Đây là nhóm nhân tố ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng mà bản thân ngân hàng không thể kiểm soát được.
Môi trường kinh tế:
Môi trường kinh tế là một trong những yếu tố tác động mạnh đến nhu cầu vay tiêu dùng của người dân. Cho vay tiêu dùng là hoạt động có tính nhạy cảm theo chu kỳ kinh tế. Doanh số cho vay tiêu dùng tăng lên khi nền kinh tế phát triển, khi người dân cảm thấy an tâm về tương lai cũng như nhìn thấy được những nguồn thu đem lại khả năng chi trả cho những nhu cầu trong hiện tại. Sự ổn định về kinh tế, đặc biệt là ổn định về lạm phát, giá cả, lãi suất, tỷ giá hối đoái làm cho các ngân hàng yên tâm khi cho vay vốn.
Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái, phát triển không ổn định hoặc tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng sẽ hạn chế hoạt động cho vay tiêu dùng của các NHTM. Môi trường kinh tế không ổn định sẽ tác động xấu đến các khoản tín dụng và dễ dẫn tới đổ vỡ tín dụng. Hơn nữa, thu nhập kỳ vọng trong tương lai của người dân trở nên bấp bênh, người tiêu dùng không dự đoán và kiểm soát được những thu nhập của mình, do vậy họ phải hạn chế các khoản cho vay tiêu dùng trong hiện tại.
Một nền kinh tế ổn định sẽ là điều kiện thuận lợi để các tổ chức tài chính và khách hàng tham gia vào hoạt động cho vay tiêu dùng.
Môi trường văn hóa - xã hội
Các nhân tố văn hóa như tập quán sinh hoạt ăn uống, chi tiêu khác nhau, trình độ dân trí, thói quen, lối sống của từng vùng tác động đến nhu cầu người tiêu dùng và vì thế ảnh hưởng đến cho vay tiêu dùng của NHTM. Ngoài ra các yếu tố như thói
quen sử dụng các sản phẩm của ngân hàng hay thói quen thanh toán tiền mặt trong dân cư cũng ảnh hưởng không ít tới hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại.
Quy mô và tốc độ tăng dân số cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến quy mô cho vay tiêu dùng vì dân số càng đông thì nhu cầu tiêu dùng càng lớn, số người tìm đến ngân hàng vay tiêu dùng để thỏa mãn các nhu cầu của mình càng nhiều.
Môi trường pháp lý:
Kinh doanh trong ngân hàng là một lĩnh vực chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng như Ngân hàng nhà nước. Khi hoạt động của ngân hàng chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật thì tính trật tự, ổn định được đảm bảo, hoạt động cho vay tiêu dùng có điều kiện diễn ra thông suốt, hạn chế những thiệt hại của các bên tham gia quan hệ tín dụng.. .Một môi trường pháp lý lành mạnh, văn bản pháp luật đầy đủ, rõ ràng không chồng chéo, thủ tục đơn giản. sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, góp phần vào cạnh tranh lành mạnh giữa các NHTM trong hoạt động tín dụng, từ đó tạo điều kiện môi trường tốt để phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng. Ngược lại, nếu luật quy định về hoạt động ngân hàng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng không rõ ràng, thiếu đồng bộ, còn nhiều khe hở, hay quá ngặt nghèo sẽ gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng, không có cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc làm cho người đi vay không đáp ứng điều kiện để được ngân hàng cấp tín dụng dẫn đến ngân hàng bị hạn chế trong việc cho vay.
Các chính sách của nhà nước
Các chính sách mang tầm vĩ mô cũng tác động lớn đến hoạt động cho vay tiêu dùng. Những chính sách này thường đề ra các nhiệm vụ của từng năm hay thời kỳ và mục đích là làm cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển một cách bền vững, nếu thực hiện được đời sống của người dân sẽ tăng lên, kèm theo nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên và hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng có cơ hội mở rộng.
Các nhân tố thuộc về phía khách hàng bao gồm:
Đạo đức người vay được đánh giá dựa trên năng lực pháp lý và độ tín nhiệm. Đây là yếu tố tiên quyết để ngân hàng xem xét cho vay vì ngay cả khi người vay có thu nhập tốt thì chưa chắc họ có thiện chí trả nợ. Đạo đức người vay trong quan hệ tín dụng được đánh giá bằng độ tín nhiệm của khách hàng trên cơ sở tính thật thà, sự sẵn lòng trả nợ của khách hàng và ý muốn kiên quyết trong việc thực hiện tất cả các giao ước trong hợp đồng tín dụng. Năng lực pháp lý là những quy định cụ thể về mặt pháp lý mà người vay cần phải có. Đây là cơ sở hình thành nghĩa vụ trả nợ của khách hàng trong quan hệ tín dụng.
+ Khả năng tài chính.
Khả năng tài chính của khách hàng là nhân tố ảnh hưởng tới khả năng trả nợ ngân hàng. Phần lớn các món cho vay tiêu dùng được quy định nguồn hoàn trả là thu nhập thường xuyên của khách hàng trong tương lai. Nếu khách hàng có thu nhập cao và ổn định thì việc trả nợ ngân hàng thường ít ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, đặc biệt là các chỉ tiêu thông thường hay thiết yếu...Với những người vay này, họ sẵn sàng thành toán tiền cho ngân hàng và khoản tín dụng trở nên an toàn hơn.
+ Tài sản đảm bảo
Tài sản đảm bảo là cơ sở pháp lý để có thêm nguồn trả nợ thứ hai cho ngân hàng ngoài nguồn thu nợ thứ nhất, mang tính dự phòng rủi ro và tăng mức độ an toàn cho khoản tín dụng của ngân hàng. Mặc dù nắm giữ tài sản đảm bảo song nếu khách hàng không trả nợ thì ngân hàng phải đối mặt với rủi ro giảm thu nhập vì muốn phát mại tài sản phải có thời gian và mất chi phí khác liên quan.. .Vì vậy, tài sản đảm bảo là một trong những tiêu chuẩn để xét duyệt cho vay nhưng không phải là tiêu chuẩn quan trọng nhất giữ vai trò quyết định trong việc cho vay của ngân hàng thương mại.