Kinh doanh trực tuyến hay còn gọi thương mại điện tử, sự phát triển của lĩnh vực này dựa trên thành quả của sự phát triển công nghệ thông tin, cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống mạng internet tại tỉnh Hậu Giang để làm cơ sở mở rộng, phát triển loại hình kinh doanh này không chỉ dừng lại ở khu vực thành thị mà đi đến cả nông thôn.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển loại hình kinh doanh trực tuyến trong và ngoài tỉnh, theo xu hướng phát triển thì người dân sẽ hạn chế việc mua sắm truyền thống mà thay vào đó là sử dụng loại hình mua sắm trực tuyến vì lợi ích về thời gian và một số lợi ích khác.
Thiết lập cơ sở pháp lý phù hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trực tuyến.
Xây dựng cơ quan quản lý chuyên trách về thương mại điện tử để thực hiện quản lý chặt chẽ và toàn diện. Bố trí cán bộ có kiến thức chuyên môn vững vàng, đảm bảo ngoài sự am hiểu về thương mại còn phải có sự hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin.
Nguồn nhân lực luôn đóng vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động, góp phần quan trọng vào việc thành công. Để phát triển thương mại diện tử, cơ quan quản lý Nhà nước cần hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cho phù hợp, trang bị vững vàng các kiến thức cần thiết như: kiến thức về công nghệ thông tin, kiến thức về kinh tế…