công nghệ cao ở tỉnh Bến Tre
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre thì vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC chưa phát triển, trong sản xuất chỉ mới định hình ở phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung kết hợp UDCNC ở một số khâu như: giống cây trồng và vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa, hoặc mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ. Bước đầu có sự liên kết, hợp tác giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, con bò, con heo và con tôm biển. Trong đó, một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể như Bò Ba Tri, chôm chôm Chợ Lách, giống hoa kiểng Cái Mơn, nhãn Long Hòa; chỉ dẫn địa lý Bến Tre đối với bưởi da xanh và dừa xiêm xanh (chứng nhận 01/2018). Đây là cơ sở để tỉnh Bến Tre xây dựng lộ trình hình thành vùng nông nghiệp UDCNC của tỉnh trên các loại sản phẩm chủ lực là hoa kiểng, cây giống, thủy sản, cây quả đặc sản (bưởi da xanh),...
Doanh nghiệp nông nghiệp UDCNC
Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có doanh nghiệp nông nghiệp UDCNC đủ chuẩn được Bộ NN&PTNT công nhận. Chỉ có 2 chi nhánh của 1 doanh nghiệp được Bộ công nhận đóng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đó là Công ty TNHH MTV Việt – Úc Bến Tre và Công ty TNHH Việt Úc thức ăn thủy sản; 2 công ty này trực thuộc (Công Ty Cổ Phần Thủy Sản Việt Úc, có trụ sở chính tại Km 1595, QL1A, Xã Vĩnh Tân, Huyện Tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận); lĩnh vực hoạt động là sản xuất giống thủy sản và sản
xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản. Công ty sản xuất con tôm giống chất lượng cao và thức ăn thủy sản cho tỉnh Bến Tre.
Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ do tỉnh hoặc doanh nghiệp tự nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC. Tính đến 9/2018, toàn tỉnh có 451 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 17% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện nay, tỉnh Bến Tre thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp kỹ thuật cao; hướng đến xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân và doanh nghiệp.
Trung tâm nông nghiệp UDCNC
Để tiếp cận và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất, trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có 2 trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao, gồm: Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Khu ứng dụng Công nghệ sinh học Cái Mơn.
Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Quy mô diện tích, Trung tâm được thành lập năm 2013, khu vực chính của trung tâm tại xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre với diện tích trên 6,1 ha; gắn với các công trình vệ tinh phụ trợ như: trại giống lúa, trại giống thủy sản nước mặn, trại giống thủy sản nước ngọt,… với tổng diện tích trên 35 ha, được bố trí tại các huyện trong tỉnh.
Tổ chức nhân sự của Trung tâm gồm 30 nhân sự; trong đó hiện có 01 tiến sĩ, 04 thạc sĩ, 16 cử nhân, 01 cao đẳng và 02 trung cấp, còn lại trình độ khác là 06.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm có 3 lĩnh vực hoạt động chính gồm giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thuỷ sản, thực nghiệm UDCNC.
- Trên lĩnh vực cây trồng, sản xuất và cung ứng hơn 300 tấn lúa giống các loại như: OC10, OM 3536, OM 6162, OMCS 4900,… cho nông dân trong, ngoài tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn sản xuất và cung ứng hơn 40.000 cây giống các loại, trong đó các loại giống cây ăn trái chủ lực như bưởi da xanh, dừa dứa, dừa xiêm xanh và cây có múi các loại,… phục vụ nhu cầu chuyển đổi giống cây ăn trái trong tỉnh.
- Trên lĩnh vực giống vật nuôi, đã nhập và cung ứng hơn 15.000 liều tinh bò thịt là các giống bò ngoại nhập nhiệt đới và ôn đới. Bằng thụ tinh nhân tạo, đàn bò Bến Tre đã nhanh chóng được chuyển đổi giống một cách bền vững và hiệu quả. Duy trì và phát triển đàn heo giống gốc, trung tâm nhập 65 heo các giống: Duroc, Landrace, Yorkshier của Mỹ và Đan Mạch, trong đó có 40 heo cái giống và 25 heo đực giống.
- Trên lĩnh vực thủy sản, đã sản xuất cung ứng các loại giống thủy sản tôm càng xanh, cá nước ngọt, tôm thẻ chân trắng.
