Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện na rì, tỉnh bắc kạn (Trang 41 - 44)

2.1.1.1 Vị trí địa lý

Na Rì là huyện vùng cao, nằm ở Đông Nam tỉnh Bắc Kạn. Phía Bắc giáp huyện Ngân Sơn, phía Tây giáp huyện Bạch Thông và Chợ Mới, phía Nam giáp huyện Võ Nhai và Phú Lương (tỉnh Bắc Kạn), phía Đông giáp với các huyện Tràng Định, Bình Gia tỉnh Lạng Sơn. Yến Lạc là thị trấn huyện lỵ, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn 68 km về phía Đông, dọc theo Quốc lộ 3B.

Huyện Na Rì có tổng diện tích đất tự nhiên 85.299,8 ha, với 22 đơn vị hành chính, gồm thị trấn Yến Lạc và các xã Vũ Loan, Kim Hỷ, Văn Học, Cường Lợi, Lương Thượng, Lạng San, Lương Hạ, Ân Tình, Lương Thành, Kim Lư, Lam Sơn, Văn Minh, Cư Lễ, Côn Minh, Hữu Thác, Quang Phong, Hảo Nghĩa, Dương Sơn, Đổng Xá, Xuân Dương và Liêm Thuỷ.

Hệ thống đường giao thông đối ngoại của Na Rì gắn liền với các trục đường bộ quan trọng của khu vực vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các trục này nối các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta với Đồng Bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Quốc lộ 3B từ Tuyên Quang qua Chợ Đồn, thành phố Bắc Kạn, qua Na Rì và đi Lạng Sơn là tuyến đường quan trọng liên kết các Quốc Lộ 1, 2 và 3 thành một hệ thống. Tỉnh lộ 279 từ phía Bắc tỉnh Tuyên Quang qua Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì và đi Bình Gia-Lạng Sơn. Đây là điều kiện thuận lợi, liên kết kinh tế Na Rì với các địa bàn phát triển khác, giúp huyện khai thác những thế mạnh của huyện.

2.1.1.2 Địa hình

Na Rì có địa hình hiểm trở, phức tạp, đồi núi cao chiếm tới 90% diện tích đất tự nhiên. Độ cao trung bình của huyện so với mực nước biển khoảng +500m, trong đó điểm cao nhất là núi Phia Ngoằm (xã Cư Lễ) cao +1.193m, điểm thấp nhất có độ cao +223 m

thuộc xã Cường Lợi. Nhiều dãy núi thuộc cánh cung Ngân Sơn đi qua địa bàn huyện có đỉnh cao trên 1000 m như đỉnh Cốc Xỏ (1.131 m), đỉnh Phia Ngoằn (1.193m). Các dãy núi đá trải dài trên hầu hết các địa bàn trong huyện là xã Kim Hỷ, Ân Tình, Lạng San, Lam Sơn, Hảo Nghĩa, Cư Lễ với độ dốc lớn hơn 20o. Tại nhiều nơi núi đá còn có độ dốc tới 60o với độ cao thay đổi từ 300-600 m. Khối núi đá vôi Kim Hỷ được đánh giá là loại địa hình kacxtơ trẻ với những đỉnh đá tai mèo, vách đứng, vực sâu, nhiều sông suối chảy ngầm, vô cùng hiểm trở.

Theo đặc điểm về địa hình, Na Rì giống như lòng chảo có đồi núi bao bọc xung quanh và thung lũng kéo dài ở giữa, dọc theo là con đường giao thông huyết mạch của huyện, qua các xã Côn Minh, Hảo Nghĩa, Cư Lễ, Lam Sơn, Kim Lư, thị trấn Yến Lạc, Lương Hạ và Cường Lợi. Đất nông nghiệp nằm dọc 2 bên triền sông suối, hình thành các cách đồng nhỏ phân bố rải rác ở cả 21 xã trong huyện.

2.1.1.3 Khí hậu, thủy văn

Nằm trong vùng miền núi Đông Bắc, khí hậu Na Rì chịu ảnh hưởng chung của khí hậu vùng này, được phân thành hai mùa rõ rệt:

Mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, lượng mưa rất thấp dao động trong khoảng 0,5-50 mm, nhiệt độ tương đối thấp. Na Rì thường xuyên phải hứng chịu những đợt gió mùa Đông Bắc gây ra các đợt rét sớm và rét đậm. Từ tháng 4 đến tháng 9 là thời kỳ gió mùa Đông Nam thổi và cũng là mùa mưa của địa bàn. Mùa này, tập trung khoảng 70-80% lượng mưa của cả năm. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình là thung lũng sâu, kín gió và bị án ngữ bởi khối núi đá vôi Kim Hỷ ở phía tây nên lượng mưa trung bình năm của huyện tương đối thấp chỉ khoảng 1.260 mm, là một trong những địa phương có mưa ít nhất của tỉnh Bắc Kạn. Lượng mưa đạt cao nhất của huyện là 1.842 mm (1971), còn thấp nhất là 808,5 mm (1962).

Nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 20-230C, tuy nhiên có những ngày nhiệt độ có thể lên đến 38-39oC. Độ ẩm trung bình khoảng 82%, thấp nhất là 10% và cao nhất lên đến 89%. Lượng nước bốc hơi bình quân năm là 71,8mm; khi cao nhất lên tới 111,4 mm; thấp nhất đạt 9,2 mm. Điều kiện khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, lượng bốc

hơi…) thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại cây trồng, nhất là các cây dược liệu và cây công nghiệp lâu năm.

2.1.1.4 Tài nguyên đất

Vùng đồi núi ở Na Rì được phát triển trên nền đá vôi, có hiện tượng háo nước. Thảm thực vật bao phủ bị tàn phá mạnh, nên xói mòn nghiêm trọng. Đất ở đây gồm có 3 nhóm chính, đất đỏ vàng trên đá phiến thạch sét chiếm tỷ trọng cao nhất 54,14% (50.416 ha); tiếp theo là đất đỏ nâu trên đá vôi 25,26% (23.518 ha) và đất vàng nhạt trên đá cát 3,95% (3.680 ha). Ngoài ra, còn có một số nhóm đất khác như đất phù sa sông suối 1,07% (994 ha)…[14].

Đất ở Na Rì có độ dốc tương đối lớn, đất có độ dốc trên 25o là 63.750 ha; đất có độ dốc từ 15o đến 25o

là 8448 ha; đất có độ dốc từ 8o đến 15o là 3296 ha; đất độ dốc từ 0o đến 8o là 3368 ha; đất dốc tụ là 104 ha.

2.1.1.5 Tài nguyên rừng

Na Rì có diện tích rừng lớn nhất so với các huyện, chiếm 19,5% tổng số diện tích rừng toàn tỉnh Bắc Kạn. Tài nguyên rừng của Na Rì khá phong phú. Ngoài gỗ, Na Rì còn có nhiều loại cây làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu giá trị kinh tế cao như trúc, tre, mai, bương, vầu, các loại cây cho dầu hay hương liệu như gụ hương, trẩu, quế, hồi và các loại cây dược liệu quý như xa nhân, hoàng liên. Theo kết quả điều tra, rừng Na Rì có hàng trăm loại cho gỗ, dược liệu nhiều loại đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Khu vực núi Kim Hỷ còn tồn tại nhiều loài thú, chim và các loại động vật quý hiếm khác.

Việc khai thác những lợi thế về tài nguyên rừng là hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế của huyện. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển tới, khi các quan hệ liên kết kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế trở nên mạnh mẽ và chặt chẽ hơn việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên chưa phải là giải pháp tốt nhất, nền kinh tế vẫn có thể phát triển nếu biết khai thác tốt những cơ hội phát triển từ bên ngoài.

2.1.1.6 Tài nguyên khoáng sản

Cùng với các huyện Chợ Đồn và Ngân Sơn, Na Rì là một trong những khu vực trọng điểm, tập trung nhiều khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn. Vàng có trữ trữ lượng hàng tấn

cấp P1 và hàng chục tấn cấp P2. Việc khai thác vàng chủ yếu bằng phương pháp thủ công hiện nay đang gây lãng phí về tài nguyên đồng thời kéo theo các vấn đề về ô nhiễm môi trường.

Nhìn chung, tài nguyên khoáng sản của Na Rì khá phong phú, nhưng trữ lượng công nghiệp không lớn (gồm các loại khoáng sản như: Đồng, Antimonan, Thuỷ ngân, Thiếc, đá xây dựng) Việc khai thác các loại tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện hiện nay thu hút không nhiều lao động, đóng góp không đáng kể cho ngân sách, nhưng lại đang làm cho hệ thống giao thông trong huyện bị xuống cấp, giảm tác dụng của các chương trình phát triển kinh tế xã hội của nhà nước đối với khu vực Miền Núi phía Bắc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện na rì, tỉnh bắc kạn (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)