- Sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường và nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh
Rà soát, xác định nhu cầu về đội ngũ giáo viên tham gia giáo dục đạo đứccho học sinh về số lượng và chất lượng để có sự phân công giảng dạy cho phù hợp. Đánh giá thực trạng trình độ giáo viên về mặt mạnh, mặt yếu và sở trường cần tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Tạo ra sự phù hợp giáo viên- học sinh, nội dung chương trình giáo dục đạo đức để đảm bảo hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Xây dựng hệ thống các biện pháp tạo động lực cho giáo viên tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh.
Nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên tham gia hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh là một trong những điều kiện quan trọng chi phối hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh được đánh giá bởi các vấn đề sau: Nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên về sự cần thiết phải giáo dục đạo đức cho học sinh,hiểu thế nào là đạo đức? Ý nghĩa, vai trò của giáo dục đạo đức cho học sinh Trung học cơ sở trong giai đoạn hiện nay, nhất là trước sự phát triển và hội nhập của đất nước. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa ban giám hiệu, Tổng phụ trách Đội trong trường học, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn, vai trò, trách nhiệm của giáo dục, của các tổ chức xã hội và mối quan hệ giữa nhà trường-gia đình - các tổ chức xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh Trung học cơ sở.
Tuy nhiên, trình độ nhận thức của các lực lượng tham gia quản lí giáo dục đạo đức cho học sinh không đồng đều, do đó sự tham gia của các lực lượng trong các hoạt động giáo dục sẽ khác nhau. Vì vậy, đòi hỏi hiệu trưởng trường Trung học cơ sở tổ chức các hoạt động cần có sự tuyên truyền vận động, hướng dẫn, động viên khuyến khích kịp thời tới các lực lượng tham gia giáo dục đạo đức thì hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh mới được nâng tầm và đạt hiệu quả như mục tiêu giáo dục đề ra.
Học sinh trường Trung học cơ sở không chỉ nhận thức cái tôi của mình trong hiện tại mà còn nhận thức về vị trí của mình trong xã hội tương lai, có thể nhận thức được những phẩm chất nhân cách được bộc lộ rõ. Việc tự phân tích những phẩm chất nhân cách của bản thân là dấu hiệu cần thiết của một nhân cách đang chuẩn bị trưởng thành và là tiền đề của sự tự giáo dục. Điều này đòi hỏi các nhà quản lí giáo dục cần biết đến sự ảnh hưởng của tâm lí lứa tuổi học sinh để tôn trọng ý kiến của học sinh, biết lắng nghe ý kiến của các em, đồng thời phải đưa ra các hình thức, sử dụng các phương pháp khéo léo để giáo dục đạo đức cho các em học sinh.
- Các hình thức tổ chức hoạt động trong nhà trường
Nhà trường với cả một hệ thống giáo dục được tổ chức quản lí bài bản và chặt chẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc giáo dục đạo đức theo những chuẩn mực giá trị tiến bộ, đúng đắn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với hệ thống chương trình khoa học, các tài liệu, sách giáo khoa, sách tham khảo phong phú, các phương tiện hỗ trợ giáo dục ngày càng hiện đại và đặc biệt là với đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, giáo viên chủ nhiệm được đào tạo cơ bản có đủ phẩm chất và năng lực tổ chức lớp là yếu tố có tính chất quyết định hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh.
Môi trường nhà trường trong hình thành nhân cách, đạo đức cho học sinh được xem là chủ yếu và có tính quyết định trên các phương tiện hình thành nhân sinh quan, thế giới quan. Việc giáo dục, hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức cho học sinh là sự thống nhất hữu cơ giữa dạy chữ và dạy người.
Thực trạng môi trường nhà trường tác động đến học sinh rất phong phú và nhiều khía cạnh với nhiều đối tượng khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu đào tạo đối với học sinh các cấp. Môi trường nhà trường chính là nội dung và yếu tố có tính quyết định trong việc hình thành ý thức trách nhiệm cho học sinh. Nó là một nhân tố mạnh mẽ tạo nên nhân phẩm, đạo đức của học sinh. Ngoài gia đình-xã hội - nhà trường có tác động mạnh đến hướng đi, thắp sáng tương lai cho học sinhkhi bước vào đời. Nhà trường là nơi hình thành đạo đức cơ bản của người công dân có tri thức.
- Sự phối hợp giữa đoàn thể với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn trong nhà trường
Giáo viên chủ nhiệm chủ động đưa ra kế hoạch phối hợp công tác của cả năm học, kế hoạch công tác học kì, hàng tháng, hàng tuần. Tổ chức các đợt thi đua nhân dịp các ngày lễ lớn với các hình thức hoạt động hấp dẫn học sinh,tổ chức sinh hoạt tập thể, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đội, thực chất là phát huy tinh thần ý thức trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của các đoàn thể và từng cá nhân tham gia thực hiện các mục tiêu giáo dục chung, để không chồng chéo, trùng lắp các công việc của lớp, đoàn thể, không gây khó khăn cho học sinh. Tuy nhiên, phối hợp công tác không có nghĩa là đơn giản hóa công việc hay chủ nhiệm làm thay các đoàn thể.
Giáo viên bộ môn xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các hình thức học tập ngoại khóa, trao đổi về phương pháp học tập,... tham quan, cắm trại, tổ chức những ngày lễ truyền thống, kế hoạch giúp đỡ các thanh thiếu niên hoạt động;Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và hạnh kiểm của học sinh, nhận xét, ghi học bạ.
Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh sự quán xuyến, đôn đốc, theo dõi của giáo viên chủ nhiệm còn có một tập thể các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy và truyền đạt kiến thức bộ môn. Giáo viên chủ nhiệm có thể trao đổi với giáo viên bộ môn để nắm bắt thêm về tinh thần, thái độ học tập, ý thức tổ chức kỷ luật, học lựccủa từng học sinh trong lớp. Từ đó giáo viên chủ nhiệm có điều kiện nhìn nhận và đánh giá khách quan về chất lượng học tập của từng học sinh trong lớp, đồng
thời có biện pháp động viên, nhắc nhở, giáo dục phù hợp đối với từng học sinh, giúp các em học tập và rèn luyện nhân cách đạo đức tốt hơn .
- Điều kiện, phương tiện trong nhà trường
Song song với việc tạo dựng “môi trường sư phạm thân thiện”, nhà trườngcần đến cơ sở vật chất đầy đủ, cảnh quan “xanh- sạch - đẹp”, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu giáo dục, rèn luyện phát triển nhân cách học sinh.
Cơ sở vật chất và các thiết bị trường học là điều kiện, là phương tiện thiết yếu để tổ chức quá trình giáo dục. Diện tích mặt bằng theo quy định, có quang cảnh môi trường sạch sẽ, phòng học xây dựng đúng quy cách, có trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ để phục vụ cho dạy và học ở tất cả các môn học, thư viện đủ sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, có sân chơi, bãi tập,... đó là một trường học có đầy đủ cơ sở vật chất. Cùng với các hoạt động giáo dục khác, giáo dục đạo đứccho học sinh phải có đủ điều kiện tổ chức và phương tiện tốt để tổ chức các hoạt động. Thiết bị tối thiểu để tổ chức các hoạt động là: âm ly, loa đài, đầu video, đàn, dụng cụ thể thao và kinh phí hoạt động. Nhà trường cần đảm bảo các điều kiện vật chất để tập thể giáo viên và học sinh hoàn thành nhiệm vụ của mình với chất lượng tốt.
1.5.2. Các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục đạo đức và quản lí hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh Trung học cơ sở