2.3.2.1 Điều kiện tự nhiên
Bà Rịa - Vũng Tàu về phía Bắc giáp 3 huyện Long Thành, Long Khánh, Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai; Phía Tây giáp huyện Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh; Phía Đông giáp huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận; Phía Nam giáp Biển Đông. Ở vị trí địa lí này, tạo điều kiện cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một cửa ngõ, đầu cầu quan trọng của vùng kinh tế Nam Bộ hướng ra biển Đông, nằm trên đường giao lưu quốc tế đường hàng không, đường biển.
Lãnh thổ của Tỉnh bao gồm phần phía Đông của miền Đông Nam Bộ, trên phần đất liền có tọa độ địa lý là 10o05‘– 10o48‘ vĩ độ Bắc và 107o – 107o35‘ kinh độ
Đông. Đặc biệt, lãnh thổ của Tỉnh còn bao gồm cả quần đảo Côn Lôn (huyện Côn Đảo) ở phía Nam biển Đông cách Vũng Tàu 180km.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ, là một trong 7 tỉnh thành phố của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được xác định là vùng động lực và trên thực tế là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Bà Rịa - Vũng Tàu là một cực của tam giác tăng trưởng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam xác định Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch của cả nước, một địa bàn du lịch có vị trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống tuyến điểm du lịch Nam Trung Bộ - Nam Bộ nói riêng và của cả nước nói chung.
2.3.2.2 Điều kiện kinh tế - xã hội
Năm 2019, các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh đã có mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trừ dầu khí đạt 7,65%. Cụ thể, ngành công nghiệp trong năm 2019 tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp chủ đạo vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) đạt khoảng 275.246 tỷ đồng, tăng 9,12%; các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, lĩnh vực khai thác khoáng sản và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 9,8–9,9%; các sản phẩm công nghiệp mức tăng thấp nhất từ 1,4%, cao nhất đạt 69,92%,; trong đó sản xuất sắt, thép chiếm 35% tỷ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp, tăng trưởng 8,75%. Trong năm 2019, có thêm 15 dự án công nghiệp đi vào hoạt động ổn định, đóng góp thêm khoảng 35.000 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp.
Dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics tăng trưởng mạnh, doanh thu dịch vụ cảng khoảng 4.056 tỷ đồng, tăng 4,8%. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2019 ước đạt khoảng 71,1 triệu tấn, tăng 4,82%, đạt khoảng 52% tổng công suất
thiết kế của cảng đang hoạt động. Đến nay, đã có hơn 100 ha kho bãi logistics đi vào hoạt động trong các khu công nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch phát triển tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch đều đạt ở mức cao, chất lượng được cải thiện. Doanh thu dịch vụ lưu trú khoảng 5.362 tỷ đồng, tăng 17,85%; số lượng khách lưu trú khoảng 3,71 triệu lượt, tăng 19,68%, trong đó khách nước ngoài khoảng 500.000 lượt, tăng 17,92%.
Ngoài ra, đối với mức bán lẻ hàng hóa ước khoảng 45.246 tỷ đồng, tăng 13,98%; kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí ước khoảng 5,082 triệu USD, tăng 14,02%; giá trị sản xuất nông nghiệp ước khoảng 8.362 tỷ đồng, tăng 3,45%, ngư nghiệp ước khoảng 10.777 tỷ đồng, tăng 4,21%...
Tình hình y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ được cải thiện tốt. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi hơn. Thực hiện tốt chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân sự có trình độ cao công tác tại Tỉnh. Công tác an ninh - quốc phòng, trật tự xã hội được đảm bảo. Kết hợp chặt chẽ giữa an ninh với quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
2.4 Điểm mạnh, điểm yếu của ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Qua phân tích tiềm năng và thực trạng của ngành du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ở trên, ta có thể khái quát những điểm mạnh ngành du lịch Tỉnh đang có cũng như thấy được những điểm yếu chính đang tồn tại của ngành như sau: