Khai thác những thuận lợi của môi trường kinh doanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp ứng dụng marketing mix trong hoạt động kinh doanh tại xí nghiệp thủy sản núi cốc (Trang 94 - 100)

- Môi trường tự nhiên: Sản lượng tự nhiên dồi dào, chưa được khai thác hiệu quả. Theo ước tính, hiện nay sản lượng thủy sản khai thác mới chiếm khoảng 20% sản lượng thủy sản sẵn có. Hàng năm xí nghiệp tiếp tục thả 10 tấn cá giống xuống hồ. Đây thực sự là trữ lượng thủy sản dồi dào, cần được khai thác khoa học, hiệu quả hơn, phát huy tiềm năng sẵn có của hồ thủy lợi Núi Cốc.

- Môi trường văn hóa – xã hội: Tâm lý, phong tục tập quán, nhu cầu của người tiêu dùng về cá và các sản phẩm thủy sản ngày càng được gia tăng. Trình độ, quan điểm của người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm thủy sản, hạn chế ăn thịt (bí quyết sống thọ của người Nhật).

- Môi trường kinh tế: Nền kinh tế trên đà tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng, sự thay đổi cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm an toàn, tươi ngon… là các điều kiện thuận lợi, thúc đẩy việc tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ nói chung, trong đó có sản phẩm thủy sản.

- Môi trường chính trị - pháp luật: Luật Thủy sản ra đời cùng với hệ thống hành lang pháp lý liên quan giúp cho người dân, đơn vị hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực thủy sản. Môi trường chính trị ổn định, độc lập, hòa bình, là tiền đề cơ bản tiên quyết cho các hoạt động kinh doanh được thực hiện.

- Môi trường công nghệ: Không thể phủ định rằng đây là giai đoạn phát triển cao của khoa học – công nghệ. Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sẽ giúp tạo những bước tiến đột phá mới, tăng năng suất, chất lượng hiệu quả công việc. Việc áp dụng những thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất, kinh doanh thủy sản là chìa khóa giúp doanh nghiệp, đơn vị thành công trong thời đại ngày nay.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Nhằm thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển kinh doanh của Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc trong thời gian tới như: Nâng cao tốc độ phát triển cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh; nâng cao tính cạnh tranh của xí nghiệp trên thị trường so với các đối thủ cạnh tranh; mở rộng thị trường và nâng cao thị phần của xí nghiệp…thì xí nghiệp cần thiết phải đề ra các giải pháp về marketing nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thủy sản. Nhận thức được vấn đề đó, Ban lãnh đạo xí nghiệp thủy sản Núi Cốc cũng đã quan tâm hơn đến việc nghiên cứu, hoạch định các chính sách marketing phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của xí nghiệp, hướng đến ứng dụng các công cụ marketing nhằm phát triển kinh doanh của xí nghiệp, đảm bảo sự phát triển lâu dài, nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của đơn vị trên thị trường mục tiêu.

Tác giả mạnh dạn đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng marketing – mix nhằm mong muốn mang lại kết quả tích cực, thúc đấy hoạt động kinh doanh tại xí nghiệp thủy sản Núi Cốc.

Cùng với các nguồn lực bên trong sẵn có của xí nghiệp, kết hợp với những thuận lợi từ môi trường kinh doanh, tác giá mong rằng các “giải pháp ứng dụng marketing – mix trong hoạt động kinh doanh tại xí nghiệp thủy sản Núi Cốc” đưa ra là khả thi và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ KẾT LUẬN

Từ phân tích thực tiễn cho thấy, marketing có vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế phải thay đổi quan điểm của mình về công việc kinh doanh, thị trường, khách hàng. Nhất là trong môi trường với sự biến đổi nhanh chóng của tiến bộ khoa học công nghệ, những chính sách mới, mức độ cạnh tranh và yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Để tồn tại trong môi trường cạnh tranh như vậy mỗi đơn vị phải có những chiến lược lâu dài và cả những chiến lược dự phòng nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng mục tiêu bằng những biện pháp vượt trội đối thủ cạnh tranh.

