8. Cấu trúc của luận văn
2.2.5. Cơ hội nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh
Cũng tương tự như các thị trường khác, đầu tư vào thị trường Mỹ La tinh đã mang lại cho Viettel nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều cơ hội mới và một trong số đó là cơ hội nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh.
a. Cơ hội nâng cao uy tín
Với việc xây dựng thành công mạng viễn thông có hạ tầng lớn nhất Haiti chỉ trong 1 năm sau thảm họa động đất khủng khiếp, Viettel được cho là đã viết nên câu chuyện cổ tích thời đại mới, đồng thời nâng cao vị thế của bản thân doanh nghiệp nói riêng và vị thế của Việt Nam nói chung.
Đầu năm 2010, chỉ 3 ngày trước khi Viettel sang Haiti ký hợp đồng thành lập liên doanh về viễn thông, một trận động đất tồi tệ đã xảy ra và cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người Haiti. Tại thời điểm đó, không có ai tin là Viettel sẽ quay lại Haiti và thực hiện cam kết đầu tư bởi 90% các công trình lớn của nước này bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng rất nặng. 2 triệu người dân trở thành người vô gia cư, 80% dân số sống trong cảnh nghèo đói với thu nhập chưa tới 2 USD/ngày. Thêm vào đó là tình hình chính trị bất ổn, bạo động, biểu tình diễn ra thường xuyên, lạm phát cao, trộm cắp hoành hành… Có thể nói môi trường đầu tư của Haiti lúc đó vô
cùng bất lợi, do vậy đa số các doanh nghiệp nước ngoài đang tham gia đàm phán điều kiện đầu tư trước đó đều đã xin rút khỏi các dự án tại nước này.
Riêng với doanh nghiệp viễn thông Teleco, đơn vị mà Viettel sẽ mua 60% vốn để thành lập liên doanh, hơn 80% hạ tầng đã bị phá hủy hoàn toàn. Trước khi vụ động đất xảy ra, Teleco lỗ ít nhất 1 triệu USD/tháng và tình trạng này kéo dài từ năm 2001. Teleco chỉ có khoảng 40.000 thuê bao điện thoại cố định và đang giảm dần.
Mặc dù chưa từng có kinh nghiệm điều hành hoạt động kinh doanh quá xa với trụ sở chính cũng như kinh nghiệm đảm bảo công việc vận chuyển thiết bị cho một thị trường cách đến nửa vòng trái đất nhưng Viettel vẫn giữ nguyên kế hoạch đầu tư vào Haiti vì vẫn nhìn thấy rất nhiều cơ hội tiềm năng ở thị trường này, mặc dù đối với nhiều người thì đây là một bất ngờ lớn.
Nhờ có quyết định táo bạo của mình, Viettel đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng các doanh nghiệp viễn thông trên thế giới. Hãng Telecom TV One (Anh) đã bình luận về hoạt động tiếp quản Teleco và thành lập liên doanh Natcom của Viettel rằng: “Viettel bắt đầu đi trên con đường mà những nhà tư bản sợ phải đi!” trong khi đó, hãng tin AP (Mỹ) đã dành những lời nhận xét tích cực về Viettel như sau :"Quân đội Việt Nam sẽ trở thành vị cứu tinh cho ngành viễn thông ở Haiti". Đối với một doanh nghiệp lập chiến lược đầu tư nước ngoài để nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng thì quyết định đầu tư vào Haiti đã giúp Viettel đạt được kết quả thành công như mong muốn, không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn ra cả thị trường quốc tế. Đối với Nhà nước, Viettel được đánh giá cao bởi sự nỗ lực phấn đấu, đóng gớp vào việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Haiti. Đối với khách hàng trong nước, Viettel tạo được uy tín và củng cố niềm tin của khách hàng vào chất lượng dịch vụ cũng như khả năng kinh doanh của mình khi vừa đáp ứng được nhu cầu trong nước, vừa có khả năng đầu tư và hoạt động ở một thị trường đầy ắp những khó khăn. Đối với khách hàng tại Haiti, Viettel gần như đã làm thay đổi bộ mặt thị trường viễn thông nước này bằng mạng lưới phủ sóng gần như 100% và giá cả dịch vụ cạnh tranh, đồng thời tạo công ăn và việc làm cho hàng nghìn người dân bản địa.
b. Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh
Việc mở rộng hoạt động sang thị trường Mỹ La tinh đã mang lại cho Viettel cơ hội cạnh tranh với các nhà mạng hàng đầu trên thế giới đến từ các cường quốc công nghệ thông tin như Mỹ, Tây Ban Nha... Đây là kinh nghiệm mà trước đó, Viettel chưa từng có cơ hội ở bất cứ thị trường nào.
