Để thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất của huyện Đoan Hùng đạt kết quả cao, cần có một số giải pháp cụ thể như sau:
- Trên cơ sở phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được UBND tỉnh xét duyệt, tiến hành tổ chức thông báo công khai, rộng rãi phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến các Ban ngành, tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong huyện biết để thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch và quy định của Luật đất đai.
- Chỉ đạo thực hiện đồng bộ và thường xuyên 13 nội dung quản lý Nhà nước về đất đai ở tất cả các xã và các ngành trên địa bàn huyện. Triển khai thực hiện việc quản lý đất đai, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng thẩm quyền và căn cứ theo phương án điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt theo đúng quy định hiện hành.
- Tăng cường triển khai công tác kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất, bảo vệ môi trường và việc thực hiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện nhằm giám sát hoạt động của hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khắc phục các nhược điểm hiện có và nâng cao chất lượng triển khai.
- Tăng cường sự phối hợp giữa kế hoạch phát triển kinh tế, phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng với quy hoạch sử dụng đất trong cả giai đoạn và hàng năm để nâng cao tính thực tiễn, hiệu quả sử dụng đất. Đưa các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất vào hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
- Đầu tư đồng bộ kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng với phát triển đô thị, ưu tiên dành đất cho các nhu cầu bắt buộc nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sử dụng đất bền vững.
- Cần có các chính sách ưu tiên để tạo sức thu hút phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ, du lịch, các chính sách đền bù thỏa đáng, kịp thời đối với đất đai cần thu hồi. - Ưu tiên bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ bị giải tỏa, thu hồi đất và đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển ổn định đời sống cho nhân dân.
- Cần có kế hoạch cụ thể, giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp khi bị thu hồi đất sản xuất
- Khuyến khích đầu tư thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất
- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sử dụng đất, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên toàn huyện theo nguyên tắc: tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ tài nguyên đất và môi trường sinh thái
- Tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất về đất đai để điều chỉnh bổ sung, nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả thực tiễn cao của phương án quy hoạch, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện
Xác định các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường
- Giữ ổn định diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực quốc gia. Nghiêm cấm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tràn lan ngoài các quy định hiện hành về sử dụng đất lúa.
- Khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tích cực trồng cây xanh, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hạn chế tình trạng dân sống rải rác tự phát không theo quy hoạch. Xử lý nghiêm các hành vi huỷ hoại môi trường sinh thái.
- Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, các công trình, nghiên cứu ứng dụng các quy trình, giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa xử lý ô nhiễm môi trường, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Thực tế cho thấy song song với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề bảo vệ môi trường sống có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và lâu dài, đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất và sức khoẻ cho nhân dân. Để bảo vệ môi trường, trước hết là phải bảo vệ thảm thực vật, đồng thời hạn chế suy thoái môi trường do biến động tài nguyên đất, tài nguyên nước, hạn chế ô nhiễm môi trường đô thị, môi trường nông thôn.
Xác định các giải pháp tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
- Nâng cao vai trò, trình độ quản lý Nhà nước về đất đai của các cấp chính quyền địa phương (cấp huyện và cấp xã).
- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, đảm bảo được tính minh bạch của quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt để mọi thành phần kinh tế biết, để tham gia thực hiện.
- Thực hiện thỏa thuận đầu tư, cấp phép đầu tư, giao cấp đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với những dự án, công trình nằm trong danh mục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đảm bảo tính khả thi của quy hoạch sử dụng đất. Có biện pháp xử lý kịp thời đối với những trường hợp cố tình chậm triển khai thực hiện hoặc sử dụng sai mục đích khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Kết luận chương 3
Trong phần nội dung chương 3, tác giả trình bày rõ định hướng phát triển Kinh tế - Xã hội và quan điểm sử dụng đất của huyện Đoan Hùng. Căn cứ vào đó, công tác quy hoạch sử dụng đất có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời phục vụ mục tiêu phát triển Kinh tế - Xã hội, cụ thể như: Khu vực chuyên trồng lúa nước; Khu vực trồng cây ăn quả; Khu vực rừng đặc dụng; Khu vực rừng sản xuất; Khu vực công nghiệp, cụm công nghiệp; Khu thương mại - dịch vụ; Khu dân cư đô thị; Khu dân cư nông thôn. Tác giả cũng đã chỉ ra nhưng cơ hội và thách thức đối với công tác quy hoạch sử dụng đất. Phần chính của chương, tác giả đã đưa ra 4 giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Đoan Hùng đó là: Hoàn thiện cơ chế chính sách; Quy hoạch sử dụng đất đai gắn với định hướng phát triển Kinh tế - Xã hội; Cải cách thủ tục hành chính, Xây dựng hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, nâng cao năng lực quản lý quy hoạch sử dụng đất; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập bản đồ quy hoạch huyện Đoan Hùng. Cùng với đó, tác giả cũng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện công tác quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Đoan Hùng.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Kết quả thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất cơ bản đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế của Huyện, của Tỉnh phù hợp với chủ trương hạn chế sử dụng vào đất lúa để ổn định lương thực.
Tuy nhiên qua đánh giá kết quả thực hiện phương án QHSDĐ, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015) của huyện Đoan Hùng cho thấy, mức độ, chất lượng lập và thực hiện quy hoạch còn chưa đạt yêu cầu.
