8. Cấu trúc của luận văn
1.2.1. Cơ hội mở rộng thị trường
Đầu tư nước ngoài mang lại cơ hội cho doanh nghiệp cơ hội khai thác và mở rộng thị trường mới. Thị trường ở đây bao gồm cả thị trường kinh doanh, thị trường tiêu thụ và thị trường sản xuất. Trong giao lưu thương mại thì thị trường rộng lớn là cơ hội để các doanh nghiệp tăng doanh thu và lợi nhuận từ việc buôn bán, trao đổi các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Khi thị trường nội địa ngày càng trở nên bão hòa, thì việc tìm kiếm và mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường nước ngoài, tiếp cận đối tượng khách hàng mới là con đường tất yếu để đạt được lợi thế về quy mô, đặc biệt khi hàng rào kinh tế giữa các quốc gia đang dần được xóa bỏ dưới sự tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn triển khai các chiến lược kinh doanh quốc tế.
Theo John H. Dunning và Sarianna M. Lundan trong cuốn Multinational Enterprises and the Global Economy (2008), trong một số trường hợp, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài khi các nhà cung cấp hoặc khách hàng chính của họ cũng lựa chọn hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Alan S. Gutterman và Robert L. Brown trong cuốn Going Global: A Guide to Building an International Business (2011) cũng cho rằng quyết định đầu tư ra thị trường nước ngoài của một doanh nghiệp phản ánh nỗ lực bảo vệ nguồn khách hàng cũng như nguồn doanh thu hiện có bằng cách thiết lập hoạt động kinh doanh ở nơi gần hết mức có thể với các khách hàng lớn của họ. Ví dụ như doanh nghiệp sản xuất lốp ô tô Bridgestone (Nhật) đã
mở nhà máy tại Mỹ để dễ dàng cung cấp sản phẩm cho hai khách hàng chính của họ là Toyota và Honda khi hai tập đoàn này mở rộng phạm vi hoạt động sang Mỹ.
Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài là một phương thức tốt để tiếp cận nguồn khách hàng mới. Trên thực tế, trong quá trình thực hiện chiến lược duy trì hoặc giữ chân các khách hàng/nhà cung cấp lớn của mình như đã kể ở trên, doanh nghiệp lại có được cơ hội theo chân các khách hàng/nhà cung cấp đó tiếp cận các thị trường mới mẻ hơn. Ví dụ, khi hoạt động tại Mỹ, Bridgestone sẽ có được cơ hội không chỉ phục vụ cho Toyota và Honda mà còn có thể tiếp cận đến hàng nghìn, hàng vạn các công ty lắp ráp ô tô khác đang hoạt động tại thị trường Mỹ.
Gutterman (2011) cho rằng thông thường người dân bản địa có xu hướng thích tiêu dùng hàng hóa của các nhà sản xuất nội địa bởi họ thường tin rằng hàng hóa nội địa sẽ được giao nhận đúng giờ hơn, sẵn có hơn hay được bảo hành nhanh và dễ dàng hơn nếu bị lỗi. Do vậy khi thiết lập cơ sở hoạt động tại thị trường bản địa, gần gũi hơn với khách hàng, doanh nghiệp có thể giành được lợi thế tương đương với các nhà sản xuất trong nước và mở rộng được thị trường tiêu thụ của mình.
Theo Dunning (2008), làn sóng mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp xuyên biên giới trong các lĩnh vực dịch vụ nổi bật như kế toán, kiểm toán, luật và quảng cáo vào những năm 1980-1990 chủ yếu là nhằm vào mục đích tiếp cận và phục vụ lớp khách hàng mới tại các thị trường nước ngoài. Xu hướng này ngày càng được đẩy mạnh trong suốt thập kỷ 90 với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của các vụ M&A xuyên biên giới.
Từ cơ sở lý thuyết trên có thể đặt ra giả thuyết thứ nhất cho bài nghiên cứu là: Khi đầu tư vào khu vực Mỹ La tinh, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) có cơ hội mở rộng thị trường mới.