Việc khai trương dịch vụ viễn thông tại Haiti và đặc biệt là Peru, thị trường có hệ thống luật pháp chặt chẽ, minh bạch và kinh doanh chuyên nghiệp đã mang lại cho Viettel cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Tại thời điểm Viettel đầu tư vào Haiti, thị trường này có 3 nhà mạng lớn tham gia hoạt động là Digicel, Comcel/Voila và Haitel. Digicel là doanh nghiệp viễn thông Jamaica, thuộc quyền sở hữu của một doanh nhân người Ai-len. Digicel cũng là doanh nghiệp đầu tiên giành được giấy phép kinh doanh GSM tại Haiti vào tháng 6/2005 và chính thức khai trương dịch vụ tại thị trường này vào đầu năm 2006.
Comcel là một chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông Trilogy International Partners (Mỹ) và thường được biết đến với thương hiệu Voila. Comcel giành được quyền xây dựng, vận hành mạng viễn thông di động TDMA trên toàn lãnh thổ Haiti vào năm 1998 và chính thức khai trương dịch vụ tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti vào năm 1999. Lúc đó Comcel đã sở hữu khu vực phủ sóng rộng nhất Haiti. Tuy nhiên, đến năm 2012, Comcel đã được bán cho nhà mạng Digicel, từ đó kết thúc giai đoạn hoạt động độc lập trên thị trường.
Nhà mạng thứ ba có thể kể đến là Haitel, một công ty viễn thông hoạt động độc lập được sáng lập bởi một chuyên gia công nghệ người Mỹ - Haiti và cũng có mặt tại thị trường Haiti gần như đồng thời với nhà mạng Comcel. Tuy nhiên vào năm 2012 Haitel đã phá sản do nợ nần chồng chất và không thể trả lương cho nhân viên.
Như vậy, hiện nay ngoài thương hiệu Natcom mà Viettel đã phát triển, tại Haiti chỉ có nhà mạng Digicel đang hoạt động và cạnh tranh trực tiếp với Natcom.
Theo số liệu của GSMA Intelligence, giai đoạn năm 2009, thị phần của Digicel tại thị trường Haiti là 62%, tương đương 2,2 triệu thuê bao. Đến đầu năm 2010, do ảnh hưởng bởi hậu quả của trận động đất, lượng thuê bao của Digicel cũng giảm
tương ứng, đạt 2,1 triệu thuê bao, chiếm 21,6% tổng dân số. Từ năm 2013 trở đi (sau khi Natcom chính thức hoạt động được 2 năm), thị phần của Digicel bắt đầu giảm xuống còn 59,5% tương đương 4,4 triệu thuê bao.
Không gặt hái được thành công dễ dàng như ở thị trường Haiti, Viettel đã gặp phải muôn vàn khó khăn tại thị trường Peru. Trước khi đầu tư vào Peru, Viettel đã từng rất thành công tại các thị trường đang phát triển như Lào, Campuchia và Mozambique. Tuy nhiên, đại đa số các thị trường này đều được đánh giá là kém phát triển hơn Việt Nam hoặc thậm chí có thể nhận xét là các thị trường nghèo và là nơi mà những doanh nghiệp viễn thông lớn trên thế giới không muốn tới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Viettel bắt đầu có những bước chuyển dịch quan trọng trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn toàn cầu, lọt vào Top 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, Viettel buộc phải mở rộng quy mô, không dừng lại ở các nước kém phát triển hơn mà chủ động tiếp cận các quốc gia có trình độ phát triển tương đương Việt Nam hoặc thậm chí là cao hơn.
Peru là thị trường phát triển đầu tiên mà Viettel lựa chọn để kiểm nghiệm lại các mô hình kinh doanh của mình và thử nghiệm các cách làm mới mà trước đây chưa từng áp dụng. Đầu tư vào Peru, Viettel đã có cơ hội tiếp xúc với những đặc điểm thị trường tương đối mới mẻ (Như Quỳnh, 2015), cụ thể như sau:
Thứ nhất, đây là thị trường đầu tiên của Viettel có mức GDP bình quân đầu người cao gấp 3 lần Việt Nam và hơn hẳn các thị trường đã đầu tư khác, đồng thời tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động cũng đang bước vào ngưỡng bão hòa.
