được 933 loài thực vật bậc cao, 30 loài thú, 174 loài chim, 40 loài bò sát, 12 loài lưỡng cư, 80 loài cá, 330 loài côn trùng. (Hội đồng Nhân dân, 2012)

Ngoài ra, Bến Tre có đường bờ biển dài 65 km và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km2. Vì vậy, tiềm năng biển và vùng ven biển của Bến Tre khá đa dạng, phong phú với nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, nghêu, cua, sò huyết, cá biển các loại và hàng trăm giống loài thủy sinh,... đây là điều kiện rất thuận lợi cho kinh tế biển phát triển.

Bến Tre là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, nằm giữa môi trường sông và biển, có truyền thống sản xuất nông nghiệp từ lâu đời đã tạo nên các hệ sinh thái nông nghiệp rất đa dạng (vùng sinh thái nước ngọt, nước mặn, nước lợ), cung cấp nhiều giống cây

trồng, vật nuôi quý, có giá trị và nổi tiếng trong cả nước. Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre tập trung đẩy mạnh UDCNC vào sản xuất những hàng hóa đặc sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao như: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, lợn, bò và tôm biển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh bến tre (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)