- Bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho việc phát triển thanh toán điện tử tại các ngân hàng thương mại trong nước.
- Mặc dù Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ký văn bản chấp thuận sử dụng chứng từ điện tử trong nội bộ ngành ngân hàng, nhưng theo đúng luật Kế toán thống kê ngân hàng vẫn buộc phải in ra giấy, đóng dấu, ký tên, lưu kho các loại chứng từ giao dịch để đảm bảo tính pháp lý của chứng từ. Việc làm này đã làm tăng đáng kể khối lượng công việc của ngành ngân hàng. Chính vì vậy Nhà nước cần sớm ban hành Luật giao dịch điện tử, ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến giao dịch điện tử như chứng từ điện tử, chữ ký điện tử, quy định các mức độ mã khoá được đăng ký và sử dụng cho các thành phần tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, cấp phép hoặc thành lập cơ quan chứng thực điện tử nhằm tạo môi trường cho thương mại điện tử nói chung và các dịch vụ ngân hàng điện tử nói riêng phát triển.Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trong các nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp lý liên quan trực tiếp đến việc đổi mới nghiệp vụ cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng thương mại tự đầu tư, hợp tác liên kết và vay vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử, hiện đại hoá công nghệ ngân hàng, cần xem xét lại các quy chế hiện hành của ngành ngân hàng theo hướng mở chẳng hạn như: quy chế về việc sử dụng vốn tự có và trích lợi nhuận trong kinh doanh ngân hàng để tái đầu tư vào tài sản cố định, phát triển sản xuất nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư chiến lược và hiện đại hoá mang tính dài hạn cho hạ tầng thanh toán.
- Sớm ban hành quy chế về quản lý dịch vụ NHĐT, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ cần thu phí theo nguyên tắc thương mại.
Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp với các ngân hàng thương mại thường xuyên tổ chức hội thảo, mở các khoá học về ngân hàng điện tử do các chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm, có như vậy mới nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này, đồng thời cập nhật được thông tin mới, giúp các ngân hàng thương mại hoàn thiện và phát triển loại hình dịch vụ này một cách đúng hướng.