Tổng quan về Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội phát triển của tập đoàn viễn thông quân đội (viettel) tại thị trường mỹ latinh trong bối cảnh toàn cầu hoá (Trang 34)

8. Cấu trúc của luận văn

2.1. Tổng quan về Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)

2.1.1. Giới thiệu chung

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp kinh tế quốc phòng 100% vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng thực hiện quyền chủ sở hữu. Viettel được thành lập vào ngày 1 tháng 6 năm 1989 theo Quyết định số 58/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng với hai nhiệm vụ chính là phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế.

Quá trình hình thành và phát triển của Viettel có thể được tóm tắt như sau: - Năm 1989, Tổng Công ty Điện tử Thiết bị Thông tin (SIGELCO), tiền thân của Viettel được thành lập trên cơ sở sáp nhập 03 doanh nghiệp là Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội, Công ty Điện tử và Thiết bị Thông tin 1, Công ty Điện tử và Thiết bị Thông tin 2.

- Năm 1995, Tổng Công ty Điện tử Thiết bị Thông tin được đổi tên thành Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (tên giao dịch là Viettel), trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thứ hai tại Việt Nam và cũng là doanh nghiệp duy nhất được cấp giấy phép kinh doanh đầy đủ các dịch vụ viễn thông trong nước.

- Năm 2000, Viettel chính thức tham gia thị trường viễn thông Việt Nam, phá thế độc quyền của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) bằng giấy phép cung cấp thử nghiệm dịch vụ điện thoại đường dài sử dụng công nghệ VoIP với thương hiệu 178.

- Từ năm 2001-2003, Viettel chính thức cung cấp rộng rãi dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế sử dụng công nghệ mới VoIP, thực hiện phổ cập điện thoại cố định đến tất cả các vùng miền trong cả nước, đồng thời bắt đầu lắp đặt mạng lưới điện thoại di động.

- Năm 2004, Viettel chính thức cung cấp dịch vụ điện thoại di động với dải đầu số 098.

- Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổng Công ty Viễn thông Quân đội trực thuộc Bộ Quốc Phòng.

- Từ năm 2006 đến năm 2010, Viettel triển khai thống nhất nguồn nhân lực và các chiến lược kinh doanh viễn thông tập trung vào 03 lĩnh vực chính là dịch vụ cố định, di động và Internet, đặc biệt là mạng di động 3G; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tự nghiên cứu sáng tạo với quyết định thành lập Công ty Công nghệ Viettel (nay là Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel). Trong giai đoạn này, Viettel bắt đầu triển khai hoạt động đầu tư ra các thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Haiti và Mozambique.

- Năm 2010, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội được chuyển đổi thành Tập đoàn Viễn thông Quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng.

- Từ năm 2011 đến nay, Viettel tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh tại tất cả các thị trường đang đầu tư. Về hoạt động nghiên cứu sản xuất, Viettel đã sở hữu được dây chuyền sản xuất thiết bị viễn thông hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Từ đầu năm 2016, Viettel bắt đầu triển khai thử nghiệm công nghệ mạng di động 4G tại một số tỉnh thành như Hà Nội, Vũng Tàu và kể từ năm 2017 Viettel đã chính thức kinh doanh mạng 4G trên toàn quốc.

Hiện nay Viettel là tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, được đánh giá là một trong những công ty viễn thông có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và nằm trong Top 5 Thương hiệu viễn thông hiệu quả nhất khu vực Đông Nam Á, Top 15 các công ty viễn thông toàn cầu về số lượng thuê bao với hơn 90 triệu khách hàng trên toàn thế giới.

2.1.2. Ngành nghề kinh doanh chính

Một số ngành nghề kinh doanh chính của Viettel có thể kể đến như sau:

- Cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông trong nước và quốc tế (bao gồm các dịch vụ điện thoại di động, điện thoại cố định, Internet, VoIP, truyền hình, cho thuê kênh, dịch vụ chuyển phát..).

- Phát triển các sản phẩm phần mềm trong lĩnh vực điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, Internet.

- Sản xuất, lắp ráp, sửa chữa và kinh doanh thiết bị điện, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị thu phát vô tuyến điện.

