Hiện nay, còn tồn tại một số cán bộ tín dụng của các ngân hàng nói chung và Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình nói riêng có hiểu biết rất mơ hồ về các nguyên tắc, quy định tín dụng của NHNN và của chính ngân hàng mình, họ đang giải quyết các hồ sơ tín dụng theo kinh nghiệm được chuyển giao và theo suy luận riêng của mình. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại mà lãnh đạo ngân hàng cần đặc biệt lưu ý vì hoạt động tín dụng là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro.
Hạn chế của cán bộ về khả năng, kiến thức sẽ làm cho hoạt động quản trị rủi ro tín dụng trở nên không hiệu quả, làm rối loạn cho hệ thống quản trị. Bên cạnh đó, chất lượng của nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong quá trình áp dụng, triển khai Basel II vào công tác quản trị RRTD, vì vậy ngân hàng cần:
- Lựa chọn những cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn và đạo đức tốt để bố trí vào bộ phận tín dụng.
- Xây dựng được chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cụ thể đề cao tính trung thực, độc lập trong hành xử nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ nhân viên.
- Bố trí đủ và phân công công việc hợp lý cho cán bộ, mỗi phòng ban sẽ có nhiệm vụ, chức năng riêng.
- Tăng cường công tác đào tạo, tái đào đạo để nâng cao trình độ kiến thức cho nhân viên tại ngân hàng, đây là công việc quan trọng cần thực hiện thường xuyên.
- Xây dựng chế độ đánh giá, quy định khen thưởng và kỷ luật dựa trên chất lượng tín dụng và hiệu quả công việc mà cán bộ đó thực hiện..
Định kỳ 6 tháng 1 lần ngân hàng nên tổ chức kiểm tra, đánh giá lại trình độ cho cán bộ tín dụng. Nếu kết quả không đạt, cán bộ tín dụng sẽ bị trừ lương, thưởng. Ngân hàng cũng nên khoán triệt để đến từng cán bộ để nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong việc mở rộng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu rủi to và căn cứ vào kết quả đạt được để trả lương.