Trên thực tế, Lào và Campuchia đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống hải quan điện tử làm nền tảng triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia và Cơ chế Một cửa ASEAN. Theo đó, Cơ chế Một cửa ASEAN chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các nước thành viên đều triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia. Trong số 3 quốc gia này, thì hiện nay chỉ mới có Việt Nam là tổ chức triển khai một cách tương đối toàn diện và có kế hoạch tổng thể chi tiết cho Cơ chế Một cửa quốc gia còn các nước khác mới chỉ dừng ở mức triển khai hệ thống tự động hoá hải quan, thực hiện thủ tục hải quan phi giấy tờ qua phương thực điện tử. Do đó, với thời hạn đặt ra là năm 2020 kết nối hoàn toàn cơ chế Một cửa ASEAN đối với cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam, Lào và Campuchia được đánh giá là khó thực hiện được.
Để thực hiện và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ chế Một cửa quốc gia tại mỗi nước thành viên tiến tới cơ chế Một cửa ASEAN đòi hỏi mỗi nước thành viên phải thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp trên cơ sở xây dựng lại tiến độ một cách phù hợp đối với việc triển khai cơ chế Một cửa quốc gia tại mỗi nước thành viên.
Cụ thể, các cơ quan đầu mối trong việc xây dựng cơ chế Một cửa quốc gia tại các nước thành viên cần lên kế hoạch chi tiết, lộ trình cụ thể từng bước trong việc xây dựng và triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia tại mỗi nước thành viên. Bởi lẽ mục tiêu đến năm 2020 kết nối được hoàn toàn cơ chế Một cửa ASEAN là khó đạt được, vì vậy cả 3 quốc gia cần nhìn nhận lại những vấn đề vướng mắc, tồn tại để tìm cách tháo gỡ.
Theo đó, tác giả đề xuất lộ trình như sau:
Giai đoạn 1: Từ năm 2019-2022:
Giải pháp đầu tiên đối với các quốc gia là tiêu chuẩn hóa lại những dữ liệu và phương thức xử lý dữ liệu để việc kết nối được đồng bộ và thông suốt. Cụ thể, hiện nay, hệ thống thông quan của Lào và Campuchia là hệ thống ASYCUDA, trong khi đó Việt Nam đang sử dụng hệ thống thông quan tự động V-NACCS. Về
cơ bản, hai hệ thống trên được xây dựng theo những tiêu chí khác nhau, do vậy hệ quả của việc này là khi kết nối, Hải quan các nước vẫn phải dành nhiều thời gian trong việc xử lý dữ liệu, khai báo hải quan.
Với việc xây dựng lộ trình trong vòng 3 năm tới, các quốc gia sẽ có thời gian để rà soát lại hệ thống, đồng thời xây dựng lại những cơ sở dữ liệu và phương thức trao đổi dữ liệu phù hợp. Trên cơ sở dữ liệu được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, việc kết nối và trao đổi thông tin giữa các nước thành viên sẽ trở nên minh bạch, đồng bộ và nhanh chóng hơn.
Cụ thể, để triển khai được cơ chế Một cửa ASEAN tại các cửa khẩu đường bộ với Lào và Campuchia, ngoài phía Việt Nam nỗ lực thực hiện các phần việc để thực hiện Một cửa quốc gia đòi hỏi Lào và Campuchia phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia.
Trên cơ sở mỗi quan hệ hợp tác giữa hải quan Việt Nam với Lào và Campuchia đề xuất thành lập các tổ công tác để trao đổi thông tin và hỗ trợ trong quá trình triển khai Một cửa quốc gia tại mỗi nước, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn và những thành công trong quá trình thực hiện.
Khi tiến hành kết nối cơ chế Một cửa quốc gia với Một cửa ASEAN, đề xuất áp dụng tại các cửa khẩu đang triển khai cơ chế kiểm tra một điểm dừng và các cửa khẩu trọng điểm tại 13 tỉnh tham gia vào bản ghi nhớ tuyên bố chung về hợp tác tam giác phát triển CLV của ba nước Lào – Campuchia – Việt Nam vì tại những cửa khẩu này đã có sự đầu tư nhất định về cơ sở hạ tầng, quy trình thủ tục hải quan một điểm dừng đã được thông nhất giữa các nước cũng như có sự quan tâm của Lãnh đạo các cấp. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc thí điểm và triển khai cơ chế Một cửa ASEAN tại các cửa khẩu đường bộ với Lào và Campuchia.