- Trong công tác thực nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã có hơn 9 đề tài, dự án do Trung tâm thực hiện được nghiệm thu, ứng dụng vào sản xuất, điển hình như: dự án tuyển chọn giống lúa chống chịu mặn; dự án Du nhập thuần dưỡng và phát triển giống gà Đông Tảo; đề tài nghiên cứu khoa học So sánh con lai F1 giữa các giống bò Brahman, Red Angus, Lai Sind phối với bò cái nền địa phương (Lai Sind) và xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Ba Tri, dự án Quản lý, nâng cao chất lượng đàn heo đực giống tỉnh Bến Tre… Tổ chức trình diễn giống rau màu, cây ăn trái trong chậu và các kỹ thuật canh tác rau màu mới, tiết kiệm nước. Phương hướng trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, trình diễn thực nghiệm và mở rộng mô hình như: hỗ trợ người dân về chi phí đầu tư ban đầu, kết nối thị trường hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh,...
Khu ứng dụng Công nghệ sinh học Cái Mơn
Khu Ứng dụng công nghệ sinh học (UDCNSH) Cái Mơn tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; được đưa vào hoạt động từ tháng 12 năm 2015, với diện tích 32,72 ha, trực thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre. Đây là nơi tiếp cận, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ mới phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm đặc thù cây giống, hoa kiểng.
Tổ chức nhân sự của khu UDCNSH Cái Mơn gồm 16 nhân sự; trong đó hiện có 04 thạc sĩ, 09 cử nhân, còn lại trình độ khác là 03.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Khu đã nghiên cứu thành công công nghệ nuôi cấy mô nhiều chủng loại giống hoa kiểng như: Lan, Chuông, Dạ yến thảo. Khu đã làm chủ được công nghệ nuôi cấy mô và bảo tồn giống một số loại cây ăn quả, cây
dược liệu như cà chua bi, cà chua savior, chuối (Nam Mỹ, Philippines, Úc, tiêu Bến Tre, cau, sáp, cau lửa…), nha đam Mỹ, gừng, nghệ đen… Xu hướng trong thời gian tới, Khu UDCNSH Cái Mơn sẽ mở các lớp đào tạo cho nông dân trồng hoa, hỗ trợ các giống hoa chất lượng cao; chuyển giao kỹ thuật ươm, trồng, bảo quản, vận chuyển, hướng dẫn hệ thống phân phối và tiêu thụ cây giống, hoa kiểng; tiếp tục nghiên cứu nhân giống, cung cấp các giống cây ăn quả và hoa kiểng nuôi cấy mô để phục vụ sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Nhìn chung, từ khi thành lập đến nay các trung tâm đã thực hiện tốt sứ mệnh trong việc lựa chọn, tổ chức chuyển giao và ứng dụng hiệu quả các nghiên cứu khoa học vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đây là nền tảng để hình thành và phát triển nền nông nghiệp CNC của tỉnh trong tương lai.
Hộ nông dân (nông hộ) sản xuất nông nghiệp UDCNC
Hộ nông nghiệp là đơn vị sản xuất quan trọng nhất trong nông nghiệp và ở nông thôn của tỉnh Bến Tre. Theo số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2016 của Tổng cục Thống kê; số hộ nông thôn của tỉnh Bến Tre có 345.138 hộ; trong đó hộ nông nghiệp (51,58%), lâm nghiệp (0,01%), thủy sản (8,04%); còn lại là các hộ hoạt động trong các ngành khác (Tổng cục thống kê, 2016).
Quy mô sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp khoảng 1,49 ha/1 hộ, còn đất nông nghiệp khoảng 1,2 ha/1 hộ. Số lượng nông hộ sản xuất nông nghiệp UDCNC trên địa bàn tỉnh hiện chưa nhiều. Trong những năm gần đây, nông hộ ngày càng có nhiều khởi sắc với các mô hình sản xuất kết hợp, luân canh, đa canh phù hợp với đặc điểm sinh thái của tỉnh. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây, con khác cho hiệu quả cao hơn. Vì vậy, nhiều hộ nông dân có xu hướng tích tụ ruộng đất để tập trung sản xuất, phát triển trang trại, thực hiện liên kết với các tổ hợp tác, các HTX, doanh nghiệp; từng bước ứng dụng CNC vào sản xuất và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, điển hình như: Mô hình chôm chôm đạt tiêu chuẩn GlobalGAp, mô hình bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP, Mô hình chuỗi giá trị lúa sạch Thạnh Phú,… nên hiệu quả sản xuất trên diện tích đất canh tác, đất trồng trọt ngày một tăng cao.
Tuy nhiên, các nông hộ còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu vốn cho sản xuất, trình độ lao động thấp, khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ,…
Trang trại sản xuất nông nghiệp UDCNC
Ở Bến Tre hiện nay, trang trại đã và đang trở thành mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; làm tăng sản phẩm hàng hóa cho nông nghiệp tỉnh, thúc đẩy kinh tế của tỉnh Bến Tre phát triển, đồng thời tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2013, toàn tỉnh có 279 trang trại, đến năm 2017 tăng lên 701 trang trại. Những huyện có nhiều trang trại nhất là Mỏ Cày Bắc (262 trang trại), Mỏ Cày Nam (235 trang trại), Giồng Trôm (102 trang trại), các huyện còn lại và TP Bến Tre có số lượng trang trại thấp chỉ trong khoảng 4 – 40 trang trại. Loại hình sản xuất của trang trại ở tỉnh Bến Tre gồm: trang trại chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Biểu đồ 2.9. Cơ cấu các loại hình trang trại của tỉnh Bến Tre năm 2013 và 2017
“Nguồn: xử lí từ cục Thống kê tỉnh Bến Tre, 2013, 2017”.
Trong giai đoạn 2013 – 2017, trang trại chăn nuôi có tỉ trọng tăng lên nhanh nhất, từ 82,8 % (231 trang trại năm 2013) tăng lên 96,3% (675 trang trại năm 2017); các trang trại chăn nuôi ở tỉnh Bến Tre chủ yếu nuôi bò, heo, dê và gà, vịt, theo phương pháp công nghiệp và quy mô lớn, được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm do có ký hợp đồng với các công ty và doanh nghiệp.
1.4%
82.8% 15.8%
Năm 2013
Trang trại trồng trọt Trang trại chăn nuôi Trang trại NTTS
0.4%
96.3% 3.3%
Các loại hình trang trại khác đều giảm tỉ trọng, trang trại nuôi truồng thủy sản giảm tỉ trọng từ 15,8% xuống còn 3,3%, tập trung ở các huyện có diện tích mặt nước lớn như huyện Bình Đại (15 trang trại), Thạnh Phú (8 trang trại); còn lại là trang trại trồng trọt giảm và chiếm tỉ trọng nhỏ 0,4% năm 2017, chủ yếu là trồng hoa, cây cảnh và cây ăn quả. Qua xu hướng biến động này phù hợp với xu hướng chung là những loại hình trang trại nào có điều kiện thuận lợi và đem lại thu nhập cao thì chiếm tỉ trọng lớn và tăng nhanh; ngược lại, những loại hình trang trại nào hiệu quả kinh tế thấp sẽ giảm xuống và chiếm tỉ trọng nhỏ.
Việc phát triển trang trại ở Bến Tre là một xu thế tất yếu và phù hợp với quá trình phát triển sản xuất quy mô lớn, từng bước thay đổi thói quen sản xuất manh mún, truyền thống của người dân để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.
Hợp tác xã nông nghiệp (kiểu mới) UDCNC
HTX kiểu mới ở tỉnh Bến Tre đây là mô hình HTX làm cầu nối gắn người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào thâm canh, sản xuất góp phần phát triển nền nông nghiệp chung của tỉnh và giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn.
Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Bến Tre có 136 HTX với 37.924 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ trên 268,342 tỷ đồng. Trong đó, có 95 HTX trên lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản chiếm gần 69,85% tổng số HTX toàn tỉnh (Nhất Duy, 2019).
Các loại hình dịch vụ chủ yếu của HTX gồm: cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nông sản sạch an toàn,... góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Nhiều HTX đã có liên kết đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp và tổ chức hoạt động rất hiệu quả, điển hình như: HTX nông nghiệp Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre); HTX nông nghiệp Phú Túc (Châu Thành); HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong (Thạnh Phú) và các HTX thủy sản,...
Nhìn chung, các HTX trên địa bàn tỉnh đang từng bước được củng cố, phát triển và có sự chuyển biến tích cực. Bước đầu đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất ngày càng tăng, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết giữa các hộ sản xuất, gắn kết với doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào và đầu ra sản phẩm, năng lực quản lý được nâng lên. Tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX hoạt động hiệu quả như về vốn, trang thiết bị, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, chính sách giao đất, công nghệ sản xuất... Mục tiêu đến năm 2020 có 104 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; trong đó, 15 HTX điểm UDCNC trong sản xuất; nâng giá trị sản lượng sản phẩm nông nghiệp UDCNC lên gấp 2 lần so với sản xuất thông thường.