Khó khăn tâm lí của mẹ đơn thân trong việc giáo dục con

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những khó khăn tâm lí của mẹ đơn thân trong việc giáo dục con (Trang 31 - 35)

Khó khăn tâm lí của mẹ đơn thân trong việc giáo dục con là những thiếu hụt, cản trở hoặc vướng mắc trong tâm lí của mẹ đơn thân, mà điều đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình và hiệu quả hoạt động giáo dục con mà họ cần vượt qua để thực hiện thành việc giáo dục con. Khó khăn tâm lí của mẹ đơn thân trong việc giáo dục con biểu hiện ở ba mặt nhận thức, thái độ và hành vi.

* Biểu hiện khó khăn tâm lí của mẹ đơn thân trong việc giáo dục con

Về mặt nhận thức

Trong quá trình dạy con, người mẹ đơn thân thường gặp cả hai dạng khó khăn tâm lí nhận thức cơ bản: dạng thức nhất khó khăn khi nhận thức về chính bản thân mình trong vai trò làm mẹ với trách nhiệm giáo dục con, dạng thứ hai khó khăn khi nhận thức về quá trình giáo dục con.

Những khó khăn tâm lí về dạng thứ nhất khi nhận thức về chính bản thân mình trong vai trò làm mẹ với trách nhiệm giáo dục con thường do những suy nghĩ lệch lạc, bi quan, tự ti, tự động tiêu cực của người Mẹ gây nên. Một số suy nghĩ tự động tiêu cực của người mẹ đơn thân trong việc giáo dục con:

Thứ nhất: Bản thân là một người mẹ không tốt.

Người mẹ mang mặc cảm tội lỗi khi nghĩ rằng mình là nguyên nhân tạo nên sự bất hạnh cho con khi không cho con một người cha, một gia đình trọn vẹn như bao đứa trẻ khác. Mình không thể trở thành một người mẹ tốt, việc nuôi dạy con nên người là điều không thể.

Thứ hai: Bản thân phải là một tấm gương hoàn hảo

Trong suy nghĩ của mẹ đơn thân luôn áp đặt cho mình phải trở thành một hình mẫu hoàn hảo. Bản thân không được phạm phải một sai lầm nào, nếu có cũng

không được cho con biết, phải cho con thấy mẹ luôn là người đúng

Thứ ba: Con sẽ không ổn khi không có mẹ bên cạnh.

Con luôn cần mình chở che, chăm sóc, con sẽ không thể làm ổn được việc gì nếu không có mẹ bên cạnh: Học hành, ăn uống, mua sắm ...

Thứ tư: Con đi ra ngoài đường sẽ gặp nguy hiểm

Cho con ra ngoài xã hội, tiếp xúc với nhiều người là đẩy con vào vòng nguy hiểm. Bởi vì xã hội bây giờ rất phức tạp và người xấu ở khắp mọi nơi.

Thứ năm:Mẹ mà tái hôn thì con sẽ khổ

Khi bản thân mình đi bước thêm bước nữa, con sẽ khổ. Bởi vì cha dượng sẽ không thương con riêng của vợ và lúc đó con sẽ hờn trách mình đã không yêu thương con đã đi theo người khác.

Đối với những khó khăn tâm lí về dạng thứ hai khi nhận thức về việc giáo dục con thường là do người mẹ không có đầy đủ kiến thức về sự phát triển tâm sinh lí của đứa trẻ, không nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của đứa trẻ.

Về mặt thái độ: Khó khăn tâm lí của mẹ đơn thân ở mặt thái độ được biểu

hiện thông qua cách nhìn nhận, quan điểm đánh giá, xúc cảm , tình cảm v.v… đối với việc giáo dục con của mình. Người mẹ đơn thân thường có thái độ tránh né, lo sợ, xa lánh, không hào hứng và thường hay có xúc cảm, tình cảm âm tính đối với việc giáo dục con. Người mẹ không điều khiển được trạng thái cảm xúc của mình, nhạy cảm thái quá và biểu lộ cảm xúc không phù hợp. Một số biểu hiện cụ thể về khó khăn tâm lí về mặt thái độ của mẹ đơn thân.

Thứ nhất: Thái độ mâu thuẫn

Người mẹ đơn thân không có sự nhất quán trong suy nghĩ và biểu cảm cảm xúc, trong lời nói và hành động. Họ che giấu cảm xúc đau khổ, tuyệt vọng, mệt mõi của mình trước mặt con bằng những nụ cười hoặc một thái độ bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Họ không muốn con thấy những cảm xúc thật sự của họ. Họ rất muốn trừng phạt để răn dạy con khi con phạm lỗi nhưng họ rất khó thực hiện nó.

Thứ hai: Không kiềm chế được cảm xúc bản thân

Người mẹ đơn thân cảm thấy bực mình và dễ nổi nóng với con họ hay to tiếng, có những hành động lời nói nóng giận gây xúc phạm con và rồi sau đó họ cảm thấy đau khổ vì những thái độ đó.

Thứ ba: Cảm thấy bất lực trong việc dạy con

Người mẹ nuôi con một mình này cảm thấy rối bời khi phải dạy con về những vấn đề mà họ không biết, không hiểu rõ như việc giáo dục giới tính cho cậu con trai. Hay những lúc con của mình ngỗ nghịch họ không biết phải có thái độ như thế nào với con mới là đúng, họ tỏ vẻ ngại ngùng, buồn rầu và bất lực.