Cùng nhau hợp tác để khẩn trương xem xét, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm tra một điểm dừng tại các cửa khẩu đang triển khai và các cửa khẩu trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về chính sách ưu đãi cho khu vực tam giác phát triển CLV để thu hút đầu tư, giao lưu thương mại. Điều này góp phần thúc đẩy cơ chế Một cửa quốc gia tại mỗi nước được đẩy nhanh và kết nối thành
công Một cửa ASEAN.
Giải pháp thứ 2, đó là: triển khai chi tiết các nội dung về mặt kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ trong khuôn khổ ASEAN, bao gồm:
- Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển mô hình dữ liệu ASEAN phiên bản 2.0 với các tài liệu chủ yếu là tờ khai hải quan và giấy chứng nhận xuất xứ.
- Hoàn thiện và phát triển các quy trình trao đổi thông tin đối với các tài liệu trong mô hình dữ liệu ASEAN trên môi trường Một cửa ASEAN.
- Tiếp tục hoàn thiện và phát triển cấu phần 1 (xây dựng kiến trúc kỹ thuật cho dự án thử nghiệm cơ chế Một cửa ASEAN) bao gồm một số chuẩn kỹ thuật như giao thức truyền thông, chuẩn thông điệp dữ liệu để phục vụ dự án thử nghiệm cơ chế Một cửa ASEAN cũng như nghiên cứu xây dựng các chuẩn kỹ thuật cho cơ chế Một cửa ASEAN.
- Nghiên cứu và xây dựng các chuẩn mực kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ xây dựng cơ chế Một cửa ASEAN.
Dự báo việc triển khai giải pháp thứ 2 này có thể sẽ ngắn hơn mốc thời gian 3 năm, bởi lẽ trên thực tế, các văn kiện liên quan tới việc phát triển mô hình dữ liệu ASEAN đều đã được công bố. Trong đó bao gồm các nội dung về mặt pháp lý, tăng cường năng lực và các vấn đề tài chính cho hệ thống thử nghiệm cơ chế Một cửa ASEAN, các chương trình tăng cường năng lực cho Hải quan các nước thành viên thông qua hội thảo trong khu vực.
Việc triển khai thành công nhóm giải pháp này sẽ tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng mô hình chung, kết nối đồng bộ cơ chế Một cửa ASEAN giữa các quốc gia thành viên.
Giai đoạn 2: Từ năm 2022-2025:
Giải pháp là thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân trong quá trình xây dựng và điều hành hệ thống. Lý do: cơ chế Một cửa là một mô hình hợp tác rất thiết thực giữa các cơ quan trong chính phủ cũng như giữa chính phủ và các doanh nghiệp. Vì vậy, đại diện của các cơ quan nhà nước và tư nhân cần
được mời tham gia vào tất cả các giai đoạn thực hiện dự án. Thành công cuối cùng của cơ chế Một cửa quốc gia sẽ phụ thuộc vào các bên tham gia để đảm bảo việc thúc đẩy xây dựng hệ thống và vận hành hệ thống hoạt động thường xuyên trong suốt quá trình thương mại.
Việc gây dựng quyết tâm từ các cơ quan chính phủ cũng như doanh nghiệp khi thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia sẽ là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh tiến độ và xoá bỏ những trở ngại trong quá trình thực hiện Cơ chế Một cửa quốc gia. Do đó đứng đầu cơ quan đầu mối xây dựng và thực hiện Cơ chế Một cửa quốc gia là cấp chính phủ có đầy đủ sức mạnh, nguồn lực, quyền hành để thực hiện và giám sát dự án qua các giai đoạn phát triển khác nhau.
Dự báo, nếu việc thiết lập này đạt được kỳ vọng như mong muốn, các nước thành viên có thể xây dựng nguồn dữ liệu khổng lồ và thông qua các vấn đề về chia sẻ thông tin qua biên giới, quyền và nghĩa vụ liên quan của các bên để tiếp cận, sử dụng thông tin liên quan đến quá trình thông quan hàng hoá, phương tiện vận tải.