e. Phân loại theo cấu trúc độ mặn
5.4 Các cửa sông ở Việt Nam
Trên suốt 3260 km đường bờ biển Việt Nam, trung bình cứ khoảng 20 km có một cửa sông có tên. Chính các cửa sông này đã làm cho bờ biển Việt Nam đầy biến động, vì ở đó luôn xảy ra sự tranh chấp giữa đất liền và biển cả. Sự phân bố các loại cửa sông dường như có một sự đối xứng tự nhiên: ở hai vùng Bắc Bộ và Nam Bộ đều có một cặp cửa sông estuary và cửa sông delta đi kèm nhau. Các cửa estuary ở Bắc Bộđổ vào vịnh Hạ Long và các cửa estuary ở Nam Bộ đổ vào vịnh Gềnh Rái đều là những vùng thắng cảnh, giao thông thủy và công nghiệp phát triển. Các cửa sông Delta ở Bắc Bộ là cửa Ba Lạt của sông Hồng, ở Nam Bộ là cửa sông Tiền, sông Hậu của dòng Mê Kông là hai vùng vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Trên bờ biển Miền Trung hầu hết là các loại cửa sông phẳng, có các doi cát chạy theo hướng Bắc-Nam thay đổi theo hướng gió mùa trong năm. Các cửa sông Miền Trung đều là trung tâm ngư nghiệp quan trọng.
Các cửa sông estuary
a. Các cửa sông đổ vào vịnh Hạ Long: Nằm ở rìa đồng bằng Bắc Bộ, đỉnh vùng nằm gần Kinh Môn, đáy từ Cát Bà sang bán đảo Đồ Sơn, ranh giới ngoài gần trùng với đường đẳng sâu 6 m. Các cửa sông chính của vùng là cửa Lạch Huyện (sông Chanh), cửa Nam Triệu (sông Bạch Đằng), cửa Cấm (sông Cấm, năm 1983 đã bị chặn lại bằng đập Đình Vũ), cửa sông Lạch Tray (sông Lạch Tray) (xem hình 5.9). Thủy triều tuân theo chếđộ nhật triều điển hình, biên độ cực đại đạt đến 4.5 m, tốc độ dòng triều trung bình là 30 ÷ 50 cm/s, cực đại tới 150 ÷ 180 cm/s. Thời gian triều rút xấp xỉ hoặc ngắn hơn 1 ÷ 2 giờ so với thời gian triều dâng, dòng triều thuận nghịch, elip triều rất đẹp. Khi có bão, sóng ở phía ngoài vùng cửa sông cao tới 3 m, phía trong tới 1 m. Khối nước vùng cửa cơ bản là lợ và lợ nhạt vào mùa mưa, lợ và lợ mặn vào mùa khô. Độ mặn trong năm thường dao động trong khoảng 5 ÷ 25 ‰. Khối nước lợ xâm nhập sâu vào lục địa tới 58 km. Vùng cửa sông này có cấu trúc nửa kín. Ngoài đảo Cát Bà chắn phía Đông Bắc, bán đảo Đồ Sơn chắn phía Tây Nam, còn các hệ đảo cát Phù Long, Long Vũ, Cát Hải chắn vùng cửa. Hệ thống lạch triều phát triển dày đặc.
Hình. 5.9. Cửa sông vùng Hải Phòng
Trước đây khoảng 7 ÷ 10 thế kỷ, vùng cửa sông này là bộ phận rìa của hệ thống châu thổ sông Hồng. Từ đó đến nay, biển lấn trở lại, vùng cửa bị ngậm chìm trong điều kiện thuỷ triều mạnh lên, bồi tích thiếu hụt nên đã chuyển thành cấu trúc vùng cửa sông hình phễu.
