Sa mạc dạy ta nhiều bài học mới về nhìn và nghe. Cả hai giác quan này đều đã được cứu khỏi cảnh lộn xộn và được tái qui hướng về Chúa. Mắt và tai đều quay về cùng một hướng, nghĩa là cùng hướng về một điểm duy nhất.
Nhưng sa mạc đặc biệt chuẩn bị cho ta về thính giác. Ta được đặc ân thu nhận một tiếng nói vừa như một lời mời, một lệnh truyền, một tình bạn và một tình yêu cùng một lúc. Một tiếng nói làm vững mạnh sợi dây liên kết giữa ta và Chúa. Và sợi dây ấy càng lớn mạnh, ta càng dễ nhận ra tiếng nói của Chúa.
Người được yêu trong Diễm Ca đã đánh cá mọi sự trên giọng nói của người nàng yêu: ‘Tiếng ai văng vẳng! Đích thị người yêu em rồi!
kìa chàng đang tới, nhẩy nhót trên đồi, tung tăng trên núi.’ (Dc 2:8). Giọng nói ấy, dù rất nhỏ, cũng đã được thu nhận trong trái tim: ‘Tôi ngủ, nhưng lòng tôi chợt thức;
Và tôi nghe người yêu gõ cửa’ (Dc 5:2)
Khi nàng hỏi lính canh xem họ có thấy người yêu của nàng đâu không, nàng bị thất vọng. Vì mắt làm sao trả lời được câu hỏi ấy. Tốt hơn nên dựa vào hai tai:
‘Cho anh nghe với, hỡi nàng’ (Dc 8:13).
Ban đêm, chiên chắc chắn cảm thấy lạc mất mục tử. Nhưng sáng ra, chúng lại thấy ông, không phải nhờ trông thấy ông mà là nhờ nghe tiếng ông nói. Miết rồi, chiên và mục tử nhận ra nhau qua ‘phụng
40
vụ lời nói’. Ông gọi chiên từng con và dẫn chúng ra khỏi chuồng, đi đầu dẫn đường chúng đi. Và chiên theo ông vì chúng nhận biết tiếng ông (Ga 10:4). Như thế chính nhờ giọng nói của mục tử mà chiên phân biệt được ông với người lạ. Giọng nói đã bổ túc những gì mắt không thấy.
Vào buổi sáng Phục sinh đầu tiên, Maria Magđalêna, vì chỉ dựa vào thị giác, nên đã khóc sướt mướt vì thấy xác Thầy đã bị lấy mất:
‘Họ đã lấy xác Thầy tôi khỏi mồ và tôi không rõ họ để xác Thầy nơi mô’ (Ga 20:13). ‘Maria!’
‘Lạy Thầy!’
Đôi mắt đã không giúp nàng thấy Ngài. Chỉ giúp nàng nghĩ lầm Ngài là người làm vườn. Nhưng giọng nói không thể lầm được. Cái âm sắc của giọng nói vừa gọi đến tên nàng bỗng làm nàng nhận ra. Ta hãy can đảm theo chân Gioan Tẩy Giả vào sa mạc hoang vắng. Nơi đó, nhà chiêm niệm sẽ nhắm mắt lại, khước từ mọi hiểu biết do thị giác mang tới. Họ sống trong cái thinh lặng tự họ đặt để cho họ và tìm lại được giọng nói chân thực của mình và đáp lại tiếng nói của Chúa: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!’ (Kh 22:20).
Như thế, chính giọng nói mới là phương tiện chính để hiển linh, để tiếp xúc, để gặp gỡ và để chiếm hữu.