Huyện Đoan Hùng là huyện có vị trí địa lý thuận lợi, với tổng diện tích tự nhiên 30.285,22 ha, đất đai màu mỡ, dân số 110000 người, mật độ dân số 364 người/km2. Đoan Hùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, có nhiều ưu thế để có thể liên kết, trao đổi và thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lai, huyện Đoan Hùng tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng. Xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, việc lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2016) của huyện đã được quan tâm và tiến hành thường xuyên trong những năm gần đây. Phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2016) của huyện được UBND tỉnh phê duyệt, một phần cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong những năm qua tình hình quản lý sử dụng đất của huyện đã cơ bản đi vào nề nếp. Ranh giới của huyện với các huyện, tỉnh khác đã được xác định rõ ràngkhông có tranh chấp. Việc giao đất, cho thuê đất thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng được tiến hành theo đúng định kỳ. Tuy nhiên việc quản lý đất đai chưa thật chặt chẽ, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích đất vẫn còn diễn ra.
Kết quả thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cơ bản đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế của huyện, của tỉnh phù hợp với chủ trương hạn chế sử dụng vào đất lúa để ổn định lương thực. Tuy nhiên qua đánh giá kết quả thực hiện phương án QHSDĐ đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2016) của Huyện Đoan Hùng cho thấy, mức độ, chất lượng lập và thực hiện quy hoạch còn chưa đạt yêu cầu.
Hiện nay việc khai thác đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng như phương án quy hoạch đã phê duyệt, diện tích đất bằng chưa sử dụng có xu hướng ngày càng giảm trong quá trình sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp. Trong đó các chỉ tiêu sử dụng đất, nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ còn thấp..Nhiều hạng mục công trình không thực hiện được theo quy hoạch.
Việc thực hiện chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp còn thấp, việc chuyển từ đất phi nông nghiệp sang đất nông nghiệp chưa được thực hiện. Bên cạnh đó diện tích đất cần thực hiện thu hồi các loại đất để thực hiện dự án đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch.
Trong quá trình tổ chức thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2016) của huyện đã bộc lộ một số tồn tại như thời gian lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn kéo dài, một số xã chưa thực hiện việc lập quy hoạch, việc phân bố chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất còn có sự chênh lệch khá lớn, chưa sát với tình hình thực tế tại địa phương cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của vùng, một số chỉ tiêu sử dụng đất thực hiện chưa sát với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt nhất là sử dụng đất cho mục đích phi nông nghiệp, đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xẩy ra tình trạng quy hoạch ”treo”, dự án treo nhưng chậm được xử lý. Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thanh tra kiểm tra chưa được chú trọng đúng mức nên một số nơi chất lượng và hiệu quả quy hoạch còn hạn chế. Để quy hoạch sử dụng đất kỳ tới đạt kết quả tốt cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nêu trên đặc biệt là việc xác định đúng chỉ tiêu quy hoạch và phân bổ chỉ tiêu quy hoạch hợp lý cho cả thời kỳ quy hoạch đồng thời cân đối đủ nguồn vốn cho xây dựng
hạ tầng và sự bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi.
2. Kiến nghị
Để cho việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai các giai đoạn sau được thực hiện tốt hơn, đảm bảo sự phát triển kinh tế -xã hội và nhu cầu sử dụng đất của nhân dân, tôi có một số kiến nghị như sau:
Đảng ủy, HĐND, UBND huyện Đoan Hùng cần có biện pháp tích cực trong việc đầu tư vốn, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải tạo đất và công tác thủy lợi, từng bước đưa diện tích đất chưa sử dụng vào cải tạo khai thác và sử dụng có hiệu quả như trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Bên cạnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật, để phát triển sản xuất, huyện Đoan Hùng cần có những biện pháp bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường nước, môi trường không khí góp phần đảm bảo an toàn môi trường sinh thái.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phân tích những thuận lợi, khó khăn, rút ra kinh nghiệm nhằm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tốt hơn. Tránh tình trạng nhiều công trình hạng mục kéo dài nhiều năm không thực hiện mà không có biện pháp khắc phục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lương Văn Hinh (2013), "Giáo trình quy hoạch đất đai".
[2] Phạm Quang Phan Phạm Văn Sinh (2009), "Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin", NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[3] "Luật Đất đai" (2003), NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội. [4] "Luật Đất Đai" (2013), NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội.
[5] "Báo cáo kinh tế xã hội của huyện Đoan Hùng từ năm 2015-2018" (2015 2018), UBND huyện Đoan Hùng.
[6] "Niên giám thống kê huyện Đoan Hùng từ năm 2015-2018" (2015 - 2018), Chi
cục Thống kê huyện Đoan Hùng.
[7] "Báo cáo công tác tài nguyên và Môi trường từ năm 2015-2018" (2015 2018),
Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đoan Hùng.
[8] "Kế hoạch sử dụng đất năm 2018 huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ" (2018),
UBND huyện Đoan Hùng.
[9] "Báo cáo thuyết minh kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015 và định hướng sử dụng đất đến năm 2020 huyện Đoan Hùng." (2015), UBND huyện Đoan Hùng.