Thứ tư: Thường xuyên cảm thấy mệt mõi và căng thẳng

Người mẹ đơn thân thường xuyên có cảm giác mệt mõi, căng thẳng trong việc dạy con, họ cảm thấy nhiều áp lực và dễ rơi vào stress.

Thứ năm: Để tâm trạng mình phụ thuộc vào con

Người mẹ đơn thân để cho đứa con "lập trình" cảm xúc của họ. Họ cảm thấy vui khi của họ vui. Họ sẽ đau buồn vật vã khi con họ đau khổ. Tâm trạng của họ lên xuống thất thường vì con, họ đang có cảm xúc khá tích cực nhưng chỉ cần con họ có một chút lỗi lầm hay trục trặc gì đó như đạt thành tích kém chẳng hạn tâm trạng họ sẽ lập tức tuột dốc.

Về mặt hành vi

Người mẹ đơn thân gặp khó khăn tâm lí về mặt hành vi sẽ được biểu hiện rất rõ ràng và dễ nhìn thấy rất trong các hoạt động của họ khi tương tác với con. Người mẹ đơn thân có khó khăn tâm lí trong hoạt động thường biểu hiện hành vi thiếu tự nhiên, gò bó, lúng túng, hành động không phù hợp với tình huống, bối cảnh. Những khó khăn tâm lí về mặt hành vi có thể là kết quả của sự chi phối bởi nhận thức và thái độ tình cảm hoặc do những kỹ năng giáo dục không có hiệu quả cao. Một số biểu hiện cụ thể khó khăn tâm lí về mặt hành vi của người Mẹ thường thấy:

Thứ nhất: Khó khăn trong việc tâm sự, trò chuyện, chia sẻ với con

Một số người mẹ đơn thân gặp khó khăn khi giao tiếp trò chuyện cùng con. Họ không thể nói chuyện với con nhiều hơn 3 câu. Bởi vì đứa trẻ không thích nói chuyện với mẹ. Mặt khác, mẹ đơn thân không biết quá nhiều về đời sống tình cảm

và các mối quan hệ bạn bè của con. Một số người mẹ thậm chí còn không hề biết bạn thân của con là ai. Bên cạnh đó đứa trẻ cũng không chủ động hỏi han, tâm sự cùng mẹ của mình. Hơn thế, nhiều trẻ vị thành niên còn không muốn mẹ biết về những hoạt động của mình trên mạng xã hội nên nhiều trẻ đã không cho mẹ xem thông tin hay tương tác với chúng trên các trang mạng xã hội như: zalo, facebook, instagram ...

Thứ hai: Ngại ngùng khi nói chuyện, cung cấp kiến thức giới tính cho con

Nhiều người mẹ đơn thân không có đầy đủ kiến thức và kĩ năng về sự phát triển tâm sinh lí lứa tuổi nên họ chỉ thường dạy con phần này theo bản năng và kinh nghiệm của bản thân họ. Nên thường họ không thể trả lời cho con một cách chính xác những thông tin mà chúng muốn biết. Họ cảm thấy rất khó nói, ngại ngùng, ấp úng khi nói về chuyện giới tính, đặc biệt là với đứa con khác tính với mình. Do đó nhiều người Mẹ đã chọn cách tránh né hoặc không bao giờ nhắc đến vấn đề giáo dục giới tính cho con.

Thứ ba: Khó khăn khi thực thi trừng phạt và hình thức khen thưởng cho con

Một số người mẹ đơn thân không thể nào thực thi những hình phạt đối với con. Bởi vì họ xót con, nên họ thường hay tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của con một cách dễ dàng. Ngoài ra khi dạy con nếu đứa trẻ không nghe lời Mẹ và làm theo hướng khác họ lại chấp nhận và nuông chiều theo ý muốn của con.

Thứ tư: Người mẹ cố gắng thể hiện mình là người mẹ tốt

Người mẹ luôn cố gắng thể hiện cho con thấy mình là một người mẹ tốt. Để khi họ giáo dục con, con sẽ nghe lời của mẹ. Họ không cho phép bản thân phạm bất kì sai lầm gì trong việc dạy con.

Thứ năm: Giải thích các thắc mắc của con về bố chúng

Người bố luôn là một ẩn số đối với những đứa trẻ trong gia đình mẹ đơn thân và không phải người mẹ nào cũng sẵn sàng để có thể giải thích được tường tận về bố chúng. Họ gặp khó khăn khi phải giải thích cho con nghe về xuất hiện của chúng trên đời này và sự không có mặt của bố trong gia đình nhất là với những người mẹ đơn thân chủ động. Việc giáo dục con có nhận thức và thái độ tốt đối với bố và có những hành vi cư xử phải phép với bố là một điều khó. Điều này phụ thuộc vào tình

cảm người mẹ dành cho người bố của con. Khi họ có sự tôn trọng họ sẽ nói với con những điều tích cực với bố chúng. Ngược lại những người mẹ có thành kiến với người đàn ông đã từng làm tổn thương mình họ có sự căm hờn, thù ghét. Vô tình người mẹ có thể truyền những cảm xúc tiêu cực ấy qua cho con làm cho hình ảnh người bố trở nên tệ hại trong lòng đứa trẻ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những khó khăn tâm lí của mẹ đơn thân trong việc giáo dục con (Trang 31 - 35)