Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hai thành phố loại 1 và loại 2 vừa được nhà nước công nhận, đã không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, làm cho bộ mặt đô thị thay đổi tích cực. Hình ảnh một đô thị du lịch khang trang, hiện đại dần định hình, trở nên hấp dẫn hơn trong mắt du khách. Nhiều dự án du lịch quy mô lớn, có tính đột phá trên địa bàn đã được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động như: Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel, Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Dragon Sea, One Opera Complex, Khu du lịch phức hợp The Grand Hồ Tràm…
Mạng lưới giao thông
Hiện tại du khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu bằng đường bộ, đường biển. Trong thời gian qua Tỉnh đã mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ tương đối đồng bộ với các quốc lộ 51, 55, 56, nhiều tỉnh lộ có chất lượng rất tốt; các đường ôtô đi đến trung tâm xã, đường liên huyện và các đường trục trong các đô thị đều được nâng cấp và nhựa hóa.
Để phá thế độc đạo Biên Hòa – Vũng Tàu chỉ có Quốc lộ 51, việc thúc đẩy đường Cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, đường Liên cảng Cái Mép - Thị Vải để đi qua cầu Phước An (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là giải pháp quan trọng. Do đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề xuất dùng nguồn lực của tỉnh một phần từ quỹ đất công bán đấu giá, huy động hình thức đầu tư BOT để đầu tư hai tuyến đường trên. Năm 2020, sẽ xúc tiến triển khai xây dựng các tuyến đường này
Trước năm 1975 tỉnh có nhiều sân bay quân sự nhỏ. Sau giải phóng phần lớn bị hư hỏng nặng không sử dụng được. Hiện nay chỉ có 2 sân bay phục vụ cho công việc vận chuyển hành khách và khai thác dầu khí là sân bay Vũng Tàu và sân bay
Cỏ Ống (Côn Đảo). Sân bay Vũng Tàu có đường băng dài 1.800 m và Cỏ Ống có đường băng dài 1.200 m.
Sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai sẽ là một nhân tố quan trọng nữa thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng cho Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đường sông với hơn 20 sông rạch có tổng chiều dài khoảng 200km, trong đó có 167 km có thể sử dụng cho vận tải đường sông. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy hoạch tổng thể có 69 dự án cảng, trong đó đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 48 dự án với công suất 141,5 triệu tấn/năm.
Tổng diện tích kho bãi chuyên dùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 2.312ha, đến nay đã có 20 dự án kho bãi, logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 224ha.
Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải cũng là cảng biển có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017 và là một trong 21 cảng trên thế giới có thể đón tàu đến 200.000 tấn, mở ra hướng đi mới cho ngành cảng biển Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập.
Hệ thống điện, nước
Nguồn điện dùng cho sinh hoạt và sản xuất của Tỉnh được đảm bảo cung cấp từ lưới điện quốc gia thông qua đường dây 500 KV bắc nam và Bà Rịa - Vũng Tàu có trung tâm điện lực Phú Mỹ với 5 nhà máy điện, hòa mạng quốc gia 40% sản lượng điện với tổng công suất khoảng 3.855 MW.
Trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện có 11 dự án điện mặt trời của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 397,4 MW, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.668 tỷ đồng, trong đó
5 dự án điện mặt trời (268MW) đang triển khai; 5 dự án (96,9MW) hiện đang triển khai các thủ tục đầu tư. Ngoài ra còn có 5 dự án điện mặt trời điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực với 204MWp, tổng mức đầu tư khoảng 5.553 tỷ đồng và 1 dự án điện gió với 102,6MW, mức đầu tư khoảng 4.725 tỷ đồng đã trình Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Toàn Tỉnh hiện có 7 nhà máy nước với tổng công suất khoảng 78.000m3 /ngày, đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh.
Hệ thống thông tin truyền thông
Hệ thống bưu chính viễn thông trên địa bàn Tỉnh phát triển khá nhanh và bố trí đều ở các huyện, thành phố. Theo thống kê năm 2001, toàn tỉnh có 1 bưu điện trung tâm, 6 bưu điện quận huyện, 36 bưu điện khu vực, tổng cộng 43 cơ sở. Từ Bà Rịa - Vũng Tàu, du khách có thể liên lạc trực tiếp với các nơi trong nước và quốc tế bằng các loại hình đa dịch vụ như Viba, Fax, telex, nhắn tin, Internet, truyền data, số liệu, Vinaphone, Mobiphone, Viettel, gọi đi quốc tế IDD,... Tuy nhiên, hiện nay giá cước điện thoại tại Việt Nam còn khá cao so với các nước trong khu vực châu Á và thế giới nên hạn chế sự phát triển ngành bưu chính viễn thông và gây ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác.
Mạng lưới chợ và siêu thị: bao gồm Trung tâm thương mại lớn tại
Bà Rịa, nhiều siêu thị tại Vũng Tàu Coop mak, Lotte Metro, 65 chợ và hàng loạt các cửa hàng, cửa hiệu ở thành phố, thị trấn.