Mặc dù đã đạt được một số thành công nhất định trong công tác Marketing song đây vẫn còn là một mảng hoạt động rất cần được quan tâm phát triển. Vì vậy, để có thể làm tốt công tác này đòi hỏi VPBank Đông Đô phải chú trọng đến những biện pháp sau.
Thứ nhất, tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường và khách hàng. Công việc này đòi hỏi chi nhánh phải phân loại được khách hàng của mình gồm khách hàng truyền thống, khách hàng tiềm năng.
Đối với khách hàng truyền thống, ngân hàng cần phải có những chính sách chăm sóc khách hàng riêng và giao cho một phòng ban đảm nhiệm như gửi quà, điện hoa chúc mừng cho khách hàng dịp lễ, tết... Đặc biệt phải thường xuyên gửi bảng hỏi, phiếu điều tra... về chất lượng dịch vụ trong từng giai đoạn để có những biện pháp điều chỉnh hoạt động kịp thời, xem xét mức độ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ ngân hàng. Từ đó có thể phán đoán được mức độ trung thành của khách hàng cũng như nhu cầu của khách hàng và có những biện pháp điều chỉnh và tiếp xúc với khách hàng để tăng sự gắn kết của khách hàng với ngân hàng. Cùng với công tác trên, phải thường xuyên cập nhật những thông tin về khách hàng, về nền kinh tế để giảm thiểu rủi ro xảy ra (đặc biệt trong hoạt động tín dụng) hoặc tư vấn cho khách hàng trong hoạt động kinh doanh của họ, tạo cho khách hàng có thêm ấn tượng tốt đẹp về ngân hàng.
Đối với khách hàng tiềm năng, chi nhánh phải lập danh sách và thường xuyên thực hiện công tác quảng cáo, tiếp thị lôi cuốn thu hút khách hàng đến với ngân hàng.
Thường xuyên cử những cán bộ có trình độ năng lực cao, khả năng giao tiếp tốt đến với những đối tượng trên.
Thứ hai, tăng cường công tác tiếp thị, quảng cáo để nâng cao hình ảnh uy tín về một ngân hàng hoạt động có hiệu quả trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Muốn vậy VPBank Đông Đô phải tăng cường đầu tư cho quảng cáo thông qua các ấn phẩm như tờ rơi, biểu phí, danh thiếp, cử các nhân viên tín dụng tiếp thị sản phẩm tại các khu dân cư, các doanh nghiệp, tổ chức lao động, xây dựng trang web riêng - kênh thông tin tổng quát và toàn diện của chi nhánh đến mọi người.. Ngoài ra, chi nhánh cũng cần có chính sách cho các sản phẩm phụ trợ như quà tặng, khuyến mại...cho các khách hàng để hấp dẫn thêm lượng khách hàng.
Các hình thức quảng bá sản phẩm của chi nhánh nên được tăng cường trong những thời điểm nhạy cảm khi thị trường đang nóng để phát huy hiệu quả tối đa. Cụ thể, trong thời điểm học sinh - sinh viên kết thúc khóa học có nguyện vọng đi du học, chi nhánh nên thực hiện hình thức phát tờ rơi, treo băng rôn tại các trường học, cung cấp thông tin trên Internet. Thông tin về dịch vụ cho vay mua nhà đất, ô tô, tài sản khác cũng có thể đến được với những khách hàng tương lai của chi nhánh qua các tờ giới thiệu, hình ảnh... tại các trung tâm tư vấn nhà, cơ sở sản xuất và kinh doanh ô tô. Việc liên kết với những địa điểm này sẽ góp phần thu hút sự chú ý của các cá nhân, hộ gia đình đang và sắp có ý định vay vốn ngân hàng để chi tiêu.
Thứ ba, mở rộng các hoạt động xã hội (public relation). Trong thời gian tới, chi nhánh nên phối hợp sử dụng nhiều công cụ như tài trợ cho các sự kiện văn hoá lớn, tham gia các hoạt động từ thiện, tài trợ thể thao và những gameshows trên truyền hình để hình ảnh của ngân hàng cũng như của chi nhánh được mọi tầng lớp dân cư biết đến.
Thứ tư, phát triển các kênh phân phối hiện đại cũng là một giải pháp hiệu quả. Địa bàn hoạt động của chi nhánh nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội, do đó đối tượng khách hàng CVTD thường có trình độ dân trí cao. Tận dụng lợi thế đó, ngân hàng có thểthực hiện việc phân phối sản phẩm qua kênh giao dịch tự động, qua hệ thống phone- banking, đáp ứng nhu cầu khách hàng với mức độ tiện ích cao nhất.