Có thể nói đây là trung tâm giao thông vận tải thuỷ lớn nhất miền Bắc. Cảng Hải Phòng nằm bên bờ phải sông Cấm, được xây dựng từ năm 1876. Từ năm 1963 đến 1981 cảng được xây dựng lại để trở thành cảng quốc tế tiếp nhận tàu 10.000 DWT và tăng khả năng thông qua lên hơn 3 triệu tấn/năm. Luồng tàu từ vùng nước sâu của vịnh Bắc Bộ đến cảng Hải Phòng dài 36 km đi qua bãi cát ngầm ở cửa Nam Triệu, sông Bạch Đằng, qua kênh Đình Vũ (đào năm 1911) để đi vào sông Cấm. Từ Hải Phòng, tàu thuỷ có thểđi về thành phố Hạ Long theo kênh Cái Tháp vượt ngang đảo Hà Nam đi qua vịnh Hạ Long. Từ Hải Phòng đi Hà Nội theo tuyến sông Đuống hoặc tuyến sông Luộc. Từ Hải Phòng có tuyến đường biển đi vào Nam và vượt đại dương đi ra thế giới. Trở ngại lớn nhất hiện nay là sự sa bồi nghiêm trọng ở đoạn luồng cửa Nam Triệu.
b. Các cửa sông đổ vào vịnh Gềnh Rái (hình 5.10)
Vịnh Gềnh Rái là một vịnh nông có độ sâu biến đổi từ vài mét đến 32 mét. Phía Đông vịnh giáp thành phố Vũng Tàu; phía Tây vịnh giáp huyện Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh; phía Bắc vịnh giáp đảo Long Sơn; cửa ra biển Đông ở phía Nam của vịnh.
Hình. 5.10. Cửa sông vịnh Gành Rái
Cũng như trường hợp các cửa sông estuary ở vịnh Hạ Long, yếu tố triều ở đây có ảnh hưởng rất lớn đến trường động lực toàn vùng. Thuỷ triều ở đây thuộc loại bán nhật triều không đều, biên độ triều đạt tới gần 4m. Độ lớn thuỷ triều trong các tháng 6, 7, 8 là lớn nhất phù hợp với thời kỳ gió Tây-Nam thịnh hành, hiệu ứng nước rút khá mạnh. Dòng triều trong khu vực vịnh Gềnh Rái thường đạt 100 cm/s và cực đại hơn 200 cm/s. Yếu tố dòng chảy sông có thể nói là không đáng kể.
Có 4 cửa sông lớn đổ vào vịnh: sông Dinh ở phía Đông là nơi tập trung nhiều cảng dịch vụ dầu khí (thành phố Vũng Tàu); cửa sông Ngã Bẩy của sông Lòng Tầu ở phía Tây, hiện là cửa ngõ của luồng tầu dưới 18.000 DWT vào cảng Sài Gòn; cửa Cái Mép ở phía Bắc là cửa ngõ vào vùng cảng nước sâu Thị Vải; cửa Soài Rạp của sông Đồng Nai ở phía Nam đang là đối tượng nghiên cứu cải tạo luồng để tầu trên 20.000 DWT vào được cụm cảng Sài Gòn.
Với điều kiện tự nhiên nhiều thuận lợi, vùng cửa sông này đúng là trung tâm giao thông vận tải thuỷ lớn nhất nước ta.
Các cửa sông vùng châu thổ (delta)
a. Cửa sông Hồng
Sau hội lưu ba dòng sông lớn sông Đà, sông Thao và sông Lô tại Việt Trì, sông Hồng chia ra nhiều chi lưu để thoát nước ra biển, trong đó có 4 cửa sông thoát nước trực tiếp ra biển là cửa sông Trà Lý (sông Trà Lý), cửa Ba Lạt (lạch chính sông Hồng), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ), cửa Đáy (sông Đáy và sông Đào).
Vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng bao chiếm một dải duyên hải chạy dài từ phía Nam cửa sông Thái Bình đến tận Nga Sơn và ăn sâu vào phía đất liền đến tận Hải Dương, Hưng Yên và Nam Định. Đây là vùng phù sa trẻ nhất trong toàn bộ các đất phù sa của sông Hồng, là tuyến xảy ra cuộc đấu tranh gay gắt nhất giữa biển và đất
liền, trong đó có nơi thì đất tiến ra biển, có nơi thì biển công phá những “thành tựu” mà đất dày công xây dựng hàng bao thế kỷ (xem hình 5.10 ).
Phù sa sông Hồng đổ ra cửa Ba Lạt và phù sa sông Thái Bình ở cửa Thái Bình chảy lan ra trên mặt biển tụ tập lại thành một dòng phù sa ven bờ, chảy ở ngoài khơi theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, đến đây thì có điều kiện để bồi tụ. Vì vậy mà rìa Đông
Nam của châu thổ Bắc Bộ tiến ra rất nhanh, mỗi năm được đến gần100m. Nếu so với tốc độ tiến ra biển của các châu thổ khác trên thế giới thì tốc độ bồi tụ chỉ kém có sông Mississippi ở Bắc Mỹ mà thôi (120m/năm), nhưng sự bồi tụ của châu thổ Mississippi được tiến hành theo kiểu chân vịt, không phải trên một diện rộng như Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.
Diện tích các bãi phù sa từ biển tính từ Ninh Bình đến Nam Đồ Sơn là khoảng 130 km2. Bờ biển loại này là rìa châu thổ có chỗđang bồi tụ, có chỗđang bị mài mòn (kiểu bờ mài mòn - bồi tụ). Nhân tố chủ yếu hình thành nên các bãi phù sa biển và bờ biển ở đây là sóng với tác dụng hỗ trợ của thuỷ triều. Thực vậy, mực chênh lệch của thuỷ triều ở đây chỉ vào khoảng 1,90 đến 2,40 m trong khi sóng lại rất lớn (lớn nhất có thể đến 4,5 m nhưở Văn Lý).
Cửa Ba Lạt là một cửa sông delta điển hình, trong đó yếu tố sông chiếm địa vị quan trọng, đặc biệt là dòng bùn cát của sông Hồng. Đảo chắn cửa là yếu tố hình thái đặc thù của cửa Ba Lạt, là sản phẩm của tác dụng tương hỗ giữa dòng chảy sông mang nhiều bùn cát và sóng bão trong mùa lũ.
b. Cửa sông Mêkông
Sông Mêkông là con sông lớn thứ 7 trên thế giới, dài 4.200 km, trong đó hơn 230 km ở địa phận Việt Nam là cửa sông đổ ra biển Đông. Vùng cửa sông Mêkông gọi là sông Cửu Long vì có 9 cửa đổ ra biển : 6 cửa của sông Tiền là cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiêu và cửa Cung Hầu; 3 cửa của sông Hậu là cửa
Định An, cửa Bassac và cửa Tranh Đề ( xem hình 5.11).
Cửa có giá trị vận tải thuỷ là cửa Định An. Cửa này đang được chỉnh trị, cải tạo để có thể đưa tầu từ 5000 ÷ 10.000 DWT vào cảng Cần Thơ - cảng lớn nhất miền Tây Nam Bộ.
Châu thổ sông Cửu Long ở Nam Bộ có diện tích 39.952 km2 (so với 15.000 km2 của châu thổ sông Hồng). Phần hạ lưu châu thổ được tính từ nơi hai sông Tiền và sông Hậu bắt đầu chia nhánh. Tại đây, ngoài những phần đất nổi nằm tiếp giáp với biển còn
cả phần châu thổ ngầm. Ở đây, các cồn cát duyên hải cao đến 5m đã trở thành những dạng địa hình quan trọng. Trên bề mặt đồng bằng thấp vào khoảng 1 ÷ 2 m, còn có những khu vực trũng thấp hơn 1m, ngập nước vào mùa mưa. Tuy nhiên, ven các cửa sông và bờ biển do tác động bồi đắp của thuỷ triều và sóng lại có những dải đất cao đến 3 m.
Đồng bằng hạ châu thổ thường xuyên chịu tác động của thuỷ triều và sóng biển: mực nước trong các cửa sông lên xuống rất nhanh, dòng sông hoạt động như một lạch triều khổng lồ. Cửa sông Mêkông vừa chịu ảnh hưởng chếđộ bán nhật triều không đều của vịnh Thái Lan, thông qua hệ thống kênh rạch dày đặc (mật độ 4 km/km2 nối liền các sông với nhau). Khác với sông Hồng, cửa sông Mêkông không có đảo chắn cửa ở xa bờ, mà tồn tại các đảo lớn nhỏở ngay trong các cửa sông, kết quả của sự hội tụ phù sa ở rìa “hoạt động“ của châu thổ trong cuộc tranh chấp không ngừng giữa sông và biển cả. Tất nhiên, dễ nhận thấy nhất là những đảo nhỏ, những "cù lao", những “cồn” như người ta thường gọi, chẳng hạn như cù lao Dài (Vĩnh Long), cù lao Nấm Thôn, cồn Bà Nở (Mỹ Tho), cù lao Cồn Cốc, cù lao Dung, cù lao Tròn, cù lao Nai (Sóc Trăng), v.v... Nhưng còn những đảo khổng lồ, mà đỉnh nằm ngay ở chỗ sông bắt đầu chia nhánh và đáy lồi ra tận phía biển, còn khó nhận thấy hơn. Thí dụ: tỉnh Bến Tre là do cù lao Bảo và cù lao Minh hợp lại mà thành, có sông Hàm Luông chảy ở giữa. Các tỉnh Trà Vinh-Vĩnh Long-Sa Đéc là một phần tỉnh Long Xuyên cũ chỉ là một cù lao cực lớn nằm giữa sông Tiền và sông Hậu.
Rõ ràng phần hoạt động nhất của châu thổ chỉ gồm toàn những đảo lớn được bao bọc bởi các sông chia nhánh ngày càng toả rộng ra phía biển.
Khác với châu thổ Bắc Bộ, những bãi phù sa biển ở hạ châu thổ sông Cửu Long không phát triển bao nhiêu. Điều đó có liên quan đến các dòng phù sa ven bờ, chúng không dừng tại các cửa sông mà đi tiếp về phía mũi Cà Mau để bồi đắp cho vùng giao giáp giữa biển Đông và vịnh Rạch Giá.
Các cửa sông phẳng miền Trung
Dọc theo chiều dài miền Trung là các cửa của các sông chảy từ dãy núi cao miền Tây theo hướng Đông ra biển. Hầu hết một sông chỉ có một cửa, và cũng gần như mỗi tỉnh chỉ có một cửa sông đáng kể : cửa Hới của sông Mã (Thanh Hoá); cửa Hội của sông Lam (Nghệ An); cửa Gianh của sông Gianh (Quảng Bình); cửa Việt của sông Thạch Hãn (Quảng Trị); cửa Thuận An của sông Hương (Thừa Thiên Huế); cửa Hội An của sông Thu Bồn (Quảng Nam); cửa sông Trà Khúc (Quảng Ngãi); cửa sông Đà Rằng (Phú Yên; cửa sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa); cửa Đông Hải của sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận).
Hình 5.13 Sóng triều trong sông
Các cửa sông miền Trung đổ ra biển có chếđộ triều chuyển tiếp từ nhật triều không đều sang bán nhật triều không đều với biên độ triều thấp dần, đạt cực tiểu (0.5 m) ở cửa Thuận An rồi lại lớn dần. Rõ ràng là ở miền Trung, yếu tố triều không đóng vai trò quan trọng bằng yếu tố sóng vì đây là vùng hoạt động phức tạp của các loại gió mùa và các cơn bão Thái Bình Dương. Dòng ven bờ do sóng và các yếu tố khác tạo thành các doi cát ngầm cửa sông. Nhìn chung, đường viền các cửa sông tạo với đường bờ một vệt thẳng, không lồi ra như kiểu cửa delta nhưng cũng không lõm vào như kiểu cửa estuary.
Các vùng cửa sông miền Trung thường được ngăn bởi dải cồn cát cao trên 10 m, thậm chí tới 50 ÷ 60 m như ở Quảng Bình. Một số nơi, trong dải cồn cát đó là bầu nước ngọt hoặc đầm phá (nước lợ) mà nổi tiếng là hệđầm phá Tam Giang-Cầu Hai ở Thừa Thiên Huế. Các cửa sông miền Trung đều cạn và không ổn định, gây nhiều khó khăn cho giao thông thủy. Hình 15.12 giới thiệu hình thái một số cửa sông miền Trung.