Thứ hai, môi trường cạnh tranh ở Peru rất sòng phẳng và khốc liệt. Ngoài Viettel, tại Peru hiện có 3 nhà mạng lớn khác đang hoạt động là Telefónica (thương hiệu Movistar), Entel (trước đây là Nextel) và América Móvil (thương hiệu Claro). Đây đều là những nhà mạng có tiềm lực tài chính mạnh, hoạt động lâu năm, nhiều kinh nghiệm quản lý cũng như kinh nghiệm truyền thông và liên kết dịch vụ để giữ thuê bao. Trước khi Viettel khai trương dịch vụ tại Peru, các nhà mạng này đã lập tức đầu tư 4G khắp Peru nhằm tạo lợi thế cạnh tranh so với Viettel.
Telefónica là doanh nghiệp viễn thông Tây Ban Nha. Đây là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đầu tư vào thị trường Peru, thông qua sự sáp nhập của 2 doanh nghiệp quốc doanh là Compañia Peruana de Teléfonos và Empresa Nacional de Telecomunicaciones vào năm 1994. Nextel (Mỹ) là nhà mạng nước ngoài thứ hai có mặt tại Peru vào năm 1998 và sau cùng là América Móvil, nhà mạng của Mexico vào năm 2005. Tại thời điểm giữa năm 2013, doanh nghiệp viễn thông của Chile là Entel cũng tham gia đấu thầu giấy phép kinh doanh mạng di động tại Peru nhưng lại thất bại nên sau đó đã mua lại Nextel với 400 triệu USD và đổi tên công ty.
Tại thời điểm Viettel đầu tư vào Peru, thị trường này đang được 2 nhà mạng lớn nhất là Telefónica và América Móvil thống trị. Năm 2010, thị phần của 2 nhà mạng này lần lượt là 54% với 12,5 triệu thuê bao di động và 41% với 9,7 triệu thuê bao di động. Đến năm 2012, mặc dù vẫn dẫn đầu thị trường Peru nhưng thị phần của Telefónica (Movistar) mất đi khoảng 2,5%, đạt mức 51,5% trong khi thị phần của América Móvil (Claro) tăng lên 43,2%. 2 nhà mạng này gần như cạnh tranh với nhau không chỉ trong tất cả các loại hình dịch vụ như điện thoại di động, điện thoại cố định và thậm chí cả truyền hình trả tiền mà còn cạnh tranh ở hầu hết các phân khúc thị trường.
Không chiếm ưu thế như 2 nhà mạng kể trên, Nextel hay chính là Entel sau này chỉ tập trung vào khai thác phân khúc khách hàng doanh nghiệp tại Peru với số lượng thuê bao nhỏ hơn. Mặc dù chỉ chiếm thị phần nhỏ (khoảng 5%-5,3%) nhưng khách hàng của Nextel lại có mức tiêu dùng trung bình (ARPU) gần như cao gấp đôi khách hàng của Movistar và Claro. Sau khi sáp nhập với Entel vào năm 2013, doanh nghiệp này đã định hướng lại chiến lược và quyết định đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD trong vòng 5 năm để mở rộng vùng phủ sóng.
Ngoài 3 nhà mạng chính nói trên, thị trường viễn thông Peru còn có sự tham gia của một số nhà mạng hoặc nhà cung cấp dịch vụ nhỏ như Olo và VelaTel. Olo đã bỏ ra 50 triệu USD để phát triển và cung cấp gói dịch vụ mobile internet trả trước, sử dụng công nghệ WiMAX và nhắm mục tiêu chủ yếu vào phân khúc khách hàng sống tại thủ đô Lima của Peru. Tương tự, vài năm trước đó VelaTel cũng đã kinh doanh gói dịch vụ internet không dây dựa trên công nghệ WiMAX dưới
thương hiệu GoMovil. Gần đây nhất, vào tháng 7/2016, doanh nghiệp Virgin Mobile Latin America đã thiết lập hoạt động tại Peru thông qua sự ra đời của Công ty Virgin Mobile Peru. Định hướng của doanh nghiệp này là phục vụ tập khách hàng trẻ bằng các gói data trả trước.
Thứ ba, hệ thống luật pháp của Peru khá chặt chẽ và phức tạp, các nguyên tắc, quy định về sản xuất kinh doanh đều ở mức chuyên nghiệp. Do thị trường đã bão hòa nên Peru đã triển khai chính sách chuyển mạng giữ nguyên số từ vài năm trước đó. Tất cả dữ liệu của nhà mạng được kết nối vào cơ quan quản lý, vì vậy cơ quan quản lý có thể giám sát rất chặt chẽ kể cả sự cố trên mạng lưới. Khi sự cố trên mạng lưới sau một thời gian nhất định không khắc phục xong, nhà mạng sẽ bị phạt rất nặng. Dữ liệu quản lý nhân sự của doanh nghiệp cũng được kết nối với Bộ Lao động và Bộ Tài chính. Vì vậy, chỉ cần chậm lương mấy ngày là lập tức có văn bản nhắc nhở, thậm chí là bị phạt tiền.