- Khảo sát, lập dự án, thiết kế và xây dựng công trình bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, dự án phát thanh và truyền hình.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, địa ốc, khách sạn, du lịch, kho bãi, vận chuyển.

- Xuất nhập khẩu các thiết bị điện tử viễn thông.

- Dịch vụ cung cấp thông tin về văn hóa, xã hội, kinh tế trên mạng Internet và mạng viễn thông.

- Sản xuất bột giấy, giấy và bìa; in ấn và các sản phẩm dịch vụ liên quan đến in ấn.

2.1.3. Sơ lược về hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel

Việt Nam hiện có 5 nhà cung ứng dịch vụ mạng viễn thông di động, bao gồm Viettel, VinaPhone (thuộc tập đoàn VNPT), MobiFone, Vietnamobile và Gmobile. Trong đó có 3 doanh nghiệp viễn thông đã triển khai các hoạt động tại thị trường nước ngoài là Viettel, Vinaphone và Mobifone. Viettel chính là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài từ năm 2006. Áp dụng chiến lược tập trung đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng mạng di động mới tại nước sở tại, tính cho đến nay, Viettel đã có mặt tại 10 thị trường với lộ trình phát triển như sau:

- Trong năm 2009, Viettel chính thức khai trương 2 thương hiệu di động tại 2 thị trường gần với Việt Nam nhất là Campuchia và Lào với tên gọi lần lượt là Metfone và Unitel.

- Từ năm 2011 đến năm 2013, Viettel liên tiếp cho ra đời thương hiệu di động Natcom tại thị trường Haiti, Movitel tại thị trường Mozambique và Telemor tại thị trường Đông Timor.

- Năm 2014, Viettel tiếp tục đánh dấu sự mở rộng thị trường của mình ra nước ngoài bằng việc khai trương dịch vụ di động với thương hiệu Bitel tại thị trường Peru và triển khai bán hàng cho thương hiệu Nexttel tại thị trường

Cameroon. Cũng trong năm này, hai thị trường châu Phi khác là Tanzania và Burundi đã được cấp giấy phép và nằm trong giai đoạn xây dựng hạ tầng. Chỉ 1 năm sau đó, Viettel cũng chính thức khai trương mạng di động tại 2 thị trường này với thương hiệu Lumitel tại Burundi và Halotel tại Tanzania.

- Năm 2016, Viettel đã chính thức ký kết hợp đồng liên doanh với hai đối tác Myanmar National Telecom Holding Public Limited (MNTH) và Star High Public Company Limited (Star High) để xây dựng mạng di động Mytel tại thị trường Myanmar. Tổng vốn đầu tư của liên doanh là 2 tỷ USD, trong đó Viettel nắm giữ 49% cổ phần, hai đối tác Star High và MNTH chiếm lần lượt là 28% và 23%. Đầu năm 2017, Viettel đã nhận được giấy phép đầu tư dịch vụ viễn thông từ Chính phủ Myanmar và đặt mục tiêu sẽ khai trương thương hiệu Mytel sau 12 tháng.

Có thể nói rằng đầu tư ra nước ngoài là một trong những chiến lược quan trọng nhất của Viettel. Tính đến cuối năm 2016, Viettel đã có mặt tại 10 thị trường với hơn 35 triệu khách hàng và nằm trong nhóm 30 tập đoàn viễn thông có lượng khách hàng lớn nhất thế giới. Trong vòng 10 năm tới, Viettel đặt mục tiêu sẽ nhận được từ 20 đến 25 giấy phép đầu tư mạng viễn thông ở nước ngoài, với thị trường có tổng số dân từ 500 đến 600 triệu dân và lọt vào nhóm 10 tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới.

2.2. Phân tích cơ hội phát triển của Viettel tại thị trường Mỹ La tinh 2.2.1. Cơ hội mở rộng thị trường

Bối cảnh đầu tư ra thị trường nước ngoài của Viettel:

Năm 2006 là thời điểm Tập đoàn Viễn thông Quân đội bắt đầu những bước đi đầu tiên trong hành trình đầu tư ra nước ngoài. Đây cũng chính là thời điểm thị trường viễn thông trong nước bùng nổ với sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà mạng. Theo các số liệu của Hiệp hội Thông tin Di động toàn cầu GSMA Intelligence, tốc độ tăng trưởng thuê bao Viettel năm 2006 đạt 279% so với năm trước đó; thị phần tăng mạnh từ 17,3% lên 31,7% và mức tiêu dùng trung bình/thuê bao (Arpu) đạt mức tương đối cao là 10,3 USD/tháng, tương đương với khoảng 205.810 VNĐ/tháng.

