Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện võ nhai tỉnh thái nguyên (Trang 44 - 48)

Năm 2018, số lao động được giải quyết việc làm mới của huyện Đồng Hỷ là 2.254 người, vượt 84% kế hoạch. Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, các cấp, ngành của huyện đã chủ động đề xuất, thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường lao động, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề… [10]

Ngay từ cuối năm trước huyện Đồng Hỷ đã thực hiện điều tra cung – cầu lao động trên địa bàn. Theo đó, huyệntiến hành rà soát, nắm tình hình lực lượng lao động, đặc biệt là số lao động trong độ tuổi thanh niên và tìm hiểu nguyện vọng làm việc, học nghề cũng như khả năng của người lao động, đồng thời nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ chỗ xác định được nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tư vấn, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động… [10] Để thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, huyện Đồng Hỷ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về các chủ trương, chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, người lao động cũng được cung cấp đẩy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc học nghề, tự tạo việc làm. Để giúp người lao động tìm kiếm việc làm ổn định, huyện Đồng Hỷ đã mở rộng liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu các doanh nghiệp uy tín, có nhu cầu tuyển dụng lao động. Trong năm, các đơn vị trong huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), Trung tâm Dạy nghề các khu công nghiệp tỉnh mở 9 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã: Nam Hòa, Văn Hán,

Tân Lợi, Hợp Tiến… nhằm tuyên truyền chế độ, chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp... [10] Đây cũng là năm đầu tiên Đồng Hỷ tổ chức Ngày hội việc làm ở quy mô toàn huyện. Ngày hội đã thu hút gần 1.500 người tham gia nhằm tiếp nhận thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, nghề học. Kết quả, đã có khoảng 400 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng, 76 người đăng ký xuất khẩu và du học, 81 người đăng ký tuyển sinh học nghề [10].

Cùng với quan tâm giải quyết việc làm, huyện Đồng Hỷ cũng đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong năm, đã hoàn thành 15 lớp dạy các nghề: Chế biến chè xanh, chè đen; trồng cây có múi; sửa chữa cơ điện nông nghiệp; trồng rau an toàn; nấu ăn… với 437 học viên tham gia. Qua các lớp dạy nghề, nhiều người lao động có tay nghề đã tìm được việc làm phù hợp hoặc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế.

Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động tạo việc làm, đầu tư sản xuất. Năm 2018, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Đồng Hỷ đã cho trên 100 hộ vay vốn giải quyết việc làm gần 4 tỷ đồng. Qua đó, giải quyết việc làm trên 130 lao động. Với mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 1.000 lao động, trong năm 2019, huyện Đồng Hỷ tiếp tục xây dựng các mô hình đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, gắn với giải quyết việc làm. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động ở các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn [10].

1.5.3 Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, thời gian qua, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp tích cực cho công tác này và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Huyện đã tập trung thực hiện các hoạt động: Điều tra cung – cầu lao động, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức giới thiệu việc làm cho người lao động, hướng dân thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài... Bên cạnh đó, công tác giải quyết chính sách, hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cũng được huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời và chính xác.

Phối hợp với ở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tổ chức tư vấn, tuyển dụng lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong năm 2018 đã có 500 lao động đến nộp hồ sơ dự tuyển, kết quả đã có 319 người được tuyển dụng.

Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Sàn giao dịch việc làm tại các xã để người dân có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các thông tin giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhằm tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng và mức thu nhập mong muốn.

Song song với đó, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cũng được huyện Đại Từ chú trọng, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Với Nhà máy May TNG đóng trên địa bàn và 2 nhà máy may quy mô lớn sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới, trong 3 tháng đầu năm 2019, huyện đã phối hợp với doanh nghiệp mở 5 lớp dạy nghề may công nghiệp cho gần 2.000 người. Có một điểm khác biệt là thay vì đào tạo các nhóm nghề rải rác, huyện Đại Từ tập trung vào các thế mạnh của từng địa phương và nhu cầu của nông dân để lựa chọn các nghề đào tạo. Năm 2018, huyện đã mở nhiều lớp dạy các nghề chăn nuôi thú y, trồng và chế biến chè… cho gần 1.700 người, vượt 11,2% kế hoạch.

Cùng với đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thông qua các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... hàng nghìn người lao động ở Đại Từ được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, con giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp; được tham gia tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi... từ đó, phát triển những mô hình kinh tế có thu nhập cao, bền vững, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Ngoài ra, huyện còn chú trọng, quan tâm hỗ trợ vốn, máy móc và trang thiết bị cho những lao động làng nghề

trên địa bàn huyện nhằm duy trì, phát triển nghề truyền thống, vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Với những giải pháp tích cực, đồng bộ, năm 2018, huyện Đại Từ đã giải quyết việc làm mới cho 3.326 người, trong đó xuất khẩu lao động đạt 120 người. Trong quý I/2019, toàn huyện đã có gần 1.000 người tìm được việc làm mới, đạt khoảng 33% kế hoạch năm. Qua đó, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Được biết, trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, huyện Đại Từ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Đồng thời, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận vốn vay giải quyết việc làm, phát triển kinh tế nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. [11]

1.5.4 Rút ra bài học kinh nghiệm trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Võ Nhai

Tóm lại: Từ thực tiễn công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương, chúng ta có thể rút ra được bài học có thể vận dụng vào giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Võ Nhai và một số địa phương khác có điều kiện tương đồng đó là:

Trước hết, cần đẩy mạnh việc phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn trên cả ba lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, cần phải tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người dân ở khu vực nông thôn theo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

Thứ ba, cần đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người dân nông thôn nhằm thúc đẩy xã hội hoá công tác dạy nghề ở cả Nhà nước lẫn tư nhân.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động sang các thị trường truyền thống và các thị trường có thu nhập cao một cách hiệu quả và an toàn để tăng cường hiệu quả đầu ra cho lao động đã qua đào tạo.

Thứ năm, sử dụng và quản lý có hiệu quả Quỹ Quốc gia hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện võ nhai tỉnh thái nguyên (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)