1.2.1.1 Kinh nghiệm quản lý nhà nước về đất đai của huyện An Lão, thành phố Hải Phòng
Huyện An Lão có tổng diện tích tự nhiên là 110,85km2 chiếm 7,4% diện tích tự nhiên của toàn thành phố Hải Phòng. Huyện cách trung tâm quận Kiến An 8 km cách trung tâm thành phố Hải Phòng 18 km. Huyện An Lão ở trung tâm đất liền của thành phố Hải Phòng có vị trí chiến lược và quan trọng của đồng bằng sông Hồng, nằm trên trục chính của quốc lộ 10, tỉnh lộ 360, 354, 357. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền một số đô thị chạy qua các tỉnh thành như thành phố Thái Bình, thành phố Hải Phòng, thành phố Nam Định và thành phố Ninh Bình. Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý như trên và là huyện ven đô kế cận quận Kiến An đang được phát triển thành quận thương mại và dịch vụ nên An Lão có lợi thế để phát triển toàn diện. Để giải quyết tồn đọng về đất đai từ các năm trước, huyện An Lão đã ra một loạt các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý về đất đai như:
- Đẩy nhanh công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp xã. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và hiệu quả giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc thu hồi đất để giao cho các dự án, công trình.
- Tăng cường công tác điều tra cơ bản, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, cập nhật thông tin địa chính đầy đủ, chỉnh lý biến động kịp thời.
- Về đất đô thị, đất khu dân cư nông thôn thực hiện gắn quy hoạch chi tiết với xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở.
- Tổ chức tốt việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Luật Đất đai và các văn bản dưới Luật.
- Tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Kết quả đã phát hiện, chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nhiều sai phạm ở một số xã, thị trấn, đơn vị như giao đất trái thẩm quyền, sai quy hoạch, sai đối tượng, thu tiền sử dụng đất sai quy định, ...
- Thực hiện giao đất, cho thuê đất nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa ba khu vực nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ theo từng thời kỳ. Thông qua việc giao đất, cho thuê đất nhà nước đảm bảo quyền của người sử dụng đất..
Tuy nhiên vẫn còn có những thiếu sót mà huyện An Lão phải khắc phục:
Công tác đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn một số hạn chế. Công nghệ quản lý lạc hậu và chưa được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, đăng ký quyền sử dụng đất còn mang tính thủ công. Công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa theo kịp tiến độ đo đạc lập bản đồ địa chính, do đó hạn chế hiệu quả đầu tư đo vẽ bản đồ.
Cơ sở dữ liệu bản đồ, hồ sơ địa chính thiếu về số lượng và kém về chất lượng, không được cập nhật thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai và thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm đã ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất của hộ gia đình, hạn chế hoạt động giao dịch quyền sử dụng đất trên thị trường bất động sản.
1.2.1.2 Kinh nghiệm quản lý nhà nước về đất đai của huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình
Kim Bôi là một tỉnh miền núi, nằm phía Đông tỉnh Hoà Bình. Theo số liệu kiểm kê năm 2010 huyện Kim Bôi có diện tích đất tự nhiên (DTTN) là 54.950,64 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 42.255,51 ha, chiếm 76,90% DTTN; đất phi nông nghiệp 5068,62 ha, chiếm 9,22% DTTN; và đất chưa sử dụng 7626,51 ha, chiếm 13,88% DTTN.
Với đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện như vậy, Phòng TN-MT huyện đã áp dụng và thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai. Ngoài ra còn tuyên truyền phổ biến nội dung các văn bản pháp luật về đất đai đến cán bộ địa chính cấp xã cũng như người sử dụng đất nắm được và thực hiện theo.
Việc cập nhật các văn bản mới thường xuyên được thực hiện và áp dụng kịp thời. Nên công tác quản lý về đất đai ngày càng chặt chẽ và phù hợp với thực tế hơn.
Tính đến thời điểm hiện nay, tất cả các xã, thị trấn đã xây dựng được bản đồ địa chính cơ sở 1/5.000, 1/10.000 (xây dựng từ ảnh hàng không). Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2005 tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000, 1/10.000; bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2005 tỷ lệ 1/25.000 đối với cấp huyện đã được thành lập; bảnđồ địa chính chính quy được thành lập trên địa bàn thị trấn Bo với quy tỷ lệ đo vẽ 1/1000, các xã còn lại chưa được đo vẽ.
Tính đến ngày 01/01/2010 toàn huyện đã cấp được 9.923 GCNQSDĐ với tổng diện tích 14.689,74 ha cho hộ gia đình cá nhân và 1GCNQSDĐ với diện tích 45,30 ha cho tổ chức sử dụng vào mục đích lâm nghiệp; 17.054 GCNQSDĐ với diện tích là 4.390,59 ha cho hộ gia đình cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; 93 GCNQSDĐ cho các tổ chức hiện đang quản lý và sử dụng 600,85 ha đất chuyên dùng trên địa bàn; 724 GCNQSDĐ cho hộ gia đình cá nhân với diện tích 1.514,18 ha sử dụng vào mục đích đất ở.
Tuy có nhiều điểm đạt được thì việc quản lý của chính quyền huyện về đất đai vẫn còn có nhiều vấn đề còn phải khắc phục: Việc khai thác quá tải tài nguyên rừng cũng như nạn chặt phá rừng trong những năm trước đây đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, cần có thời gian dài để khắc phục. Mặc dù diện tích trồng mới rừng không ngừng được tăng lên, công tác quản lý, bảo vệ ngày càng được tăng cường song thực trạng độ che phủ rừng hiện nay vẫn chưa đảm bảo an toàn cho môi trường sinh thái.
Quỹ đất dành cho các hoạt động phát triển kinh tế chưa được khai thác sử dụng hiệu quả, một số công trình, dự án đã được giao đất nhưng tiến độ triển khai còn chậm hoặc chưa được thực hiện, gây lãng phí trong sử dụng đất; hiệu quả sử dụng một số loại đất thấp.
Việc sử dụng đất trong các lĩnh vực lâm nghiệp, sản xuất nông nghiệp, quốc phòng an ninh cũng gặp nhiều vướng mắc do còn có sự chồng chéo giữa quy hoạch phát triển của các ngành, hạn chế trong việc phát huy lợi thế của từng lĩnh vực.
Việc mất đất sản xuất nông nghiệp cho các mục đích phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng khu đô thị là điều tất yếu trong quá trình phát triển theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm
tiếp theo, song đây lại là vấn đề cần được quan tâm nhiều trong khi trên địa bàn huyện Kim Bôi hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất.
Trong quá trình sử dụng đất, việc quản lý chưa chặt chẽ, nhất là cấp cơ sở đã dẫn đến việc sử dụng đất chưa hợp lý, kém hiệu quả và sai mục đích.
Chính sách bồi thường đất đai chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, thực hiện thiếu thống nhất cũng là nguyên nhân gây nhiều khó khăn khi Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt khi thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội.