- về hệ thống các văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động Ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên rà soát, đánh giá lại các văn bản liên quan đến hoạt động Ngân hàng hiện hành và mức độ hiệu quả trong thực tiễn của những văn bản đó. Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo tính khoa học, không chồng chéo trong các văn bản luật để định hướng cho hoạt động tín dụng của các NHTM. - Các quy định liên quan đến hoạt động tín dụng cần đảm bảo tính ổn định.
Ngân hàng Nhà nước không nên thường xuyên thay đổi quan điểm và quy định về một vấn đề vì như vậy sẽ gây rủi ro đối với hoạt động của các NHTM. Ví dụ như quy định về cho vay ngoại tệ đối với khách hàng tổ chức, Ngân hàng Nhà nước liên tục có những văn bản hướng dẫn khác nhau liên quan đến vấn đề trên. Khi thị trường ngoại tệ căng thẳng Ngân hàng Nhà nước quy định rất nhiều điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn bằng ngoại tệ, khi thị trường ngoại tệ bình ổn Ngân hàng Nhà nước lại dỡ bỏ các quy định trên. Chính sách cần có sự nhất quán vì vậy Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu kỹ điều kiện kinh tế vĩ mô và thực trạng của các NHTM trước khi đưa ra một quyết định.
- Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao chất lượng hệ thống thông tin tín dụng CIC. CIC mới đơn thuần cung cấp thông tin liên quan đến một khách hàng mà chưa có hệ thống theo dõi mối liên hệ của nhóm khách hàng có liên quan. Hiện nay có tình trạng một cá nhân hoặc một công ty tham gia thành lập một hoặc rất nhiều công ty khác nhau. Chính vì vậy nếu CIC có thể cung cấp thông tin về các công ty hoặc cá nhân có mối quan hệ sở hữu đối với đối tượng khách hàng được hỏi tin thì sẽ giúp ích rất nhiều cho các Ngân hàng trong việc ngăn ngừa rủi ro. Các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi ra quyết định cho vay nếu biết những đối tượng có quan hệ sở hữu với Khách hàng đang có nợ xấu hoặc nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng khác. - Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao chất lượng các đợt thanh tra, kiểm tra
hoạt động tín dụng tại các NHTM. Các đợt thanh tra, kiểm tra trên là cơ hội rất tốt để phát hiện ra vấn đề trong hoạt động tín dụng tại các NHTM. Tuy nhiên, do không có chế tài xử phạt đối với các đoàn kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước nếu không
phát hiện ra được những sai phạm hiện hữu tại các NHTM nên các đợt kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước thường chỉ mang tính hình thức, chạy theo số lượng. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao ý thức, thái độ làm việc của các cán bộ Ngân hàng Nhà nước trong công tác kiểm tra tín dụng, phải coi đây là một cơ hội tốt để đánh giá đúng thực trạng chất lượng tín dụng và mức độ rủi ro tín dụng tại các NHTM từ đó đưa ra các quy định hạn chế rủi ro trong nghiệp vụ tín dụng.
- Ngân hàng Nhà nước cần tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm giữa các NHTM để trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động QLRR tín dụng. Ngân hàng Nhà nước phải là đơn vị trung gian kết nối các NHTM, tạo điều kiện để các NHTM có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và làm cho hoạt động QLRR tín dụng trên toàn hệ thống đạt hiệu quả cao hơn.