Nguồn lợi thủy sản trong hồ Núi Cốc mà Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc – Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đang trực tiếp quản lý tương đối phong phú và đa dạng. Thành phần cá nuôi hầu hết là các loài truyền thống chiếm khoảng 70% diện tích và sản lượng, bao gồm: cá mè, trắm, chép, trôi…chủ yếu các loài này mang đặc trưng cho vùng hồ Núi Cốc. Ngoài ra, trong thành phần nguồn lợi thủy sản hiện nay đã có thêm nhiều loài có giá trị kinh tế, giá trị thương mại cao, làm cơ sở để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh như rô phi đơn tính, chép lai, chim trắng, diêu hồng… và loài đặc sản ba ba, lươn, ếch, cá tầm… những loại này chiếm khoảng 30%. Qua nghiên cứu tình hình ứng dụng marketing trong hoạt động kinh doanh tại xí nghiệp thủy sản Núi Cốc nhận thấy xí nghiệp đã bước đầu có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trước những thách thức và khó khăn của thị trường, xí nghiệp cần phải thay đổi căn bản phong cách kinh doanh truyền thống sang kinh doanh theo triết lý marketing. Từ đó tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp ứng dụng marketing – mix trong hoạt động kinh doanh tại Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc với hy vọng sẽ mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn, góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng đã đặt ra. Mặc dù đã được hoàn thành nhưng do lý do khách quan lẫn chủ quan nên luận văn không thể tránh được những thiếu xót nhất định. Vì vậy, bất cứ một ý kiến đóng góp nào cũng là điều quý báu để việc nghiên cứu hoàn thiện hơn. Một lần nữa, tác giả xin

cảm ơn thầy cô giáo khoa Kinh tế và Quản lý – trường Đại học Thủy Lợi, thầy giáo hướng dẫn PGS.TS. Trần Văn Hòe, cùng Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên xí nghiệp thủy sản Núi Cốc, các bạn học viên đã động viên, giúp đỡ tác giả hoàn thành luận văn này.

Xin chân thành cảm ơn!

KIẾN NGHỊ

- Về phía Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc:

+ Thành phần bộ phận marketing:

Hiện tại xí nghiệp chưa có phòng kinh doanh, bộ phận marketing riêng. Đa số các hoạt động kinh doanh vẫn do phòng kế hoạch – kỹ thuật và ban lãnh đạo đảm nhiệm. Do đó, xí nghiệp nên thành lập một phòng kinh doanh, có người/bộ phận chuyên về marketing để tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách hàng, nắm bắt về thông tin về giá cả, thị hiếu của người tiêu dùng… nhằm hỗ trợ cho việc kinh doanh hoạt động hiệu quả hơn.

+ Huy động vốn:

Muốn thực hiện được những định hướng đã đề ra về đầu tư cho sản xuất kinh doanh xí nghiệp cần siết chặt mối quan hệ lâu dài và uy tín với hệ thống ngân hàng. Đơn vị cần tiếp tục tận dụng những nguồn vốn cho vay ngắn hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi cho hoạt động ngành thủy sản, nông lâm ngư nghiệp.

Tăng cường liên doanh liên kết với các nhà đầu tư tiềm năng để mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện các dự án đầu tư

+ Quản lý và sử dụng vốn hiệu quả:

Tuy nguồn hàng dự phòng sẽ đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh của xí nghiệp được diễn biến liên tục nhưng nếu lượng hàng dự phòng quá lớn sẽ gây lên tình trạng ứ đọng vốn trong khâu dự trữ, làm giảm tốc độ chu chuyển vốn. Vì vậy xí nghiệp cần phải có kế hoạch phù hợp nhằm tránh tính trạng hàng tồn quá lớn làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Thực hiện các biện pháp kích thích tiêu thụ sản phẩm như khuyến mại, giảm giá hàng bán, chiết khấu… để giảm ứ đọng hàng tồn, nâng cao tốc độ chu chuyển vốn trong hoạt động kinh doanh.

Xí nghiệp cần thường xuyên theo dõi tình hình tài chính cũng như công nợ của khách hàng để có những biện pháp xử lý thích hợp, đồng thời nâng cao số vòng quay của vốn lưu động, giảm khoản nợ phải trả của công ty.

Đối với các tài sản cố định, đơn vị cần thẩm định giá hàng năm để lập kế hoạch khấu hao, thanh lý các tài sản cố định không cần sử dụng, góp phần bổ sung cho nguồn vốn lưu động.

+ Ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào:

Song song với quyết định chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, xí nghiệp cần phải chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu, các nhà cung cấp có uy tín. Càng nhiều bạn hàng thì cơ hội lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào cho xí nghiệp càng lớn. Xí nghiệp có thể lựa chọn những nguyên liệu tốt nhất để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đem lại lợi nhuận nhiều hơn. Tuy nhiên cơ cấu đầu vào phải phù hợp, đáp ứng nhu cầu cơ cấu sản phẩm của thị trường

Xí nghiệp cũng cần phải có những biện pháp đối phó với tính trạng cung cấp nguyên liệu theo mùa vụ của nền sản xuất.

+ Cải tiến công nghệ:

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều công nghệ, thiết bị tiên tiến ra đời, tạo ra nhiều cơ hội phát triển đối với tất cả các ngành nghề nói chung và các doanh nghiệp thủy sản nói riêng. Điều này đòi hỏi xí nghiệp không ngừng tìm tòi và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của công ty trên thị trường, nhờ đó chu kỳ sống của sản phẩm được kéo dài, tạo tỉ suất lợi nhuận cao hơn.

Nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi doanh nghiệp, là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của mỗi doanh nghiệp. Do đó xí nghiệp cần có chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Xí nghiệp cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho nhân viên và nâng cao tay nghề cho công nhân của xí nghiệp.

Tạo môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo, năng động và phúc lợi xã hội cao để thu hút nhân tài cho xí nghiệp.

Xí nghiệp có những chính sách khuyến khích vật chất, tinh thần để động viên các cán bộ nhân viên. Hoàn thiện cơ chế tài chính, phân công phân nhiệm giữa các bộ phận, giữa các vị trí công tác.

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế tuyển dụng thu hút nhân tài cũng như tạo động lực cho người lao động nỗ lực cống hiến và yên tâm gắn bó với xí nghiệp.

- Về phía Uỷ ban nhân dân các cấp:

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực thủy sản theo đúng quy hoạch của ngành, địa phương.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương phát triển sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến theo đúng quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đã được phê duyệt.

- Tổ chức cung cấp thông tin, dự báo, theo dõi, cập nhật, đánh giá tình hình thực hiện nội dung kế hoạch, tổng hợp, báo cáo đề xuất các chính sách, cơ chế cần thiết để thúc đẩy thực hiện kế hoạch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Minh Đạo (2002), Marketing căn bản, NXB Giáo dục, Hà Nội.

2. Philip Kotler & Gary Armstrong (2012), Những nguyên lý tiếp thị, NXB Thống Kê.

3. Nguyễn Minh Đức, Bài giảng Quản trị Marketing thủy sản, ĐH Nông lâm TP.HCM.

4. Trương Đình Chiến (2010), Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh Tế Quốc Dân

5. Ngô Công Thành (2009), Marketing Lý luận và Thực hành, NXB Lao Động

6. https://tongcucthuysan.gov.vn

7. www.vasep.com.vn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp ứng dụng marketing mix trong hoạt động kinh doanh tại xí nghiệp thủy sản núi cốc (Trang 94 - 100)