Vận dụng lý thuyết kí hiệu học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng trong văn xuôi việt nam về đề tài chiến tranh từ 1986 đến 2010 (Trang 36 - 39)

Ở phần trước, khi bàn về quá trình hình thành biểu tượng, chúng ta đã khẳng định biểu tượng là một loại “siêu ký hiệu” và được tạo hình bởi chất liệu ngôn ngữ. Nếu không có ngôn ngữ, biểu tượng không được hiện hữu mà chỉ là những ý niệm tồn tại trong tâm trí con người. Biểu tượng được xây dựng trên cơ sở ký hiệu học ngôn ngữ, vì vậy đặc điểm, hệ thống cấu trúc của ngôn ngữ sẽ chi phối đến nghĩa của biểu tượng văn học. Điều đó có thể kết luận: để giải mã được ý nghĩa của biểu tượng, chúng ta cần xuất phát từ chất liệu ngôn ngữ. Vì vậy, kiến thức về ký hiệu học là một cơ sở quan trọng cần sử dụng trong quá trình giải mã biểu tượng. “Nếu người ta đưa ra một từ ngữ “ký hiệu” có nghĩa chung là biểu tượng (ở trường hợp này biểu tượng trở thành một loại ký hiệu đặc biệt), ta có thể nói rằng nghiên cứu biểu tượng lệ thuộc vào lý thuyết phổ quát của các ký hiệu, hay ký hiệu học” [34, tr.35].

Dựa vào các tài liệu chuyên ngành của nhà nghiên cứu Lã Nguyên, Mai Thị Hồng Tuyết đã tổng hợp những cách hiểu về thuật ngữ ký hiệu học. Theo công trình nghiên cứu Văn học dưới góc nhìn ký hiệu học, hiện nay có ba cách định nghĩa khác nhau về thuật ngữ ký hiệu học.

1/ Định nghĩa dựa vào đối tượng: “Ký hiệu học là khoa học về các ký hiệu và/ hoặc về các hệ thống ký hiệu” [122].

2/ Định nghĩa dựa vào phương pháp: “Ký hiệu học là khoa học đem các phương pháp ngôn ngữ học áp dụng vào những đối tượng khác, không phải là ngôn ngữ tự nhiên” [122].

3/ Định nghĩa của Iu. M. Lotman: “Ký hiệu học là khoa học về các hệ thống giao tiếp và các ký hiệu được sử dụng trong quá trình thông tin” [122].

Dựa vào những cách định nghĩa trên của các nhà nghiên cứu, chúng tôi hiểu rằng ký hiệu học là khoa học nghiên cứu bám sát vào ngôn từ nghệ thuật. Và đây cũng là hướng tiếp cận, giải mã biểu tượng từ góc nhìn ký hiệu học mà chúng tôi vận dụng trong công trình này.

Trong quá trình hình thành và phát triển của ngành ký hiệu học, nhiều mô hình nghiên cứu về cấu trúc của ký hiệu đã ra đời. Có thể kể đến như mô hình của Ferdinand de Saussure cùng với bộ nhị phân ngôn ngữ / lời nói; mô hình cấu trúc tam vị của Peirce; mô hình ký hiệu học biểu thị của Louis Hjelmslev và mô hình cấu trúc siêu ký hiệu của R.Barthes. Đó là quá trình về sự kế thừa, mở rộng và phát triển của nghiên cứu ký hiệu học. Những mô hình nghiên cứu cấu trúc, cơ chế hoạt động của hệ thống ký hiệu ấy đã được ứng dụng trong nghiên cứu, giải mã biểu tượng – một loại “siêu ký hiệu”.

Trong số đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến mô hình cấu trúc tam vị của Charles Sander Pierce. Nếu Saussure chỉ xét về tính hai mặt của kí hiệu: cái biểu đạt và cái được biểu đạt thì Pierce đề xuất thêm một yếu tố thứ ba: interpretant (diễn giải/ sự hiểu). Dựa vào công trình “Biểu tượng từ ký hiệu học đến tu từ học tiểu thuyết”, chúng ta có thể hình dung mô hình cấu trúc tam vị của Peirce như sau:

