+ Cần có chính sách thu hút, tạo môi trường pháp lý thuận tiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thế mạnh về tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng quản lý tốt, có trình độ CNC trong nông nghiệp để họ tự đầu tư sản xuất khép kín một lĩnh vực nào đó (trồng trọt, chăn nuôi, NTTS).
+ Huy động nguồn vốn đối ứng trong dân về vật tư, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, từng bước cơ giới hóa, mở rộng các ngành nghề, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp UDCNC. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân.
+ Tọa đàm, trao đổi với lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh để thống nhất tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, tổ hợp tác, HTX, các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn có thể tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn.
3.4.8. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp UDCNC UDCNC
- Mục tiêu chính của giải pháp là tăng cường công tác xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật có chất lượng và đồng bộ để phục vụ sản xuất nông nghiệp UDCNC phát triển nhanh và bền vững.
- Nội dung chủ yếu của giải pháp bao gồm: Để phát triển nông nghiệp UDCNC đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ đáp ứng quá trình vận chuyển các yếu tố đầu vào, cũng như quá trình sản xuất kinh doanh.
+ Đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi theo hướng hiện đại.
Tỉnh Bến Tre do chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, hạn hán, mặn xâm nhập sâu và nước biển dâng có chiều hướng gia tăng. Do
đó, hệ thống công trình thủy lợi là thành phần quan trọng hàng đầu của cơ sở hạ tầng. Vì thế, cần đầu tư, hoàn chỉnh các công trình thủy lợi theo hướng hiện đại như hệ thống trạm bơm, những dự án quản lý nước nhằm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Do nhu cầu ngày càng cao của người dân, ngoài việc chủ động tưới tiêu, còn phải cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy, bên cạnh nguồn nước mặt, tỉnh Bến Tre cần bổ sung nguồn nước ngầm một cách hợp lí để tránh lãng phí và hạn chế ô nhiễm.
+ Đầu tư xây dựng và nâng cấp mạng lưới giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp UDCNC
Tỉnh Bến Tre cần đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, nhất là giao thông trục chính nội đồng, cầu cống, nhựa hóa hoặc bê tông hóa các tuyến đường thôn, ấp để phục vụ sản xuất nông nghiệp; thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đường huyện, đường xã tạo thành những tuyến kết nối thuận lợi, liên thông với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông ở 3 huyện ven biển (Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú) tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế biển.
+ Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp UDCNC
Các cơ sở dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp UDCNC có ý nghĩa quan trọng như cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, dịch vụ tư vấn phát triển nông nghiệp UDCNC, dịch vụ chuyển giao công nghệ trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp các thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp UDCNC... Năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào hệ thống dịch vụ về giống, các thiết bị, máy móc, vật tư nông nghiệp... Do đó cần phải đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở này.
Xây dựng và đầu tư các phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng (nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm,...) cho nhân giống, ươm giống cây trồng và vật nuôi.
Quy hoạch và phát triển hệ thống các chợ đầu mối hàng nông sản, các chợ buôn bán và bán lẻ ở nông thôn, hệ thống các đại lý, cửa hàng, siêu thị... Đầu tư xây dựng, cải tạo các chợ dân sinh, các trung tâm thu mua và bán buôn ở các vùng nông sản hàng hóa tập trung, các sàn giao dịch nông sản để đảm bảo mua bán được công khai minh bạch và quản lý an toàn thực phẩm và đảm bảo giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng và có biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch, giảm tổn thất tới mức thấp nhất cho người nông dân.
+ Xây dựng hệ thống lưới điện
Phát triển nông nghiệp UDCNC sử dụng điện trong các khâu cơ giới hóa, tưới tiêu, chế biến sản phẩm,... đòi hỏi chất lượng, độ tin cậy cung cấp điện cao. Bởi trong quá trình canh tác, nếu mất điện, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, tỉnh cần rà soát, đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện.
+ Tăng cường phát triển hệ thống công nghệ thông tin
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp UDCNC có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ trong công tác quản lý, quy hoạch, tự động hóa, điều tiết môi trường, quản lý dịch hại,... nhằm đảm bảo hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động hội nhập quốc tế. Đồng thời để người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, thông tin thị trường tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản,...