Từ năm 2009, tốc độ tăng trưởng thuê bao của Viettel có dấu hiệu chậm dần. Trong giai đoạn 2009-2012, trung bình mỗi năm lượng khách hàng của Viettel tại thị trường trong nước chỉ tăng thêm khoảng 22%; thị phần mỗi năm cũng chỉ giành thêm được khoảng 2%; và Arpu của thuê bao Viettel đã giảm xuống còn trung bình 5,66 USD/tháng, tương đương 113.215 VNĐ/tháng. Dường như dự đoán trước được việc thị trường trong nước sẽ bão hòa nhanh chóng, Viettel đã lên kế hoạch thiết lập hoạt động tại một số thị trường nước ngoài để mở rộng nguồn khách hàng của mình. Tính đến năm 2009, Viettel đã sở hữu 2 thương hiệu viễn thông tại khu vực Đông Nam Á là Metfone (tại Campuchia) và Unitel (tại Lào), nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường nước sở tại với tổng số 3,3 triệu thuê bao. Tín hiệu thành công của Viettel tại khu vực Đông Nam Á trở thành động lực để Viettel đưa các nước thuộc khu vực Châu Phi và Mỹ La tinh vào chiến lược phát triển tập khách hàng mới.

Những điều kiện thuận lợi của thị trường Mỹ La tinh:

Sự tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định:

Trong vài năm gần đây, Mỹ La tinh là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trên thế giới. Theo số liệu của World Bank, trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của khu vực Mỹ La tinh đạt khoảng 3,1%/năm. Tổng sản phẩm quốc nội năm 2015 đạt 5,3 nghìn tỷ USD, cao gấp 2 lần so với con số này tại thời điểm năm 2005 (2,8 nghìn tỷ USD). Tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức tương đối thấp và không có quá nhiều biến động, trung bình mỗi năm đạt 4,3%. Năm 2015 đã giảm xuống còn 2,9%. Sự tăng trưởng kinh tế của khu vực này chủ yếu được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính. Thứ nhất là sự phát triển bùng nổ của các ngành hàng sản xuất, hàng hóa được sản xuất nhiều để phục vụ xuất khẩu, tạo ra lượng tiền mặt dư thừa trên thị trường và cho phép chính phủ cũng như các ngành tư nhân tại khu vực Mỹ Latinh tăng nhu cầu tiêu dùng và đầu tư. Thứ hai là xu hướng cải cách tổ chức và tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Và cuối cùng là sự phát triển của tầng lớp trung lưu và dân số trẻ tại nhiều nước. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và tương đối ổn định của Mỹ La tinh là yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư vốn tư

nhân và đầu tư vốn liên doanh, những người đã đổ nhiều lượng vốn lớn đáng kể vào khu vực này (Financier Worldwide, 2014).

Tại Mỹ La tinh, Viettel đã lựa chọn 2 thị trường Haiti và Peru để đầu tư. Nhìn chung, bản thân 2 thị trường này đều có những đặc điểm kinh tế tương đối thuận lợi giúp mang lại nguồn khách hàng mới cho Viettel.

Haiti là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại bán cầu Tây. Mặc dù luôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, động đất nhưng trong những năm gần đây, nền kinh tế của Haiti đang có dấu hiệu phục hồi từ sau thảm họa động đất năm 2010. Theo số liệu của World Bank, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 đạt 5,5%; năm 2013 đạt 4,2%. Tuy rằng đang có xu hướng đi xuống nhưng vẫn đạt mức 1,2% vào năm 2015. Tỷ lệ lạm phát đã giảm dần trong giai đoạn 2011 đến 2014, nhưng đến năm 2015 lại tăng mạnh lên mức 9%, là mức cao nhất kể từ sau khi Haiti phải đối mặt với thảm họa động đất năm 2010.