sign

Interpretant object

“Trong ba yếu tố này, nếu như kí hiệu (sign) như là cái biểu đạt (signifier); đối tượng (object) là suy nghĩ tốt nhất về bất cứ cái gì được biểu đạt, là cái mà từ được viết hoặc nói ra gắn liền vào nó, thì diễn giải (interpretant) trở thành một phần quan trọng trong mô hình kí hiệu học của Peirce” [58]. Theo quan điểm của Peirce, ta có thể thấy các yếu trong cấu trúc ký hiệu không được xác lập theo mối quan hệ một chiều (cái biểu đạt sẽ quy định nghĩa của cái được biểu đạt) mà đó là một quá trình tương tác, chi phối lẫn nhau. Và trong quá trình đó, yếu tố interpretant (diễn giải / sự hiểu) đóng vai trò khá quan trọng. Đó là sự diễn giải, cắt nghĩa được diễn ra trong nhận thức của người tiếp nhận kí hiệu. Từ đó, ý nghĩa được tạo ra từ sự diễn giải thứ nhất này sẽ tiếp tục tạo ra một kí hiệu khác để bắt đầu cho chuỗi diễn nghĩa tiếp theo. Đây là một bước

phát triển quan trọng, kí hiệu học là một quá trình trong đó có sự tương tác của người sử dụng kí hiệu. Vận dụng mô hình này trong giải mã biểu tượng, nghĩa của biểu tượng vừa được quy định bởi cái biểu đạt, đồng thời nó còn chịu sự chi phối bởi cách cắt nghĩa nơi người đọc. Và quá trình giải mã nghĩa của biểu tượng được diễn ra liên tục, sự hiểu này sẽ là tiền đề cho sự diễn giải tiếp theo, vì vậy các lớp nghĩa của biểu tượng không bao giờ là cùng kiệt và không thể nào có một sự giải mã cuối cùng.

Mô hình cấu trúc tam vị của Peirce đề cập đến tính sản sinh ký hiệu theo một logic, ký hiệu này được diễn giải sẽ tạo tiền đề tạo sinh ký hiệu tiếp theo. Bắt nguồn từ quan điểm này, Louis Hjelmslev phát triển xa hơn với sự đề xuất mô hình phân tầng ký hiệu, “một kí hiệu có bốn tầng bậc: nội dung – hình thức (content – form), biểu hiện – hình thức (expression), nội dung – nghĩa (content – substance), và biểu hiện – nghĩa (expression)” [58]. Từ sự phân bậc này, Hjelmslev tiến đến sự phân biệt ký hiệu học biểu thị và ký hiệu học hàm nghĩa. Ký hiệu học biểu thị là một hệ thống ký hiệu thông thường, trong đó cái biểu đạt là một hình ảnh, một sự vật đơn thuần; cái được biểu đạt chính là khái niệm hay cách hiểu đơn nhất về sự vật đó. Ví dụ lửa là một phản ứng cháy, sinh ra nhiệt, ánh sáng. Nếu gọi ký hiệu học biểu thị là hệ thống bậc một thì ký hiệu học hàm nghĩa là hệ thống ký hiệu bậc hai. Trong đó, cái biểu đạt cũng là một ký hiệu (ký hiệu học biểu thị), nó không còn là một hình ảnh đơn thuần trong tự nhiên mà đã là hình thức của sự hàm nghĩa (sản phẩm của sự hiểu, nhận thức). Khi đó cái được biểu đạt mang ý nghĩa tượng trưng, hàm ẩn. Đến đây cái được biểu đạt của ký hiệu học hàm nghĩa của lửa là sự hủy diệt, tái sinh. Và ký hiệu học hàm nghĩa này được R. Barthes tiếp thu và gọi đấy là siêu ký hiệu hay biểu tượng.

Từ mô hình đó, ta hiểu rằng giải mã biểu tượng trong tác phẩm văn học là một quá trình đi tìm cái được biểu đạt của ký hiệu học hàm nghĩa. Và cơ sở của quá trình giải mã ấy là hệ thống ký hiệu bậc một: ký hiệu học biểu thị.

Ứng dụng những mô hình ký hiệu học trên sẽ giúp việc giải mã biểu tượng sẽ có sức thuyết phục cao vì nó không phải là sự suy luận tùy tiện, võ đoán mà dựa vào cơ sở cấu trúc của ký hiệu. “ Phương pháp tiếp cận rõ ràng, khúc chiết của ký hiệu giúp các nhà khoa học có thể tránh được những đặc tính khó lường của biểu tượng – đó là tính trừu tượng, đa nghĩa” [34, tr.35]. Tuy nhiên nếu chỉ đơn thuần dựa vào cấu

trúc ngôn ngữ thì biểu tượng sẽ bị chết cứng, chính sự góp mặt của yếu tố interpretant (diễn giải/ sự hiểu) làm cho biểu tượng luôn được làm mới, tái sinh trong chính nó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu tượng trong văn xuôi việt nam về đề tài chiến tranh từ 1986 đến 2010 (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)