1.3.1 Định hướng sử dụng đất
Quy hoạch định hướng sử dụng đất là thể hiện các ý đồ sử dụng đất theo các mục tiêu kinh tế - xã hội dài hạn 10-15 năm hoặc lâu hơn và thể hiện hệ thống các quan điểm
sử dụng đất đai trong từng giai đoạn của từng thời kỳ quy hoạch.
Khi xây dựng quan điểm khai thác sử dụng đất đai cần phân tích các mục tiêu căn cứ vào điều kiện cụ thể và những đặc thù của địa phương theo các hướng:
Duy trì bảo vệ đất nông-lâm nghiệp.
Khai thác triệt để và sử dụng đất đai tiết kiệm.
Chuyển đổi mục đích và điều chỉnh những bất hợp lý trong sử dụng đất đai.
+ Làm giàu và bảo vệ môi trường để sử dụng ổn định lâu dài, xây dựng quan điểm sử dụng đất phải tuân thủ theo tính thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, phải hướng đích theo tổng thể cả nước và từđó cụ thể hoá ở địa bàn, phải ưu tiên đất cho những chương trình công cộng trọng điểm trong chiến lược kinh tế - xã hội có tầm vĩ mô.
-Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật định để đảm bảo thực hiện về đất đai. -Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong từng giai đoạn. Đặc biệt là chính sách đổi mới về kinh tế đang diễn ra trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Xây dựng nội dung quan điểm sử dụng đất phải xuất phát từ những đánh giá nhận định, kết luận của các phần đánh giá hiện trạng sử dụng đất, đánh giá tiềm năng đất đai và hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời phải coi trọng tính kế thừa và tính nhân văn, đặc biệt là phong tục tập quán của các dân tộc, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế xã hội và môi trường bền vững.
Quy hoạch định hướng sử dụng đất được coi là khung chung để thiết lập các phương án quy hoạch sử dụng đất.
1.3.2 Xác định diện tích các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch
Xác định diện tích các loại đất phân bổ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh (điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất, phân phối hợp lý nguồn tài nguyên đất đai, xử lý, điều hoà nhu cầu sử dụng đất giữa các ngành, đưa ra các chỉ tiêu khống chế - chỉ tiêu khung để quản lý vĩ mô đối với từng loại sử dụng đất - 3 nhóm đất chính theo quy định của Luật đất đai năm 2013)[4];
Xác định diện tích đất phải thu hồi để thực hiện các công trình, dự án;
Xác định các biện pháp khai thác, sử dụng, bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường; Giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
Nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch sử dụng đất là: phân phối hợp lý đất đai cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hình thành hệ thống cơ cấu sử dụng đất phù hợp với cơ cấu kinh tế; khai thác tiềm năng đất đai và sử dụng đất đúng mục đích; hình thành, phân bố hợp lý các tổ hợp không gian sử dụng đất nhằm đạt hiệu quả tổng hoà giữa 3 lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cao nhất.
Quy hoạch sử dụng đất là hệ thống quy hoạch nhiều cấp. Ngoài lợi ích chung của cả nước, mỗi vùng, mỗi địa phương tự quyết định những lợi ích cục bộ của mình. Vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất, khi xây dựng và triển khai quy hoạch sử dụng đất phải tuân thủ các thể chế hành chính hiện hành của Nhà nước.
Hệ thống quản lý hành chính của nước ta được phân chia thành 3 cấp: quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Tuỳ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp, quy hoạch sử dụng đất có nội dung và ý nghĩa khác nhau. Quy hoạch của cấp trên là cơ sở và chỗ dựa cho quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới; quy hoạch của cấp dưới là phần tiếp theo, cụ thể hóa quy hoạch của cấp trên và là căn cứ để điều chỉnh các quy hoạch vĩ mô.
1.3.3 Xác định các khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng
Để xây dựng các phương án quy hoạch đất đai cần dựa vào quy hoạch định hướng sử dụng đất và định hướng phát triển kinh tế xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến sử dụng đất đai.
Trước khi tính toán lập các phương án cần trình bày mục tiêu bao trùm về kinh tế -xã hội và phương hướng phát triển của các ngành có vị trí quan trọng trong sử dụng đất Nhu cầu sử dụng đất được tổng hợp từ các ngành sử dụng đất: nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, giao thông, thuỷ lợi và các loại đất ở nông thôn, đô thị, chuyên dùng khác.
Nhu cầu này được tổng hợp từ tất cả các ngành không phân biệt cấp nào quản lý và không phân biệt các thành phần kinh tế.
Dựa vào quỹ đất tiềm năng, lập các phương án phân bổ đất đai cho từng ngành, từng lĩnh vực và nhu cầu sinh hoạt của mọi thành viên và bố trí trên lãnh thổ theo 5 loại đất.
Sau khi đã có phương án phân bổ, cần có luận chứng ở vùng trọng điểm. Những huyện, xã có những vấn đề nổi cộm nhất trong quản lý sử dụng đất đai và luận chứng quỹ đất về các mặt thổ nhưỡng, cải tạo đất.
Khi xây dựng các phương án phân bổ sử dụng đất đai cần tập trung vào các ngành sử dụng vào hầu hết các loại đất như: giao thông, thuỷ lợi, đất ở nông thôn và đất dành cho hình thành đô thị.
Trong phương án quy hoạch đất đai các cấp, đều tính toán thể hiện theo các mốc thời hạn 5 - 10 năm của thời kỳ quy hoạch cho đến năm định hình, khớp với thời kỳ nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng nghiên cứu .
1.3.4 Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện
Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất đai phù hợp với phương án,nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ quy hoạch.
Căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đã được phê duyệt hoặc nghị quyết của cấp uỷ đảng hoặc HĐND. Từ đó hình thành các chuyên đề nghiên cứu Trong mỗi chuyên đề cần vạch ra các vấn đề chủ yếu nhất để tập trung nghiên cứu.
Các công trình lớn đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan có chức năng khác nhau nên cần phải có ban điều hành chương trình hoặc ban chỉ đạo lập quy hoạch đất đai để tăng cường sự chỉ đạo của các bên tham gia.
Chương trình này nhằm khẳng định trách nhiệm cung cấp các tài liệu, số liệu có sẵn hoặc mới được điều tra nghiên cứu bổ sung theo các mốc thời gian để đảm bảo tiến độ chung.
Căn cứ vào mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển của các ngành trong thời gian quy hoạch, căn cứ vào các bản đồ chuyên đề đã được xây dựng, thể hiện các loại đất lên bản đồ và xác định các cơ sở khoa học quy mô và ranh giới của chúng. Thống kê diện tích từng loại đất để có kế hoạch và sử dụng đất thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội.
1.3.5 Tổ chức thực hiện công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất
Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Hội đồng nhân dân có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được xét duyệt.
Hàng năm UBND huyện căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất đai của các tổ chức, cá nhân đã được chấp nhận trong phương án quy hoạch sử dụng đất lập kế hoạch cho năm sau, trình cơ quan cấp trên xét duyệt.
Thực hiện việc thu hồi đất và giao đất, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được xét duyệt theo quy định và pháp luật hiện hành.
Đối với đất đang sử dụng (nằm trong diện quy hoạch phải giải phóng mặt bằng) thì các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng theo hiện trạng nhưng không được xây mới khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc trồng các loại cây lâu năm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện quy hoạch, làm tăng mức đền bù giải phóng mặt bằng.
Đối với đất nhà nước chưa giao cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng thì UBND căn cứ vào tiến độ quy hoạch để xác định thời gian cho,thuê đất, đấu thầu, cho mượn, nhưng không vượt quá thời gian thực hiện quy hoạch