Ở các nước trên thế giới, nghiên cứu về đào tạo nghề, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề được nhiều tổ chức quốc tế, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức chính phủ, các tổ chức phi chính phủ quan tâm.
Nhìn chung, các nghiên cứu có thể được thực hiện dưới 2 dạng: Nghiên cứu về vấn đề đào tạo nghề nói chung và các cơ sở đào tạo nghề nói riêng. Nghiên cứu chuyên sâu về chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo nghề. Nội dung chủ yếu mà các nghiên cứu đề cập đến là xác định kế hoạch đào tạo, phương pháp đào tạo, nội dung đào tạo, thực trạng đào tạo…
Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) là tổ chức quốc tế lớn nhất dành sự quan tâm, sâu sắc đến giáo dục, đào tạo, hiệu quả và chất lượng của giáo dục và đào tạo. Các nghiên cứu, cẩm nang hướng dẫn, chương trình hợp tác, dự án phát triển của UNESCO khá nhiều, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống, chất lượng và hiệu quả của giáo dục và đào tạo, năm 2013, UNESCO xuất bản cuốn “UNESCO Handbook on Education Policy Analysis and Programming” [12] (Cẩm nang phân tích chính sách và kế hoạch hóa giáo dục) Theo UNESCO, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề dường như quá rộng lớn và phức tạp nêu muốn phân tích nó. Cẩm nang này của UNESCO đề xuất một phương pháp hệ thống và cấu trúc hóa nhằm hỗ trợ việc phân tích các chính sách giáo dục và đào tạo cũng như kế hoạch hóa lĩnh vực này để tăng cường khả năng tiếp cận, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý, giải quyết các vấn đề liên ngành, liên lĩnh vực đối với mọi cấp trình độ cũng như loại hình giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia. Cẩm nang cung cấp khung lý thuyết cho việc phân tích chính sách, hoạch định kế hoạch,
khuyến khích sự đối thoại chính sách giữa các cơ quan chính phủ với các đối tác phát triển; từ đó đưa ra các hướng dẫn từng bước phân tích chính sách và hoạch định chương trình giáo dục và đào tạo.
Hiệp hội phát triển giáo dục (Development Education Association) Vương quốc Anh là một tổ chức nghề nghiệp, hoạt động vì mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực của các thành viên hiệp hội, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục và đào tạo nghề. Năm 1001, Hiệp hội nghiên cứu và công bố xuất bản tác phẩm với tên gọi “Measuring effectiveness in development education” [13] (Đo lường hiệu quả phát triển giáo dục). Nghiên cứu này đưa ra các nguyên tắc khi phân tích, đánh giá một hệ thống giáo dục; các mục tiêu đánh giá, đo lường hiệu quả; định nghĩa các khái niệm về đánh giá, hiệu quả, tác động lan tỏa, các chỉ số đo lường hiệu quả; các cấp độ hiệu quả: cấp độ cá nhân người học; cấp độ cơ sở giáo dục, đào tạo; cấp độ đầu tư của nhà nước; cấp độ hiệu quả nền trên toàn bộ bình diện nền kinh tế và bình diện xã hội.
Ngoài ra còn có các hướng nghiên cứu kết hợp đánh giá tới chất lượng của các mô hình, cơ sở đào tạo nghề khác nhưng có thể nhận thấy đều đề cập đến nội dung cơ bản của việc đào tạo nghề như tầm quan trọng, kế hoạch, phương pháp đào tạo … và được các tổ chức cá nhân nghiên cứu dưới các góc độ và khía cạnh khác nhau để phù hợp, gắn liền với bối cảnh xã hội thực tiễn.