2.1 Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
2.1.1 Điều kiện tự nhiên
Địa chất - địa hình
Khu vực Tây Bắc Thái Nguyên bao gồm huyện Định Hóa và các xã phía Tây của hai huyện Đại Từ và Phú Lương có lịch sử hình thành sớm nhất, thuộc chu kì kiến tạo sơn Caledonia bắt đầu cách đây 480 triệu năm và được hình thành xong trong đại cổ sinh cách đây 225 triệu năm. Các khu vực núi còn lại của Thái Nguyên có lịch sử địa chất trẻ hơn. Phần lớn lãnh thổ Thái Nguyên có lịch sử hình thành suốt Trung Sinh (bắt đầu cách đây 240 triệu năm và kết thúc cách đây 67 triệu năm, kéo dài trong khoảng 173 triệu năm).
Sau khi hình thành, lãnh thổ Thái Nguyên ngày nay tồn tại dưới chế độ lục địa liên tục 50 triệu năm. Với thời gian này, địa hình Thái Nguyên đã được san bằng và trở thành bình nguyên. Đến thời kỳ kiến tạo sơn Hymalaya cách đây khoảng 25 triệu năm, do vận động nâng lên mãnh liệt, Thái Nguyên cũng được dâng cao từ 200 – 500m, làm cho địa hình trẻ lại. Những vùng bị nâng cao có địa hình bị cắt xẻ, các vật liệu trầm tích trẻ, mềm bị ngoại lực bóc mòn, các núi cổ được cấu tạo bằng nham thạch cổ hơn, cứng hơn lại lộ ra, tái lập lại địa hình như thời cuối Trung Sinh.
Địa hình tỉnh Thái Nguyên chủ yếu là đồi núi thấp, thấp dần từ bắc xuống nam. Diện tích đồi núi cao trên 100m chiếm 2/3 diện tích toàn tỉnh, còn lại là vùng có độ cao dưới 100m.
Núi của Thái Nguyên không cao lắm và đều là phần phía nam của các dãy núi cánh cung Ngân Sơn, Bắc Sơn. Địa hình cao hơn cả là dãy núi Tam Đảo, có đỉnh cao nhất 1590m; sườn đông dãy núi Tam Đảo thuộc địa phận phía tây nam của tỉnh Thái Nguyên (gồm các xã phía tây huyện Đại Từ) có độ cao trên dưới 1000m rồi giảm nhanh xuống thung lũng sông Công và vùng hồ Núi Cốc.
Phía đông tỉnh, địa hình cũng chỉ cao 500m-600m, phần nhiều là các khối núi đá vôi với độ cao sàn sàn như nhau.
Phía nam tỉnh, địa hình thấp hơn nhiều, có một số núi thấp nhô lên khỏi các vùng đồi thấp. Vùng đồi trung du ở phía nam và vùng đồng bằng phù sa các con sông đều cao dưới 100m.
Địa hình tỉnh Thái Nguyên dốc theo hướng bắc-nam phù hợp với hướng chảy của sông Cầu. Phía hữu ngạn sông Cầu có hướng dốc tây bắc-đông nam , phía tả ngạn sông Cầu (trừ phần đông nam huyện Võ Nhai) dốc theo hướng đông bắc-tây nam.
Thái Nguyên có 4 nhóm cảnh quan hình thái địa hình với các đặc trưng khác nhau đó là: - Nhóm cảnh quan địa hình đồng bằng.
- Nhóm cảnh quan hình thái gò đồi.
- Nhóm cảnh quan hình thái địa hình núi thấp.
- Nhóm cảnh quan địa hình nhân tác. (Thái Nguyên chỉ có kiểu các hồ nước nhân tạo, rộng lớn nhất là hồ Núi Cốc).
Khí tượng, thủy văn
Thái Nguyên có con Sông Cầu chảy qua, bắt đầu từ xã Văn Lang, huyện Đồng Hỷ và ra khỏi địa bàn tỉnh ở xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên. Có một số sông suối khác là phụ lưu của sông Cầu như: sông ĐU, sông Nghinh Tường, sông Công và một số con sông không thuộc lưu vực sông Cầu là: sông Ranh và các chi lưu của nó tại huyện Võ Nhai, sông này chảy sang huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn và thuộc lưu vực sông Thương. Ngoài ra Thái Nguyên còn xây dựng một hệ thống kênh đào nhân tạo dài 52km ở phía
Thái Nguyên có nhiều hồ và hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo lớn nhất tỉnh được hình thành do việc chặn dòng sông Công. Hồ có độ sâu 35m và diện tích mặt hồ rộng 25km2, dung tích của hồ ước tính từ 160 triệu – 200 triệu m3. Hồ được tạo ra nhằm các mục đích cung cấp nước và du lịch.
Trong tỉnh Thái Nguyên có 2 trạm đo khí tượng đang hoạt động đó là trạm Thái Nguyên và Định hóa, Mặc dù tỉnh Thái Nguyên chỉ có 2 trạm đo khí tượng, nhưng mạng lưới trạm đo mưa lại khá dày có 12 trạm đo mưa.
Lượng mưa phân bố trên địa bàn của tỉnh biến đổi giữa các vùng khá rõ rệt, trong khoảng từ 1.500mm đến trên 2.000mm/năm
Bảng 2.1 Tổng lượng mưa bình quân năm các khu vực tỉnh Thái Nguyên
TT Tên trạm Thời đoạn XTB (mm)
1 Thái nguyên 1960-2013 1916 2 Võ Nhai 1960-2013 1642 3 Đại từ 1960-2013 1846 4 Định Hóa 1960-2013 1636 5 Phổ Yên 1960-2013 1575 6 Phú Bình 1960-2013 1466 7 Phú Lương 1960-2013 1444
Nguồn: Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên
Đối với những khu vực có lượng mưa khoảng 1.500mm/năm thì một số địa bàn gặp khó khăn về nguồn nước.
Nhiệt độ trung bình của Thái Nguyên là 25°C. Tại thành phố Thái Nguyên, nhiệt độ cao nhất và thấp nhất từng được ghi nhận lần lượt là 41,5°C và 3°C. Tổng số giờ nắng dao động trong năm từ 1.300 đến 1.750 giờ. Khí hậu Thái Nguyên chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, còn lại là mùa khô.
Cơ cấu đất đai
Bảng 2.2 Cơ cấu đất đai tỉnh Thái Nguyên
TT Loại đất Diện tích chiếm so với diện
tích đất tự nhiên (%) Độ cao (m)
1 Đất núi 48,40% Trên 200m
2 Đất đồi 31,40% Từ 150m đến 200m
3 Đất ruộng 20,20% Phân bố dọc theo các con suối
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên
Trong tổng quỹ đất 356.282 ha, đất đã sử dụng là 246.513 ha (chiếm 69,22% diện tích đất tự nhiên) và đất chưa sử dụng là 109.669 ha (chiếm 30,78% diện tích tự nhiên). Trong đất chưa sử dụng có 1.714 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp và 41.250 ha đất có khả năng sản xuất lâm nghiệp. Điều kiện đất đai đa dạng ở trên dẫn đến công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi ở nhiều khu vực gặp nhiều khó khăn.