Ngôn ngữ – chất liệu tạo nên biểu tượng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng trong văn xuôi việt nam về đề tài chiến tranh từ 1986 đến 2010 (Trang 27 - 29)

Trong giáo trình Ngôn ngữ học đại cương, Sausure đã đưa ra một cách hiểu về khái niệm ngôn ngữ, đó là một hệ thống ký hiệu đặc biệt đã được xã hội chấp nhận gồm hai mặt thống nhất: cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Ngôn ngữ ra đời đánh dấu sự tiến bộ của tư duy loài người. Và bản thân nó là một công cụ giao tiếp hữu hiệu, bởi vì nếu không có ngôn ngữ chúng ta không thể nào diễn đạt được điều mình muốn nói.

Ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp hàng ngày mà trở thành chất liệu trong sáng tác văn học, tác phẩm văn học cũng có thể xem là một hình thức giao tiếp đặc biệt: giao tiếp bằng nghệ thuật ngôn từ. Khi sáng tác một tác phẩm văn học với tư duy phản ánh nghệ thuật bằng biểu tượng, bước đầu dấu ấn văn hóa của nhân loại được cất giấu trong những cổ mẫu xuất hiện trong tâm thức nhà văn (có thể vô thức hoặc được ý thức). Và để những ý niệm mang tâm thức biểu tượng ấy được hiện hữu trong những tác phẩm thì cần phải có ngôn từ để chuyển tải. Khi ấy, ngôn ngữ được sử dụng để mã hóa các biểu tượng nghệ thuật. Vì thế, K.Mark từng khẳng định: “Ngôn ngữ là cái vỏ

vật chất của tư duy”. Ở đây có thể xem quá trình tạo sinh biểu tượng của nhà văn trong tác phẩm văn học là hoạt động của tư duy, trí tuệ. Nếu không có lớp vỏ của ngôn từ thì biểu tượng trong tác phẩm không có cách nào tiếp xúc với người đọc, khơi dậy những mĩ cảm nơi người đọc. Khi đó, những biểu tượng nghệ thuật đã hoàn thành chức năng giao tiếp của mình với người tiếp nhận: gợi cảm xúc, trao thông điệp.

Đến đây chúng ta gặp phải một thắc mắc: Tác phẩm văn học mượn ngôn ngữ làm chất liệu vậy có phải ngôn ngữ tự nhiên ngoài đời thường và ngôn ngữ trong tác phẩm văn học là một và hoàn toàn trùng khớp? Trong Khái niệm ngôn ngữ của nghệ thuật ngôn từ, nhà ký hiệu học Lotman đã có lời giải đáp cho câu hỏi này. Theo ông, “văn học nghệ thuật nói bằng một ngôn ngữ đặc biệt, loại ngôn ngữ được kiến tạo chồng lên bên trên ngôn ngữ tự nhiên như một hệ thống thứ sinh… Nói văn học có ngôn ngữ riêng, không trùng với ngôn ngữ tự nhiên, dẫu được kiến tạo trên ngôn ngữ ấy, tức là nói văn học có một hệ thống kí hiệu riêng, chỉ thuộc về nó và những quy tắc tổ chức các ký hiệu ấy để chuyển tải những thông tin đặc biệt, những thông tin không thể chuyển tải bằng các phương tiện khác” [54]. Sự khác biệt, không trùng khít giữa ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ nghệ thuật được Lotman chỉ rõ trong bài nghiên cứu. Ở đây chúng tôi trích lược hai điểm khác biệt quan trọng:

1/ Ký hiệu trong ngôn ngữ đời thường mang tính ước lệ. Còn ký hiệu trong tác phẩm văn học nghệ thuật có đặc tính hình tượng, tạo hình.

2/ Ký hiệu trong ngôn ngữ tự nhiên có mối quan hệ tự do, các phương diện nội dung và biểu hiện được chia tách rõ ràng. Trong văn học, các ký hiệu tạo hình được kiến tạo theo nguyên tắc ràng buộc, bện kết phức tạp giữa hai phương diện nội dung và biểu hiện. Đó còn là sự đan kết chặt chẽ giữa các thành tố trong đơn vị ngữ pháp, “yếu tố ngữ đoạn ở cấp độ này trong trình tự thứ bậc của văn bản hóa ra lại là yếu tố ngữ nghĩa ở cấp độ khác” [54]. Nhà ký hiệu học này đã lấy một ví dụ rất cụ thể về những con búp bê Matryoshka (con này lồng trong con kia) để dẫn chứng về kết cấu tổ chức thứ bậc của các đơn vị ngôn ngữ trong tác phẩm văn học.

Qua những phân tích của Lotman, ta thấy rõ ràng ngôn từ trong tác phẩm văn học đã có một sự chuyển hóa từ các ký hiệu ngôn ngữ chung thành các yếu tố của một ký hiệu nghệ thuật. Nhờ có sự chuyển hóa ấy mà những tác phẩm văn học vừa mang

tính phổ quát, là ngôn ngữ chung cho cả cộng đồng nhưng đồng thời mang tính nghệ thuật cao. Với những cấu trúc phức tạp vừa nén chặt vừa gợi mở, nó mang đến cho độc giả một thế giới mới mẻ và luôn biến hóa. Chính vì thế mà cùng một tác phẩm nhưng với những đối tượng độc giả khác nhau sẽ có những cách đọc khác nhau.

Biểu tượng là một phương thức tư duy nghệ thuật của nhà văn, vì vậy quá trình tạo sinh biểu tượng trong tác phẩm văn học cũng là quá trình chuyển hóa ngôn từ. Là một phương thức phản ánh nghệ thuật bằng hình ảnh biểu trưng, vì vậy lớp ngôn ngữ biểu hiện của chúng được gia tăng về tính hàm nghĩa. Việc lựa chọn, biến đổi các yếu tố trong cấu trúc hệ thống ngôn ngữ cũng có thể làm gia tăng tầng nghĩa hàm ẩn và nảy sinh những nét nghĩa mới của biểu tượng.

Như đã nói ở trên, đặc trưng nổi trội nhất của biểu tượng chính là sự mở rộng đến vô cùng về nghĩa, đó là mối quan hệ luôn giãn nở giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Và sức mạnh gợi mở ấy phụ thuộc vào cái biểu đạt, trong đó ngôn từ chiếm một vị trí khá quan trọng bên cạnh văn hóa. Ngôn ngữ biểu tượng càng giàu sức gợi, các tầng nghĩa của biểu tượng càng phong phú. Dựa vào một số nguồn tài liệu, trong công trình Nghiên cứu biểu tượng – một số hướng tiếp cận lý thuyết, Đinh Hồng Hải đã rút ra định nghĩa về thuật ngữ ngôn ngữ biểu tượng: “Ngôn ngữ biểu tượng là loại ngôn ngữ mang tính tượng trưng được chuyên môn hóa ở mức độ cao” [34, tr.26].

Như vậy, từ cái kho từ vựng chung của nhân loại, nhà văn đã “may” thành “bộ trang phục” khoác lên mình những kí ức văn hóa nguyên thủy của nhân loại để tạo ra một hình hài hoàn chỉnh: biểu tượng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng trong văn xuôi việt nam về đề tài chiến tranh từ 1986 đến 2010 (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)