Thứ tư, hành vi tiêu dùng của khách hàng Peru cũng khác hoàn toàn với khách hàng tại các thị trường mà Viettel đã từng đầu tư. Ví dụ như người dân Peru không có thói quen nhận đồ cho không và coi đó là sự thiếu tôn trọng với khách hàng, do vậy Viettel đã không thể triển khai các chiến dịch bán hàng lan tỏa, chính sách tặng SIM miễn phí cho khách hàng.
Hoạt động trong một môi trường tương đối khắc nghiệt nói trên, Viettel đã buộc phải tìm ra các chính sách, chiến lược kinh doanh mới nhằm thích nghi với thị trường, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Peru là thị trường đầu tiên Viettel quyết định đầu tư thẳng công nghệ 3G, không có 2G vì nhận thấy đó là hướng đi phù hợp với xu thế thế giới và dựa vào thực tế là tại thời điểm đó nhu cầu sử dụng dịch vụ Mobile Internet của người dân Peru đang rất cao trong khi nhu cầu gọi điện thoại và nhắn tin SMS đã bão hòa với những gói cước không giới hạn.
Chiến lược của Viettel tại Peru là lấy mạng 3G hay dịch vụ Mobile Internet làm gốc và sẽ tạo ra hệ sinh thái các tiện tích tăng thêm để thu hút khách hàng như dịch vụ nhạc chờ, nhạc chuông, nhạc số, chat… Đây là các dịch vụ mà các nhà mạng đối thủ đang bỏ trống. Hầu hết các dịch vụ giá trị gia tăng hay ứng dụng cho thiết bị
cầm tay tại Peru đều kém phát triển và có cước phí rất cao. Do vậy Viettel hoàn toàn có cơ hội tạo ra sự khác biệt khi đầu tư mạnh vào phát triển các sản phẩm này.
Bên cạnh đó, Peru cũng là thị trường đầu tiên mà Viettel đầu tư triển khai thương mại điện tử; cửa hàng đa dịch vụ quy mô lớn; thay đổi chất lượng cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng để người dân không phải xếp hàng như ở các nhà mạng khác… Viettel cũng xã hội hóa việc bán hàng, khuyến khích người thân của cán bộ, nhân viên cùng tham gia bán hàng để tạo không khí sôi nổi và góp phần lan tỏa hình ảnh thương hiệu Bitel.
Kết luận:
Từ những ví dụ chứng minh nói trên, có thể kết luận rằng việc đầu tư vào thị trường Mỹ La tinh đã mang lại cho Viettel cơ hội nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho những chiến lược đầu tư nước ngoài lớn hơn trong tương lai. Rút kinh nghiệm từ những thất bại đã trải qua trong quá trình hoạt động tại thị trường Mỹ La tinh, cùng với những thay đổi tích cực, từ cách giao tiếp, chăm sóc từng khách hàng là nhỏ nhất cho đến việc triển khai những chính sách kinh doanh sản phẩm dịch vụ lớn để cạnh tranh với các đối thủ mạnh, Viettel đang từng bước hoàn thiện công nghệ cũng như năng lực điều hành quản lý, xây dựng, vận hành và khai thác mạng lưới kỹ thuật và kinh doanh trong điều kiện cách xa bộ chỉ huy trung tâm, từ đó tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để trở thành một nhà đầu tư quốc tế chuyên nghiệp, một công ty đa quốc gia và toàn cầu.
CHƯƠNG 3: BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIETTEL VÀ CÁC DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG KHÁC KHI ĐẦU TƯ RA THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI
Trong một vài năm gần đây, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 10 năm, Viettel đã có mặt tại 10 thị trường với 10 công ty thuộc quyền sở hữu và 2 văn phòng đại diện. Tại thị trường Mỹ La tinh, Viettel sẽ không chỉ dừng lại ở hai thị trường Haiti và Peru mà sẽ tiếp tục lên kế hoạch tiến vào các thị trường lớn hơn trong khu vực như Brazil, Argentina hay Chile trong tương lai gần. Từ quá trình đầu tư của Viettel tại Haiti và Peru (bắt đầu từ năm 2011), chúng ta có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá cho