Hiện tại, Chính phủ Haiti vẫn tiếp tục triển khai các kế hoạch để thu hút đầu tư nước ngoài như tập trung tăng cường quản lý Nhà nước, xây dựng lại cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng, cải cách luật pháp và cơ cấu, đồng thời cải thiện môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển lĩnh vực tư nhân. Nhờ đó, mức độ đầu tư tư nhân tại Haiti cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế đang ngày càng tăng cao, hứa hẹn sẽ đáp ứng được kỳ vọng của người dân nhờ quá trình phát triển năng động. Trong nhiều ngành kinh tế từ nông nghiệp cho đến sản xuất công nghệ cao, Haiti đều cho thấy khả năng đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp hàng đầu. Những doanh nghiệp này nhờ đã gặt hái được một số thành công nhất định nên đã tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động, đồng thời cũng có những ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân địa phương và tăng cường phát triển thương hiệu của mình tại thị trường bản địa. Hơn nữa, do tại khu vực Mỹ La tinh hiện cũng không có nhiều thị trường phát triển nên Haiti trở thành một thị trường hấp dẫn để đầu tư và hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, Peru là một trong những nền kinh tế đóng vai trò quan trọng nhất tại khu vực Mỹ La tinh. Bên cạnh những đặc điểm nổi bật như khí hậu đa dạng,

khu vực biên giới rộng lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, dân số có trình độ học vấn và kỹ năng cao, Peru được xem là một trong những thị trường mới nổi hàng đầu trên thế giới, với nền kinh tế ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm luôn được giữ ở mức trung bình 5,6% trong vòng 14 năm gần đây, năng suất lao động và năng lực kinh doanh của người dân đạt mức cao, tỷ giá hối đoái ổn định, lạm phát thấp. Trên thực tế, trong vòng 15 năm qua, tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm của Peru ở mức thấp nhất khu vực Mỹ La tinh, đạt khoảng 2,5%, thấp hơn tỷ lệ lạm phát của Chile (2,9%), Colombia (4,6%) và Brazil (6%). Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức ấn tượng, với xấp xỉ 5,8% vào năm 2013, 2,4% vào năm 2014 và 3,3% năm 2015, đưa Peru trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và có mức thu nhập từ trung bình lên trên mức trung bình. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng đã giúp cho tỷ lệ nghèo đói của Peru giảm gần 18% trong vòng 7 năm, tương đương với 21,8% tổng dân số Peru tại thời điểm năm 2015 (World Bank).

Hiện tại Peru đang nằm trong nhóm các nước đứng đầu khu vực Mỹ La tinh về môi trường kinh tế vĩ mô, quy mô thị trường, sự phát triển của thị trường tài chính, hiệu quả của thị trường lao động và thị trường hàng hóa. Theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016-2017, Peru xếp thứ 67 với số điểm là 4,23, tăng 2 bậc so với xếp hạng trong Báo cáo của năm trước đó. Xét riêng về môi trường kinh tế vĩ mô, Peru đạt 5,44 điểm, xếp thứ 33 trên tổng số 138 nền kinh tế trên thế giới. Về quy mô thị trường, Peru đạt 4,4 điểm, xếp thứ 48. Về mức độ phát triển của thị trường tài chính, đạt 4,75 điểm, xếp thứ 26. Về hiệu quả của thị trường lao động, đạt 4,34 điểm, xếp thứ 61. Về hiệu quả của thị trường hàng hóa, đạt 4,37 điểm, xếp thứ 65 (World Economic Forum, 2016). Những yếu tố này đã giúp cho Peru trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Viettel.

Quy mô thị trường rộng lớn, cơ cấu dân số trẻ và có mức thu nhập trung bình trở lên:

Một trong những điều kiện thuận lợi nổi bật của khu vực Mỹ La tinh là quy mô thị trường lớn với khoảng 633 triệu người, trong đó Brazil và Mexico là hai thị

trường lớn nhất trong khu vực với dân số lần lượt vào khoảng 208 triệu người và 127 triệu người tính cho đến hết năm 2015. Một số nền kinh tế năng động nằm trong khu vực xung quanh dãy Andes như Peru, Chile và Colombia cũng có thị trường nội địa tương đối rộng lớn với tổng dân số khoảng 97,4 triệu người, tạo ra

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội phát triển của tập đoàn viễn thông quân đội (viettel) tại thị trường mỹ latinh trong bối cảnh toàn cầu hoá (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)